Phần 17
Hết buổi chiều, đại khái tôi cũng hiểu rõ, nói chung là kiểu manh mún. Thợ thì trả lương công nhật, có việc thì gọi đến, hết việc thì nghỉ. Anh tôi tự tìm khách hàng, nói chung cũng đủ dạng, có gia công cho các cửa hàng, có nhận đặt lẻ, có nhận làm hàng cho các xưởng khác cũng may là mấy năm nay kinh tế chung phát triển nên xưởng vẫn duy trì được hoạt động được. Kiểm tra lại những thông tin tôi phân loại từ cuốn sổ của anh tôi trên máy tính, tôi đi đến kiểm tra các sản phẩm đang làm, toàn hàng phổ thông làm đại trà, gỗ thì lai tạp, chẳng mấy giá trị coi như lấy công làm lãi, tôi đoán vậy vì anh tôi cũng chẳng có ghi chép thu nhập của xưởng. Tự nhiên tôi lại có chút thất vọng, tôi đã hiểu tại sao bố tôi lại mặc kệ anh tôi, làm những cái này đúng là sỉ nhục cho tay nghề của bố tôi.
Dặn thặng Thực mấy câu, chủ yếu là bảo nó mua một ít khẩu trang và đồ bảo hộ, cái bụi gỗ mịn từ đủ mọi loại gỗ mà chui vào phổi thì dù có là phổi thép cũng chẳng chịu được. Tôi quen với việc an toàn lao động, chẳng chịu được khi thấy điều kiện làm việc như thế này. Mai tôi sẽ sắp xếp lại.
Lúc tôi về đến nhà, bố tôi đang ngồi ở tấm chiếu trải ngoài hiên uống chè, mẹ tôi và Thu đang lựa vải những quả vải đầu mùa đỏ hồng, vải mẹ tôi trồng không phải loại to như bán ngoài thị trường, quả bé hơn nhưng ngọt. Mẹ tôi bảo giống này giờ rất hiếm trồng vì năng suất không cao mà quả thì bé, nhưng nó mới là giống vải tiến vua ngày xưa, cùi dày, hạt lép, ngọt và thơm.
Hồi còn bé, cứ đến mùa vải là bọn trẻ con chúng tôi mọc đầy rôm, sau này đỡ đi vì ít ăn với lại các nhà đều có điều hòa hoặc quạt điện. Nhà tôi cũng chẳng lắp được điều hòa, chỉ có thể dùng quạt, chẳng hiểu Thu có quen không? Cũng may, khu bếp được sửa lại, nên nhà tắm được lát gạch men sạch sẽ.
Tôi xà vào ngồi cùng với bố, uống chén nước chè, ăn đĩa vải mà Thu vừa mang lên và nói chuyện về cái xưởng của anh tôi, bố tôi cũng không biết cụ thể nhưng lại đồng ý với ý kiến của tôi, phải thay đổi cung cách làm ăn.
Sau bữa cơm tối ngon miệng, Thu và mẹ tôi cùng nấu, mẹ tôi có vẻ rất quý Thu chỉ cho Thu nấu toàn món ăn tôi thích và Thu nấu không tệ.
Ngồi nói chuyện phiếm một lúc sau bữa ăn với bố mẹ, tôi kéo Thu vào buồng dặn dò một chút để cô có thể tự lo cho giấc ngủ của mình trước khi vào viện trông anh tôi.
Anh tôi hồi phục khá tốt theo lời bác sĩ, các phản xạ đều đã trở lại, chỉ là các hoạt động vẫn chưa hồi phục còn cần rất nhiều thời gian, ngay cả nói cũng rất vất vả cố gắng lắm anh tôi mới nói được một từ mà tôi cũng phải rất cố gắng mới đoán ra được.
Tôi về nhà sau khi anh rể đưa chị gái tôi đến, hôm nay chị trông anh tôi thay cho chị dâu, thằng lớn nhà anh chị chuẩn bị lên Hà Nội để đi thi đại học. Tương lai thằng cháu vẫn quan trọng hơn hết thảy, cả nhà phải khuyên mãi chịu mới chịu đi cùng con trai.
Nhà tôi cách bệnh viện cũng gần, bệnh viện ở ngay thị xã, chỉ khoảng bảy tám cây số, tôi chạy thẳng về nhà ăn sáng, lúc sáng Thu gọi điện có ý sẽ đợi tôi về để ăn cùng. Về đến nhà, tôi chạy sang nhà anh cả, chị dâu và thằng lớn đang chuẩn bị đi. Dặn dò nó mấy câu từ kinh nghiệm của tôi, cho nó một ít tiền để ủng hộ tinh thần và bộ chìa khóa cái nhà tôi vẫn đang thuê sau đó mới quay lại nhà ăn sáng.
Bố mẹ tôi đã ăn sáng, Thu đang đợi tôi về, sáng nay mẹ tôi mua bánh cuốn chả, tôi không thích chả ở quê tôi, mọi người toàn thích thịt nạc, ăn hơi khô.
– Hôm qua ngủ ngon không?
– Ngon, ngủ ở quê yên tĩnh hơn trên thành phố.
– Có bị nóng không?
– Lúc tối có một chút nhưng về đêm thì mát. Mẹ lại mang cho em thùng đá, vì sợ em ngủ không được. Em ngại, anh nhắc mẹ không cần như vậy đâu, em có phải tiểu thư đâu cơ chứ.
Vừa ăn tôi vừa hỏi chuyện Thu.
– Tí nữa anh qua xưởng, sau đó tranh thủ lên thành phố lấy ít đồ, em đi cùng nhé.
– Vâng.
Ăn sáng xong nói chuyện với mẹ tôi một lát, sau đó tôi và Thu rời nhà.
Thằng Thức chẳng kiếm được đủ đồ như tôi dặn, chỉ có một ít bịt mặt đi xe máy. Tí nữa lên thành phố phải mua cho chuẩn. Nói chuyện với thằng Thức một lát, dặn nó quán xuyến công việc, cũng hơi thừa vì đó là việc nó phải làm mỗi ngày.
– Anh xem tình hình thế nào, anh em cũng giao động, cũng chỉ còn khoảng một tuần nữa là hết hàng để làm rồi. Hôm trước anh Hưng nói đang làm việc để có đợt hàng mới, nhưng bây giờ thì chưa biết như thế nào.
– Anh biết rồi, mày cứ dặn anh em cứ yên tâm, sẽ không nghỉ việc đâu.
Chiều chắc phải ngồi một lúc với anh Nghĩa, anh rể tôi, để hỏi lại chi tiết việc hôm qua anh vừa nhắc, có lẽ tạm thời cứ nghe theo lời anh cũng được.
– Sao xưởng nhà mình lại chỉ sản xuất những đồ bình thường vậy anh? Em thấy đồ bố làm đẹp như vậy cơ mà.
Thu hỏi khi chúng tôi đang trên xe lên thành phố.
– Bố anh chỉ làm hàng truyền thống cao cấp thôi, dành cho những người thực sự biết chơi, cũng chẳng có mấy người có điều kiện chơi được.
– Bố là nghệ nhân mà. Nhưng mà em nghĩ, nếu như mỗi sản phẩm chỉ cần có một chút thủ công như những sản phẩm của bố, vậy thì cũng sẽ đẹp hơn biết bao.
– Em… nói đúng.
Tôi chợt nghĩ, hầu hết các sản phẩm được gọi là truyền thống mà các xưởng lớn vẫn lấy ra để gọi chẳng có bao nhiêu “truyền thống” trong đó, nó bị lai căng rất nhiều và hầu như lấy cái phô trương làm mục đích, làm sao có thể so sánh với sản phẩm truyền thống nhưng đòi hỏi tính nghệ thuật và ý nghĩa của mỗi chi tiết như bố tôi vẫn làm. Cái này phải nghĩ thật thấu đáo một chút, có lẽ đó cũng là hướng đi để phát triển.