Phần 191: SÚNG TRƯỜNG VN
Nhờ sự giới thiệu của Hoàng Ái Khanh mà Bình tiếp xúc được với Châu Vạn Phúc, Tổng giám đốc của Hòa Nhân, tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước hiện nay.
Hòa Nhân chuyên về sản xuất sắt, thép, gần đây còn lấn sân sang làm cả container rỗng dùng cho vận chuyển hàng hóa đường biển.
Châu Vạn Phúc kiên nhẫn lắng nghe đề xuất của Bình một cách lịch sự, trước khi thẳng thừng từ chối:
– Tôi đánh giá cao lời đề nghị của bạn, nhưng hiện nay Hòa Nhân đang đối xử với tôi rất tốt. Ở đó tôi được tôn trọng, quan trọng hơn cả là tôi được đóng góp sức lực của mình cho một tập thể đoàn kết và có tinh thần phấn đấu vươn lên. Tôi không có nhu cầu chuyển việc.
Bình đã đoán trước Châu Vạn Phúc sẽ nói như vậy, nên không hề mất tinh thần.
– Chú Phúc, cháu hiểu rằng chú không muốn phí sức lực cho một công ty vừa mới thành lập, chưa rõ tương lai ra sao. Có điều cháu muốn chú nhìn xa hơn và rộng hơn công việc kinh doanh hiện thời. Tình hình quốc tế đang vô cùng rối ren, một khi chiến tranh nổ ra thì Thiên Ý mới là điểm tựa của quốc gia. Chúng cháu sở hữu những công nghệ mà Hòa Nhân không có và chắc chắn là mãi mãi không có.
– Trước khi lo việc quốc gia đại sự thì một công ty mới thành lập cần tìm cách tồn tại trước đã. Thị trường sắt thép hiện nay đang bão hòa, ngay cả Hòa Nhân cũng đang rất chật vật. Điểm mạnh của Thiên Ý là gì? Nếu chỉ là công nghệ không thôi thì không cạnh tranh nổi với các nước đã phát triển ngành luyện kim lâu năm như Nhật Bản, Đức, nếu là về giá thành thì không cạnh tranh nổi với Trung Quốc, nếu hướng về thị trường nội địa thì sẽ phải chia sẻ với Hòa Nhân, và thị trường trong nước của chúng ta vốn dĩ quá nhỏ bé, không thể tồn tại đồng thời hai công ty ở quy mô lớn như vậy. Tôi thực sự không nhìn thấy cửa ra cho Thiên Ý ở đâu cả.
Bình cười, đáp:
– Thiên Ý không chỉ sản xuất thép mà còn sản xuất cả vũ khí.
Ông Phúc nhỏm người dậy, thái độ đầy kinh ngạc:
– Vũ khí? Là vũ khí gì?
– Trước mắt là súng trường và súng lục. Chính phủ đã cử các nhà khoa học quân sự đầu ngành sang hỗ trợ Thiên Ý sản xuất vũ khí. Bọn cháu đã có sản phẩm vượt qua các cuộc thử nghiệm khắt khe nhất, nhiệm vụ tiếp theo là tiến hành sản xuất ở quy mô công nghiệp với số lượng lên đến hàng trăm nghìn đơn vị.
– Đầu ra của các cậu là gì? Các cậu định bán cho ai?
– Myanmar. Ở đó đang xảy ra nội chiến, nhu cầu vũ khí cực lớn. Trung Quốc và Nga đều đang viện trợ cho các nhóm phiến quân, nhưng chúng ta sẽ gia nhập thị trường này và cạnh tranh bằng các công nghệ vượt trội.
– Thật vớ vẩn.
– Bọn cháu đã bán thành công năm nghìn khẩu súng trường, tiếp theo sẽ xuất thêm hai mươi nghìn khẩu nữa.
Châu Vạn Phúc mở to mắt:
– Chuyện này… thật không thể tin được.
– Chú Phúc, nếu chú không tham gia cùng bọn cháu, bọn cháu vẫn sẽ trở thành công ty công nghiệp lớn nhất Việt Nam, nhưng nếu chú tham gia, quá trình ấy sẽ diễn ra nhanh hơn với ít tổn thất không đáng có. Nếu chú muốn trở thành một phần của lịch sử, thì đây chính là thời điểm không thể nào tốt hơn.
Hoàng Ái Khanh nói thêm vào:
– Anh Phúc, Thiên Ý là ý trời, là sứ mệnh của đất nước này đặt lên vai chúng ta. Anh đừng băn khoăn nữa, hãy tham gia cùng bọn em.
Châu Vạn Phúc vốn quý mến Hoàng Ái Khanh từ lâu, lúc này cảm thấy đã bị thuyết phục, liền gật đầu đồng ý.
Nhờ chỉ đạo ngầm của chính phủ mà Bình vay được tám tỷ đô la từ bốn ngân hàng quốc doanh, thời hạn trả năm mươi năm, lãi suất cố định ba phần trăm, tương đương với ước tính tối thiểu về lạm phát.
Gã cho thuê bốn khu nhà máy của Tenshi, kiếm được ba trăm triệu đô la mỗi năm, lại xin thêm tiền viện trợ của chính phủ Nhật Bản trả lương cho hai nghìn nhân viên Tenshi, kết quả là mỗi năm lãi được bảy mươi triệu đô la. Số tiền ấy được dùng để đầu tư cho Thiên Ý.
Bình xây dựng một nhà máy rộng bốn trăm héc ta ở Hải Phòng, chia thành hai xưởng, một xưởng luyện thép và một xưởng sản xuất vũ khí.
Bình đưa toàn bộ hai mươi lăm lao động Tenshi đã được công ty Công nghiệp nặng và Hóa chất Mitsubishi đào tạo sang Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất trực tiếp lẫn hướng dẫn kỹ năng cho các lao động trẻ của Thiên Ý. Kỹ sư trưởng của nhà máy là Arata Kimura. Đội ngũ này nhanh chóng phát huy năng lực của mình.
Dưới sự hướng dẫn của Arata Kimura, Thiên Ý sản xuất thành công lô thép chất lượng tốt bậc nhất thế giới ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên. Lô thép này tương đương với các sản phẩm hạng một của Mitsubishi.
Bình đem bán một phần của lô thép cho Bộ quốc phòng, phần còn lại dùng để sản xuất súng.
Arata hóa ra không chỉ biết rõ về luyện kim, mà còn có nhiều ý tưởng độc đáo về vũ khí.
Hắn làm ra một khẩu súng trường tấn công có thể tháo thành ba phần, sau khi tháo ra mỗi phần chỉ bé bằng bàn tay. Việc tháo – lắp rất dễ dàng và không để lại các tác động tiêu cực lên khẩu súng.
Điểm độc đáo nhất của khẩu súng này là có khả năng tự động hiệu chỉnh đường đạn.
Một khẩu súng cho dù tốt đến đâu cũng vẫn phụ thuộc vào trình độ người bắn, mà trình độ của người bắn phụ thuộc vào kinh nghiệm, năng khiếu và cả sự hiểu biết về tác động của môi trường lên đường đạn.
Có những người tập bắn cả đời vẫn không thể trở thành xạ thủ giỏi được.
Các khẩu súng hiện đại có ống ngắm quang học giúp nâng cao độ chính xác nhưng đòi hỏi đầu tư tốn kém. Khẩu súng do Arata chế tạo không chỉ cực rẻ tiền mà còn có thiết kế tinh xảo, cho phép nó tự tính toán được tác động của môi trường lên đường đạn để vẽ nên một đường ngắm bắn tiêu chuẩn. Người bắn chỉ việc căn đúng điểm đánh dấu hiển thị trên ống ngắm là có thể bắn hạ mục tiêu với tỷ lệ chính xác lên tới chín mươi bảy phần trăm.
Bình cho sản xuất thử nghiệm năm nghìn khẩu, đánh số thứ tự từ VN – 000.000.001 Đến VN – 000.005.000, Cung cấp miễn phí cho phiến quân ở Myanmar. Sự phản hồi cực kỳ tích cực. Số người chết trên chiến trường Myanmar tăng vọt, các bên tham chiến đều vừa kinh hãi vừa vui mừng.
Lượng đơn đặt hàng gửi về dồn dập. Bao nhiêu tiền viện trợ quốc tế đều được dùng để mua súng.