Phần 74
Đêm khuya vắng lặng, bỗng nghe hai tiếng ‘ùm ùm’ thật to.
Sau đó thấy hai bóng người trồi lên khỏi mặt nước, nhân hình tắm trong ánh trăng.
Xấu Hổ ướt nhẹp, quần áo tóc tai bết hết cả vào người.
Bản thân tôi cũng chẳng khá hơn.
Đối diện nhau trong làn nước lạnh buốt, mắt cô nàng nhìn tôi long lên, đang giữa trời gió mà mặt cũng ửng đỏ.
Đôi mắt nàng dường như đã thay lời muốn nói.
Tôi rùng mình vội vàng la “chết thật, nghe nói kênh rạch dưới miền tây có cá sấu, cả trăn nước nữa!”
Thế là hai đứa cuống cuồng bơi lên bờ.
Con kênh đen ngòm, nhìn vào chẳng thể biết được đang chất chứa mối nguy hiểm nào bên dưới.
Sau cái vụ đó, tôi và Xấu Hổ cạch cầu khỉ tới già!
Ở được vài ngày cho quen nắng, quen gió.
Đám sinh viên tình nguyện hăng hái bước vào con đường dạy chữ cho trẻ em nông thôn.
Những ngày đầu phải vận động trẻ đến lớp học hè.
Đi bộ khắp cùng làng ngõ xóm, tê tái chân, mỏi rã miệng.
Tôi đặc biệt nhớ những đứa học trò đầu tiên của mình.
Chúng nó đều đã lớp 3 mà người bé tí như hạt đậu, đã vậy cái mặt còn ngơ ngác thấy mà thương.
Có cậu bé học giỏi nhưng trầm cảm, chẳng thấy giao tiếp với ai.
Nó làm tôi nhớ lại năm đầu thời sinh viên.
Có cô bé tí tuổi đầu đã biết điệu, hết kẹp này đến nơ kia, đã vậy còn hay giận dỗi.
Lớp có bao nhiêu đứa, mà nó chỉ muốn tôi quan tâm đến mình nó.
Ngày chia tay, con bé gửi cho tôi một lá thư, cảm động suýt rơi nước mắt.
Mỗi đứa nhỏ trong lớp là một cá tính khác nhau, ngây thơ và dễ thương vô cùng.
Nhớ như in cái ngày văn nghệ xã.
Tôi lại song ca cùng Xấu Hổ trong bài hát “Quê Hương”.
Bà con lối xóm vỗ tay hoan hô ầm ĩ.
Cảm giác như bản thân đã là nghệ sĩ thực thụ.
Nhớ da diết một buổi chiều mưa, cả đám sinh viên ngồi lặng lẽ ngắm nhìn từng giọt nước trượt trên lá môn.
Một đứa đa sầu đa cảm nào đó đã khóc.
Rồi Xấu Hổ quay sang liếc trộm tôi.
Nhớ mãi những đêm không ngủ, ngồi ngắm trăng, đếm sao.
Ở thành phố không có những cảnh lãng mạn thế này.
Sau đó một chị cán bộ xã rỉ tai chúng tôi một rổ chuyện ma.
Cả buổi không đứa nào dám mò đi vệ sinh.
Xấu Hổ có một câu nói ngây thơ làm mọi người ngất xỉu: “Mắt bò xinh ghê nhỉ!”
Nhỏ Mèo ú tâm thần bất ổn định sau 1 hôm vô tình trông thấy… mấy thầy chùa đẹp trai tắm.
Một thằng dở hơi biết chuyện liền cho ra đời bài thơ kinh dị.
Những bữa ăn cơm chung no tiếng cười, thằng Mon phát biểu:
“Nghiện bát bún bò điểm chút bọ gậy béo ngậy trong váng mỡ…”
Cả đám đều nhợn cổ họng.
Có những kỷ niệm đẹp chỉ đến một lần trong đời và làm chúng ta nhớ mãi dù biết rằng không thể nào quay lại.
Và đôi khi chính chúng ta cũng không muốn quay lại, chỉ muốn giữ những hình ảnh đó mãi trong ký ức.
(Câu này cũng đúng với XH và MD)
Ngày lên đường trở về thành phố, đám học trò nhỏ đồng thanh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ:
‘Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn’
Ôi, sao mà yêu tha thiết cái mảnh đất khổ ải này.
“Khổ ải ơi, hẹn ngày tái ngộ!”
…
Sau chuyến hành trình Mùa Hè Xanh để đời, tôi tăng 2 ký rưỡi, da đen hẳn đi.
Trở về Đà Lạt, bố mẹ ôm chầm lấy tôi “con trai đã ra đàn ông thực thụ rồi”.
“Bố tự tay vào bếp sau nhiều năm luộc nghề đấy, ăn nhiều vào nhé”.
Mẹ dắt tôi vào phòng ăn, trên bàn đủ thứ đồ ăn thức uống ngon lành.
Để tận hưởng những ngày nghỉ hè hiếm hoi còn sót lại, tôi nằm ườn trên giường nướng đến tận trưa.
Khí trời Đà Lạt mát mẻ, nằm 1 chỗ cũng thấy sướng mê.
Có tiếng nhạc chuông vang lên, tôi bò ra khỏi đống chăn gối, mò lấy chiếc điện thoại.
Rồi không do dự, nghe máy luôn:
“Alo?”
…
“Alo?”
…
“Alo, ai đấy?”
‘Em đây’.
Chỉ 1 câu nhẹ bâng như gió, hết thảy ký ức ngủ vùi trong tôi bỗng dưng đội đất sống dậy.
Điện thoại trong tay bắt đầu run, tôi vội vàng nhìn số gọi đến.
“Mascara hai trăm chín chục nghìn”.
Giọng nói trong điện thoại cất lên trong vắt:
“Em đang ở Việt Nam!”
Có thứ gì đó lành lạnh buông rơi trên gò má, cho đến giờ khắc này tôi mới hiểu, cho dù tôi đã oán trách hay khinh nhờn Thắm thế nào, chỉ cần nghe thấy 1 hơi thở của chị, cái thứ tình cảm tưởng đã đóng băng qua vô vàn tuế nguyệt kia, ngay lập tức rì rào tan chảy.
Đầu óc trống rỗng, tạm thời không có thứ ngôn từ nào đủ tỉnh táo để thốt ra.
Đợi vài giây cho tâm trạng dịu lại, tôi nói:
“À, chị Thắm? Em cứ tưởng giờ này chị đang dạo cao ốc ở Hồng Kông, quay lại Việt Nam xập xệ làm gì?”
Đầu dây bên kia cũng im lặng hồi lâu, mãi sau mới nói:
“Em biết anh hận em cứ thế ra đi không lời từ biệt, chỉ vì… chỉ vì em nghĩ…”
“Chỉ vì chị nghĩ đi theo gã kia giàu sang phú quý sướng bỏ mẹ ra đúng không?”
“Không phải, không phải đâu! Em làm tất cả cũng là vì anh”.
“Buồn cười thật, à phải rồi, chị bảo ghét nhất nói dối, nhưng chẳng phải chị cũng dối trá khi nói về vụ làm ăn ở Đà Nẵng đó sao? Hừ, lời nói cũng chỉ là lời nói. Trên đời này không có ai đáng tin hết”.
“Hai Mặt, không phải thế! Đúng là em ghét cay ghét đắng thói dối trá, nhưng sau khi biết suy nghĩ chín chắn, em đã nhận ra, đôi khi không nói thật vẫn tốt hơn!”
“Thật ra đâu cần phải khó khăn thế, cứ việc bảo: Tao ra nước ngoài cưới thằng chồng cho sướng! Ừ, chị có nói thế em cũng chẳng dám phản đối đâu”.
Thắm im lặng trong vài giây rồi trả lời:
“Bây giờ qua điện thoại khó nói hết lắm, anh về Đà Lạt chưa? Mình gặp nhau chỗ cáp treo đi”.
Tôi dập máy!
“Mẹ kiếp, chị ta đang ở Đà Lạt, đang ở Đà Lạt!”
3 giây sau tôi gọi lại cho Thắm:
“11 Giờ trưa, cáp treo Đà Lạt”.
“Em đang đợi trước nhà anh”.
“…”