Phần 322
Sau một năm chuẩn bị, cuối cùng Bình đã sẵn sàng khai chiến.
Với tư cách là Thượng Đế Tối Cao và Giáo chủ Toàn giáo, gã ra lệnh cho các tín đồ đồng loạt nổi dậy ở khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã có kinh nghiệm từ vụ Pháp Luân Công và Thiên An Môn, lập tức đàn áp một cách dữ dội. Chỉ trong một tháng đã có cả trăm nghìn người thiệt mạng. Mỹ và các nước đồng minh lấy cớ đó, tuyên bố cấm vận toàn diện Trung Quốc, bao gồm cấm người Trung Quốc được nhập cảnh, cấm nhập khẩu hàng hóa cũng như dịch vụ của Trung Quốc, và cấm bán mọi loại hàng hóa kể cả lương thực cho Trung Quốc. Các vận động viên Trung Quốc bị loại khỏi tất cả các giải thi đấu thể thao và bị buộc phải trở về nước ngay lập tức.
Đất nước Trung Quốc rung chuyển. Chủ tịch Tôn Cảnh Nghi ra lệnh cấm toàn bộ mạng xã hội để ngăn ngừa các nhóm chống phá lan truyền thông tin bất lợi cho nhà nước, nhưng hành động này không dập tắt được tâm lý phản kháng đang bùng lên mạnh mẽ, đặc biệt từ những người tôn kính La Tú Anh.
Khu vực cực Nam Trung Quốc bao gồm ba tỉnh Quảng Đông, Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây là nơi mà Toàn giáo hoạt động mạnh nhất, cũng là khu vực bị đàn áp tàn bạo nhất. Dòng người chạy nạn trốn sang Lào và Myanmar là nơi mà Giáo chủ Phạm Tất Bình đã thiết lập sẵn các căn cứ tiếp đón. Quân đội Trung Quốc tức giận, liền nã pháo qua biên giới. Bình tuyên bố tiến hành cuộc phản kích vì mục đích tự vệ.
Mở màn cho cuộc phản kích là đợt nã pháo và tên lửa ồ ạt vào các cứ điểm của PLA tại khu vực biên giới. Cuộc nã pháo kéo dài suốt ba ngày không nghỉ với độ chính xác lên đến chín mươi phần trăm khiến cả thế giới kinh ngạc trước tiềm lực quân sự của Toàn giáo.
Phương diện quân Phía Bắc với hơn một triệu người chia làm ba mũi đánh vào ba tỉnh Quảng Đông, Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Các cuộc giao tranh diễn ra dữ dội, hai bên tranh giành từng mét vuông đất. PLA có địa lợi nhưng mất thiên thời và nhân hòa. Về nhân hòa, các tín đồ Toàn giáo đã dẫn đường cho Phương diện quân Phía Bắc tập hậu các căn cứ quân sự của PLA, che chở, giúp đỡ quân Toàn giáo trốn tránh các đợt càn quét của PLA, khiến PLA sinh ra cảm giác kỳ lạ rằng họ mới là đội quân xâm lược.
Về thiên thời, Mỹ lên tiếng cảnh báo nếu Trung Quốc sử dụng vũ khí hủy diệt thì liên quân hơn ba mươi nước, bao gồm Mỹ, NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Đài Loan sẽ sử dụng “mọi công cụ cần thiết” để phản kích. Trung Quốc tuyên bố đây là hành động can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của nước này và sẵn sàng “đồng quy vu tận”, nhưng rốt cuộc không dám sử dụng bom hạt nhân để tấn công sang lãnh thổ Liên bang Đông Dương.
Cuộc chiến diễn ra giằng co cho đến khi Phương diện quân Phía Tây tham chiến, tấn công lên Tây Tạng và Tân Cương, hai nơi hiểm địa và cũng là khu vực bất ổn nhất Trung Quốc. Những người theo Phật giáo Tây Tạng và Hồi giáo Tân Cương được Mohammad Jafari hứa hẹn quyền độc lập và tự do tôn giáo, lại chứng kiến Toàn giáo đánh ngang ngửa với PLA, liền đồng loạt nổi dậy. Toàn bộ một dải Tây Nam của Trung Quốc kéo dài từ thành phố Tháp Thành ở Tân Cương tới khu vực giáp ranh Quảng Châu – Phúc Kiến đều trở thành bãi chiến trường, người chết như ngả rạ.
Bình ra lệnh bắn tên lửa đạn đạo vào Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố đầu não khác của Trung Quốc để thị uy. PLA cũng bắn tên lửa ngược trở lại, nhưng Bắc Kinh, Thượng Hải là các thành phố phát triển, thiệt hại cơ sở hạ tầng rất lớn, chứ các thành phố biên giới của Lào và Myanmar về cơ bản không khác gì thời kỳ tiền sử, tên lửa chỉ cày tung mặt đất lên chứ không gây ra được tác dụng gì.
Bình liên hệ được với em trai của La Tú Anh là La Chấn Bảo cũng là thượng tướng quân, từng lãnh đạo Chiến khu Nam Bộ, hiện đang bị Tôn Cảnh Nghi quản thúc tại gia, đề nghị hỗ trợ mình lật đổ Tôn Cảnh Nghi để trả thù cho anh trai, lại gửi cho La Chấn Bảo bức thư của chị dâu kể tội Tôn Cảnh Nghi. La Chấn Bảo đọc thư xong, khóc như mưa.
La Chấn Bảo ban mật lệnh cho các tướng lĩnh trung thành ở Chiến khu Nam Bộ, yêu cầu giả thua rút về khu vực Trung Bộ và Đông Bộ, gây áp lực về mặt chiến lược cho chính quyền trung ương.
Theo sự tác động ngầm của họ La, Chiến khu Nam Bộ càng đánh càng thua, để mất ba tỉnh phía Nam, lại mất nốt Quý Châu, quân đội tháo chạy về Tứ Xuyên, Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến. Tại đây PLA thiết lập phòng tuyến dài hai nghìn cây số để ngăn Toàn giáo tiếp tục tấn công.
Bình tuyên bố sáp nhập khu vực chiếm đóng vào lãnh thổ Liên bang. Từ nay không gọi là Liên bang Đông Dương nữa mà chỉ đơn giản là Liên bang. Liên bang nằm trong số các quốc gia rộng lớn và đông dân nhất thế giới, trong khi Trung Quốc mất một phần năm lãnh thổ và một phần sáu dân số, bao gồm cả tỉnh cực kỳ quan trọng về chiến lược là Quảng Đông, từ đó dẫn đến nguy cơ mất nốt cả đảo Hải Nam và Đặc khu hành chính Hong Kong.
Chiến thắng này đã gây chấn động toàn thế giới và khiến cho các tín đồ Toàn giáo ở khắp nơi đều phấn khích.