Phần 26
“Người xăm trổ” thản nhiên tiến về phía bọn thằng Minh như không có chuyện gì, vừa đi vừa ngoáy lỗ tai kêu cót két. Tụi kia mặt tái xanh hết cả lại, bao nhiêu hổ báo lúc ban đầu bỗng nhiên tiêu tan đi đâu hết. Đối với bọn choai choai học đòi làm đầu gấu như tụi nó, gặp phải giang hồ thứ thiệt, về căn bản đã không ở cùng đẳng cấp.
“Người xăm trổ” đích thị là giang hồ thứ thiệt. Chưa kể đến những hình xăm phủ kín cả người, riêng những vết sẹo chạy dài trên mặt, trên cánh tay và cả bắp chân đã là minh chứng hùng hồn cho những chiến tích đẫm máu trong quá khứ. “Người xăm trổ” cùng đàn em ai cũng xăm trổ, ngay từ khi bước xuống khoảng đất này, đã lấy hết sĩ khí của bọn choai choai kia rồi.
Thằng Minh mặt cắt không còn giọt máu, nhưng không muốn tỏ ra hèn yếu trước mặt đồng bọn, nó tiến tới, mặt nghênh lên thách thức một cách yếu ớt:
– Mày…mày…là thằng nào?
“Người xăm trổ” dừng lại, mặt thỏa mãn vì vừa lấy ra được một cục rỉ tai, hắn nghiêng đầu về phía thằng Minh hỏi lại:
– Oắt con vừa gọi anh là gì cơ?
Thằng Minh hoảng sợ lùi lại. Sát khí tỏa ra từ “người xăm trổ” áp chế hoàn toàn chiến lực từ nó và đồng bọn. Đôi tay thằng Minh cầm chiếc dùi cui run lẩy bẩy. Khi một chút ý nghĩ phản kháng đó còn chưa kịp nhóm lên thành hành động thì một tiếng gầm hung tợn của “người xăm trổ” đã làm tiêu tan mọi thứ:
– Cút.
Bọn thằng Minh không ai bảo ai, ai lo thân nấy vội vã chạy về phía những chiếc xe máy của mình. Nhưng vừa mới chạy được một đoạn thì đã nghe tiếng gọi giật lại:
– À thằng kia, mày quay lại đây.
“Người xăm trổ” chỉ về phía thằng Minh khiến nó lật đật quay lại. Đứng trước mặt nhau, “người xăm trổ” mỉm cười nhìn thằng Minh, đoạn tung một tát như trời sập vào mặt nó.
– Cái này là cho cái tội xưng hô mất dạy với người lớn này.
Rồi “người xăm trổ” bồi thêm một tát nữa vào má bên kia:
– Cái này là cho cái tội oắt con mà bày đặt làm giang hồ này.
Rồi thêm một tát nữa:
– Còn cái này, sao nhỉ, tát chơi vậy thôi, được hem?
Thằng Minh đau đến ứa nước mắt nhưng không dám hó hé một lời. Nó chỉ dám bước đi khi “người xăm trổ” khoát tay bảo nó cút. Những chiếc xe máy rồ ga và biến mất trong bóng đêm mờ mịt.
Sự tĩnh lặng tràn về đầy khiên cưỡng. Chỉ nghe những tiếng bước chân lạo xạo tiến về phía tôi. “Người xăm trổ” ngồi thụp xuống bên cạnh, trong ánh sáng nhá nhem hắt ra từ dãy đèn đường, khuôn mặt của hắn hiện ra với một bộ râu quai nón dữ dằn như sư tử. Hắn nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt, trầm ngâm một tí rồi bật cười ha hả. Tự nhiên tôi cũng bật cười sảng khoái, quên mất cơn đau đang giày xéo khắp cơ thể.
– Đã lâu không gặp, không ngờ ông thầy lại ra nông nỗi này. Haha.
“Người xăm trổ” nói như sấm rền bên tai tôi. Bao lâu rồi mà hắn vẫn không hề thay đổi. Nói chuyện lúc nào cũng như chửi lộn với người ta. “Người xăm trổ”, tên thường gọi là Quý Đại Bàng, năm nay đã ngoài ba mươi tuổi, có một vợ và hai đứa con gái rất kháu khỉnh, là một gã giang hồ từng đi tù vào tội. Vài năm trước, tình cờ được một người quen giới thiệu, hắn đến gặp tôi xin học vẽ. Hắn học vẽ để ra làm nghề xăm và sau đó mở tiệm. Nhìn tướng tá của hắn lúc đầu tôi cũng sợ xanh mặt, nhưng ngồi nghe hắn tâm sự một hồi về quá khứ tội lỗi của mình cùng quyết tâm làm lại cuộc đời, thấy cũng là người có ý chí nên tôi quyết định dạy cho hắn.
Dạy cho Quý Đại Bàng một thời gian mới cảm nhận được người trong giang hồ sống rất tình cảm, với huynh đệ của mình, sẽ không ngại bất cứ thứ gì mà giúp đỡ. Tôi đâm ra quý hắn. Hắn cũng quý tôi vì tôi với hắn nói về chuyện đời, chuyện người rất hợp cạ. Sau khi học xong, thỉnh thoảng hắn vẫn thường ghé lại chỗ tôi làm vài chai bia rồi đi. Ngày hắn khai trương cái tiệm xăm, tôi cũng tới dự. Ngày hắn sinh đứa con gái đầu lòng, tôi cũng đến làm cha đỡ đầu cho nó.
Chuyện mà tôi nhà thằng Thụy Phong đi lúc chiều, chính là nhờ Quý Đại Bàng tới giúp tôi, vì tôi linh tính đêm nay phải dùng đến nắm đấm.
Tôi cố nén đau ngồi dậy, mặt méo xệch:
– Còn cười được. Tí nữa bỏ mạng ở đây rồi. Mấy đại ca tới muộn thế?
– Có biết đâu – Quý Đại Bàng trả lời – Thằng cu Phong nó chỉ tới chỗ cái cầu mà không thấy. Hỏi dò một hồi mới chạy được tới đây đấy chứ.
– Thế thằng Phong đâu rồi?
– Anh bảo nó lánh mặt đi rồi. Nó còn nhỏ, không nên dính vào mấy vụ này. Bọn oắt con hay thù vặt lắm. Để nó thấy mặt thằng cu em thì khổ cho nó.
Nói rồi Quý Đại Bàng huýt sáo ra hiệu. Một lúc sau thấy thằng Thụy Phong lò dò chạy tới. Nó vừa thở hổn hển vừa nhìn tôi đầy lo lắng. Tôi xua tay bảo mình không sao nhưng ngay lập tức hét toáng lên đau đớn vì cái vỗ vai quá tay của “người xăm trổ”.
– Úi, xin lỗi, anh mày lỡ tay, hè hè – Quý Đại Bàng ăn năn – Thôi ra quán bà Tám làm vài be đi. Lâu lắm rồi mới gặp, anh em ngồi hàn huyên tí.
Vừa mới dứt câu, chợt nghe tiếng một đứa con gái cất lên mạnh bạo:
– Không được.
Tôi và Quý Đại Bàng ngạc nhiên quay qua. Nãy giờ ham ngồi trò chuyện quá quên mất con bé Băng Linh vẫn ở sau lưng tôi. Quý Đại Bàng nghiêng đầu nhìn qua, mắt chớp chớp sửng sốt:
– Úi, tự nhiên mọc đâu ra con bé nhà ai đẹp lộng lẫy thế này?
– Cháu chào chú – nhỏ Băng Linh trả lời.
– Ừ, chú chào cháu, cháu đẹp quá, có người yêu chưa em?
Nói rồi cả bọn ôm bụng cười nghặt nghẽo, mặc cho con bé đứng đỏ mặt vì ngại ngùng. Rồi con bé lại đột ngột lên tiếng:
– Thầy Nhân đang đau. Chú đừng rủ thầy Nhân đi uống bậy bạ nữa.
Cái mặt tèm nhem nước mắt của con bé bỗng trở nên nghiêm túc một cách nhăn nhó làm cả đám phì cười lần hai. Thấy chẳng ai quan tâm đến lời nói của mình, con bé giận dỗi đấm thùm thụp vào lưng tôi làm tôi suýt nữa thổ huyết. Thấy tôi đau đớn, nhỏ rối rít xin lỗi như một đứa trẻ con làm cả đám ôm bụng cười lần ba.
– Quán bà Tám có sẵn dụng cụ y tế, đến đó nhậu rồi tiện thể băng bó cho ông thầy của nhóc luôn – “Người xăm trổ” lên tiếng – Gớm, xem cái mặt kìa, cứ như ai đó sắp giết người yêu của nó không bằng. Haha.
Nói rồi cảm đám lại ôm bụng cười lần bốn. Con bé đỏ mặt nép sau lưng tôi. Tôi thì không để tâm lắm vì đang đau gần chết.
Tới quán bà Tám, điều đầu tiên con bé làm là chạy đi tìm ngay tủ dụng cụ y tế. Nó lôi ra một đống thứ nào là bông băng, thuốc đỏ, thuốc giảm đau và bảo tôi ngồi yên để nó băng bó vết thương lại. Dù con bé làm rất khéo nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn kêu lên vì đau làm nó rưng rưng như sắp khóc. Thấy thế, những lần sau dù đau bỏ mẹ nhưng tôi vẫn cố nhịn để không thốt lên một lời nào.
Đến lúc uống bia, nó cứ ngồi canh không cho tôi uống nhiều, cứ đến lúc tôi định nốc một phát là nó lại cầm tay tôi ghì lại. Những lúc anh em cụng ly, bảo phải hết 100% nha là nó tranh lấy cái ly của tôi uống hết. Riết một hồi tôi bắt đầu nổi quạu, còn Quý Đại Bàng vỗ đùi sảng khoái:
– Được, cô nhóc này được đấy. Thế mới xứng đáng để ông thầy của chúng ta đổ máu chứ. Haha.
Con bé lại thẹn thùng nép vào sau lưng tôi. Tôi khẽ thở dài ngao ngán.