Phần 68
Reenggggg… Renggggg…
Những tiếng chuông báo thức oan nghiệt lại reo vang một lần nữa khiến trái tim cô độc và tổn thương của tôi cảm thấy… ức chế hơn bao giờ hết. Thay vì với tay đập mạnh lên cái nút to tướng ở trên đầu cái đồng hồ báo thức để nó im miệng lại, tôi bực mình quơ tay đánh “rầm” một phát, kết quả là đồng hồ còn nguyên, còn thứ bị vỡ chắc là… mũi của tôi:
– Má á á á á á á á á, đau quá á á á á á!!!
Nghe tiếng tôi hét thất thanh, mẹ tôi vội vã chạy vào kiểm tra:
– Thằng hâm này, mày bị dở à? Sáng sớm gào thét gì vậy con?
Tôi vừa kịp định thần lại ngay sau khi mẹ tôi lấy cán chổi quất vào mông tôi một cú rõ đau:
– Ái, đau, sao mẹ đánh con? – Tôi nhăn nhó…
– Dậy đi, tới giờ học rồi phải không, cút xuống dưới ăn sáng đi kìa, tao mua bún bò rồi đấy!
Uể oải vươn mình đứng dậy, tôi loạng choạng sực nhớ ra, dường như mình đã mất đi một thứ quen thuộc, một người mà tôi yêu thương nhất trên đời vào tối qua, vậy mà đến sáng hôm nay, tôi lại phải tiếp tục đi học, một mình, mà không có bóng dáng thân quen của người đó ở bên cạnh, thật là buồn tủi và đau đớn biết bao:
– Dạ… giờ con xuống nè mẹ!
Mẹ tôi nhìn bộ dạng thất thần của thằng con trai quý tử mà lắc đầu ngao ngán:
– Thôi, mày ráng lên đi con, dù gì bé My nó cũng đi rồi, buồn mãi để mà làm gì, rồi nó sẽ về, yên tâm!
Tôi biết những lời mẹ nói chỉ là lời an ủi dành cho tôi trong những giờ phút khó khăn như thế này, mặc dù biết đó là những lời không thực tế, nhưng chẳng hiểu sao, ngay bây giờ đây, tôi chỉ muốn nghe những lời an ủi như vậy mà thôi, chẳng cần gì nhiều, có lẽ vì tôi đang mong muốn có được sự đồng cảm của mọi người:
– Dạ, con biết rồi, mẹ đừng lo.
Tôi nói mẹ đừng lo, nhưng quả thực thì đó cũng là câu tôi tự muốn nhắn nhủ với bản thân mình, rằng đừng quá lo lắng, Uyển My đi rồi nàng sẽ trở về, vì nàng đã hứa với tôi rồi mà, nàng còn phải trở về để tôi có cơ hội… hỏi cưới nàng chứ, chúng tôi vẫn còn chưa được chính thức ở bên nhau kia mà.
Sáng hôm ấy, một buổi sáng trời trong xanh, mây trắng, nắng vàng, gió đưa mát rượi vang vọng lên tiếng ríu rít của những chú chim đầu ngày tạo nên một cảnh giác khoan khoái và dễ chịu. Thế nhưng đó là cảnh vật bên ngoài, còn trong lòng tôi lúc này mặc dù đã cố gắng suy nghĩ tích cực hơn nhưng tất cả vẫn chỉ là bão táp mưa sa. Tôi nhai trệu trạo mấy cọng bún bò cay xè lưỡi vì bỏ quá nhiều sa tế, chẳng mấy chốc, mặt mũi tôi đã đỏ au, nước mắt nước mũi tèm lem vì cay, mẹ còn tưởng tôi nhớ Uyển My quá nên vừa ăn vừa khóc, thật là tội nghiệp bà.
Ăn uống tạm thời xong xuôi, tôi lại tiếp tục thất thểu xách xe đến trường. Dù rằng đã chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước, thế nhưng tim tôi vẫn không thể ngưng quặn thắt lại khi vừa bước vào lớp, cả đám đã trao cho tôi một ánh nhìn đầy thương cảm và không kém phần… thương hại. Tụi nó dĩ nhiên là biết việc Uyển My đã rời xa tôi, rời xa lớp học thân thương này, rời xa luôn cả những câu chuyện xích mích đầy thị phi giữa tôi và đám lâu la còn lại. Tất cả giờ đây chỉ còn mỗi mình tôi, lạc lõng nơi chốn này, nhìn về chỗ ngồi mà tôi và nàng vẫn thường xuyên trò chuyện cả buổi, giờ đây, đã chẳng còn gì nữa:
– Mọi người ơi Linh có một thông báo nha!
Tôi chẳng buồn ngước mặt lên trong khi Ái Quyên đang vỗ vai tôi an ủi ở bên cạnh:
– Theo như thông tin mình mới nhận được từ thầy Hoàng Anh thì chị/bạn Uyển My sẽ không tiếp tục đi cùng với tụi mình nữa.
Một số đứa vô tâm không biết vẫn hỏi vặn lại:
– Ủa sao vậy Linh?
– À, chị Uyển My theo gia đình đi nước ngoài nhé mọi người, còn để làm gì thì Linh cũng không rõ.
– Uầy, tiếc quá, đại mỹ nhân của lớp đã ra đi.
– Ái chà, vậy là hết được xem hỗn chiến rồi.
– Tao đang định ngư ông đắc lợi thì, tiếc thật.
Dĩ nhiên với tình hình hiện tại, cũng có vài đứa liếc nhìn sang phía tôi, thấy tôi gục mặt hẳn xuống bàn thì cũng chẳng còn tâm trạng để mà tiếp tục đâm chọc, cà khịa nữa.
Ngoài bọn lâu la vô tri vô giác ra, những đứa bạn thân của tôi thì đều biết đến thông tin này từ trước, vậy nên ngoài việc ném cho tôi những ánh nhìn đầy thương cảm thì cũng không còn biết làm gì khác, chỉ trừ có cô bạn Ái Quyên là tiếp tục kề cận an ủi tôi như thường lệ mà thôi:
– Học đi ông, tính nằm vậy mãi à?
– Buồn quá, học không vào.
– Ừa, tùy, không học ra hồn thì sau này ra đi phụ hồ, chắc lúc đó hỏi cưới chị My ổn đó, nhỉ?
Lời dọa nạt của Ái Quyên xem chừng đã có chút tác dụng. Tôi sực nhớ ra việc mình sẽ phải cố gắng như thế nào nếu muốn có cơ hội với Uyển My trong tương lai. 2 năm không phải là thời gian dài, vì vậy nếu không cố gắng chạy gấp rút ngay từ bây giờ, khả năng cao là tôi sẽ lại tiếp tục trở thành một thằng thất bại và lại vụt mất Uyển My vào tay người khác một lần nữa. Lúc ấy cả tôi và nàng đều đã bước sang tuổi 26, không còn quá trẻ để có thể hy vọng vào một điều thần kỳ nữa. Một chút nguồn động lực nhỏ nhoi đang nhen nhóm dần trong lòng tôi, dù sao thì đúng là tôi có tiếp ủ rũ thế này cũng chẳng thay đổi được điều gì, vì đơn giản là Uyển My đã đi thật rồi, và nàng cũng chẳng thể bay về ngay với tôi được, mà nếu có về, mọi chuyện sẽ lại tiếp tục rắc rối thêm mà thôi chứ chẳng có phương án giải quyết nào hay hơn đâu. Vậy nên, thay vì cứ ì ạch mãi một chỗ, tôi nghĩ mình sẽ phải cố gắng hơn thật nhiều, gấp 5, gấp 10 lần thường ngày để có thể làm nên chuyện. Nghĩ đến đó, tôi móc điện thoại ra nhắn một tin nhắn gửi đến Uyển My, dù biết rằng lúc này đang ở trên máy bay, nàng cũng chẳng thể nào trả lời hay đọc được, nhưng dù sao nó cũng sẽ là một thông báo mà tôi muốn gửi đến nàng, rằng hãy cứ yên tâm, tôi sẽ trở thành một con người khác, và ngày nàng trở về, tôi sẽ đợi sẵn trước cổng với một đóa hoa rực thắm trên tay…
“Đến nơi báo anh nhé. Đừng lo cho anh, anh sẽ cố gắng hết sức, và sẽ chờ em về. Yêu em nhiều”
Hít một hơi thật sâu, tôi thở hắt ra thật mạnh để minh chứng cho sự quyết tâm mãnh liệt mà mình đang mang đến lúc này. Nhìn Ái Quyên đầy trìu mến, tôi muốn nói rất nhiều điều để cảm ơn đến cô bạn đáng yêu của mình, vì nếu không có nàng, thì có lẽ trước đó, khi Uyển My và tôi rời xa nhau cả tháng trời, tôi đã làm chuyện dại dột rồi. Đã thế, giờ đây, khi Uyển My đã đi xa, Ái Quyên lại tiếp tục đóng vai trò một người cố vấn, một người động viên để tôi có thể thoát khỏi nghịch cảnh, vươn lên tìm đến những mục tiêu, ước mơ vẫn còn dang dở. Đời này có được người bạn thân tình như Ái Quyên, tôi quả thực cảm thấy vô cùng may mắn và hạnh phúc:
– Cảm ơn bé Quyên nhiều, anh sẽ cố gắng.
Tôi cố gắng nở một nụ cười thật tươi, vì trong lòng tôi lúc này quả thực đã có thêm phần động lực, dù rằng mọi thứ chỉ xuất phát từ trong suy nghĩ của tôi mà thôi, thực tế vẫn chưa có chuyện gì xảy ra kia mà. Thế mới nói, sự tự tin quyết định rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Chỉ cần có niềm tin, có động lực, thì bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu chông gai, bao nhiêu thử thách, chúng ta cũng sẽ có thể vượt qua hết, thật đấy:
– Ờm, vậy mới được, ráng mà học hành cho đàng hoàng đi, nghỉ mấy bữa rồi đó, coi chừng rớt môn.
– Ừa, anh biết rồi, phải cố lên thôi. Có gì anh mà lơ là thì nhắc anh nhé!
– Rồi, biết rồi. Làm giúp tôi bài này đi, không hiểu gì trơn, hihi!
– Ơ kìa.
Sự cổ vũ và đồng hành của Ái Quyên thực sự đã khiến suy nghĩ của tôi thay đổi một cách chóng mặt. Từ một thằng đang ủ dột, chỉ qua vài lời nói của nàng, bỗng dưng tôi thấy cuộc đời cũng không tệ như tôi nghĩ, vì dù sao trong cái rủi còn có cái may, ít ra tôi vẫn có một con đường khác để đi, dù rằng lâu hơn, xa xôi, khó khăn hơn, nhưng khi đạt được thành quả, mọi thứ hẳn nhiên sẽ tuyệt vời hơn nhiều lần.
Nói là làm, suốt buổi học ngày hôm ấy, tôi đã cố gắng tập trung và nghiền ngẫm hết mức có thể những gì mà thầy cô đang giảng giải ở trên kia. Và cũng rất nhanh chóng, bằng một vài câu trả lời chuẩn xác, tôi đã nhận được thêm một vài điểm ưu, đủ để giúp tôi có lợi thế lớn trong công cuộc đua top vào cuối học kỳ này.
Tuần này thì chúng tôi vẫn chỉ học thêm vài môn cơ bản, Tiếng Anh thì từ tuần sau mới bắt đầu, và dĩ nhiên là lại học theo lịch cũ, tức là 2, 4, 6 mỗi tuần, vào buổi chiều, sau 2 tiết học môn chuyên ngành. Sự thay đổi đột ngột của tôi khiến mấy đứa bạn cũng vui lây phần nào, nhất là thằng Đức, tôi không rõ là nó có thật lòng sửa chữa lỗi lầm hay không, chỉ là cuối buổi học, nó đã tiến lại vỗ vai tôi và cười tươi:
– Cố lên nha mày, không lâu đâu!
– Ừa, cảm ơn mày, nào rảnh anh em mình ra uống nước.
– Ừ, thôi về đi, mai gặp.
– Bai.
Uyển My trước khi đi đã dặn tôi rằng, nàng sẽ di chuyển khoảng gần 1 ngày bay, quá cảnh thì mới tới được Mỹ, vậy nên không cần ngóng đợi quá để mà làm gì, ngay khi đến nơi, nàng sẽ gọi điện về thông báo tình hình cho tôi biết. Và như một đứa trẻ đang háo hức đợi mẹ đi chợ về, tôi trở về nhà sau buổi học hôm ấy với một tâm trạng khấm khá hơn thường lệ, dù rằng thực tại xem chừng cũng chưa có gì đột biến cho lắm. Thế nhưng, ba mẹ tôi cũng cảm thấy an tâm hơn nhiều lần.
Ăn uống xong xuôi, tôi tót lên giường nằm nghỉ ngơi để lại sức. Bây giờ mới là gần 2h chiều, vậy là còn khoảng 4 đến 5 tiếng nữa thì Uyển My mới đến nơi. Chưa tính thêm thời gian di chuyển từ sân bay về đến nhà, rồi sắp xếp nhà cửa, thu dọn quần áo, chỗ ở, có khi phải đến nửa đêm, nàng mới rảnh tay mà gọi điện về cho tôi. Sẵn không có gì làm, tôi đánh một giấc ngon lành từ lúc ấy cho đến tận gần 5h chiều mới giật mình tỉnh giấc. Công nhận khi con người mệt mỏi, kể cả về đầu óc lẫn tinh thần, thì những giấc ngủ ngon như vậy đúng là điều vô cùng cần kíp. Mò mẫm tìm điện thoại, tôi vẫn mang theo chút hy vọng rằng có thể trong lúc mình ngủ, Uyển My đã đến nơi và… bất ngờ nhắn nhủ những lời yêu thương dành cho tôi. Thế nhưng, mơ thì vẫn hoàn mơ, chẳng có tin nhắn nào từ Uyển My, ngoại trừ mấy tin quảng cáo từ tổng đài và dăm ba lời mời gọi rủ đi đá banh của đám bạn trong lớp.
Ngồi dậy vươn vai thật lực, tôi quyết định sẽ ngồi vào bàn máy tính để tiếp tục làm việc và trau dồi thêm khả năng của mình. Trình độ chuyên môn của tôi lúc này cũng chỉ ở mức mầm non mới nhú, gọi là có tí năng khiếu, tí triển vọng chứ chưa thể đảm bảo cho tôi có một tương lai tươi sáng hơn. Vậy nên, thay vì chơi game thâu đêm suốt sáng, tôi nghĩ mình nên dùng quãng thời gian quý báu đó để nâng cao tay nghề, kiếm được những hợp đồng, những mức thu nhập ổn định và tốt hơn, trước mắt thì có thể trang trải nhiều thứ, lâu dần thì sẽ giúp tôi kiếm được công việc tốt lúc ra trường. Chuyên ngành ban đầu mà tôi muốn hướng đến là thiết kế đồ họa 2D, tức chỉ dừng lại ở hình ảnh quảng cáo, banner, poster rồi thì các thể loại như tờ rơi, áp phích, vân vân và mây mây. Thế nhưng, sau khi vào trường, được tiếp cận thêm nhiều nguồn thông tin cũng như tư vấn của các thầy cô, tôi quyết định sẽ dấn thân và tập trung vào con đường thiết kế 3D, một công nghệ cực kỳ hữu dụng trong tương lai, vì rất nhiều ngành sẽ cần ứng dụng vào, ví dụ như xây dựng, phim ảnh, nội thất… Không chút chần chừ, tôi quyết định móc hầu bao tiết kiệm để đi học thêm khóa học về thiết kế 3D của thầy Hoàng Anh, một người thầy siêu giỏi, siêu dễ tính mà tôi may mắn được học. Chính vì là khóa học do đích thân thầy Hoàng Anh cầm tay chỉ bảo, tôi mới có đủ dũng khí và can đảm để bỏ ra một số tiền tương đối lớn nhằm nâng cao khả năng của bản thân. Khóa học sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng, mỗi tuần 3 buổi tối đến nhà thầy tập trung học. Theo những gì mà tôi biết được từ chính thầy, thì mỗi lớp như vậy, thầy chỉ nhận từ 10 đến 15 người, thứ nhất là cho dễ bề quản lý, hướng dẫn các học viên, thứ hai nữa là để đảm bảo chất lượng, vì thầy sẽ kiểm tra trước khi nhận vào học, ai không đủ năng khiếu thì thầy sẽ không nhận dạy vì không chắc được về đầu ra. Dĩ nhiên là với một đứa trò cưng như tôi, cộng thêm trình độ tương đối ổn vốn có ở bộ môn này, tôi đã được thầy chấp nhận cho theo học sau một bài kiểm tra online, với một điều kiện, cuối khóa, tôi phải đứng trong top 3 của lớp, còn không thì thầy sẽ bắt tôi ở lại… học tiếp:
– Ráng học nhé Phong, ông mà lơ ngơ như đợt trước thì coi chừng tôi.
– Hơ hơ, thầy yên tâm, đợt này em đã khác.
– Ừ, vậy thì tốt. Top 3 lớp cho tôi nhé, 3/15, không làm được thì ở lại học đến khi nào được thì nghỉ.
– Ơ… kìa… thầy… thầy…
– Tuần sau bắt đầu, nhớ cài đặt phần mềm thầy nói nhé.
– Dạ, em chào thầy.
Tút… tút…
Tôi không biết thầy Hoàng Anh có nắm được thông tin về tình trạng hiện tại của tôi và Uyển My hay không, thế nhưng chẳng hiểu vì một lý do nào đó, tôi có cảm giác rằng thầy đang cố gắng giúp đỡ tôi hết sức có thể để tôi sớm đạt được những điều mình mong muốn.
Hôm ấy, bữa cơm của gia đình tôi phải nói rằng tuy không vui vẻ được như thường lệ nhưng chí ít thì tôi cũng tươi tỉnh hẳn lên so với sáng nay. Nói chung thì việc gia đình tôi tập trung ăn cơm thì cũng chẳng có gì làm lạ, điều lạ lùng duy nhất ở đây chính là một vị khách không mời mà tới, chính xác là một người mà tôi hình như chưa từng thấy bao giờ trong suốt 24 năm cuộc đời, tự nhiên lại có mặt ở đây ngày hôm nay:
– Nhớ ai đây không Phong? – Mẹ tôi chỉ tay vào người đó…
– Ủa ai vậy mẹ? Con không biết? Em chào chị – Tôi ngoan ngoãn…
– Chị nào mà chị, dì Hạnh mà, con nuôi của ông bà ngoại đấy, không nhớ à?
– Con nuôi? Sao con không biết?
– Dì Hạnh mày được ông bà nhận làm con nuôi từ bé rồi, sau đó thì gia đình dì đi xa làm ăn nên không gặp thường xuyên thôi, nhưng lâu lâu dì vẫn ghé chơi gặp gia đình mình mấy lần mày quên rồi à con? – Mẹ tôi giải thích…
Đứng trước mặt tôi lúc này là một bà dì phải gọi là trẻ măng mặt búng ra sữa, da trắng, mặt mũi ưa nhìn, đôi gò má phúng phính bánh bao khiến bà ấy trẻ ra cả chục tuổi. Tóc dài cột đuôi gà, quần jeans áo sơ mi gọn gàng nhìn khá năng động. Mà phải nói rằng nếu không biết chính xác tuổi của bà ấy thì nhiều người còn tưởng tôi lớn hơn cơ:
– Dạ, vậy con chào dì, mà dì bao nhiêu tuổi, sao nhìn dì trẻ thế?
Tôi ngày đó vẫn không biết mấy điều cấm kỵ khi đối diện với người lạ, với đàn ông thì không hỏi lương, với đàn bà thì không hỏi tuổi, đó là những điều tuyệt đối không nên thắc mắc, nếu không sẽ thành người vô duyên, lâu lâu còn bị chửi là mất dạy, nặng hơn thì ăn cái dép, ăn cốc nước vào đầu không chừng. Dì Hạnh nhìn tôi, cười thật tươi. Nói không phải chứ bà dì này có điệu cười tít mắt giống y hệt Uyển My, chỉ khác là bà ấy nhìn cuốn hút kiểu hơi con nít, còn Uyển My thì đẹp kiểu công chúa, tiểu thư, nhìn trưởng thành hơn. Nhưng nói gì thì nói, xét về nhan sắc, dì Hạnh… chưa đủ chạm đến được cỡ Uyển My:
– Ừm, chào Phong nha, dì sinh năm 87, hơn Phong mấy tuổi à, nếu không thích thì gọi chị cũng được.
– Bậy nào, không được thế, gọi là dì cho tao. Em đừng có chiều nó, hư hết – Mẹ tôi nhắc nhở…
– Dạ, chị, hì hì.
Tôi không biết bà dì này ở đâu chui ra, chỉ là không chắc có phải là tự nhiên hay không mà tại sao lại đến đúng ngay sau khi Uyển My ra đi thế này:
– Con chào dì, con tưởng dì nhỏ hơn con không đó chứ?
– Tại Phong lớn cao to quá rồi đó. Hồi dì gặp Phong mới có chút xíu này thôi, chắc lúc đó 10 hay 11 tuổi gì chị nhỉ? – Dì Hạnh quay sang nhìn mẹ tôi…
– Ừ, đúng rồi, hồi đó thằng này nó bé chút xíu, chẳng hiểu sao sau này lớn lên lại cao lớn vậy.
– Tại con tập thể thao đó mẹ, thế mà mẹ cũng hỏi. Mà sao hồi đó con gặp dì mà không nhớ?
– Hồi xưa dì còn bé nên da ngăm đen, chắc Phong không nhận ra.
– Lăng xăng đây làm gì, chạy lên dọn phòng chị Thanh cho dì Hạnh ở đi, dì ở tạm nhà mình ít hôm – mẹ tôi nạt lớn…
Tôi ngớ người, chẳng thể nào là trùng hợp được như vậy, Uyển My vừa đi, nay bà dì này đã xuất hiện, quá khác thường rồi:
– Ủa, sao vậy mẹ?
– Dì mày lên đây làm việc, chưa thuê được nhà, ở tạm nhà mình vài hôm, có gì mà thắc mắc, nhanh cái chân lên. Hạnh nữa, em đưa đồ cho nó xách, đàn ông con trai mà để dì mày mang nặng thế à?
Tiếng mẹ tôi chửi xa xả ở dưới lúc này quả thực nghe vô cùng đau đầu, thế nhưng cái khiến tôi đau đầu nhất lại là sự có mặt của bà dì lạ hoắc này ở trong nhà tôi. Tính tôi thì cũng quảng đại lắm, hiếu khách vô cùng, cơ mà đối với những người khác cơ, còn bà dì này trẻ quá, đã vậy nhìn chung thì… cũng có nét nữa chứ, mà tính tôi thì hay có cái tật ở trần đi khắp nhà, lỡ bà ấy thấy tôi trong tình trạng này thì có mà bách nhục xuyên tim. Chưa kể tôi đang ở cái tuổi tập làm người lớn nữa nên có đôi chút ngại ngùng là điều không thể nào tránh khỏi. Phần nữa vì căn phòng này là phòng mà Uyển My ở cách đây ít lâu, vậy nên tôi không muốn có sự xê dịch nào, tôi muốn lâu lâu lại ghé sang để nhớ về nàng kia mà, chậc chậc:
– Cứ để đồ ở đó đi Phong, để dì dọn dẹp sơ lại cho, chắc cũng không có đồ đạc nhì đâu nhỉ, bé Thanh ở ngoài rồi mà đúng không?
– Đúng rồi dì, có chăn gối nệm cơ bản thôi, dì có thiếu gì không lát nữa con đi mua cho?
– Ừm, vậy chút xíu nhờ Phong chở dì đi mua ít đồ nha, cảm ơn Phong! – Dì Hạnh nháy mắt, nhìn cuốn hút quá chừng…
Có một điều thú vị nữa mà tôi nhận ra ở dì Hạnh là giọng nói của bà ấy đặc sệt chất giọng miền Tây, nghe rất là nhẹ nhàng, dễ thương. Nếu ai đã từng về miền Tây mà nghe người miền Tây nói chuyện, ắt hẳn sẽ có suy nghĩ giống như tôi:
– Vậy dì… chuẩn bị đi rồi xuống ăn cơm, con xuống trước nhé.
– Ừm, oke Phong, xong dì xuống liền.
Sự xuất hiện của bà dì trẻ măng này khiến tôi đột nhiên quên béng đi mất Uyển My, thành ra suốt từ lúc ấy cho đến tận gần khuya, tôi chẳng mảy may bận tâm kiểm tra điện thoại để nhận tin từ nàng nữa, liệu tôi có vô tình quá hay không nhỉ? Nếu chẳng may Uyển My ở bên kia mà biết được chuyện này, hẳn nàng sẽ giận tôi ghê gớm lắm:
– Hạnh nay làm ngân hàng nào em? – Mẹ tôi vừa gắp thức ăn cho dì Hạnh vừa hỏi thăm…
– Dạ, vẫn ngân hàng cũ, mà đợt trước em làm dưới quê thì hơi ít việc nên được chuyển lên đây!
– Chà, giỏi quá, Phong nhìn dì mày mà học tập!
Tôi mải mê nghe chuyện, nhưng đến lúc bị lôi kéo vào guồng thì tôi lại giả ngu cắm đầu ăn cơm:
– Hì hì, từ từ mà chị, Phong còn trẻ, còn phát triển nhiều.
– Có gì em bảo ban nó giúp chị, thằng này xưa giờ làm biếng lắm.
– Không có đâu chị, con trai lớn lên là trưởng thành lên mà, chăm chỉ ngay, Phong ha?
Phải thành thật mà nói thì bà dì này nói chuyện dẻo hơn cả kẹo dẻo, ai nói gì bà ấy cũng đối đáp một cách vô cùng mềm mỏng, vô cùng đúng trọng tâm mà lại chẳng khiến ai mất lòng, ngay cả tôi, đứa vì bị mẹ chê bai một cách thậm tệ:
– Ăn xong thì vào rửa bát cho dì nghe chưa, dì mày mới đi lên còn mệt.
– Ủa chứ hồi nào giờ con rửa chứ ai, mẹ làm như con lười lắm? – Tôi nhăn mặt…
– Nói còn cãi à? Tao cho cái chổi lên đầu bây giờ!
Chẳng hiểu sao mẹ đối xử với Uyển My hiền lành nhân hậu thế mà giờ quay sang tôi lại giở ngay giọng điệu võ thuật ra được, cứ hở chút là đòi cầm cán chổi đập lên đầu con trai quý tử, riết làm tôi cũng nghiện theo, thành ra sau này, mỗi lần nạt con nhóc Ngữ Yên nhà tôi, tôi cũng lôi bài này ra, dù rằng hơi có thiên hướng bạo lực gia đình, cộng thêm việc mẹ nó chửi tôi bù vào, cơ mà cũng hiệu quả ra phết:
– Thôi chị, để em rửa cho, có em ở nhà mà Phong nó con trai mà bắt nó rửa chén cũng kỳ.
– Dì cứ để đấy, chị em mình lên kia nói chuyện, để nó rửa cho quen.
Dì Hạnh nhìn tôi thương cảm, xem ra bà dì này cũng đáng yêu lắm chứ chẳng đùa:
– Vậy Phong rửa giúp dì nha, lát dì mua nước cho!
– Oke, dì cứ để con, dăm ba cái chén bát này.
Nói chung, xét về việc rửa chén rửa bát thì tôi chẳng khác nào… thần đồng. Tôi rửa vừa nhanh, lại còn vừa sạch sẽ, kỹ càng, không một vết bẩn, vết dầu cứng đầu nào có thể lưu lại được khi qua bàn tay của tôi. Chính vì lý do đó, ngày còn nhỏ, mỗi lần tôi lười học bị mẹ mắng, tôi đều thể hiện bản lĩnh của một… thiên tài rửa chén ra mà nói cứng:
– Mẹ khỏi lo, con sẽ nghỉ học, không thèm đi học nữa, con đi rửa chén kiếm tiền.
– Ờ mày hay, thế thì cút ra đi rửa chén đi, còn một đống ở dưới kìa.
– Nhưng… không phải hôm nay, vì con còn bận… học.
– …
– Á á á á á, đau quá, từ từ, để con rửa, rửa ngay!
Mọi phiên thương lượng của tôi và mẹ đều kết thúc bằng việc bà lấy đại một cái cây hay một cái que gì đó mà giã tôi tới tấp không thấy ánh mặt trời. Kết cục từ hôm đó trở về sau, tôi đảm nhận luôn vai trò người rửa chén trong nhà, dù rằng lúc ấy, bà chị tôi vẫn còn chưa đi lấy chồng, chưa ra ở riêng, nhưng tôi cũng chấp nhận làm thay dùm bà ấy luôn, vì dù sao bà ấy cũng thường xuyên cho tôi tiền tiêu vặt mà, hehe.
Cơm nước xong xuôi, rửa chén cũng xong xuôi nốt, tôi lục đục sửa soạn, thay quần áo để chuẩn bị đưa “người đẹp miền sông nước” đi siêu thị mua ít đồ dùng cá nhân. Bà dì trẻ của tôi có phong cách thời trang nhìn rất… con gái, à không, phải gọi là vô cùng nữ tính mới đúng chứ nhỉ. Dáng bà ấy thì khá là chuẩn, người thon gọn, mặc đồ công sở, đồng phục ngân hàng lên thì đẹp phải biết. Chắc cũng vì hiểu được lợi thế của mình, dì Hạnh thường xuyên mặc những bộ đồ có thể tôn lên được vóc dáng của mình. Công bằng mà nói thì bà dì tôi không xinh lắm, mặt chỉ ở mức dễ nhìn, nhưng khi được kết hợp một cách hài hòa cùng làn da trắng như trứng gà bóc, khuôn mặt tròn nhìn dễ thương cộng thêm phong cách thời trang vô cùng ổn định, không cần nói cũng biết là có hàng chục thằng đang xếp hàng để xin được đưa đón bà ấy, thề luôn.
Từ ngày quen Uyển My, tôi đâm ra có một thói quen… không tốt cho lắm đó là nhìn và đánh giá về trang phục của mấy vị nữ nhân. Mẹ tôi thì ăn mặc có gu rồi mà lại còn là gu quý bà nên tôi không có đủ kiến thức để mà đưa ra ý kiến, còn bà dì Hạnh thì ở tầm tuổi tôi, hơn một chút không đáng kể, vậy nên cách ăn mặc cũng có thể nói là khá trẻ trung, dễ nhận xét hơn nhiều. Chẳng hiểu chỉ có đi ra ngoài mua đồ thôi mà bà ấy ăn diện hệt như siêu sao ca nhạc dạo phố, áo thun trắng kết hợp cùng váy xòe tầng ngắn trên gối màu nâu, phía dưới là một đôi giày thể thao trắng thời trang, nhìn cứ thế gọi là vô cùng hút mắt:
– Dì mặc… váy ngắn thế, sao ngồi xe máy được?
Tưởng rằng dì Hạnh sẽ ngại ngùng đôi chút, nhưng không, bà ấy lại cười tít mắt:
– Hì hì, không sao đâu Phong, đây là quần váy, nó là quần thôi, bên ngoài nhìn tưởng váy.
Nói đoạn, bà ấy còn không ngần ngại kéo phần tà váy xung quanh lên để xác nhận với tôi đây đích thị là một cái quần không hơn không kém:
– Trời ơi là dì ơi là dì, già rồi đó nhé, đứng đắn dùm con, chắc chết quá!
Tôi ôm đầu than khổ, quả thực nếu bà ấy có cái tính tình… quá dễ chịu thế này, chắc tôi không sống nổi ở nhà mình nữa mất:
– Hic, dì xin lỗi, sợ Phong không tin thôi mà – dì Hạnh bĩu môi, nhìn dễ thương dữ dội…
– Thôi, đi thôi dì, trễ rồi đó, cái siêu thị to nhất ở đây là cái Emart, mà cũng không gần lắm, dì ngồi xe máy được không?
– Thì hồi giờ đi xe máy chứ đi xe gì? – Dì Hạnh tròn mắt…
– Tưởng hồi giờ quen ngồi… xe hơi – Tôi chọc ngoáy…
Thề là lúc ấy tôi không hề có định đâm chọc bà ấy gì cả, chỉ là tôi nghĩ với một người con gái ở độ tuổi này, độ tuổi vừa đủ độ chín về cả sự nghiệp lẫn bề ngoài thì thiếu gì đại gia xe hơi đưa đón, mà bà dì tôi thì xem chừng là xứng đáng với điều đó, dù sao bà ấy cũng giỏi thật chứ không phải là kiểu con gái chỉ có vẻ bề ngoài:
– Thằng nhóc này, đang chọc dì đúng không? – Dì Hạnh đánh nhẹ lên vai tôi…
– Hờ hờ, ai mà chọc, tự dì nghĩ bậy thôi. Đi nhé.
– Okay.
Nói đoạn, tôi đưa dì Hạnh đến đại siêu thị Emart ở trên đường PVT, đây thì cũng khá gần nhà… Uyển My, thế nên ngay khi vừa đến nơi, tôi đã tính móc điện thoại ra kiểm tra tin nhắn, cơ mà bị bà dì trẻ của mình kéo đi thật nhanh nên chưa kịp động thủ. Theo như những gì mà trí óc hạn hẹp của tôi biết vào lúc ấy thì cái siêu thị này đích thị là một trong những cái to nhất ở SG lúc bấy giờ. Vào ngày nghỉ, số lượng người có mặt chen lấn nhau mua đồ ở đây có thể lên tới hàng nghìn người, mỗi lần tưởng tượng ra cảnh ấy, tôi đã cảm thấy thở không ra hơi rồi, vậy nên, tôi chỉ hay ghé mua đồ ở đây vào ngày thường, còn ngày nghỉ thì không bao giờ dám bén mảng đến. Cũng may hôm nay là thứ 2, vậy nên số lượng người mua sắm cũng không quá đông, vẫn còn đi qua đi lại được.
Dì Hạnh của tôi là một người khá năng động, tuy vậy, nhìn dì mua đồ thì tôi lại có suy nghĩ khác, đó là bà này vô cùng vô cùng khó tính và tỉ mỉ. Chẳng những soi xét từng chút một, dì Hạnh còn cẩn thận so sánh giá cả của một loại đồ dùng nhưng của các hãng khác nhau để chọn ra món đồ phù hợp. Dì Hạnh lựa đồ đến đâu thì tôi lại tay xách nách mang đến đấy, nhìn cảnh này quen lắm. Mặc dù xưng hô là dì, cháu nhưng xét về tuổi tác, bà ấy chỉ hơn tôi có 7 tuổi, đã vậy nhìn lại còn khá trẻ so với tuổi thật, vậy nên người ngoài nhìn vào có khi còn nhận nhầm chúng tôi là… hai vợ chồng trẻ đang đi mua sắm. Hồi nhỏ tôi ngại người lạ lắm, nhất là người lạ lại là nữ, lại có chút ngoại hình, nhan sắc nữa thì càng ngại, không bao giờ dám tới gần. Mặc dù giờ tôi vẫn ngại, nhưng chẳng hiểu sao, đối với dì Hạnh, tôi tuyệt nhiên không thấy một chút khoảng cách nào, có lẽ là vì lúc này tôi đang buồn, có bà ấy ở bên cạnh an ủi nên cũng nhẹ dạ hơn, mà căn bản người miền Tây cũng phóng khoáng, dễ kết bạn lắm, ý là bà dì tôi, không phải tôi:
– Xong gòi, về đi Phong ơi!
– Rồi chứ “gòi gòi” cái gì.
– Xong gòi, xong gòi – dì Hạnh chọc tức tôi…
– Ba chục tuổi đầu còn sai chính tả – Tôi lèm bèm…
– Cái này là thói quen, chứ không phải sai chính tả nha…
– Không cần biết, xong rồi, nói lại đi, không con bỏ dì lại đây đó!
– Thì xong… rồi, khó tính dễ sợ…
Không rõ là dì Hạnh có sợ tôi thật hay không, cơ mà từ đó về sau, mỗi lần mà bà ấy nói chữ “xong gòi” mà có mặt tôi ở đó, là bà ấy tự động chuyển thành “xong rồi” luôn.
Lòng vòng một hồi lâu thì cuối cùng cũng đến chỗ tính tiền. Lần này thì tôi tiếp tục phát hiện ra một thứ hay ho nữa từ bà dì của tôi, đó là tên đầy đủ của bà ấy, tình cờ tôi đọc trộm được khi dì Hạnh thanh toán mọi thứ bằng thẻ tín dụng của mình:
– Võ Hồng Nhật Hạnh?
– Ừm, sao dị? – Dì Hạnh ngạc nhiên…
– Tên dì lạ quá ha?
– Có gì mà lạ chớ, bình thường mà.
– Thì… tên đẹp… giống người… – Tôi không hiểu mình đang nói cái gì nữa…
– Hì hì, chọc dì hoài thôi, dìa nha?
– Về chứ “dìa dìa” cái gì?
– Thì về, khó tính quá ông ơi, y như ba tui dị – dì Hạnh cười khổ…
– Dì mà vẫn thế thì con còn khó tính dài dài.
Tóm lại thì sau khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ quần thảo tại Emart, tôi cũng tạm giúp được dì Hạnh sắm sửa được cơ số trang thiết bị, dụng cụ để chuẩn bị cho chuyến “sinh tồn” của dì ở nhà tôi trong khoảng thời gian sắp tới. Mà cũng không phải bọn tôi ra về bởi vì đã sắm sửa xong, cái chính là siêu thị đã đến giờ đóng cửa nên tôi và dì Hạnh được đặc cách… mời ra bởi các chú bảo vệ, thật là hết biết. Emart ở đây thì đóng cửa vào lúc 22h30, không quá muộn cũng không quá sớm, vậy nên ai mà muốn mua sắm gì thì nên đi trước giờ, còn khi chuẩn bị đóng cửa thì sẽ chẳng còn đồ tươi đồ ngon đâu.
Trước mắt thì dì Hạnh cũng chưa nhận công tác vì còn đang trong thời gian nghỉ phép khoảng 1 tuần, vậy nên xem chừng thì dì sẽ ở lại nhà tôi tương đối lâu chứ chưa di chuyển ngay, vậy nên cũng tập làm quen dần là vừa. 2 dì cháu thì cũng mới gặp nhưng khá hợp tính, nói chuyện không bị ngại ngùng, phần lớn tôi nghĩ là vì tôi gọi bà ấy bằng “dì”, chứ mà gọi bằng “chị” thì có khi lại đâm ra… ngượng, vì dù sao thì đối với một người ở vai “dì” thì sẽ mất đi cái cảm giác… nam nữ thụ thụ bất tương thân hơn là vai “chị”, phải chứ?
Vừa về đến nhà, khoảng hơn 23h đêm một chút, sau khi rửa mặt rửa mũi, vệ sinh cá nhân xong xuôi, tôi cũng phụ dì Hạnh dọn dẹp lại phòng cho dì một chút để ngủ nghỉ cho nó chuẩn bài. Phòng này thì cách đây ít hôm Uyển My vẫn còn ở, vậy nên phòng ốc sạch sẽ ngăn nắp lắm, trước khi đi, nàng còn lau dọn lại tỉ mỉ rồi mới chịu mặc dù tôi đã nói là cứ để tôi làm. Đứng lau dọn một hồi, tự dưng tôi đâm ra nhớ nàng quá đỗi:
– Xong rồi đó, dì nghỉ tạm đi, có gì mai sắp xếp lại sau, con về phòng đây, ngay cạnh nè. Có gì thì dì cứ gọi con ha?
– Ừm, okay, cảm ơn Phong nha, dì biết gòi.
– Biết gì cơ?
– Biết rồi, biết rồi.
– Dì ngủ ngon.
– Phong cũng ngủ ngon.
Tự dưng bà dì này xuất hiện bất ngờ chiếm lấy mất hết thời gian trong ngày của tôi, làm tôi quên khuấy đi mất việc liên lạc cũng như kiểm tra tin nhắn của Uyển My. Vậy nên ngay sau khi trở về phòng, tôi đã xém đứng tim khi nhận ra, Uyển My đã gọi cho tôi gần chục cuộc nhưng tôi không thèm nghe máy, hoặc do tôi đã chủ quan ban nãy ra ngoài đường mà không bật nhạc chuông, vì tôi có thói quen khi nằm ngủ sẽ tắt nhạc chuông đi, vậy nên có thể ban nãy quên mở lại. Tin nhắn đầu tiên của nàng cho tôi vào cách đây hơn 2 tiếng với nội dung khá đơn giản và xúc tích:
“Em đến nơi rồi, bên đây mát mẻ lắm, có hơi mưa nhẹ, bây giờ em chuẩn bị dọn dẹp lại phòng để ở, lát gọi sau hen”
Bên cạnh những dòng tin nhắn, Uyển My còn cẩn thận chụp ảnh check in trước cổng sân bay cho tôi yên tâm. Chao ôi cái gương mặt thanh tú, xinh xẻo, đôi gò má ửng hồng và nụ cười tỏa ánh bình minh kia, giờ đã xa tôi hàng vạn dặm, chỉ vừa nghĩ tới đó thôi mà nước mắt tôi đã muốn tuôn trào ra. Tự tát vào mặt mình mấy cái vì nỡ bỏ quên đi việc liên lạc với Uyển My, tôi vội vã đánh điện cho nàng ngay và luôn, thiệt lúc này đây tôi chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng nhìn thấy gương mặt thân quen ấy, nghe giọng nói ngọt ngào của nàng, vậy là tôi yên tâm lắm rồi. Bây giờ thì gọi điện qua Messenger đã rất dễ dàng, không cần phải mở máy tính dùng Skype như ngày trước, cứ bấm smartphone ra là gọi đùng đùng:
– Uyển My, đang ở đâu đó, nghe anh nói không?
– Em nghe, sao em gọi anh không bắt máy? – Nàng bĩu môi, có vẻ là đang nằm nghỉ…
– Hic, anh xin lỗi, mới ra ngoài mua ít đồ nên không để ý chuông điện thoại…
Nàng buồn, tôi cũng không vui nổi, mà nỗi buồn của chúng tôi bây giờ được nhân lên hàng ngàn vạn, hàng trăm, hàng tỷ lần vì khoảng cách, điều đó càng khiến tôi đau đớn hơn rất nhiều nữa. Có bao giờ bạn rơi vào tình cảnh giống như tôi, khi người mà mình thương yêu nhất, mình muốn được ôm chầm lấy người đó để mà cưng chiều, để mà che chở, thế nhưng rốt cục cũng đành lực bất tòng tâm nhìn người ấy ở phía sau màn hình, vì mọi thứ lúc này, gần như là không thể. Tôi biết Uyển My sang đó rất buồn, mặc dù ba mẹ nàng có đi theo, nhưng nàng vẫn còn lưu luyến tôi lắm, vậy nên tôi không dám khóc trước mắt nàng, chỉ chủ động né sang chỗ khác rồi quẹt ngang dòng lệ vừa tuôn, vì tôi chẳng muốn nàng đau lòng thêm nữa đâu:
– Em đang nghỉ rồi hả, ba mẹ đâu?
– Em hơi mệt, nằm nghỉ một tẹo, ba mẹ đang nói chuyện ở ngoài, anh Hải với bác Hoàng thì đang đi thu dọn chỗ ở rồi.
– Ừa, rồi ăn uống gì chưa, tội nghiệp quá.
– Hì, em ăn trên máy bay rồi, chút nữa ăn thêm, bǎobèi đừng lo. Hôm nay đi học vui không?
– Cũng vui, có bé Quyên nói chuyện nên cũng đỡ.
Tôi thật sự chỉ muốn hét to lên rằng, tôi rất buồn, rất đau khổ, và rất nhớ Uyển My, nhưng tôi sợ nàng sẽ lập tức quay đầu trở về ngay khi tôi làm như vậy, thế nên, tôi buộc lòng phải nói giảm nói tránh bớt mọi việc đi, chỉ hy vọng nàng sẽ hiểu được tâm ý của tôi:
– Ừm, bǎobèi của em cố gắng lên nhé, anh sẽ làm được thôi.
– Anh biết rồi, hãy tin anh, em cũng cố gắng lên, khi nào rảnh anh sẽ sang thăm em.
Khi tôi nói ra câu này, không phải là tôi đang bốc phét, nhưng quả thực để sang được đến đó là cả một vấn đề lớn, không chỉ vì kinh tế mà còn cả nhiều phương diện khác nữa, không đơn giản đâu:
– Hihi, điêu dễ sợ, nửa vòng trái đất mà làm như hàng xóm cạnh bên. Thôi đi ông, lo mà học hành đi, khi nào có thời gian em sẽ về chơi, đừng lo.
– Ừ… ừa, vậy cũng được, khi nào em bắt đầu làm?
– Chắc khoảng vài ngày nữa, có thể là hết tuần, em chưa biết, phải đợi ba mẹ xong xuôi thủ tục thì em mới bắt đầu.
Hai đứa tôi như những đứa trẻ lâu ngày không gặp, cứ muốn hỏi han hết chuyện này đến chuyện khác, quên luôn thời gian, quên luôn không gian, quên cả khoảng cách, chỉ cần nhìn thấy đối phương và nghe giọng nói thôi đã là một điều hạnh phúc rồi, dù thật giản đơn.
Nhưng mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tôi không giữ cái thói quen đặt điện thoại trên thành giường và ngồi xoay ra ngoài. Phải nói lại một chút là phần giường của phòng tôi thì nằm giữa phòng tính từ cửa đi vào thì là nằm bên tay trái, vậy nên là chỉ cần đi từ ngoài vào thì gần như ngay lập tức sẽ thấy giường đầu tiên. Và trớ trêu làm sao, ban nãy vội về phòng mà tôi quên đóng cửa, thành ra mọi chuyện bắt đầu có dấu hiệu trở nên rắc rối khi mà dì Hạnh bất ngờ xuất hiện với bộ đồ ngủ màu hồng cute phô mai que và cái cài tóc tai thỏ chụp lên đầu rồi chạy sang phòng tôi ngay lúc ấy với tông giọng cực kỳ “dễ thương” mà tôi chỉ muốn chôn ngay lập tức:
– Phong ơi, remote máy lạnh để đâu dậy?
Khoảnh khắc mà bà dì yêu quý của tôi lọt thỏm vào camera cũng là lúc mà tôi đã bắt đầu toát mồ hôi lạnh vì nghĩ đến viễn cảnh sắp tới.
Trời ơi là dì! Lại to chuyện nữa rồi đây…