Phần 51
NGOẠI TRUYỆN 8.
Cái thời đi học, ôi chao… có nhiều kỷ niệm để kể lắm, hôm nay xin kể về cô bạn Minh Huệ và chuyện học hành.
Năm lớp Ba, sau khi bị chuyển lớp, Minh Huệ trở thành lớp trưởng của tôi. Thực ra tôi và nhỏ này cũng có thể coi là quen biết từ trước vì mỗi khi chào cờ, hai đứa hay to nhỏ nói chuyện với nhau. Nhưng kể từ khi sang lớp nhỏ, em lớp trưởng chẳng thèm đếm xỉa gì đến tôi nữa. Nhớ có một lần chào cờ, trời nắng, Minh Huệ ngồi phía trước đội cái mũ vành to, trên đùi để một cuốn tập, tôi thò tay lên hỏi mượn.
– Ê… cho tao mượn cuốn vở che nắng cái.
– Ý… không… đưa lại đây. – Nhỏ giật mình kéo quyển vở lại.
– Mượn chút coi – tôi vẫn giữ cuốn vở.
– Thả ra – nhỏ kéo lại.
Chúng tôi đang dùng dằng thì tờ bìa rách cái ‘soạt’, tôi ngã ‘uỵch’ ra đất.
– Hic… hic… rách rồi – nhỏ bắt đầu khóc bù la bù loa lên.
Cả đám bạn quay đầu lại nhìn chúng tôi. Thầy giám thị cầm cái thước chạy đến.
– Gì vậy mấy em.
– Bạn kia làm rách quyển vở của em… hic – nhỏ thút thít.
– Ai biểu không cho mượn, cái đồ… đồ ki bo – tôi miệng thì cãi, tay thì phủi cái đũng quần.
– Này thì làm rách vở bạn – thầy nói xong liền quất vào mông tôi mấy cái thước.
– Ui… da… Á – tôi vừa la vừa nhảy cẫng lên vì đau.
Từ bữa đó, ngày nào lên lớp nhỏ cũng mè nheo đòi tôi đền quyển vở cho bằng được, nhưng tôi không trả. Một hôm, đang ngồi chơi bi thì nhỏ xề lại.
– Đền tui quyển vở.
– Không đền… ai biểu mày ki bo, rách ráng chịu. – Tôi hất hàm.
– Nè thì không đền – nói xong, nhỏ cầm viên bi của tôi ném đi.
– Làm cái gì vậy hả – tôi đẩy nhỏ ra.
– Á… hu… hu… hu – nhỏ làm bộ khóc, sợ thầy giám thị thấy lại cho tui bắt nạt nhỏ, tui chạy vào nhà vệ sinh trốn đến khi trống đánh vào lớp mời mò ra.
Bữa sau, đang chơi đá cầu, nó chạy lại lấy mất trái cầu.
– Trả cho tao – tôi la lên.
– Đền cho tui quyển vở.
– Không đền… trả cầu đây. – Tôi với tay giật trái cầu sau lưng nhỏ.
– Hu… hu… hu… hic… hic – một lần nữa nhỏ lại giả bộ khóc, tôi láo liên nhìn quanh xem có thầy giám thị không.
– Đừng có giả bộ nữa.
– Tui mét thầy… ông bắt nạt tui. – Nó đi về phía phòng hiệu trưởng.
Nghĩ đến cảnh ăn đòn hay trốn trong nhà vệ sinh làm tôi nổi da gà.
– Được rồi, tao trả… tao trả mày quyền vở là được chứ gì.
– Trả 2 quyển.
– Mày bị khùng à.
Hôm tiếp theo, tôi đau khổ mang lên cho nhỏ hai quyển vở.
– Vở nè. – Tôi ném xuống bàn cái ‘phạch’
– Hứ… – nhỏ cười và bỏ hai quyển tập vào cặp.
Không thể tin rằng trên đời lại có một con bé ác nhơn đến vậy, có thể bắt nạt cả một đứa “giang hồ nhí” như tôi. Từ khi đó đến lớp 5, tôi chẳng dám đụng đến một sợi lông của nhỏ nữa và trong niềm tin gần như tuyệt đối, tôi chắc chắn nhỏ này bị khùng. Bằng chứng là lúc ra chơi, thay vì chơi nhảy dây, chơi đá cầu, chơi tán dép… nói chung là chơi tất cả cái gì thiên hạ chơi được thì nó lại tìm cho mình một góc mà “đọc sách”, cái trò vô bổ nhất trần đời mà một đứa học sinh có thể nghĩ ra vào giờ ra chơi.
Lớp Năm, nhỏ làm liên đội trưởng, một trong những huyền thoại của trường tiểu học ngày ấy, tác phong nề nếp, ăn mặt chỉnh chu, học hành siêu phàm. Chỉ có một khuyết điểm rõ to ở trên mặt đó là chiếc kính cận.
Nhờ thế mà tôi và đám huynh đệ trong lớp có một trò mới rất chi là vui, đó là trêu liên đội trưởng Minh Huệ. Một bữa nhỏ lên văn phòng lấy sổ đầu bài cho cô giáo, khi đi ngang qua cửa, tôi tháo chiếc khăn quàng búng cái ‘chóc’, nhỏ giật mình làm rớt cả tập giáo án xuống đất.
– Bốn mắt đi đâu mà vội… mà quàng… mà vất phải đá, mà quàng phải dây. – Tôi nói bâng quơ.
– Ông coi chừng tui đấy – nhỏ lườm tôi, khom lưng nhặt tập giáo án rồi bỏ đi.
– Ha… ha – tôi và đám bạn ôm bụng cười.
Bữa sau, lúc nó đang đọc sách, tôi đi đến trước giơ hai ngón tay và hỏi.
– Mấy đây?
– … – nhỏ nhìn lên không trả lời.
– Ồ… mọt sách mà cũng không biết à? – Tôi mỉm cười.
– … – nhỏ vẫn nhìn tôi.
– Tao biết, đó là 2 – thằng bạn của tôi đứng sau lưng nhỏ kêu lên.
– Trời… vậy mà nãy giờ không nói, tao cứ tưởng mày ngu lắm chứ – tôi khoác vai nó đi ra khỏi lớp.
Đùa với em liên đội trưởng được hai hôm thì bữa sau cả đám bị trả thù đau đớn. Cuối tuần nhỏ đứng lên nhận xét điểm thi đua của lớp.
– Tuần này lớp mình bị cờ đỏ trừ điểm thi đua vì những bạn sau: Minh, Quý, Bảo… các bạn vi phạm tác phong, tháo khăn quàng, không bỏ áo trong quần, vì vậy tuần sau phải trực nhật, lau bàn ghế, tưới nước cây.
– … – Cả bọn nhìn nhau ngao ngán.
– Tháng này điểm học tập của một số bạn rất thấp vì thế cô sẽ chuyển chỗ các bạn học khá để kèm mấy bạn học kém – cô giáo nói và bắt đầu chuyển chỗ mọi người.
Minh Huệ được chuyển xuống ngồi sau lưng tôi. Hôm sau đang giờ học, tôi quay qua thằng bạn bên cạnh nói chuyện, vừa nói được câu thứ hai thì lưng tôi bị cái gì đó đâm vào đau điếng, quay lại hóa ra là nhỏ lớp trưởng dùng bút đâm tôi.
– Bị điên à?
– Học dở… mà còn nói chuyện – nhỏ bũi môi.
Cảm thấy nhục nhã vô cùng vì bị một đứa con gái nói mình học dở, đầu tôi như phát hỏa. Từ lần đó, tôi quyết tâm phải rửa hận, ngày đêm dùi mài kinh sử, phấn đấu để trở thành học sinh giỏi nhất lớp, để con nhỏ “coi trời bằng vung” kia nó sáng mắt ra. Điểm số của tôi tăng dần, đến cuối học kỳ Một chỉ toàn 9 với 10, nhưng thành tích đáng ngưỡng mộ ấy không làm tôi vui vì nhỏ vẫn ra vẻ “ta đây là nhất còn nhà ngươi giỏi lắm là nhì mà thôi”, trong khi đó tôi đã đánh đổi rất nhiều thứ, chẳng hạn như những buổi đi thả diều, câu cá, bắn chim… đôi khi buổi tối mải học mà lỡ mất vài tập “Tây Du Ký” tiếc đứt ruột.
Dù đã trở thành học sinh giỏi nhưng cái tật nói chuyện trong lớp thì có đánh chết cũng không bỏ, thành ra mỗi lần như vậy tôi lại bị Minh Huệ đâm một cái vào lưng, làm cái áo trắng có một cái vòng tròn chi chít dấu bút bi, mẹ tôi dù cố gặt thế nào cũng không sạch. Đúng là nhỏ ác nhơn.
Sang học kỳ Hai, trường tiểu học chọn một đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, sau vòng tuyển chọn gắt gao, tôi, Minh Huệ, Phương Vy và chục đứa nữa được chọn ra. Lúc đó, tôi đã rất vui mừng vì cuối cùng cũng có cơ hội chứng tỏ bản thân, chỉ cần tôi có giải cao hơn Minh Huệ thì xem như tôi thắng. Tiếc thay, sau kỳ thi tôi và Phương Vy chỉ được giải ba, Minh Huệ giải nhất. Thời tiểu học kết thúc và tôi thua Minh Huệ.
Với tôi chuyện học hành cũng giống như một trò chơi, luôn cần có động lực và mục tiêu, nói thật nếu không có Minh Huệ, tôi đã chẳng phấn đấu như vậy, chỉ có điều tôi không hiểu Minh Huệ học giỏi vậy để làm gì, vì sợ tôi học giỏi hơn chăng? Hay vì giành được những thành tích vô vị kia? Thật chẳng biết.
Lên cấp Hai, tôi chẳng còn hào hứng với việc thi đua với Minh Huệ, xem ai là người học giỏi hơn, thay vào đó là thi đua với thằng Nhân, Ngọc xem ai là người bắn Contra hay hơn, đá banh, đánh võ giỏi hơn, việc đó thú vị gấp trăm lần.
Đến năm lớp Chín, tôi vẫn là một cậu học sinh bình thường, chẳng có gì nổi bật còn Minh Huệ hết năm này đến năm khác là học sinh xuất sắc, liên tục là liên đội trưởng. Em ấy bắt đầu ra dáng con gái, xinh xắn hơn hẳn, chiếc kính cận nhìn kỳ cục khi xưa bỗng trở nên thật đáng yêu. Không hiểu sao từ dạo ấy, thằng Ngọc hay trốn đá banh, chơi điện tử thay vào đó nó đi học thêm với Minh Huệ, hễ Minh Huệ học lớp nào là nó cũng theo học lớp đó.
Cũng năm đó, tôi thích một em lớp bên cạnh tên Kim Ngân, nàng dáng cao, trắng trẻo và dễ thương, nhất là có chiếc răng khểnh nhìn duyên không chịu được. Đây là lần đầu tiên tôi thích một người con gái, nhận ra trong mình đã có điều gì đó lớn hơn.
Học kỳ Hai, trường tổ chức một kỳ thi để tuyển chọn ra các đội tuyển tham gia thi cấp huyện. Hầu như cả trường ai cũng tham gia và tất nhiên là cả tôi nữa. Dù học toán chỉ tàm tạm nhưng tôi vẫn đăng ký thi vào đội tuyển này và tôi rớt cái ‘ạch’. Những bài toán trong đề thi đều là toán nâng cao, chỉ những ai đi học thêm thì may ra làm được.
Nhân cũng rớt như tôi, Phương Vy vào đội tuyển Tiếng Anh, Minh Huệ và Ngọc vào đội tuyển Toán còn Kim Ngân thì loạt vào đội tuyển Văn. Năm đó đội tuyển Văn chẳng mấy người thi, nên dù đã lấy hết thí sinh vần chỉ có 7 đứa, trong khi yêu cầu là 10, cô phụ trách đi đến từng lớp hỏi xem học sinh nào có nguyện vọng vào đội. Nghĩ đến việc có thể học cùng với Kim Ngân làm tôi mừng rơn, giơ tay tham gia.
Nói thật là học cái khác như toán, lý, hóa thì còn có chút ứng dụng thực tế chứ học môn Văn thì không hiểu nó có tác dụng gì.
Học đội tuyển Văn chẳng có gì vui vì lớp toàn con gái. Chẳng thể nói chuyện thoải mái được, lúc nào cũng phải gọi nhau bằng tên hay xưng “tớ”, gọi ‘cậu’, nhiều khi ngại chết được. Bọn con trai trong trường bắt đầu phao tin đồn về tôi, một tuyển thủ đá banh và là nhà vô địch taekwondo của trường bỗng chốc bị gọi là bê đê. Cứ mỗi lần thấy bọn nó chỉ trỏ, thì thầm với nhau là muốn nhào vô đánh nhau một trận.
Dù mặc cảm tăng lên theo từng ngày nhưng tôi vẫn theo học văn với Kim Ngân. Có lần tôi chép một bài thơ tình của Nguyễn Bính sau đó kẹp vào sách rồi tặng Kim Ngân, bữa sau nàng tặng lại tôi một cuốn sách khác và kẹp trong đó chính bài thơ của tôi.
– Ủa… sao… sao bài thơ. – Tôi ấp úng.
– Hi… cảm ơn Minh về quyển sách, nhưng bài thơ mình không nhận đâu – nàng lắc đầu.
Bị từ chối, tôi chán nản muốn bỏ luôn đội tuyển Văn, nhưng đã quá muộn, vài bữa sau chúng tôi thi cấp huyện. Không nhớ nổi tôi đã viết nhăn viết cuội gì trong bài thi mà sau đó người ta thông báo tôi được giải nhì cùng hai đứa khác trong đội, Kim Ngân rớt.
Phòng giáo dục huyện thành lập một đội tuyển để thi cấp tỉnh, cả đội có 13 đứa là con gái chỉ một mình tôi con trai, mấy bữa đầu học tôi đều nghỉ vì quá ngượng, sau đó hai thầy trong trường đến nhà làm việc với bố mẹ, động viên tôi theo học để còn thi lấy thành tích về cho trường, chẳng hiểu cái thành tích ấy nó to đến cỡ nào mà ba mẹ la tôi quá trời, thế là tiếp tục con đường văn chương trong miễn cưỡng.
Mấy đứa con gái trong đội tuyển Văn huyện là chúa ăn hàng, cứ mỗi buổi học xong, bọn nó lại ra quán chè, không thì quán nước mía, lúc nào tôi cũng phải trả phân nửa nếu muốn sống yên thân. Học hai tháng, được hai trăm nghìn tiền trợ cấp, trừ đi tiền ‘mãi lộ’ cho 13 cô nương kia thì chỉ còn hơn 50 chục. Sau kỳ thi cấp tỉnh, một lần nữa tôi lại giành giải nhì, trong đội có bốn đứa đồng giải như tôi.
Kỳ thì lên lớp 10 năm đó, tôi thi vào trường Trần Quốc Tuấn. Học hành tàm tạm nhưng tôi vẫn loạt vào lớp chọn của trường, sau đó bố mẹ kêu tôi thi vào trường chuyên Lương Văn Chánh, ừ thì thi, có chết ai đâu, dù sao tôi cũng chẳng có mấy hy vọng, muốn vào được ngôi trường đó thì đều là mọt sách, siêu nhân, siêu phàm thôi, chứ thằng ba trợn như tôi thì có mà nằm mơ.
Biết thi chuyên gì đây, tờ cầm tờ đăng ký và suy nghĩ.
– Phương Vy, em thi chuyên gì?
– Chuyên Anh.
– Minh Huệ?
– Mình thi chuyên Toán. – Minh Huệ mỉm cười.
– Con gái mà học toán làm gì… chán chết – tôi tặc lưỡi.
– Kệ tui… Còn ông? – Em ấy làm mặt giận.
– Chuyên Văn. – Tôi đáp một cách thiếu suy nghĩ.
– Hii… hi – cả hai nhìn tôi tủm tỉm cười.
Lỡ tuyên bố thi chuyên Văn, tôi đành phải đăng ký, bây giờ mới thấy mình ngu. Thi vào trường chuyên có hai vòng, vòng một thi hai môn toán và văn, vòng hai thi môn chuyên. Tôi định sẽ cố gắng thi vòng một còn vòng hai sẽ bỏ giấy trắng vì nếu điểm vòng một cao, có thể được xét vào lớp cận chuyên, chứ học lớp chuyên Văn với một đám con gái thì thà tự tử còn hơn. Ấy thế mà lúc làm bài thi chuyên Văn tôi đã không bỏ giấy trắng, tôi ghi vào đó một câu “em rất ghét môn Văn… chúc thầy cô chấm thi dồi dào sức khỏe và thành công”, vâng đó là câu mà một học sinh giỏi văn cấp tỉnh đã viết.
Sau kỳ thi, Phương Vy và Minh Huệ rủ tôi đi xem kết quả, nhưng tôi từ chối vì nắm chắc mình rớt và đã chuẩn bị sẵn tinh thần để lên trường Trần Quốc Tuấn học, đến khi Phương Vy thông báo rằng tôi đậu vào lớp cận chuyên, bố mẹ hết sức vui mừng vì đây là lần đầu tiên trong dòng họ có đứa học trường chuyên Lương Văn Chánh. Bố tôi làm liền ba con gà nhậu từ sáng đền chiều với mấy ông hàng xóm.
Bạn có đoán được vì sao mà tôi đậu không? Thực ra điểm cộng cả hai môn toán và văn ở vòng một không đủ để tôi đậu nhưng nhờ được cộng thêm 1. 5 Điểm vì là học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, nên tôi đủ điểm đậu. Đời thật là hài phải không?
Lên cấp Ba, điểm môn văn của tôi thấp lè tè vì thể loại nghị luận văn học lúc nào cũng cần trung thành với mấy cuốn bí kíp học ‘dốt’ môn ngữ văn may ra điểm mới cao, tôi chẳng hứng thú gì với việc kiếm điểm cao môn này, bạ đâu viết đó, cứ tưởng tượng đến cảnh ai đó đến nhà năn nỉ bố mẹ cho tôi đi thi văn cấp quốc gia thì chắc tôi phải trốn biệt xứ mất.
Mãi sau này khi lên đại học, (tôi học ngành xây dựng dân dựng và công nghiệp của trường đại học kiến trúc TP. HCM) có một lần tôi đọc một bài báo. Đại loại nó viết về một cô nữ sinh lớp 12 thi đại học được 10 điểm môn văn, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm có một học sinh được điểm 10, ngoài ra nó còn phân tích thêm nhiều thứ khác như: Vì sao học sinh chán học văn, tình trạng học lệch… bla… bla… Nhưng có một câu mà tôi thích nhất ở cuối bài báo – “học văn để có một tâm hồn đẹp”.
Vậy đấy, môn văn là môn học rất có ích dù nó không tạo ra của cải nhưng nó bồi dưỡng tâm hồn. Ấy nhầm về mặc của cải thì môn này cũng kiếm được khá tiền đấy, cứ nhìn nữ nhà văn, tỷ phú Gì. K. Rowling mà xem có khi bạn sẽ bỏ đi ác cảm với môn này.