Phần 49
Chiều hôm ấy tôi buộc phải nghỉ học.
Mặc dù hết tôi đến cái Hạnh khuyên bảo, nhưng Ngọc Mai nhất quyết nghỉ ở nhà. Anh em tôi có nói gì thì nàng cũng chỉ lắc đầu, đinh ninh một câu:
– Nhỡ ở nhà cậu bị thế nào thì sao?
Cuối cùng, thấy không bảo được nàng. Hạnh nó cũng phải chịu thua, còn tôi thì bỏ cuộc.
Ăn cơm xong nó nghỉ lúc rồi đạp xe đi học luôn. Nhưng vẫn không quên thò đầu vào dặn tôi:
– Nhớ cẩn thận sức khoẻ đấy nghe chửa? Có gì phải gọi chị Mai luôn đấy.
– Dạ vâng. Em biết rồi ạ.
Rồi nó đi luôn. Con bé này càng lớn càng giống mẹ tôi, từ cả lời nói lẫn tính nết. Nếu khác chỉ là cái bệnh thi thoảng chanh chua với đá đểu tôi mà nó vẫn chưa chữa được thôi.
Vào cái thời tiết chớm lạnh giữa tháng mười như bây giờ, có lẽ nằm đắp chăn thò cổ trên giường là sướng nhất. Nhưng tất nhiên là không phải với quả đầu đang nặng trĩu cùng cái khăn mặt ướt đắp trên trán như tôi vào lúc này.
– Trông cái ảnh này đẹp không này Nghĩa.
Nói rồi nàng chìa màn hình điện thoại ra trước mặt tôi. Hơi nheo mắt để nhìn cho rõ, tôi thấy một cặp đôi đang ngồi tựa vai vào nhau cạnh một cây dừa trên bờ biển. Bầu trời tô điểm vài làn mây, những con sóng trên mặt biển đan xen vào và nối tiếp nhau đến tận chân trời.
Tôi vốn yêu màu xanh, bởi vậy bức hình chủ đạo màu trời và biển này nhanh chóng làm tôi thích thú.
– Đẹp lắm… Cậu kiếm ở đâu thế?
– Tớ lướt trên mạng, vô tình thấy.
– Hì.
Lúc sáng học về, bọn tôi có qua quán của mẹ Hoàng Yến để mua thuốc. Trưa nhấn nhá được hai lưng bát cơm rồi uống liền một phần sau đó. Có lẽ giờ là lúc thuốc ngấm, cho nên tôi cảm thấy buồn ngủ kinh khủng.
– Đoạn tớ đăng lên zing me. Cậu nghĩ giúp một cái tiêu đề đi.
– Um… Biển xanh, cát trắng… nàng với tôi.
– Nghe ngộ ngộ ấy nhỉ. – nàng gãi má cười – Cơ mà cụng hay.
Tôi không trả lời, cơn buồn ngủ kéo mí mắt tôi sụp xuống.
Đưa ánh mắt yếu ớt về bên thành giường, Ngọc Mai vẫn đang bấm điện thoại, làn môi khẽ mấp máy:
– Làng quê… thành phố… anh và em…
…
Đợt ốm ấy, tôi phải nghỉ mất hai ngày. Ngọc Mai chỉ nghỉ học thêm buổi chiều ở nhà, còn sáng thì được cái Hạnh đèo đi.
Hoàng Yến có hỏi thăm đôi chút, chắc do nàng bận quá.
Qua đợt nghỉ ốm đấy là dập dình luôn 20 – 10. Sau mấy hôm nằm nhà trăn trở suy nghĩ thì tôi quyết định sẽ đập con lợn đất của mình ra để đi sắm quà, cơ mà… đếm đi đếm lại thì hơi thiếu.
– Alo. – giọng nghe vẫn ngái ngủ, chắc thằng bé đang yên giấc trưa.
– Huy à?
– Có gì bảo mẽ đi, gọi đến số tao rồi còn hỏi.
– Ờ thì… Mà mày còn tiền không? Tao mượn đôi ba lít.
– Còn. Mà để mày làm gì?
– Cứ cho tao vay đi.
– Ờ… Đến mà lấy.
Tôi mặc vội quần áo, xông ngay xuống nhà xách xe đạp phóng đi luôn.
Lâu lâu không cầm nhiều tiền trên người, nên vừa đạp tôi cứ vừa nhìn quanh kẻo bị giựt mất. Mặc dù là biết mình lo hão, nhưng vậy vẫn hơn.
Dẫu chỉ đến nhà nó đúng có một lần vào dịp Tết, tuy nhiên không khó để tôi nhầm đi đâu được khi còn cách một quãng xa là đã có thể nhìn thấy căn biệt thự nguy nga tráng lệ ấy rồi.
Một tay nó mở cổng cho tôi, tay kia che miệng ngáp.
– Có việc gì mà phải vội, vào đây.
Hai thằng lên thẳng phòng nó trên lầu.
– Này, cầm lấy. Nó chìa về tôi tờ năm trăm xanh đét.
– Vãi. Nhiều thế, tao vay tầm ba trăm thôi.
– Thì cứ cầm đi, thừa đưa lại. Chứ giờ làm đếch gì còn tờ khác.
– Ờ… – tôi miễn cưỡng nhận lấy.
Nó vừa dụi mắt vừa hỏi:
– Thế mày có chuyện gì thế? Trước giờ thấy mượn tiền bao giờ đâu.
– Có tí chuyện thôi, khó nói lắm…
– Anh em với nhau huỵch toẹt ra một câu xem nào. Gì mà phải giấu?
– Ờ thì à… tao đi mua quà.
– Ai chà! Hai mươi cơ à? Tháng mười cơ à? Phụ lữ cơ à? Tầm đấy đệ… Định mua gì?
– Mua… áo.
– Ai chà! Áo cơ à? Tầm đấy đệ…
– Chả không à. – tôi cười.
– Thế định mua ở đâu?
– Chắc ra chợ Lầm thôi.
– Đừng ra đấy. tao biết có chỗ rẻ mà đẹp lắm.
– Ở đâu?
– Vĩnh Yên.
– Chịu thôi. – tôi le lưỡi – Xa lắm. Đạp xe lên đấy chắc chết.
– Có gì? Tao lấy xe máy chở đi. Thế mày có nhiêu rồi?
– Tao cũng chả nhớ rõ.
Tôi nói rồi rút cả tập tiền trong túi ra để đếm.
– Đợi đã. Mày mua cho bao người?
– Bốn.
– Thế mày định đem tiền này đi mua à?
– Chả thế thì đem tiền nào?
– Lạy bố. Bố định vào shop mua xong vứt cho người ta cả cục tiền toàn một hai chục thế này à?
– Ừ.
– Xin người. Ngại vãi ra ấy.
– Tao thấy có sao đâu.
– Nhưng tao thì có, đưa đây tao đi đổi tiền chẵn cho.
Nó cầm chạy huỳnh huỵch xuống nhà lúc sau chạy lên với hai tờ polime trên tay dúi vào túi tôi.
– Đợi tí tao mặc quần áo cái đã.
Đúng là thanh niên sinh gia và lớn lên trong gia đình không có gì ngoài hai chữ điều kiện có khác. Mở tủ ra phát là cả tá quần áo sà vào mặt. Lựa mãi mới được bộ.
Tôi ngồi sau xe nó phóng mất một chặng dài mới đến một cái shop quần áo to đùng.
– Mày chờ nhé, tao vào lúc thôi. – tôi xuống xe bảo nó.
– Chờ là chờ dứ lào? Để tao vào chọn cùng cho.
– Ừ, thế thì tốt quá.
Tôi đẩy cửa vào, ngay bên trái là một quầy tiếp với một cô gái xinh xắn đứng đó như đợi sẵn.
– Chào anh ạ? Em có thể giúp gì cho anh ạ?
– À vâng… chị… à em… à không chị… chị cho em… mua ít đồ ạ. – chẳng hiểu sao cứ gặp gái xinh là miệng lại lúng búng như ngậm hột thị.
– Hì. Vâng anh cứ chọn tự nhiên ạ.
– Vâng… chị.
– Gọi em đi, kém mình một tuổi. – thằng Huy dắt xe đi cất xong vào sau.
– A! Anh Huy! – đột nhiên cô gái đó reo lên.
– Ừ. Dạo này buôn bán tốt chứ em?
– Vắng bóng anh cái là ế dài ra.
– Chỉ được cái khéo miệng là không ai bằng.
– Ơ thế anh này là bạn anh ạ? – cô gái chỉ vào tôi.
Tôi gãi đầu cười thay cho lời chào.
– Ừ, thằng đệ anh nó mua quà 20 – 10.
– Thế để em ra tư vấn cho.
– Ấy không cần đâu, nó thích tự chọn hơn, như thế ý nghĩa. Lâu rồi không gặp, mình chém gió gặt bão tí.
– Nhưng mà em…
– Không sao đâu.
Thằng mặt thớt, thế mà đưa đón lời bảo vào chọn hộ như thật.
Có lẽ là ttajp trung vào chuyên môn thì có vẻ tốt hơn là đứng lườm nó.
Dự định mùa lạnh cũng đã chớm sang, tôi sẽ mua cho Ngọc Mai và Hoàng Yến mỗi người một cái áo len mỏng, cái kiểu mà mặc ở ngoài mà bẻ được cổ áo sơ mi ở trong ra ấy. Hạnh thì cho nó cái mũ, còn mẹ tôi hay phải lên lớp nên tặng mẹ một cái khăn len là đẹp nhất.
Ngắm ngía lựa chọn một hồi lâu, rốt cục tôi cũng xách được bốn túi đồ ra ngoài xe. Cô gái kia tiễn bọn tôi ra đến tận đường lớn. Luôn giữ được vẻ tươi cười trên môi.
– Hai anh về ạ. Rảnh ghé qua cửa hàng em ủng hộ với nhé.
– Ừ. Nhất định mà. – thằng Huy nhanh nhảu.
– Anh í. Chỉ toàn hứa xuông.
– Xuông là xuông dứ lào. Hôm nay chả đến mua một lố đây còn gì.
– Hì. Đấy là anh này mua chứ. Mà anh không mua quà tặng bạn gái ạ?
– Bạn gái anh đang đứng trước mặt đây, quà là anh đây cần gì phải mua nữa.
– Gớm. Anh cứ trêu em.
– Ai trêu gì đâu. Anh về nhé.
– Vâng ạ.
Nó lại rồ ga lên và chạy đi, ngược theo con đường cũ. Một tay tôi xách mấy giỏ đồ, tay kia khều nhẹ lên vai nó, hỏi nhỏ.
– Mày với cô bé là một cặp à?
– Gì?
Hình như gió át vào tai nên nó nghe không được rõ cho lắm. Nên tôi phải nhắc lại câu hỏi vừa nãy, lúc này nó mới à lên một tiếng:
– Mày bị ngu à? Cặp với kẹp gì ở đây?
– Thế mệ sao vừa rôi mày nói với nó thế.
– Đùa tí mà, mày ngơ đến mức nghĩ là thật á?
– Không hẳn, đơn giản là tao không thích kiểu ấy thôi.
– Kiểu ấy là kiểu gì?
– Nói chuyện tán tỉnh một cô gái mà mình không có tình cảm.
– Xời. Mày cổ hủ bỏ mẹ ra. Cái ấy chỉ là xã giao thôi. Mày hiểu không?
– Tao không muốn hiểu.
Nó còn nói loáng thoáng gì đó nữa, nhưng tôi chẳng còn chú tâm vào. Nhìn men theo hai bên ven đường, nghĩ xem sẽ nói gì với Hoàng Yến vào ngày mai.
Chợt thấy có gì đó lạ lạ, tôi quay ngay sang hỏi nó:
– Đây đâu phải đường đi về nhà mày.
– Tao cũng có nói là về nhà tao đâu. – nó trả lời ráo hoẻn.
Tôi như nhảy dựng lên:
– Mày bị điên à? Giờ muộn rồi còn đi đâu nữa?
– Đưa tao năm chục.
– Để làm gì? Đổ xăng à?
– Cứ đưa đây. Mày nghĩ tao lấy tiền xăng của mày à.
Nó cầm tờ tiền rồi rẽ vào một sạp bán hoa ven đường cạnh sân vận động huyện. Gọi với vào:
– Chị ơi! Để cho em bó hoa.
– Mua hoa tặng bạn gái à em. Đấy em chọn đi.
Nó nhìn một lúc rồi chỉ vào một giỏ hoa nhỏ trên kệ cao:
– Giỏ kia bao nhiêu chị?
– Tám chục em ạ.
Nó chẳng nói chẳng rằng, đề xe định phóng đi.
– Ấy sao không mua à em? – bà chị kia bỏ ghế đứng lên gọi lại.
– Chị cho cái giá đấy thì ai mà mua được.
– Chị đâu có nói điêu.
– Ngần này hoa với cả cái giỏ kia tầm ba chục nghìn, cứ cho tầm này đắt thì cũng chỉ bốn chục cả công làm nữa thì lên năm chục. Gớm, chị làm như em chưa đi mua hoa bao giờ ấy.
Kì kèo một hồi, cuối cùng nó cũng xách được giỏ hoa ấy về theo mức giá mà nó đề ra. Về khoản này thì phải đưa tôi chắc tôi chẳng mặc cả đâu.
Tôi khựng ngay cái suy nghĩ ấy lại khi nó đang đi vào cái ngõ mà với tôi khá là quen thuộc.
– Sao mày lại đi vào đây?
Nó không trả lời, tấp vào một bên đường, quay lại đưa tôi giỏ hoa rồi bảo:
– Lấy máy ra gọi hỏi xem ẻm có ở nhà không rồi phóng xe vào cổng mà tặng. Đưa tao ba cái túi kia, tao chờ ở đây.
– Nhưng tao muốn mai mới tặng.
– Thế mày thích chơi trội ở trường à? Hôm nay luôn, có hai đứa thôi cho riêng tư.
– Sao mày biết ngõ này?
– Nhà thằng bạn tao ở đây.
Không muốn nhìn gương mặt đang cảm kích của tôi lâu, nó đẩy tôi lên xe, giục:
– Mịa nhanh lên cả tối rồi.
– Ờ ờ…
Tôi phóng vào sâu hơi trong ngõ chừng ba trăm mét. Dừng xe, rút điện thoại ra và giật mình khi thấy thông báo pin yếu và cái vạch đỏ ngàu trên góc màn hình. Mở danh bạ và tìm thật nhanh cái tên mà tôi đang nghĩ trong đầu.
“Hoàng Yến.”
Bấm nút gọi thật nhanh, hi vọng nó không sụt mất.
– Alo. – giọng con gái trong trẻo quen thuộc phát ra từ đầu dây bên kia.
– À… Yến à? Tớ… tớ là Nghĩa nè.
– Hâm à? Tớ có lưu số mà, cần gì giới thiệu. Nhắn tín với nhau bao lâu rồi còn.
– À… Ừ… ừ nhỉ.
Nàng cười khúc khích:
– Gọi bảo gì tớ thế?
– Thì là… bây… bây giờ ấy… cậu có ở nhà không?
– Tớ có.
– Thế… thế tớ… bấm chuông nhá…
– Ơ, cậu đang…
Âm thanh vang lên bên tai tôi đã im bặt. Cất cái điện thoại màn hình đã tối đen vào túi. Tai tôi đưa lên phía nút chuông bên trụ cổng. Nhưng chưa kịp bấm thì đèn sân bên trong được bật sáng lên, sau đó tiếng lẹt xẹt xỏ dép. Qua khe hở của mấy chậu cây cảnh, người con gái mà tôi đang chờ đợi đang tiến nhanh về phía này.