Phần 4
Khoảng cách từ cái xóm lao động nghèo này đến thành phố chỉ chưa đầy 3 cây số, nhưng cuộc sống của 2 nơi thì lại hoàn toàn khác nhau, khoảng cách giữa nhung lụa và sự nghèo đói đôi khi ở rất gần mà cũng lại rất xa.
Đầu xóm có mấy nhà công chức, họ không thuộc diện nghèo nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn từng ngày, so với mấy cái nhà xây bằng cát vôi, lợp mấy tấm tôn cũ phủ nilon che mưa ở trong xóm thì ngôi nhà mái bằng tập thể của họ cũng có thể được coi là niềm mơ ước.
Tạo hóa cũng hay trêu ngươi, giữa đầu xóm và cuối xóm là bãi cỏ xanh mướt, nghe đâu là đất thuộc diện quy hoạch nhưng bị bỏ hoang lâu ngày không ai dòm ngó tới vì thế cỏ lau mọc lên cao hơn đầu mấy đứa lớp 1, sau đó mấy thằng lớp 9 hùa nhau vác cuốc vác liềm ra, vặt sạch cỏ, sấn hết mấy chỗ lồi lõm rồi làm nên một cái sân bóng rộng rãi. Thấy bãi đất đẹp, hôm sau có cái xe công nông chở 3 cái ống cống bị hỏng vào đặt ở mép sân, nhìn xa như cái ghế đá trông vào sân bóng, ai hay đọc Doremon thì biết ngay, trông nó cũng chẳng khác là mấy.
Sát sân bóng có 3 cây nhãn, chẳng biết được trồng vào năm nào nhưng từ khi Quang biết leo trèo thì đã thấy nó mọc lù lù ở nơi đó rồi, mùa mưa năm ngoái sét đánh làm sập mất một cây, đội bảo vệ môi trường ngay lập tức có mặt và tha phần thân cây lên xe đem đi đâu mất, chỉ còn trơ trọi lại 1 cái gốc và nó trở thành một cái ghế xem bóng đá đẹp tuyệt trần.
Những năm nhãn được mùa, bọ xít ở đâu kéo đến nhiều vô kể, con nào con nấy bám lỳ lại trên cây, vô tình chúng trở thành món đồ chơi hot cho bọn trẻ con xóm nghèo vào mùa hè. Dùng vợt bắt lấy mấy con bọ xít, ngắt hết chân đi, bôi nhựa đường thật dính vào thân chúng rồi ép chặt vào chiếc xe cút kít được làm bằng phim chụp ảnh ngày xưa, lấy tăm xuyên qua lỗ phim gắn vào đó mấy cái bánh xe bằng cao su cắt thật tròn – thế là cuộc đua bọ xít diễn ra mỗi buổi chiều. Có con còn khỏe đến mức tung cánh kéo theo cả chiếc xe lên trời, nhưng được 1 đoạn là rơi – có lẽ vì quá mệt !!
Loại bọ xít thân to màu trắng này bây giờ còn rất ít, bọn trẻ con bây giờ chắc chả đứa nào hình dung ra được nó là con gì, nhưng nếu sau này được anh chị cho đi nhậu nhẹt quán xá, chúng sẽ thấy bọ xít ở trong các quán hàng ăn côn trùng của người dân Hà Nội thanh lịch. Ngày xưa không bao giờ dám nghĩ sau này bọ xít sẽ lại là một món ăn !
Vào buổi tối mấy đứa con nít trong xóm rủ nhau ra sân bóng chơi bời, lùa bắt, trốn tìm, bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, không thì cũng kiếm chác được cơ số châu chấu, cào cào đem về bán lại cho mấy ông thích đi câu cá, 1 tuần cũng dôi ra được chục nghìn đủ để ăn quà linh tinh.
Ở xóm trên có thằng Cường bằng tuổi với Quang nhưng nó là con nhà công chức, được ăn uống đầy đủ nên trông mập ú, to béo, chiều chiều đi học về nó lại xin mẹ cho ra sân đá bóng, mẹ nó thấy nó to quá cỡ, phát phì thấy ghê, sợ sau này lớn lên không giảm cân được nên cũng đồng ý cho nó xuống xóm dưới đá bóng với bọn nhà nghèo dù trong lòng thì bà không hề thích, nhưng thể thao thì không phân biệt địa vị với lại thằng Cường đi đá bóng cũng tốt cho sức khỏe nên bà cũng muốn nó tham gia.
Nhìn nó lạch bà lạch bạch như vịt bầu trên sân đến bà cũng chả kiềm chế được cười nữa là mấy đứa con nít, trong số mấy thằng khu xóm nghèo, chả hiểu sao thằng Cường “mập” ghét Quang nhất, chắc là nó thấy Quang vừa còi, vừa đen vừa lùn dễ bắt nạt nên nó ghét. Trẻ con mà ! Cứ không ai bằng mình là ghét hết.
Xem cậu con trai đá bóng được ba bữa, thấy cũng tạm ổn, mẹ Cường “mập” mặc kệ nó với lũ trẻ xóm nghèo, chỉ đến giờ cơm là dặn dò “ chơi đá bóng thì được nhưng mà đừng có chơi thân với đứa nào ở cái xóm đấy nhé, toàn bọn vô học với coi chừng lây bệnh đấy ”. Thằng Cường mập hùa theo mẹ, khinh hết mấy đứa bằng tuổi nó trở xuống ở xóm dưới.
Một buổi chiều đá bóng như bao ngày, Cường mập hì hục chạy mãi từ đầu sân đến cuối sân định ghi bàn về báo cáo thành tích cho mama nhưng hét mãi mà Quang không chịu chuyền cho, đâm ra nó hậm hực trong lòng. Cuối trận, Cường mập gọi Quang lại dọa dẫm :
– Sao tao gọi mãi mà mày không chịu chuyền ? Mày biết tao tốn bao nhiêu sức mới chạy được lên đến gôn không ?
Quang chẳng nói gì, nó vốn ghét cái thái độ khinh người của Cường mập, bọn con nít cho nó chơi cùng chẳng qua chỉ vì sợ mếch lòng mẹ nó mà thôi.
– Mày điếc à ? Sao tao hỏi mà mày không nói gì ? Cường mập tiến lại gần, bằng tuổi nhau mà nhìn nó to gấp đôi Quang.
– Lúc đó tao không nghe thấy.
Quang mở lời không quên đưa ánh mắt sắc lịm lên nhìn nó.
Thấy Quang có vẻ nhún nhường, Cường mập được thể cười khoái trí :
– Đúng là mày điếc thật rồi, ê bọn mày ơi, thằng lùn này đã đần độn lại còn điếc, thảo nào mẹ tao bảo mày là cái đồ chả ra gì. Mẹ mày cũng chả ra gì.
Nghe đến đây thì Quang giận tím người, nó gầm lên :
– Mày không được xúc phạm mẹ tao !
Rồi lao vào Cường mập.
Thằng Cường mập dù to béo ục ịch và nặng nề, nhưng dù sao nó cũng to gấp đôi Quang vả lại nó học karatedo trên thành phố từ bé nên cũng biết đánh nhau. Thấy Quang phi về phía mình, Cường mập đưa cả hai tay ra túm lấy Quang, rồi quật một phát xuống đất, nó ngồi đè lên trên không quên đấm cho Quang vài cái vào mặt. Mấy thằng lớp 9 thấy có đánh nhau thì chạy lại, lôi Quang và Cường mập ra, tưởng bọn này tử tế ai dè chúng nó bảo bọn nhóc vây tròn lại kẻo có người lớn trông thấy rồi làm trọng tài cho Quang và Cường mập đánh nhau tiếp.
Ở hiệp 2 này, Cường mập vẫn quật ngã được Quang và đấm thêm được vài cái, Quang ôm mặt không cho nó đấm vì sợ về nhà mẹ sẽ biết nên Cường mập chuyển qua đấm vào bụng…
Thế nhưng giữa lúc đám đông đang reo hò cổ vũ thì một tiếng nói vang lên khiến tất cả bỗng im bặt :
– Chúng mày bị điên à sao không can 2 đứa nó ra, thấy vui lắm hay sao mà cười ?
Chàng thanh niên nói câu ấy bỗng ở đâu xuất hiện, gương mặt vô hồn và mái tóc dài che gần nửa khuôn mặt. Đó là Tâm – gã thu mua phế liệu ở cái xóm này, hình như năm nay cũng mới 17 – 18 tuổi nhưng đã nhiều năm đi theo một hội anh chị có tiếng ngoài thành phố nên cả xóm ai cũng ngại đụng vào.
Mấy đứa lớp 9 thấy Tâm nói thế thì lôi Cường và Quang ra rồi dần dần lủi đi hết.
Quang bị no đòn nhưng có lẽ nó không đau, chỉ thấy nhục và căm giận vì không làm được gì thằng Cường thôi, đưa tay phủi phủi xoa quần áo đầu tóc, Quang chỉ thẳng vào Cường mập :
– Nếu mày là đàn ông, chiều mai ra đây tao với mày đánh nhau tiếp.
Tâm đang châm dở điếu thuốc, nghe thấy Quang nói như vậy cũng ngạc nhiên, nhìn Quang, gã nghĩ thằng này chắc mới 10 tuổi nhưng có vẻ có chí khí đấy, chưa hết ngạc nhiên thì Tâm lại nghe tiếp tiếng thằng Cường mập vang lên :
– Thằng chẳng ra gì, chiều mai mày mà không đến thì cả đời mày chỉ là thằng đần độn.
Thằng này chắc 13 – 14 tuổi, Tâm nghĩ, béo như heo, to gấp đôi thằng lùn kia, thảo nào mà nó thắng. Nhưng dù sao cũng là bọn con nít, Tâm không quan tâm, thấy có đánh nhau, biết là bọn lớp 9 bầy trò nên Tâm can thế thôi.
Thằng Cường mập cười hả hê rồi đi về cùng với mấy đứa lớp 9, hôm nay có lẽ là ngày mà nó cảm thấy sung sướng nhất kể từ khi xuống xóm dưới đá bóng. Dù không ghi được bàn nhưng nó lại đánh tơi bời cái đứa mà nó ghét nhất, đã thế lại còn được tung hô trước mặt bao nhiêu người nữa.
Quang về nhà, chẳng nói chẳng giằng lôi quần áo ra bể tắm, trận đòn hôm nay là lần đầu tiên nó bị người khác ngoài dượng đánh, nó đổ nước ầm ầm vào người để bớt đi sự tức giận, nó hận vì không thể đấm trúng thằng Cường mập dù chỉ một cái vì cái tội dám bảo mẹ nó không ra gì, nhưng nó tự nhủ lòng ngày mai sẽ phải cho thằng mập một trận. Đang dòng suy nghĩ với ý định trả thù thì bỗng nhiên có tiếng gọi làm nó giật nảy mình:
– Quang !
Bà Thùy đến bên nó từ lúc nào.
– Dạ, mẹ !
Nó cúi gầm mặt xuống !
– Chiều nay con đánh nhau có phải không ?
– Không ạ !
Quang lí nhí
– Thằng Tèo kể mẹ nghe hết rồi, con làm được mà không dám nhận sao ?
” Mẹ cái thằng, đã dặn về đừng có mà chờm hớp thế mà… ” – Quang nghĩ thầm.
– Lau người đi rồi về còn ăn cơm, tối nay mẹ phạt không cho đi chơi, dù lý do thế nào thì đánh nhau cũng là không tốt.
– Con biết rồi, con xin lỗi, nhưng mà …
– Không nhưng nhị gì hết, lý do mẹ biết cả rồi.
Thấy con có vẻ tủi thân, bà Thùy bỗng nhiên thấy thương nó vô cùng, giận thì giận thế thôi chứ bà đâu có muốn phải quát mắng làm gì. Xoa đầu quang rồi lau khô người cậu con trai bằng chiếc khăn tắm, bà Thùy đổi giọng :
– Thôi nào, về thôi con, tắm muộn lạnh lắm đấy !
Chưa bao giờ Quang thấy đôi mắt mẹ nó hiền từ đến như vậy, nó cảm thấy trong đó là cả một bầu trời bao dung rộng lớn, nó cứ nghĩ mẹ sẽ mắng nó ghê gớm nhưng cuối cùng bà vẫn dành những lời yêu thương cho nó, cảm thấy có lỗi với mẹ, Quang rưng rưng nước mắt nhưng nó không khóc, chỉ lẽo đẽo theo mẹ về nhà ăn cơm ! Trên đời này mẹ nó là người tuyệt vời nhất và chính vì vậy thằng Cường mập sẽ phải ăn đòn, nó vẫn chưa quên lời hẹn thách đấu vào chiều mai !
Đang mải mê trong dòng suy nghĩ thì tiếng quát tháo ầm ầm của ông Hoàng, dượng nó làm cả 2 mẹ con giật mình :
– Con Thùy đâu rồi, về đi mua rượu cho tao nhanh lên, làm cái gì mà giờ này còn chưa dọn cơm ra ? Định để thằng này chết đói à ?
Mẹ Quang đưa mắt nhìn chồng, thở dài nghẹn ngào :
– Tôi chẳng còn đồng nào đâu, ông uống vừa vừa thôi, đã đi uống cả chiều nay rồi còn gì nữa. Ông say rồi, vào ăn cơm đi rồi còn đi nghỉ.
– Mày nói ai say ? Mày nói lại xem nào ? Tao uống bao giờ mà mày bảo tao say ? Sáng nay mày vừa lấy tiền lương kia mà ? Sao lại bảo không còn đồng nào ? Mày để đâu rồi lôi ra đây cho tao.
– Ông ăn nói hồ đồ vừa thôi, hàng xóm người ta nghe cả đấy, tiền đấy tôi đem đi may áo cho thằng Quang rồi, cả năm nay nó chẳng có cái áo nào mới. Rồi còn phải chợ búa cơm nước nữa, mấy tháng nay ông có đưa cho tôi đồng nào đâu.
Nghe vợ nói thế, đôi mắt lão Hoàng long lên sòng sọc :
– À, hóa ra mày bảo tao không có tiền, tao nghèo nên mày cãi lời tao hả ?
Này thì cãi này, lão xông vào đá bà Thùy một cái, bà Thùy không kịp phản ứng nên ngã bổ về phía sau, lão Hoàng chưa hả giận, cúi xuống định lôi bà Thùy dậy để đánh tiếp thì bỗng Quang lao vào xô ông ta ra rồi hét lớn:
– Không được đánh mẹ tôi !
– Thằng ranh con, mày dám xô tao à, hôm nay tao phải đánh chết 2 mẹ con mày ! Vừa dứt lời thì lão Hoàng đã phi ngay một chiếc ghế gỗ vào người Quang khiến nó ngã túi bụi. Đến lúc này, tận mắt chứng kiến cảnh con mình hết bị người này đánh, người kia đánh bà Thùy đã không thể cam chịu được nữa, lần đầu tiên Quang thấy mẹ nó phải hét lên :
– Ông điên rồi, nó chỉ là một đứa bé sao ông lại đánh nó, ông độc ác vừa vừa thôi !
Thấy có cãi vã đánh nhau, hàng xóm kéo sang can ngăn nên Quang may mắn thoát được trận đòn chí mạng. Cái xóm này cũng chẳng lạ gì chuyện ông Hoàng say rượu về nhà chửi bới đánh vợ, nhưng cũng không thể không sang can sợ bà Thùy không may xảy ra chuyện, bà hiền lành nhân hậu, sống tốt bụng được lòng mọi người nên ai cũng quý vì vậy cứ thấy to tiếng là mấy nhà bên cạnh lại sang ngay.
Như mọi khi ông trưởng xóm kê lại cái ghế rồi lại ngồi phân tích, hòa giải cho hai vợ chồng, lúc nào cũng là cái câu quen thuộc : vợ chồng có chuyện thì đóng cửa bảo nhau sao lại làm to chuyện làm gì, cậu cũng từng là Đảng viên phải sống theo chủ trương và đường lối của nhà nước chứ…
Ông Hoàng thấy có nhiều người đến can, lại cũng hết hơi rượu nên đành nhận lỗi rồi bỏ về giường đi nằm.
Tối hôm đó, trằn trọc mãi không ngủ được, Quang tỉnh dậy đi ra ngoài thì thấy mẹ vẫn còn thức :
– Mẹ, sao mẹ không ngủ đi ?
– À, mẹ tranh thủ đan áo cho khách kiếm thêm tiền, bà chủ quán thuê mẹ đan mấy cái áo cho mấy đứa cháu trong nhà đề phòng mùa đông năm nay đến sớm con ạ, mà này sáng mai con về sớm rồi mẹ dẫn con ra thị trấn nhé, con thích gì mẹ mua cho.
Dù mạnh mẽ đến bao nhiêu đi nữa, Quang cũng không kiềm được những giọt nước mắt cứ thế lăn xuống má. Nó liếm sạch những vị mặn đắng của nước mắt rồi tiến về bên mẹ rúc vào lòng :
– Sau này con lớn, con sẽ đi làm kiếm thật nhiều tiền, con sẽ mua cho mẹ tất cả mọi thứ, mẹ sẽ chẳng phải làm gì nữa hết !
– Uh, để tôi xem sau này anh lớn anh có hiếu với mẹ không nhé ? Hay là chỉ giỏi nói thế thôi, có khi lại gửi mẹ vào viện dưỡng lão ấy chứ.
Quang chỉ ứ ừ vài tiếng rồi lại giúc vào mẹ làm nũng, lâu lắm rồi nó mới ôm mẹ chặt như hôm nay.
– Mẹ hỏi này.
Giọng bà Thùy bỗng nhẹ nhàng hơn:
– Con có biết vì sao trong cơn giận dữ người ta thường phải hét thật to vào mặt nhau không ?
Quang ngơ ngác, nó chả hiếu ý mẹ nhưng cũng cố đáp lại câu trả lời theo nó là hợp lý nhất :
– Vì lúc đó người ta đang mất bình tĩnh nên phải hét to.
– Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa đủ nghe ? – Bà Thùy hỏi tiếp.
Đến đây thì Quang đành chịu, nó lắc đầu lia lịa, ánh mắt nhìn mẹ không chớp chờ đợi câu trả lời.
– Vì khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách sẽ càng xa hơn và họ càng phải hét thật to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.
Thấy gương mặt Quang vẫn còn ngơ ngác, bà Thùy mỉm cười, nhẹ nhàng xoa đầu con rồi cúi xuống :
– Còn đối với hai người yêu thương nhau, họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, rất nhỏ nhẹ giống như mẹ và con lúc này này. Con biết vì sao không ? Bởi vì trái tim của họ đã cận kề nhau và khoảng cách giữa 2 người là rất nhỏ bé…
Lúc này Quang chưa đủ lớn để hiểu được ý nghĩa câu chuyện của mẹ, nhưng sau này khi lớn lên, đi đâu làm gì cậu cũng rất nhớ một điều : Khi hai người yêu thương nhau, họ sẽ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, rất nhỏ nhẹ…