Phần 339
Cuối cùng đã đến ngày quyết chiến. Toàn giáo huy động năm chiếc hàng không mẫu hạm, hơn một trăm tàu ngầm, một nghìn tàu chiến, gần sáu trăm chiếc máy bay tiến về phía quần đảo Hawaii, nơi các lực lượng Liên minh đang giăng bẫy.
Các lực lượng hải quân Liên minh được chỉ đạo không cần vội vàng, cứ để cho quân Liên bang xa rời căn cứ, tiến vào vùng biển quốc tế xa xôi nơi không có địa điểm tiếp viện, từ đó tiêu diệt một thể.
Trên bản đồ trực tuyến, hiện ra chi chít các chấm trắng thể hiện số lượng khổng lồ các phương tiện vũ khí đang tiến về phía đảo Hawaii, nơi cũng có có chi chít các chấm trắng hiện ra, cho thấy lực lượng Liên minh đang cấp tập dồn đến điểm tập kết.
Khi hai bên còn cách nhau một ngàn cây số, Bình ra lệnh tiến hành đòn tấn công Diệt Đế. Chữ “Đế” trong chữ “Đế quốc”.
Từ các căn cứ ven biển Trung Quốc, mười quả tên lửa đạn đạo liên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân rời bệ phóng, nhắm thẳng vào đảo Honolulu và vùng biển lân cận. Những quả tên lửa này bay với tốc độ Mach 28, nghĩa là nhanh gấp 28 lần tốc độ âm thanh, chỉ trong mười phút đã tới nơi. Tên lửa nhắm vào đảo giữa biển, nơi không được bố trí hệ thống đánh chặn, hơn nữa tốc độ quá nhanh, các tàu chiến đã được cảnh báo vẫn không phản ứng kịp.
Hai quả tên lửa đầu tiên phang trúng đảo Honolulu, lập tức san đảo thành bình địa, các căn cứ quân sự bị xóa sổ, ba trăm năm mươi nghìn cư dân trên đảo cùng với hàng trăm nghìn quân đồn trú từ hàng chục nước chết sạch không còn một ai. Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu. Tám quả tên lửa còn lại rơi xuống biển, gây ra vụ nổ khủng khiếp với cột sóng cao đến sáu trăm mét, tạo thành các cơn sóng thần chưa từng có trong lịch sử, ngay lập tức hủy diệt toàn bộ hạm đội Liên minh, ngay cả những chiếc hàng không mẫu hạm nặng gần một trăm nghìn tấn cũng bị sóng thần lật nhào như chiếc lá cây, sau đó nhấn chìm xuống đáy biển sâu.
Vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, phần lớn máy bay chiến đấu vẫn đang đỗ trên hàng không mẫu hạm hoặc căn cứ quân sự Trân Châu Cảng – Hickam, dẫn đến không chỉ hải quân mà cả không quân cũng bị thiệt hại nặng nề, tổn thất thảm trọng.
Sóng thần lan ra mọi hướng, nhưng do được tính toán khôn khéo, mà lực lan lớn nhất là về phía bờ biển phía Tây của nước Mỹ.
Toàn bộ nước Mỹ báo động, công dân ở khu bờ Tây được lệnh sơ tán khẩn cấp, nhưng tốc độ di chuyển của sóng thần nhanh vô cùng, lên đến một nghìn năm trăm km/h, khoảng cách từ Honolulu đến bờ Đông chỉ khoảng bốn nghìn cây số, sau hai tiếng rưỡi là đến nơi.
Sóng thần ập đến khu bờ Tây, lúc này vẫn còn có hàng triệu người chưa thể sơ tán. Sau quãng đường dài, năng lượng đã mất đi đáng kể, nhưng cột sóng vẫn cao tới hai mươi mét, gấp đôi cơn sóng thần từng càn quét khu vực Đông Bắc Nhật Bản năm 2011. Bang California, Washington, Oregon là những khu vực dính đòn, trong đó bang California thiệt hại nặng nhất vì có đường bờ biển dài nhất, đồng thời là khu vực sầm uất, thịnh vượng nhất nước Mỹ. Các thành phố Los Angeles, San Jose, San Francisco, San Diego ngập sâu hàng mét nước. Các công trình kiến trúc, nhà cửa ven biển bị phá sập trong tích tắc.
Nhà Trắng nằm ở tít tận bờ Đông, cách xa sóng thần, nhưng vẫn ngập trong những lời kêu cứu và báo động, không còn thời gian để nghĩ cách tấn công đáp trả. Thêm vào đó Cố vấn An ninh Quốc Gia Olivia Allen một mực cho rằng cần bình tĩnh ứng phó thay vì nóng máu trả đũa.
Sóng thần tràn ngược về châu Á với lực yếu hơn đáng kể so với những con sóng phá hủy nước Mỹ, nhưng cũng đủ để hủy diệt các thành phố ven biển ở các nước thân Mỹ như Philippines, Indonesia, Đài Loan. Nhật Bản nằm trong số các nước bị tấn công dữ dội nhất, nhưng nước này đã có sẵn cơ sở hạ tầng rất chắc chắn xây dựng sau trận sóng thần năm 2011 nên hầu như không thiệt hại gì.
Liên bang tuyên bố chiến thắng. Điều đáng nói hơn nữa là Liên bang đã chiến thắng mà không phải chịu thiệt hại đáng kể nào do các tàu của Liên bang đã sớm chuyển hướng tránh sóng thần. Kết quả này khiến cả thế giới cùng sững sờ.
Chỉ một trận Honolulu thôi mà toàn bộ lực lượng Hải quân, Không quân hùng hậu được các nước Liên minh cố công xây dựng trong mấy chục năm đã bị xóa bỏ sạch sẽ. Không còn cái gọi là lực lượng Hải quân Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Italy và nhiều nước khác nữa. Nước Mỹ chỉ còn lại lực lượng tuần duyên với hai nghìn tàu nhỏ và phải chia ra bảo vệ một vùng duyên hải cực kỳ rộng lớn. Sẽ cần tối thiểu hai mươi năm để Mỹ cùng các nước đồng minh xây dựng lại được lực lượng quân sự như trước chiến tranh. Sau khi sóng thần kết thúc, Thái Bình Dương trở thành sân chơi riêng của Liên bang. Những chiếc hàng không mẫu hạm của Liên bang tiến sát bờ biển của nước Mỹ khiến cả nước này cùng run sợ.
Sức mạnh trên đất liền của Mỹ vẫn còn lớn, lực lượng tên lửa và hạt nhân còn nguyên vẹn, không dễ để bị đối phương xâm lược, nhưng Mỹ đã mất khả năng thực hiện các cuộc viễn chinh để tấn công các vùng đất xa xôi hay bảo vệ đồng minh trước mối đe dọa từ Liên bang.
Liên bang trở thành đế quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Bình trở thành con người quyền lực nhất thế giới. Gã đã hồi sinh từ cõi chết để bước lên Tột Đỉnh Vinh Quang.