Phần 60
“Chắc là hôm qua nàng gọi lúc mình đang ở trong bar… có nên gọi cho nàng không nhỉ… Nhưng nói gì đây… Xin lỗi à… Nhưng mình làm gì có lỗi… là do Trúc Quỳnh chứ… thôi thì…” – tôi soạn tin.
– “Một ngày mới tốt lành Gì!”
Lát sau có tin nhắn:
– “Hừ” – tin nhắn của nàng chỉ có thế nhưng cũng đủ khiến cho một ngày tươi đẹp trở nên ảm đạm.
Buổi sáng, tôi chạy xe qua trả thằng Nam trước khi nó kịp đi làm, đến chiều bầu trời thành phố xám xịt. Nghĩ có điềm nên trên đường đến võ đường, tôi mấy lần định quay bước để tránh ‘bão’, ấy thế mà lòng “quả cảm” vẫn khiến đôi chân thẳng tiến. Vừa đến nơi, Tiểu Quỳnh đã khoanh tay đợi sẵn ở hành lang, tôi mỉm cười với nàng.
– Quỳnh đến sớm vậy.
– Sớm gì nữa… mọi người vào lớp hết rồi. – Nàng lạnh lùng.
– Sao Quỳnh chưa vào… mình vào thôi – tôi tươi cười định đánh bài chuồn nhưng nàng gọi lại.
– Quỳnh đợi Minh.
– Ơ… đợi Minh chi?
– Hôm qua sao Quỳnh gọi mà Minh không nghe máy?
– À… tại… tại máy để chế độ im lặng đó mà – tôi khẽ cười.
– Minh đưa Trúc Quỳnh đi đâu mà về tận 2h sáng?
“Giờ đó mà nàng còn thức sao?” – Tôi đau khổ.
– Trúc Quỳnh nói muốn đi dạo nên hai đứa đi vòng vòng ấy mà.
– Hai đứa… – nàng bặm môi.
– À… là Minh với Trúc Quỳnh – tôi chữa… nhưng vẫn tệ như nhau.
– Minh đừng nói dối nữa… đi dạo kiểu gì mà em gái Quỳnh nồng nặc mùi rượu, khóc sưng cả mắt… Minh nói thật đi, tối qua hai người đã đi đâu?
– Đi… Bar… – tôi ậm ừ.
– Thật là… sao lại đưa Trúc Quỳnh đến những nơi ấy.
– Trúc Quỳnh buồn nên muốn uống… Minh có cản nhưng không được. – Tôi ngần ngại.
– Dù có như thế Minh cũng nên gọi điện báo Quỳnh một tiếng chứ… Minh có biết người làm chị như Quỳnh lo lắng thế nào không… Nhỡ hai người xảy ra chuyện gì thì sao? – Nàng nói như mắng.
– Minh xin lỗi… lần sau sẽ không thế nữa – tôi khổ sở, y như bị “mẹ” la.
– Còn có lần sau?
– À… không… ý là…
– Thôi được rồi… Minh không cần phải giải thích đâu, nếu có lần sau, thì đừng để Trúc Quỳnh đến nơi đó và đưa em gái Quỳnh về nhà sớm một chút. – Nói xong nàng đi thẳng vào lớp với vẻ lạnh lùng chẳng thua gì cô em.
Tôi rầu rĩ bước theo, lòng than trời trách đất, trách luôn mẹ của Tiểu Quỳnh, bà thật là “khéo đẻ”. Tiểu Quỳnh với vẻ ngoài đoan trang, dịu dàng nhưng thực ra bên trong nàng là một “sư tử hà đông”, duyên nợ trớ trêu thế nào khiến tôi yêu nàng chứ? Biết thế này, hồi trước chọn quách Quỳnh Chi cho xong.
Lúc sau trong lớp võ, hễ có cơ hội là tôi lại khẽ cười với nàng một cái để tỏ rõ sự “ăn năn… hối cải” của mình, vậy mà nàng chẳng động lòng tí tẹo nào, hết cách tôi mon men lại ngồi cạnh.
– Quỳnh mệt à?
– … – nàng chẳng them nhìn tôi.
– Thứ hai này Quỳnh dạy Minh pha cappuccino nhé.
– Ừm… – nàng lạnh nhạt.
– … – bộ dạng Tiểu Quỳnh khiến tôi hơi sợ.
Đang nghĩ xem nên nói gì cho nàng vui thì Bảo mò đến.
– Quỳnh ơi, hôm nay bên câu lạc bộ có đi tặng cơm không? Bảo đi với nhé?
– Ừm… lát nữa sẽ đi. – Tiểu Quỳnh mỉm cười.
“Cái thằng Bảo này… có tài phá đám quá nhỉ?” – Tôi nghiến răng.
– Bảo rất thích hoạt động này… có ý nghĩa lắm.
– Hôm trước Bảo tặng hết cơm chứ?
– He he… phải hết mới về chứ, công sức của mọi người mà.
“Xem kìa… xem kìa… lại còn cười với nhau nữa… thật là không chịu nổi, định cho mình ra rìa à… Ông đây mặc kệ” – tôi đứng phắt dậy, đi lại chỗ Thảo ngồi.
– Đại ca… sao mặt anh như muốn đánh nhau vậy? – Thảo tò mò hỏi.
– Ừ… đang muốn đánh nhau đây?
– Thiệt hông?
– Thiệt… – vừa dứt câu, con bé Thảo cầm ngay lấy bàn tay tôi, vặn tréo lại… đau quá tôi phải nằm úp mặt xuống sàn.
– Em làm gì vậy?
– Hi… Đánh anh… anh chả phải đang muốn sao?
– Được rồi… được rồi… không đánh nữa!
Thảo buông ra tủm tỉm cười.
– Em học đâu ra cái đòn lợi hại vây?
– Thầy Đông mới dạy đó.
– Sao anh không biết nhỉ?
– Anh là đồ lười biếng mà… đi học võ mà suốt ngày ngắm gái.
– Ơ… đừng có đánh đồng anh với mấy thằng phàm phu tục tử nhé.
– Thôi đi… đàn ông toàn háo sắc.
– Không háo sắc thì không phải đàn ông… ha ha.
– Mà này, em để ý thấy mấy bữa thứ Bảy, các anh chị hay về sớm, đi đâu vậy?
– Đi làm từ thiện… bọn anh đi tặng cơm cho những người kém may mắn.
– Hi… thích nhỉ, hôm nay có đi không cho em đi với. – Thảo hớn hở.
– Có… nhưng hơi vất vả đấy.
– Vui mà… cho em đi với nhá.
– Có thể sẽ về hơi muộn nữa… nhà em lo lắng thì sao?
– Khoảng mấy giờ về ạ?
– 10H… tầm đó.
– Vậy thì không sao… em sẽ xin phép mẹ… nhưng nhà em gần đây nên em không đi xe… sao đây?
“Hừ… nhìn cái cặp đang vui vẻ cười nói bên kia mà bắt ghét, bé Thảo cũng cao ráo xinh xắn, lớp 10 rồi nhỉ… hay là… bà ăn chả thì ông ăn nem… hơ hơ hơ”
– Đang nghĩ gì đó… em đi cùng được không? – Thảo gọi.
– Ừ… vậy lát nữa anh sẽ chở em.
Lát sau chúng tôi xin phép về trước, qua chùa chở mấy thùng cơm và cháo. Bé Thảo ngồi sau xe, luôn miệng cười nói, Tiểu Quỳnh cũng nhìn thấy nhưng tỏ vẻ không quan tâm. Khi đang đợi mọi người chuẩn bị cơm, anh Hùng kéo tôi ra một góc.
– Có chuyện gì vậy anh?
– Minh này… hôm qua Trúc Quỳnh về nhà không sao chứ?
– Dạ… không sao ạ.
– Ừ… cảm ơn em.
– Có gì đâu.
– Anh có chuyện này muốn nhờ em được không?
– Anh cứ nói… nếu giúp được em sẽ hết mình.
– Thực ra, anh thích Trúc Quỳnh… anh biết em và Quỳnh khá thân nhau, vậy nên em có thể tạo điều kiện cho anh và Quỳnh được không?
– Dạ… việc này – tôi hơi bối rối – “tán gái mà đi nhờ vả sao?”
– Sao em?
– Em cũng không dám hứa… nhưng em chúc anh thành công.
– Cảm ơn em. – Anh Hùng vỗ vai tôi.
Tôi và anh Hùng khiêng thùng cơm đặt lên xe anh Long xong, bé Thảo lay tay tôi.
– Anh ơi, nhiều thế này sao mà tặng hết.
– Không sao đâu, còn nhiều người lắm.
– Minh này… Bé Thảo lần đầu đi, em hướng dẫn cho em nó nhé. – Anh Long dặn.
– Anh yên tâm… em sẽ chăm sóc chu đáo.
– Ai cần anh chăm hả – Thảo véo tôi.
– Ha… ha.
Tiểu Quỳnh vẫn không tỏ thái độ gì, nàng khẽ cười với Thảo.
– Lát nữa, cần gì thì hỏi chị nhé Thảo.
– Dạ…
Buổi tặng cơm vẫn như thường lệ, mọi người tập trung ở công viên 23/9, sau khi chia nhau các phần cơm, chúng tôi ngồi lại thành vòng tròn để nghe anh Long thông báo, bé Thảo tươi cười cầm bịch cơm ngồi cạnh tôi.
– Vui không? – Tôi hỏi.
– Vui… Lần đầu em tham gia những hoạt động thế này đấy, thích quá.
– Ừ… giúp mọi người bao giờ cũng hạnh phúc mà. – Tôi khẽ cười.
Tiểu Quỳnh ngồi bên cạnh Thảo, nàng quay sang, vô tình ánh mắt hai đứa chạm nhau, chẳng ai nói gì… tôi nhìn vào mắt nàng.
– Chị Quỳnh ơi, cơm này tặng thế nào chị? – Thảo hỏi.
– Khi em tặng… nếu là cụ ông, cụ bà thì em nói”ông ơi, cháu đến từ câu lạc bộ Nhân Ái, hôm nay có phần cơm tặng ông ạ”, hay nếu là trẻ con thì em nói là “Chị có phần cơm tặng em…”… vậy là được. – Tiểu Quỳnh ân cần.
– Dạ em biết rồi. – Thảo gật đầu.
– Mọi người ổn định lại nào, có việc này muốn thông báo với mọi người. Từ tuần sau, chúng ta sẽ không đi phát cơm nữa. – Anh Long ngồi giữa vòng tron nói lớn.
– “Sao vậy anh? Câu lạc bộ có chuyện gì à?”
– “Em thấy hoạt động ý nghĩa mà… sao lại không tiếp tục?”
– Mọi người trật tự nào… thực ra chúng ta chỉ tạm dừng để tập trung vào một chương trình khác thôi, có một mái ấm tình thương liên hệ với ban chủ nhiệm câu lạc bộ nhờ giúp đỡ họ. Mái ấm này là nơi cư ngụ của trẻ em mồ côi, lang thang kiếm sống, mái ấm được mở ra để giúp các em có chỗ ăn chỗ ngủ nhưng hiện tại chị quản lý muốn dạy học cho các em nữa, tuy nhiên kinh phí bên đó không đủ, cơ sở vật chất thiếu thốn và cũng không có nhân lực để đảm trách việc dạy dỗ các em. Thế nên ban chủ nhiệm câu lạc bộ quyết đinh giúp đỡ mái ấm. Mọi người thấy sao?
– “Em nhất trí… lần nào đi tặng cơm, thấy mấy đứa nhỏ mà tội quá, muốn giúp nhiều hơn nhưng không biết phải làm sao?”
– “Em cũng đồng ý… mình sẽ tặng các em cái chữ.”
– “Em sẽ tình nguyện dạy các em”
– Mọi người nhất trí nhé.
– “Nhất trí” – mọi người hô lớn.
– Vậy chiều mai chúng ta tập trung ở công viên Lê Văn Tám rồi lên kế hoạch cụ thể.
Buổi họp diễn ra khá nhanh với sự đồng lòng của mọi người và các bạn sinh viên đầy háo hức muốn trở thành những cô, thầy giáo. Lúc chuẩn bị lên đường, tôi chở Thảo chạy lên chỗ Bảo và Tiểu Quỳnh.
– Bọn mình đi cùng với nhé, Thảo mới lần đầu tham gia vẫn còn bỡ ngỡ nên đi cùng cho vui. – Tôi mỉm cười, Bảo gật đầu. Quỳnh dặn dò Thảo.
– Lát nữa em tặng cơm cùng chị nhé Thảo.
– Dạ.
– Anh Minh có đi ẩu thì nhớ nhắc anh ấy.
– Hi… dạ… em biết rồi.
– “Ai đi ẩu chứ… lần nào anh chẳng chở em về đến nhà.” – Tôi nhìn Tiểu Quỳnh, thầm nghĩ.
– “Hứ… phải đề phòng cho bé Thảo chứ.” – Nàng nhìn tôi lạnh lùng như muốn nói.
Thành phố bắt đầu cuộc sống về đêm ồn ào và vội vã, những con đường rực rỡ ánh đèn, hai chiếc xe máy chầm chậm lục tìm những góc tối. Bên kia đường, ông cụ nằm cong veo dưới mái hiên của một cửa hàng đã đóng cửa, bên cạnh là bà lão đang quạt cho ông, Tiểu Quỳnh bước xuống xách theo bịch cơm, tôi gọi Thảo.
– Em đi cùng chị Quỳnh đi?
– Dạ…
Hai chị em ân cần hỏi thăm, bà cụ cầm tay Thảo vẻ biết ơn. Lát sau, Thảo quay xe, em hơi buồn.
– Tội hai ông bà quá anh ạ?
– Ừ…
– Thằng con trai duy nhất ruồng rẫy hai ông bà, nên họ phải lên Sài Gòn nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. – Thảo rưng rưng chừng muốn khóc.
– Anh đã bảo đây là một công việc vất vả mà.
– Ý anh là phải chứng kiến những cảnh đời ấy?
– Ừ… góc khuất của xã hội trần trụi và bụi bặm lắm, tiểu thư thành phố như em chắc ít khi gặp nhỉ?
– Dạ… nhưng em… em đâu phải tiểu thư gì đâu. – Thảo phụng phịu.
– Anh đùa thôi.
Một lát sau, tôi chủ động đi cùng Tiểu Quỳnh.
– Thảo à, để anh, em trông xe nhé – không đợi Thảo trả lời, tôi lấy hộp cơm chạy theo Tiểu Quỳnh.
– Quỳnh… đợi với – tôi gọi, Bảo ngẩng cổ trông theo.
Phía trước là một đôi bà cháu ăn xin, cô bé gái một tay bà dắt đi, tay còn lại cầm chiếc hộp sin gum vừa đi vừa hỏi khách đi đường mua cho vài thỏi, bà cụ dáng đi chậm chạp, giơ bàn tay nhăn nheo ra xin tiền người đi đường. Tiểu Quỳnh móc lấy một tờ 20k cho vào tay bà cụ.
– Bà ơi, bọn cháu đến từ câu lạc bộ Nhân Ái, có phần cơm tặng hai bà cháu ạ.
– Bà xin… bà xin… bà cảm ơn cháu – bà cụ run run cầm lấy hộp cơm.
– Của bé nè… hôm nay bán được nhiều không? – Tôi đưa cô bé phần cơm.
– Dạ… cũng được ạ… em trả cho anh chị nè – cô bé cầm hai thỏi sin gum đưa cho tôi.
– Em cứ giữ lấy mà bán… anh không ăn đâu – tôi mỉm cười xoa đầu cô bé.
– Em cảm ơn anh chị – cô bé gật đầu rồi tiếp tục dắt bà cụ đi.
Tôi đứng cạnh Tiểu Quỳnh trông theo họ, hai bà cháu dừng lại bên lề đường, cô bé nhìn trước sau, chắc là muốn sang đường nhưng đường đang đông, bà cụ lại chậm chạp thế kia… Tiểu Quỳnh lo lắng.
– Sao mà họ qua được?
– Để Minh – tôi chạy lại chỗ hai bà cháu, Tiểu Quỳnh bước theo.
– Sao vậy em? – Tôi hỏi cô bé.
– Nay đường đông quá, em không dắt bà qua đường được – cô bé mếu máo.
– … – Tiểu Quỳnh nhìn tôi.
– Bà ơi… bà lên lưng cháu cõng giúp qua đường ạ – tôi cầm tay bà cụ.
– Thế sao được – bà lắc đầu.
– Dạ không sao… bà cứ lên đi ạ – tôi đưa lưng ra cõng bà, hơi ngần ngại nhưng cuối cùng bà cũng leo lên.
Tiểu Quỳnh dắt theo cô bé, chúng tôi từ từ băng qua đường, những chiếc xe máy, ô tô cũng giảm tốc độ để tránh. Sang đến bên kia, hai bà cháu vô cùng biết ơn, tôi và Tiểu Quỳnh phải thay phiên nhau lắc đầu nói câu “không có chi” mãi họ mới tạm biệt, trán tôi lấm tấm mồ hôi, lưng cũng ướt, Tiểu Quỳnh khẽ cười.
– Minh mệt không?
– Không sao… bà cụ nhẹ òm à – tôi cười, lòng tràn ngập niềm vui.
Khi Tiểu Quỳnh và Thảo đang tặng cơm cho hai đứa nhỏ đánh giày trên đường Bùi Viện, có một cặp khách nước ngoài hớt ha hớt hải vừa đi vừa hỏi khách du lịch, họ nói cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, Bảo tò mò.
– Chuyện gì thế nhỉ?
– Không biết nữa… nghe “child… girl” gì đó? Hình như là người pháp.
Thảo đi lại xe, hỏi.
– Chuyện gì vậy anh?
– Anh không biết… mình đi thôi, chắc trời sắp mưa rồi.
– Chị Quỳnh và em mỗi người còn một hộp nữa, nhanh thôi mà.
– Ừ.
Lát sau khi đang đợi hai chị em ở bên cạnh một siêu thị điện máy, dòng người mua hàng ra về khá đông, tôi tựa cằm nhìn những chiếc ti vi plasma bên trong cửa kính, bỗng đâu một cô bé chừng 5 – 6 tuổi vừa đi vừa nức nở khóc, mái tóc em vàng hoe, cô bé vừa đi ngang qua, tôi bỗng giật mình nhớ ra cặp vợ chồng người Pháp lúc nãy, liền gạt chống xe chạy theo. Tôi níu vai cô bé, em sợ sệt lùi lại, khóc to hơn, mấy người quay lại nhìn tôi nhưng cũng không để tâm lắm rồi bỏ đi.
– Come down… come down… I help you… are you ok? Where your parent… your dad… mom… where?
– Hic… hic… “Tiếng Pháp”
“Vậy mà mình đoán đúng rồi…” – tôi nhủ thầm, cô bé bị lạc. Thảo gọi tôi.
– Anh ơi… đi thôi.
– Đợi anh tí.
Tôi nói với cô bé.
– Alright… follow me – tôi cầm tay cô bé kéo đi, quên mất việc nó không biết tiếng Anh, em giật lại nhất định không chịu.
– Cô bé sao vậy Minh – Tiểu Quỳnh đi lại hỏi.
– Nhóc người Pháp này bị lạc bố mẹ… lúc nãy hình như bố mẹ tìm nó trên đường Bùi Viện thì phải.
Tiểu Quỳnh cúi xuống nói với cô bé bằng tiếng Pháp, tôi hơi ngạc nhiên. Bảo và Thảo lúc này cũng đứng bên cạnh.
– Có phải nó bị lạc không? – Bảo hỏi.
– Ừ… chuyện lúc nãy còn nhớ không? – Tôi nhắc Bảo.
– Vậy giờ làm sao… không lẽ chạy đến đường Bùi Viện tìm bố mẹ nó? – Thảo lo lắng.
– Biển người mênh mông thế này biết họ ở đâu mà tìm… sao mà để con bé lạc không biết nữa – tôi tặc lưỡi.
– Cô bé tên Jane… bị lạc lúc cùng cha mẹ đi chơi ở chợ Bến Thành, bây giờ sao mà tìm ba mẹ cho bé đây? – Tiểu Quỳnh cầm tay em, cô bé đã nín khóc và nép vào bên chân nàng.
– Theo Minh nên đưa nhóc đến một đồn công an nhờ người ta tìm giúp, kiểu gì cha mẹ cô bé cũng gọi điện báo mà.
– Vậy đi ngay thôi, trời sắp mưa rồi đó – Bảo lo lắng.