Phần 365
Bình huy động toàn bộ bốn mươi hàng không mẫu hạm mà Liên bang đang sở hữu để bao vây bờ biển nước Nga từ ba đại dương là Đại Tây Dương bao gồm cả Biển Đen và Biển Baltic, Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương. Đi kèm với bốn mươi hàng không mẫu hạm này là hai vạn tàu chiến, số lượng nhiều đến nỗi ở các hải cảng quan trọng tàu Liên bang ken đặc như lá tre. Bên dưới mặt nước là hàng nghìn tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường lẫn năng lượng hạt nhân liên tục tuần tra càn quét. Lực lượng hải quân như vậy là hoàn toàn vượt trội với nước Nga, đảm bảo năng lực phong tỏa tuyệt đối, toàn diện và xây dựng được tuyến đường vận chuyển nhân lực lẫn hàng hóa tiếp tế cần thiết cho binh sĩ trên chiến trường.
Vào một ngày đầu hè, Bình phát lệnh tổng tấn công.
Hai mươi triệu lính Liên bang ồ ạt xâm nhập vào lãnh thổ rộng lớn của nước Nga qua các ngả Trung Quốc, Mông Cổ, Kazakhstan, Ukraine, Phần Lan, Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương. Nhờ ưu thế tuyệt đối về quân số ở các điểm đột kích và số lượng trang thiết bị vượt trội mà quân Liên bang dễ dàng xuyên thủng được các phòng tuyến ở vùng biên giới của Nga. Mỗi ngày quân Liên bang tiến được một trăm cây số, từ đó liên kết lại thành các cụm quân, bao vây và o ép nước Nga về khu vực trung tâm.
Tổng thống Nga Alexei Sokolov quyết định học theo những nhà quân sự vĩ đại trước ông, từ bỏ thủ đô Moscow trống trải để lui về giữ vùng núi Ural là nơi có giá trị tài nguyên chiến lược cho cuộc trường kỳ kháng chiến, cũng là nơi mà nước Nga đã tốn mất ba mươi năm để xây dựng nên một cụm pháo đài cực kỳ kiên cố có diện tích lớn bằng mười lần đất nước Việt Nam. Từ đây, quân Nga dựa vào vùng đồi núi hiểm trở, tung ra các đợt tấn công tên lửa cực kỳ hiệu quả về phía quân đội Liên bang.
Số lượng binh sĩ Liên bang thiệt mạng ngày càng tăng lên cùng với mức độ khốc liệt của cuộc chiến. Sau thời gian tiến quân như chẻ tre ban đầu, Liên bang chỉ có thể nhích một cách chậm chạp, mỗi ngày tiến thêm được năm cây số. Bình ra sức đốc thúc các tướng lĩnh trên chiến trường mở các cuộc tấn công mới trên khắp các mặt trận nhưng do vấp phải hàng rào phòng thủ đa tầng, nhiều lớp của Nga mà những cuộc tấn công này thường dẫn đến thiệt hại sinh mạng khủng khiếp trong khi không thu được thành quả nào đáng kể.
Thời gian cuộc chiến kéo dài. Mùa đông lạnh giá cuối cùng đã bao phủ lên toàn bộ lãnh thổ nước Nga.
Năm đó là một năm đặc biệt lạnh. Ở nhiều vùng nhiệt độ tụt sâu xuống âm hai mươi độ, bão tuyết hoành hành ở khắp nơi. Quân Nga trốn trong vùng núi đá, bên dưới là các hầm ngầm kiên cố, kiên trì cố thủ và đánh cầm chừng trong khi quân Liên bang đóng quân trên một vùng đất quá rộng và trống trải, cho dù đã được tiếp tế đầy đủ quần áo ấm, lương thực và thuốc men cũng dần trở nên kiệt quệ. Tiếng rên la ai oán dậy đất, nhiều kẻ chiến đấu vì tiền khi khổ quá không chịu được thì tìm cách đào ngũ làm giảm sĩ khí quân đội.
Bình đọc sử, biết rằng mùa Đông là kẻ thù lớn nhất cho các đạo quân xâm lược nước Nga, định chờ đến Hè sang, nhưng các nhà khí tượng học cảnh báo rằng mùa Đông này nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn hẳn thông lệ.
Quân Nga triển khai lối đánh du kích, các lực lượng bắn tỉa của Nga ẩn nấp trong các tòa nhà đổ nát, trên các cánh đồng phủ đầy tuyết, trốn trong các hang động hoặc trên các rặng núi cao, lần lượt bắn hạ các binh sĩ tuần tra của Liên bang. Chiến thuật này hiệu quả đến nỗi chỉ sau vài tháng đã có cả chục nghìn người thiệt mạng. Nước Nga cũng phát triển được các loại vũ khí hoạt động tốt trong điều kiện giá lạnh, thứ mà Liên bang không có, chẳng hạn như súng ngắn, súng trường, dàn siêu pháo Kachiusa có tầm bắn lên tới hai mươi cây số và tên lửa đạn đạo có khả năng hủy diệt nguyên một vùng đất. Quân Liên bang ở tiền tuyến bị tấn công bằng đủ các loại vũ khí khủng khiếp, thương vong rất nhiều, có những vùng ở khu vực giới tuyến, quân vừa nhập trại ban đêm sáng ra đã bị tên lửa hủy diệt toàn bộ doanh trại chết cả nghìn người. Có những khu vực càng đóng giữ càng chết nhiều, quân lính nhiều lần đề nghị rút lui, cấp chỉ huy không cho, lính liền giết luôn chỉ huy và chạy về hậu phương. Có những khu vực mà toàn bộ đất đai đều là nghĩa trang, vì cứ đào xuống hai mươi phân đất là gặp thi thể bị pháo kích nghiền nát thành các mảnh vụn, tay chân phân liệt. Do thời tiết quá lạnh mà thi thể không thể phân hủy được, cũng không thể thiêu đốt hay chôn cất được, đành để mặc cho xác người trộn lẫn với đất cứng như đá. Bầu không khí trên chiến trường vô cùng căng thẳng.
Trong tình hình đó, Bình quyết định thay vì hòa hoãn chờ thời, lại đổ thêm quân vào cuộc chiến. Gã tăng lương cho các binh sĩ đang chiến đấu ở Nga một lần nữa, đồng thời thực hiện chế độ quân dịch ép buộc với lính châu Phi, nhờ vậy mà bổ sung thêm được hai mươi triệu lính nữa, nâng tổng số quân lính tham chiến lên tới hơn bốn mươi triệu người, nhiều hơn tổng quân số mà Liên Xô đã huy động trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Bình ném toàn bộ lực lượng này ra tiền tuyến, bắt ép họ phải tấn công.