Phần 19
Cuối thu, đông lại về.
Trên bầu trời trải đầy những cụm mây màu xám nhạt. Tôi nghe Hà Nội từng cơn se lạnh.
Gió bấc miên man thổi qua mái nhà, làm lá cây rơi vãi khắp nơi.
Chiều tà, tôi có sở thích nằm phễn trên tầng thượng, nhìn trời mây rục rịch biến đổi muôn hình vạn trạng.
Thấy mắt tôi nheo lại, đứa em gái nằm bên cạnh duỗi người tò mò hỏi:
“Anh cả, anh cả nghĩ gì lâu quá vậy? Nằm đây cả tiếng đồng hồ rồi đó”.
Con bé này là đứa con gái đầu tiên gắn bó thân thiết với tôi.
Ngày xưa, Tôi đi học nó cũng đua đòi đến lớp mẫu giáo sớm. Tôi đi bơi, nó dù không biết bơi vẫn đu theo dạo tới dạo lui trên bờ. Tôi đi ăn nhậu với đám bạn, nó lén lút tới nơi, bắt tại trận tôi đang cưa đôi chai rượu, tuy vậy chưa bao giờ mách Má.
Con người nhỏ bé bên cạnh, luôn là người đem lại cho tôi niềm vui và mái ấm gia đình, cũng tốt đẹp hệt như mẹ của nó – Má Nuôi.
Ánh nắng chan hòa dọi xuống thân hình 2 đứa trẻ, tôi vòng tay ôm nó vào người, nói với giọng vô cùng cưng chiều:
“Bánh Đậu thấy lạnh thì xuống nhà với Má đi, Má đang nấu món gì tối nay nhỉ?”
“Má nấu canh chua, canh chua kiểu miền trung cho anh cả ăn” – Bánh đậu ngọt ngoan ngoãn trả lời.
Vốn nó phải gọi bằng mẹ, nhưng học theo tôi, từ đó về sau mở miệng là kêu Má.
Cái mặt tròn vo, 2 má hây hây hồng dụi dụi vào bụng tôi, con bé này rất thích gối đầu lên ngực tôi lim dim ngủ.
“Ủa? Anh cả ơi” – cái giọng ngọng nghịu của Bánh Đậu Ngọt.
“Sao?”
“Bộ anh đang buồn chuyện gì hả?”
‘Đâu có’.
“Anh cả nói xạo. Từ sáng đến giờ toàn im im, chưa thấy anh cả buồn thế bao giờ. Anh cả có chuyện gì cứ nói với Bánh Đậu, Bánh Đậu kể lại với Má, Má thương cả, nhưng mà còn thương Bánh Đậu hơn. Không có gì Má không làm được, chuyện của anh cả dễ òm.”
Lời của Bánh Đậu Ngọt bao giờ cũng là liều thuốc tinh thần đáng quý đối với tôi, tính ra phải cảm ơn nó nhiều lắm. Tôi cưng chiều đưa tay xoa mái đầu nhỏ nhắn của em gái, con bé rất thích được cưng chiều như vậy.
Con bé này không biết giống ai mà già trước tuổi! Mới lớp 2 mà ranh ma quá trời, tôi có tâm sự gì nó nhìn 1 cái trúng phóc.
Tôi khoái cô nào ở trường cấp 3, nó để ý thái độ hành động của tôi là biết ngay. Vì nó còn nhỏ, có được cái khí chất cưng chiều không ai bằng, cũng là người thân thiết với tôi, nên nó nắm giữ biết bao nhiêu bí mật.
Con bé miệng kín như bưng. Chỉ có điều, nó không thích khi tôi tiếp cận các cô gái.
Hôm đó đúng là 1 ngày không vui đối với tôi, bánh đậu ngọt quả nhiên nhìn ra chân tướng.
Còn nhớ sáng ngày hôm đó, máy bàn nhà tôi nhận được 1 cuộc điện thoại, người nghe máy trùng hợp làm sao chính là tôi.
“Alo, bác tìm mẹ cháu à. Mẹ cháu không có nhà”.
“Mẹ cháu?”
“Vâng, cháu là con nuôi”.
Đầu dây bên kia thở hắt ra 1 hơi, ngập ngừng kích động rồi vang lên.
“Mi có nhận ra ta không? Ba của mi đây”.
Ba tôi?
Ba tôi là dân Quảng chính gốc. Nghe đâu ngày trước làm chủ thầu công trình, nuôi nhiều lính thi công. Đến khi gặp được mẹ ruột tôi thì cũng gần bước vào tuổi trung niên.
Mẹ ruột trong ký ức của tôi, không biết có giống với mẹ khi đó ba đã gặp không, nhưng theo lời hàng xóm thì ba gặp mẹ trong 1 đêm ăn nhậu. Mẹ nhỏ tuổi hơn ba khá nhiều lại nổi tiếng ăn chơi quậy phá.
2 người cưới nhau không hôn thú rồi đùng 1 cái có con.
Tôi sinh ra không nằm trong kế hoạch, không có sự tính toán trước. Cũng không biết là do mẹ tính nhầm ngày, quên uống thuốc tránh thai, hay là do ba tôi rút không kịp mà Tắc Kè Bông rốt cuộc được sinh ra.
Thời niên thiếu, mẹ vốn không ưa tôi, khác hẳn với các bà mẹ khác. Mà cũng có thể, đó chỉ là ngộ nhận của tôi lúc còn bé tí. Nhưng mặc kệ thế nào, sự thật là tôi đã thiếu tình thương gia đình.
Nói ra cũng dễ hình dung thôi, mẹ tôi suốt ngày cờ bạc, đề đóm. Bà nợ ngập đầu, chủ nợ nhiều không đếm xuể. Ở khu phố nơi tôi sống bà nổi tiếng với biệt danh “thiếu ngón”. Nghe đâu là bị người ta chặt bớt, lúc đó tôi được tầm 1 tuổi.
Gia đình suy sụp, ba tôi trả giúp mẹ vài khoản rồi cũng trụ không nổi nữa, bỏ đi đâu biền biệt.
Vợ nợ, con khờ, người thô thiển như ba tôi chạy làng cũng phải.
May mắn thay, một thời gian sau, ba quay về đón tôi. Mẹ nhận ra tất cả, đột nhiên hối lỗi, cầu xin ba dẫn cả nhà vào nam bắt đầu cuộc sống mới.
Mẹ nói “anh nhìn con mình, thằng bé càng lớn càng kháu khỉnh, bàn chân như nó sống sướng lắm, đây là cái phúc của người mẹ. Anh có dẫn con theo, thì cho em theo chăm sóc nó…”
Lời nói gió bay! Chưa kịp vào nam, mẹ đã bỏ cha con tôi chạy trước, sau khi… bàn giao hết nợ nần cho chồng con.
Số tôi lận đận, như con lật đật bị hết người này đến người kia xô đẩy. Vì thế, cái gì thân nhân, cái gì bạn bè, tôi không dám mơ ước cao xa.
Cuộc sống hai cha con càng lúc càng khó nhằn. Ba là người cộc tính, hồi đó có phen còn trói tôi vô góc nhà đánh. Về nguyên nhân, chủ yếu vì 2 nguyên nhân:
Thứ nhất: Do ba tôi nghĩ đến ngày xưa, tức cảnh sinh tình đem roi ra vụt. Cứ sau mỗi ngọn đòn lại mắng:
“Đĩ mợ, sớm biết có ngày ni đã không ăn ở với con điếm nớ. Lại còn đẻ ra giống mi làm chi??? Tại mi! Cái chi cũng tại mi!”
Tại tôi? Ba tôi say rồi nói nhảm hay thật. Trong cuộc hôn nhân người có lỗi là họ, sinh tôi ra cũng nên trách họ mới phải. Tôi không nói tiếng nào thì thôi, ba lại còn đổ tội ngược lên đầu tôi.
Thứ 2: Tôi hay ăn trộm rượu! Có hôm đầu óc tỉnh táo, ba điều tra ra kẻ cắp là ai, rượt theo đánh trối chết. Tôi thì có suy nghĩ trẻ con thế này, chai rượu cũng mắc tiền, nếu ba tôi uống say ắt thần trí không ổn định. Vậy tại sao tôi không phải là người chia bớt giúp ông của nợ kia?
Kể cũng may, ngoài những lúc bất hạnh như đã nêu trên, cha con tôi khá hòa thuận. Dù sao lúc đó, kẻ thù chung là mấy tên chủ nợ.
Một sớm nọ, cha con tôi đang trong giấc nồng thì có tiếng gõ cửa ầm ập.
Mẹ mất tích bao lâu nay bỗng trở về.
Câu đầu tiên mẹ nói với 2 cha con là “về trả nợ đây. Không cần phải hằn học thế”.
Ba tôi không nói không rằng, lạnh nhạt dắt xe máy ra khỏi cửa.
Mẹ hỏi “anh đi mô đó? Răng không ở nhà với mẹ con em?”
Ba thờ ơ nói: “Xách con 67 ni đi cho mi khỏi bán mất, nhà ta còn mỗi đống sắt ni có giá trị thôi.”
Lúc đó tôi đang vui mừng vì mẹ về, nghe ba tuyệt tình vậy, lập tức cảm thấy hận ông ấy không sao kể xiết.
Nhưng mà sự việc diễn biến tiếp theo khiến tôi không biết làm thế nào.