Phần 17
Sáng, tôi bị đánh thức bởi bờ môi ướt mềm của ai đó, một nụ hôn chúm chím đặt lên môi tôi nhẹ nhàng, e ấp. Cứ giả vờ ngủ say để Đan Chi hôn tôi như thế, nhưng nhỏ vỗ nhẹ vào má tôi thì thầm gọi:
– Anh, dậy đi.
Tôi tỉnh dậy dụi mắt, lấy tay che đi vạt nắng chói chang chiếu qua bức rèm rồi thều thào nói:
– Nhân lúc người ta ngủ rồi làm bậy nha. Bắt quả tang nha.
Đan Chi khúc khích cười rồi kéo tôi vào nhà tắm, nhỏ nặn kem đánh răng vào 2 cái bàn chải, một cho nhỏ, một cho tôi. Hai đứa vừa đánh răng vừa nhìn nhau cười như hai đứa điên, con nhỏ còn nghịch ngợm bôi kem đánh răng lên mũi tôi rồi gục gặc “Trông anh dễ thương quá!” Tôi trả đũa bằng cách vặn vòi hoa sen để cho nhỏ ướt chơi, ai ngờ vòi hoa sen dội thẳng vào người nhỏ làm nhỏ ướt thiệt. Con nhỏ bặm môi kéo cái vòi hoa sen xuống dí thẳng vào mặt tôi. Thế là hai đứa điên tự nhiên ướt như chuột lột, hai cái bàn chải vẫn còn ngậm trong mồm và nhìn nhau cười như nắc nẻ. Trong khoảnh khắc đó, tự nhiên tôi thấy cả thân thể tuyệt đẹp của Đan Chi lồ lộ ra dưới tà áo ướt. Đôi bưởi năm roi của nhỏ lại đung đưa trước mắt tôi mời gọi. Nhưng tôi chả kịp làm gì, con nhỏ đã thò chân đạp tôi văng ra ngoài cửa.
Tôi đập cửa kêu gào:
– Cho anh tắm chung với.
Con nhỏ lạnh lùng tuyên bố:
– Còn lâu.
… Sáng hôm đó trời nắng dịu dàng, tôi chở Đan Chi đi trên chiếc wind quen thuộc của nhỏ, nhỏ ngồi sau ôm sát vào người tôi khe khẽ hát, một bài hát gì đó của Bức Tường có câu “Em, kề vai anh ngồi bên thềm. Bỏ lại đằng sau những phút quanh co… ” làm tôi chợt bật cười. Lâu lắm rồi mới thấy Đan Chi vui như thế. Mà thực ra tôi chưa thấy nhỏ vui như thế bao giờ. Đan Chi vốn lạnh lùng từ bé, kể cả khi nhỏ vui hay buồn, cũng chẳng có ai biết. Nhưng mỗi khi ở bên tôi, nhỏ gần như trở thành một con người khác hẳn. Hồn nhiên hơn, tinh nghịch hơn và cũng hay giận dỗi hơn nữa. Tôi thấy mình dạo này ít quan tâm đến Đan Chi quá. Chắc là nhỏ cũng buồn nhưng chả bao giờ nói. Dành một ngày đi chơi cùng nhỏ, có lẽ là điều tốt nhất tôi làm được cho Đan Chi từ đó đến bây giờ. Tôi kéo nhỏ ngồi sát vào người tôi hơn nữa, nhỏ gục mặt vào lưng tôi khe khẽ hát một mình.
Chúng tôi nhâm nhi café ở một góc quán nhỏ bên đường, nhìn ngắm phố xá và hồi tưởng lại những chuyện xưa cũ ngày tôi gặp Đan Chi lần đầu tiên. Đan Chi nắm chặt lấy tay tôi không buông một phút nào, cứ như thể sợ rằng chỉ cần lơi tay một chút thôi tôi sẽ bay đi mất. Mấy đứa con trai ngồi trong quán café nhìn tôi ghen tỵ. Nhỏ Đan Chi đi đến đâu cũng đều gây sự chú ý đó. Vì nhỏ đẹp, một kiểu đẹp rất cá tính luôn thôi thúc lòng ham muốn tìm hiểu.
Tôi để ý những lúc tôi đi vệ sinh, có mấy anh con trai mon men lại bắt chuyện với Đan Chi, và chẳng có anh nào ngồi quá được 2 phút. Vì con nhỏ gần như chả thèm để ý đến bất cứ đứa nào ngồi bên cạnh. Mọi đứa con trai khác ngoài tôi đều vô hình trong mắt nhỏ. Kẻ kiên trì nhất cũng chỉ ngồi được đến phút thứ 3 là tắt lịm. Tôi đứng ở cửa nhà vệ sinh nhìn ra đắc ý, miệng cười thầm “Người yêu mình ngầu vl”. Haha.
Buổi trưa hôm đó, hai đứa tôi kéo nhau lên bán đảo Sơn Trà trốn khỏi những ồn ào của phố thị, thuê một cái chòi ven biển ngồi câu cá và nướng hải sản. Đan Chi khều từng con ốc cho tôi ăn trong khi tôi ngồi buông cần và nghêu ngao hát, thỉnh thoảng buồn mồm chửi một lũ điên ngoài kia giữa trưa nắng chang chang mà còn ra lặn biển. Ăn uống xong xuôi, tôi và Đan Chi nằm ôm nhau ngủ mặc kệ đời.
Chúng tôi thức dậy khi trời vẫn còn nắng dù đã bớt oi ả đi rất nhiều, tôi cởi áo nhảy ùm xuống biển bơi một mạch ra mỏm đá ở xa. Đan Chi đứng trong chòi la hét om sòm kêu tôi trở lại dắt nhỏ ra tắm cùng. Thế là tôi phải bơi ngược trở về chòi. Tôi cõng Đan Chi lần mò ra bãi đá, nhỏ ôm chặt lấy cổ tôi làm tôi phải thét lên:
– Thả anh ra. Tắc… tắc thở!
Con nhỏ buông tôi ra và cười hồn nhiên như một đứa trẻ, rồi trước sự kinh ngạc của tôi, nhỏ bơi một mạch ra ngoài mỏm đá làm tôi tròn mắt:
– Ơ, biết bơi à!
Nhỏ đứng trên mỏm đá vẫy tay cười tinh nghịch:
– Chứ sao.
Thế mà nãy giờ bị lừa cõng nhỏ cả một đoạn dài. Cay thật.
Tối hôm đó sau khi về nhà tắm rửa và ăn uống xong xuôi, tôi rủ Đan Chi đi xem phim. Nhỏ reo lên thích thú rồi chạy lên lầu thay quần áo. Một lúc sau tôi thấy nhỏ chạy xuống, và khi nhìn thấy nhỏ, tí nữa tôi té đập đầu vào nền nhà. Hôm nay Đan Chi trang điểm. Vâng, là trang điểm đấy các bác ạ, một điều mà tôi chưa bao giờ chứng kiến trong suốt 3 năm dạy học cùng nhỏ. Nhỏ thấy tôi liền khoe ngay:
– Đẹp hông?
Tôi tằng hắng lấy lại sự bình tĩnh rồi thành thật trả lời:
– Quá tởm.
… Và ăn ngay một cước vào mặt.
Nói đùa tí thôi chứ thực ra Đan Chi trang điểm lên nhìn đẹp dã man. Bình thường nhỏ đã đẹp rồi, nay có thêm tí phấn hồng, thêm tí son đỏ nhẹ, tự nhiên lên một lé vồ khác. Tôi hỏi nhỏ đi xem phim thì trang điểm mần chi. Nhỏ bảo thích. Tôi nói trang điểm có ai coi đâu. Nhỏ bảo kệ.
Mặc dù nhỏ trang điểm trông nữ tính hẳn ra nhưng phong cách ăn mặc thì chẳng có gì thay đổi, vẫn chiếc áo thun in hình đầu lâu, chiếc quần bò xẻ gối, đi đôi giày converse và đeo thêm mấy cái vòng tay kiểu hard rock. Còn tôi ấy à, chiếc quần lửng với đôi dép xỏ ngón là bộ đồ đẹp nhất. À quên, thêm cái áo hình Đô rê mon nữa.
Lúc đó đang có bộ phim hot là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh, tôi tính rủ Đan Chi đi xem phim đó nhưng nhỏ lắc đầu. Nhỏ cầm tay tôi kéo qua quầy vé bên cạnh, giơ tay chỉ lên bộ phim “Lâu đài đẫm máu” trên màn hình rồi cười cười. Tôi thở dài. Lúc nào cũng thích đẫm với máu. Ok. Đẫm thì đẫm.
Bộ phim này tương đối rùng rợn. Mấy đứa con gái trong rạp ngồi coi mà cứ nép nép vào ghế, thỉnh thoảng còn ré lên mấy tiếng thất thanh khi có cảnh đứt đầu, đứt cổ này nọ. Riêng nhỏ Đan Chi ngồi coi mà mặt tỉnh bơ, chả có cảm xúc gì. Tôi thì toát hết cả mồ hôi hột, còn nhỏ thì cứ luôn mồm lẩm bẩm “Phim nhạt quá!” Lúc ra về, nhỏ còn giật giật vạt áo tôi chỉ lên tấm banner của bộ phim The Neon Demon có hình một con nhỏ bị cắt cổ nằm trên ghế sofa rồi háo hức nói:
– Lần sau mình đi xem phim này anh nha. Chắc hay hơn phim lúc nãy đó.
Tôi gật đầu ờ ờ mà lòng hoang mang tột độ.
… Thế đấy. Một ngày của hai đứa tôi nhẹ nhàng thế đấy. Chỉ đơn giản là ở bên cạnh người mình yêu, dù đi bất cứ đâu cũng cảm thấy thật đặc biệt. Tối hôm đó khi tôi đang ngồi trước hiên nhà hít thở chút không khí trước khi đi ngủ, Đan Chi tự nhiên từ trên lầu đi xuống, nhỏ ôm chiếc gối ngang ngực rồi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh tôi. Một lúc sau nhỏ tựa đầu lên vai tôi, tay nhỏ đan vào tay tôi từ lúc nào chẳng biết. Tôi cứ để mặc nhỏ lặng lẽ ngồi bên tôi như thế, giữa màn đêm yên ả đến nao lòng.
– Tại sao anh… lại thích em?
Đan Chi thủ thỉ bên tai tôi một cách đột ngột. Nhỏ luôn thích hỏi tôi cái kiểu đột ngột như thế, và phần lớn trong số chúng tôi chỉ trả lời bằng một cái mỉm cười. Tại sao tôi lại thích Đan Chi, chính tôi còn chẳng cắt nghĩa được. Chỉ đơn giản là tôi thấy thích nhỏ, thích hơn bất cứ người con gái nào khác mà tôi từng gặp. Có lẽ 3 năm dạy vẽ cùng nhau đã khiến chúng tôi có những gắn kết bền chặt. Nhưng 3 năm thì sao mà 3 tháng thì sao? Thích là thích thôi. Mà không thích là không thích thôi chứ biết nói sao bây giờ.
– Thích là thích thôi.
Tôi trả lời rồi choàng tay qua hông kéo Đan Chi ngồi sát lại. Khẽ khàng vén mái tóc nhỏ và nhìn vào đôi mắt đang long lanh nhìn tôi đấy. Đôi mắt sâu như màn đêm trước mặt, và tôi thấy tôi mông lung đến lạ thường. Mọi thứ mông lung đến lạ thường…
“Em, kề vai tôi ngồi bên thềm.
Bỏ lại đằng sau nhưng khúc quanh co, và cám dỗ để quay về.
Ngày đó có tôi với em.
Cùng những tiếng gọi rất mềm. ”
Đan Chi đi dạy trở lại, tôi thảnh thơi hơn rất nhiều. Lắm lúc tới mấy ngày liền tôi chả thèm đến lớp, chỉ lúc nào thấy nhớ tụi nhỏ quá, hoặc lúc nào lớp đông quá, tôi mới ghé qua. Đan Chi hờn tôi vì tôi toàn để nhỏ lại lớp một mình. Tôi cười trấn an nhỏ bằng những cái ôm nhẹ nhàng mỗi buổi tối chúng tôi ngồi trên ghế sofa xem tivi, nói rằng anh có một vài chuyện riêng phải giải quyết, và rằng, chẳng có cô gái nào đủ sức thu hút anh ngoài em đâu. Đan Chi cười nhẹ nhàng trước khi nhéo tôi một cái rõ đau rồi giật lấy cái remote nhanh như chớp. Đoạn gửi cho tôi một thông điệp răn đe bằng chiêu trò tra tấn cái tivi cũ rích.
Tôi ít đến lớp, nên hình như cũng vô tình bỏ qua một số chuyện thú vị. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất sau một tuần trở lại, đó là nhìn thấy thiên thần nhỏ Băng Linh mà tụi con trai lớp vẽ tôn thờ, đang ngồi sau xe của một đứa con trai khác. Tôi vẫn còn nhớ mới đây thôi, con nhỏ còn không bao giờ để ai khác đưa nhỏ về ngoài tôi và thằng Thụy Phong, thế mà hình như trong khoảng thời gian tôi không đến lớp, một ai đó đã khiến con nhỏ thay đổi thì phải. Và một ai đó không ai khác chính là Soái ca kute lạc lối.
Tất nhiên, thằng Thụy Phong nó bực mình lắm, kiểu như Soái ca vừa cướp mất người yêu của nó vậy, mặc dù nó thừa hiểu là nhỏ Băng Linh chẳng là gì của nó cả, nhưng nó vẫn ức. Một hôm nó ngồi tâm sự với tôi:
– Em thấy thằng Minh này nó giả tạo kiểu gì ấy anh ạ!
Tôi nhìn nó, rồi nhìn qua cặp Băng Linh và Soái ca Minh (hoặc là Ely và Eric) đang ngồi thì thầm nói chuyện với nhau xem chừng vui vẻ lắm, rồi nhướn mày nói:
– Chú mày đang ghen đúng không?
Tôi nói xong ôm bụng cười ha hả, thằng Thụy Phong thấy thế đỏ mặt chối bay chối biến:
– Còn khuya nhá. Em mà thèm ghen với thằng đó á!
– Không ghen thì mày để ý đến hai đứa nó làm gì?
Thằng Thụy Phong cứng lưỡi. Một lúc sau nó ngập ngừng thừa nhận là nó đang ghen thật. Rồi nó kéo ghế ngồi lại gần tôi thủ thỉ:
– Anh, nói cho em biết một tí về Băng Linh đi. Em không thể thua thằng đó được.
Tôi gạt phắt ngay:
– Đếu. Mày tự đi mà tìm hiểu. Cạnh tranh công bằng. Muốn có giang sơn thì phải tự giành lấy.
– Nhưng… thế mà công bằng á? – Thằng Thụy Phong giãy nảy lên – Nó đẹp trai hơn em, nhà giàu hơn em, ăn nói có duyên hơn em… vốn xuất phát đã ở trước em rồi thì sao công bằng được.
Thằng Thụy Phong lý lẽ cũng hùng hồn tợn. Nhưng tôi nhìn nó lắc đầu:
– Mày chỉ nghĩ được có thế thì thôi, khỏi cạnh tranh gì cho mệt, mày thua nó từ khi chưa bắt đầu rồi con ạ!
Thấy thằng Thụy Phong ngồi xị mặt buồn thiu, tôi phì cười rồi vỗ vai nó:
– Thôi được rồi, coi như anh quý chú mày học với anh cũng đã lâu, dỏng tai lên mà nghe nè.
Thế là hôm đó tôi “ăn gian” ngồi kể những gì mình biết về con nhỏ Băng Linh cho thằng Thụy Phong nghe, mặc dù lúc nãy mới to mồm kêu cạnh tranh công bằng này nọ. Mà kệ, tôi cũng chả phải là thánh nhân gì, và trong thâm tâm cũng thực sự muốn nhỏ Linh với thằng Thụy Phong thành một cặp thật. Không phải tôi ghét gì Soái ca mới đến, chỉ đơn giản là tôi quý thằng Thụy Phong hơn vì nó học vẽ với tôi từ năm lớp 10 đến tận giờ thôi.
– Nhỏ Băng Linh ấy à – tôi nói – đầu tiên chú mày phải nhớ là đừng có nói tục trước mặt nhỏ, nhỏ ghét lắm.
Thằng Thụy Phong lấy giấy bút ra chép lấy chép để, như kiểu đang nghe một Tiến sĩ vật lý hạt nhân giảng bài về bom nguyên tử.
– Rồi chú mày cũng phải biết cách dỗ dành khi nhỏ khóc nữa. Con nhỏ mau nước mắt lắm – Tôi nói tiếp.
– …
– À, nhỏ thích đọc Nguyễn Nhật Ánh, chú mày tranh thủ về đọc vài cuốn của chú Ánh đi, nhất là cuốn Mắt Biếc ấy, để có cái mà nói chuyện với nhỏ.
– …
– Với cả con nhỏ chả bao giờ nói rõ ra là nhỏ muốn gì đâu, chú mày phải thật tinh ý. Kiểu như… nói thế nào nhỉ… khi nào nhỏ cứ nhìn chú mày hoài là… kiểu như… nhỏ sắp nhờ chú mày chở về, hoặc là… nhờ làm gì đó… Khỉ thật… anh mày cũng có hiểu đếu gì con nhỏ đâu… Nói chung là chú mày phải tự cảm nhận.
Tôi vừa kể vừa nhìn lên trần nhà nghĩ ngợi, cố gắng hồi tưởng lại khoảng thời gian trước đây nhỏ Băng Linh hay lẽo đẽo theo tôi, cố gắng nhớ ra con nhỏ là người như thế nào và chỉ toàn thấy hình ảnh của một con bé hay khóc, hay bẽn lẽn và toàn đòi tôi chở về. Bất giác nhớ lại thấy vui vui, và có một chút hụt hẫng trong đó.
Nhỏ Băng Linh từ khi bắt đầu quen thân với Soái ca cũng ít nói chuyện với tôi dần. Cũng có khi nhỏ qua khều tôi nhờ hướng dẫn vẽ, tôi chỉ nói qua loa rồi bảo nhỏ về hỏi thêm Thụy Phong nó chỉ cho. Nhỏ lẳng lặng xách bảng vẽ về lại chỗ ngồi, chẳng còn kiểu rưng rưng nhìn tôi cầu xin như dạo trước nữa. Thằng Thụy Phong tranh thủ những lúc như thế chạy qua hướng dẫn nhỏ tận tình. Soái ca thì chả tranh thủ được mấy khoản đó, nhưng được cái lúc nào cũng là người chở nhỏ Băng Linh về, trước những ánh mắt đầy niềm ghen tỵ.
Mới mấy hôm trước thôi, con nhỏ còn chả thèm để ý gì đến Soái ca Minh, thế mà giờ đây như đã trở thành một cặp. Tôi thực sự có hơi bất ngờ. Chuyện xảy ra quá nhanh. Soái ca tài thật.
Mà cũng phải thôi, nồi nào úp vung nấy. Trai xinh, gái đẹp đi với nhau là chuyện hiển nhiên trên đời. Chỉ tội thằng Thụy Phong. Hình như nó buồn lắm.
Chuyện yêu đương của tụi nhỏ tôi định không can thiệp vào. Nhưng đó là trước khi tôi vô tình nghe được một chuyện khá bất ngờ đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ 180 độ.
Tôi vốn không hợp với mấy kiểu quán sá sang trọng. Tôi chỉ thích ngồi quán cóc vỉa hè, nhâm nhi thứ café chan chát đặc trưng của bà béo bên góc đường rồi nhìn đời, nhìn người đang đổ xô như những đàn ngựa phi bất tận.
Nhưng hôm nay tôi phá lệ. Vì cần một chút không gian yên tĩnh để làm việc. Tôi có thể ngồi ở nhà. Nhưng tôi chả bao giờ nghĩ được cái gì khi ngồi ở nhà cả. Thế là tôi tới đây, trên tầng 2 của một quán café trông khá hiện đại, chọn cho mình một góc nhỏ ở cuối phòng, ngăn cách với phần còn lại bởi những chậu thường xuân xanh mướt. Chỗ tôi ngồi nó kín đến nỗi, nếu không phải là nhân viên của quán, người ngoài đi vào sẽ không bao giờ để ý thấy tôi cả. Và tôi muốn thế. Phải thật yên tĩnh.
Tôi ngồi lặng lẽ trong quán một lúc lâu, cho đến khi một tiếng động sột soạt kéo tôi ra khỏi sự tập trung vào cuốn giáo trình dạy vẽ mới mà tôi đang soạn cho lớp vẽ. Hình như có ai đó vừa ngồi xuống cái bàn ở phía sau tôi. Không phải một mà là hai người. Thoạt đầu, tôi chẳng quan tâm gì đến những kẻ mới đến. Nhưng hai thằng con trai đó nói chuyện oang oang như ở chỗ không người, khiến tôi dù không muốn cũng không thể không nghe thấy được. Bọn nó nói chuyện tào lao bí đao gì đó một hồi rồi một trong hai thằng tự nhiên hỏi một câu làm tôi chú ý:
– Nghe nói mày đi học vẽ hả?
– Ờ, một tuần rồi. – Thằng thứ hai trả lời.
Nghe đến chuyện vẽ vời là tôi thấy hứng thú. Nhưng vốn không phải là kẻ hay tọc mạch chuyện người khác, tôi lại cắm mặt vào cuốn sổ cố lờ đi. Có điều dù đã cố, tôi vẫn cứ phải nghe thấy cuộc nói chuyện giữa hai anh bạn nọ.
– Mày có bao giờ thích mấy cái trò vẽ vời nhảm nhí đó đâu. Nói thật đi xem nào?
Nghe thằng thứ nhất hỏi kháy, thằng thứ hai cười khềnh khệch trả lời:
– Đm. Thằng chó này. Chỉ mày hiểu tao nhất. Haha.
– Nói nhanh mẹ đi. Có gì đặc biệt hả?
– Ờ.
– Là gì?
– Một con bé rất xinh. À không, hai chứ. Nhưng bé kia là cô giáo, lớn tuổi hơn, nên tao đéo thèm.
Tôi nhíu mày. Hình như tôi đã nghe giọng nói này ở đâu rồi ấy. Dù đang rất tò mò, nhưng vẫn cố để không phải là kẻ tọc mạch vô duyên. Nhưng tôi chỉ giữ được thái độ bàng quang đó một tí xíu nữa, cho đến khi giọng nói thứ hai đó lại vang lên những điều mà tôi bỗng nhiên thấy quen quá. Tôi dừng bút, dỏng tai lên nghe ngóng. Cuối cùng cũng đành phải làm một kẻ hiếu kỳ vậy. Đừng trách tôi, hai bạn trẻ. Có trách thì trách hai bạn trẻ chưa học văn minh nơi công cộng.
– Tao chở con nhỏ về nhà – Thằng thứ hai nói tiếp – Cả lớp không có ai chở được chở con nhỏ về, trừ mỗi tao. Mày hiểu điều đó có nghĩa là gì không?
Thằng thứ nhất gục gặc:
– Nó thích mày?
– Không hẳn, nhưng có vẻ thế. Hehe. Chỉ mất 1 tuần thôi. Con bồ cũ của tao phải tán mất cả tháng mới được như thế.
Tôi bắt đầu nghe thân mình cựa quậy, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh để không quay đầu nhìn ra phía sau. Thằng thứ hai hào hứng kể tiếp:
– Con nhỏ không cho tao chở về tận nhà, nhưng tao bám theo. Mày biết chuyện gì không? Tiểu thư đài các. Nhà nó giàu gấp 10 lần những con bồ trước đây của tao cộng lại.
– Vậy là mày học vẽ chỉ để tìm cách chén con bé tiểu thư đó?
– Ờ. Gái mới lớn ngọt ngào, mọng nước. Tao không tìm ra được điểm gì để chê cả. Tất nhiên là phải chén rồi.
– Đù, ngon lành. Thế bao giờ thì hốt? – Thằng thứ nhất xoa tay khoái chí hỏi.
– Từ từ mày. Giăng bẫy cái đã. – Thằng thứ hai trả lời.
– Từ từ gì nữa. Lỡ mấy đứa trong lớp hốt trước mày thì sao?
– Tụi lớp vẽ á? Haha. Toàn một lũ đần độn. Nói chung tao là trùm ở đó rồi. Soái ca cơ đấy mày ạ. Haha.
Thằng thứ hai bật lên một tràng cười hổ lốn, giọng điệu nghe thật tởm lợm.
– Tao thích trò này. Cảm giác được bọn con gái tôn thờ.
– Mày cẩn thận đấy. Có ngày vỡ mồm vì tội ảo tưởng con ạ – Thằng thứ nhất tặc lưỡi.
– Mày không đẹp trai nên mày không thể hiểu cảm giác của tao đâu.
– Mày chén xong rồi mày lại phủi như mấy đứa trước hả?
– Không biết. Nếu tao còn hứng thú. Con nhỏ này khá đặc biệt.
– Tao có được hưởng sái không?
– Nếu mày đủ tư cách. Haha.
Thằng thứ hai lại ngửa mặt cười. Đến lúc này tôi mới mơ hồ nhận ra thằng đó là ai, và đang nói về ai. Tôi xúc động đánh rơi cuốn sổ xuống đất. Hai thằng kia giật mình quay ra phía sau. Tôi nhanh chóng cúi xuống bàn giả vờ tìm cuốn sổ, rồi giả vờ chửi thề thêm vài câu, giọng lái đi để che giấu thân phận. Hai kẻ đó khẽ nhún vai rồi quay lên không nghi ngờ gì nữa, giọng nói đã nhỏ lại. Trái tim tôi đập tưng tưng trong lồng ngực. Tôi len lén nhìn qua để xác nhận mối nghi ngờ của mình. Và khi gương mặt đó hiện lên lấp ló sau những tán cây, mọi nghi ngờ trong tôi vỡ òa.
Soái ca Minh đang ngồi đó, ngay phía sau lưng tôi, bên cạnh một thằng con trai tóc nhuộm bảy màu như một thằng đầu gấu. Thoạt đầu tôi không cắt nghĩa được cảm giác của mình lúc đó. Có thể là một chút bất ngờ, một chút không muốn tin và vẫn hy vọng mình nghe nhầm. Soái ca lịch lãm và tốt bụng đây ư? Soái ca đẹp trai được thầy yêu bạn mến đây ư? Hóa ra là một kẻ sở khanh không hơn không kém. Nghe hai thằng kia kể về những chiến tích đã qua của tụi nó, về những đứa con gái mà tụi nó đã “qua tay”, chinh phục, thỏa mãn rồi buông bỏ, tôi giận tím người. Máu trên não tôi sôi sùng sục. Cảm giác bị lừa khó chịu lắm. Nhưng vẫn không khó chịu bằng việc nó dám gọi Đan Chi của tôi là “bé giáo viên”, cái tên mà chỉ duy nhất mình tôi mới được phép gọi, và dám gọi tụi học trò của tôi (và chắc là có cả tôi) là “lũ đần độn”.
Tự nhiên nhớ đến cái câu “Chúng ta thường dễ tin vào những người mà chúng ta chưa biết, vì họ chưa bao giờ lừa dối chúng ta. Cho đến khi họ lừa dối”. Ai nói câu này quên mọe rồi. Mà ai nói bây giờ cũng không quan trọng, quan trọng là nó đang đúng một cách chua chát.
Soái ca gọi tính tiền. Con bé nhân viên lon ton đưa tờ hóa đơn đến. Soái ca viết cái gì đó vào một tờ giấy, kẹp tờ tiền vào và đưa lại cho con nhỏ kèm theo một cái nháy mắt lả lơi. Nhỏ nhân viên đọc tờ giấy, đỏ mặt thẹn thùng rời đi.
Tôi lặng im phía sau chậu thường xuân. Đợi cho hai thằng đó ra về, tôi nhét cuốn sổ vào balo rồi ra khỏi quán. Nhếch mép cười.
Tôi vẫn giữ kín câu chuyện và không nói với ai. Nhưng tôi bắt đầu chú ý đến Soái ca nhiều hơn mỗi lần đến lớp. À mà nó có phải Soái ca gì đâu. Nó là thằng tên Minh họ Sở, vào đây chỉ với một mục đích duy nhất, Băng Linh.
Thằng Minh ở lớp vẽ với thằng Minh trong quán café là hai con người hoàn toàn xa lạ. Minh của lớp vẽ ăn nói chừng mực, dễ chịu, hiền hòa và không làm điều gì quá gây chú ý. Ai cũng bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài của nó. Ngay cả tôi, nếu không vô tình nghe trộm được, thì cũng chẳng bao giờ biết được con người thật của nó.
Thằng Minh dính lấy nhỏ Băng Linh bất cứ khi nào có cơ hội. Ra tay giúp đỡ bất cứ lúc nào con nhỏ cần. Và để không bị nghi ngờ, nó còn nhiệt tình giúp đỡ mấy đứa con gái khác nữa. Tôi nhận ra nó là một kẻ rất cẩn thận, làm việc tỉ mỉ và có tính toán. Cái bẫy mà nó giăng ra, chưa bao giờ có một đứa con gái nào thoát được. Như nó nói.
Những sự tiếp cận có tính toán đó khiến con bé Băng Linh dần thân thiết với thằng Minh hơn. Có khi còn thân hơn cả tôi dạo trước. Tôi chỉ cảm thấy tự trách mình dạo gần đây cứ làm lơ con bé quá. Tôi đã từng sợ nó quá thân với tôi lại nảy sinh tình cảm, nhưng bây giờ lại thực sự mong nó nhõng nhẽo đòi tôi chở về một lần nữa. Mong nó buzz facebook làm phiền tôi mỗi buổi tối, để tôi có thể lựa lời nói chuyện với nó về thằng Minh. Nhưng dường như con nhỏ đã quên tôi mất rồi. Nhìn thằng Minh chở con bé Băng Linh về nhà mỗi giờ tan học, tôi thấy khó chịu trong người quá.
Nhiều khi tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại cảm thấy bực bội như thế nữa. Giả sử thằng Minh là một tên sở khanh thật, và nó “chén” được con nhỏ Băng Linh thật, thì con nhỏ đã 17 tuổi, luật pháp cũng chẳng thể can thiệp, thì tôi, một kẻ chả liên quan có quyền gì để xen vào chuyện tụi nó? Đó là cuộc đời. Sẽ luôn có con sói và cô bé quàng khăn đỏ. Phải chấp nhận.
Tôi đã nghĩ như thế. Và thực sự cũng định để mặc như thế. Nhưng mỗi khi nhìn thấy đôi mắt biếc sâu hun hút kia, đôi mắt ươn ướt lúc nào cũng như sắp khóc, tự nhiên người tôi mềm nhũn. Tự nhiên thấy con bé ấy sao mà mỏng manh và dễ tổn thương quá. Tự nhiên thấy phải làm gì đó. Tự nhiên lại thở dài.