Phần 44
NGOẠI TRUYỆN 2: TRUYỆN CỔ TÍCH.
Khi nhìn vào mắt Tiểu Vy, tôi thấy mình như quay về với những ngày thơ bé và câu chuyện ngày xưa tôi luôn muốn kể.
Năm tôi 8 tuổi, tôi đã biết đọc sơ sơ, biết sơ sơ nghĩa là có thể đọc sơ sơ mấy cuốn truyện, nhất là truyện tranh. Và thế giới với tôi trở nên vô cùng kỳ diệu. Tôi rất mê đọc truyện, mẹ mua cho tôi truyện, tôi đi mượn truyện của bọn bạn mà đọc, để dành tiền để thuê truyên. Tôi gối đầu ngủ trên những cuốn truyện, ăn cơm đọc truyện, đi chơi cũng đọc truyện đến nỗi ba tôi phải quát tôi:
– Mày có bỏ cuốn sách xuống mà ăn cơm không hả?
– Dạ… dạ… – tôi sợ quýnh quíu, bỏ cuốn sách qua một bên mà vẫn lật ra, chốc chốc lại liếc sang coi.
Những cuốn truyện trở thành kinh thánh của tôi, tôi đinh ninh rằng con rùa chắc chắn là chạy nhanh hơn con thỏ, con gà, con chó, con mèo hay bất cứ con vật gì đều có thể nói chuyện được, tôi thường mất hàng giờ để rình bọn nó trò chuyện nhưng chẳng bao giờ nghe thấy chúng nó nói gì, tôi đâm ra tin rằng chúng nó rất ngu hoặc là vì không được đi học nên không biết nói như mấy con trong truyện. Tôi thì được đi học nên đương nhiên là tôi biết nói, tôi bô bô kể với Tiểu Vy về những câu chuyện tôi đọc được. Tiểu Vy thích thú ngồi nghe.
– Mày mà hun con ếch thì nó sẽ lập tức biến thành người đấy – tôi giảng giải.
– Thiệt dẫy hả… thích hen! – Tiểu Vy tròn mắt.
– Ừa… tao bắt ếch cho mày hun nhé? – Tôi thích thú gợi ý.
– Mà hun là sao anh? – Tiểu Vy nhìn tôi nhơ ngác.
– Là… là… là hun chứ sao, mày ngu quá! – Tôi ấp úng vì không biết, liền quát Tiểu Vy.
Tôi phải chạy về nhà hỏi ba tôi:
– Hun là sao ba?
– Là lấy miệng con đụng vô cái gì đó! – Ông nhìn tôi dịu dàng.
Hôm sau tôi gặp Tiểu Vy và mang theo một con ếch xin được từ nhà ông Hai Thọ. Tôi buộc con ếch bằng một sợi dây mà xách đi.
– Tao mang ếch cho mày hun nè! – Tôi chìa con ếch ra.
– … Sao nó đen đen vậy anh? – Tiểu Vy tròn mắt.
– Ếch thì đen chứ sao, mày ngu quá! – Tôi quát.
– Ừa… em đâu có biết – Tiểu Vy xụ mặt.
– Bây giờ mày lấy miệng đụng vô con ếch thì nó sẽ biến thành người.
– Hả… em không hun đâu, gớm lắm, anh hun đi. – Tiểu Vy chạy thụt lại mặt nó sợ hãi.
Tôi chợt nhớ trong truyện chỉ có con gái mới hun con ếch chứ đâu có thằng nào hun nó đâu. Tôi quát Tiểu Vy.
– Tao là con trai không hun được!
– Em không hun nó đâu – tiểu Vy la lên rồi chạy mất biến.
Tôi ở lại sững sờ nhìn con ếch mà không có cách nào để giải thoát nó khỏi cái kiếp làm ếch. Buồn ơi là sầu.
Năm đó, tôi vào lớp Hai. Tôi cảm thấy mình oai hơn mấy đứa lớp Một rất nhiều, tôi thấy mình to hơn tôi hồi lớp một nửa, thật kỳ lạ. Vào lớp Hai, tôi có một nỗi buồn nhẹ là không thể mang truyện theo đọc vì sợ bọn bạn nó giành mất hay sợ tụi nó làm hư mấy cuốn “kinh thánh” của tôi.
Tiểu Vy vẫn học chung lớp với tôi, thằng Nhân thì chuyển sang lớp khác. Tôi, thằng Ngọc và thằng Tí Nhỏ xuống ngồi bàn dưới cùng, Tiểu Vy ngồi ở bàn đầu.
Việc ngồi xa Tiểu Vy chẳng khiến tôi buồn tí tẹo nào, mà lại rất vui vì ngồi cạnh hai thằng siêu quậy kia vui hết sức, chúng tôi thỏa sức làm trò, thỏa sức tám chuyện và nhất là ngồi bàn dưới tôi có thể núp núp và chơi trò trốn tìm với cô giáo mỗi khi cô định kêu ai đó lên bảng làm bài.
Chỉ những khi ra chơi, tôi nhờ Tiểu Vy giữ dép để tôi tha hồ rượt bắt với tụi bạn. Tiểu Vy khi đi chơi với mấy đứa con gái khác thì lúc nào cũng cầm theo đôi dép của tôi. Nhưng có một dạo, Tiểu Vy chăm học đột xuất, lúc cả lớp ra chơi thì nó lại ngồi trong lớp đọc sách, tôi đâm ra bực bội vì không có ai giữ dép, mà không giữ dép thì tôi không thể thoải mái đi chơi được. Thế nên tôi vô cớ mắng Tiểu Vy.
– Mày đọc sách chi nhiều quá vậy?
– Mẹ dặn em phải chăm học, phải dọc sách! – Tiểu Vy lay lay bím tóc trả lời.
Tôi chợt nhớ ra có lần chú 9 của tôi dọa “Tí mà đọc truyện nhiều sẽ bị bốn mắt đó”, tôi thì chẳng sợ “bị bốn mắt” vì tôi chẳng hiểu nó nghĩa là gì. Nhưng tôi vẫn mang câu nói của chú 9 ra dọa Tiểu Vy.
– Mày đọc sách nhiều sẽ bị bốn mắt cho coi.
– Hả… bị bốn mắt là sao? – Tiểu Vy ngạc nhiên.
– Thì… thì… trên mặt của mày sẽ mọc ra hai con mắt nữa – Tôi rơi vô thế bí đành bịa chuyện.
– Eo ôi, em không muốn bốn mắt đâu! – Tiểu Vy sợ sệt.
Từ hôm đó nó trở lại làm trợ lý giữ dép cho tôi và điểm học tập của Tiểu Vy trở nên thấp lè tè. Một hôm nó nhất định không chịu giữ dép cho tôi nữa. Tôi mới hỏi lý do thì Tiểu Vy mếu máo.
– Sao mày khóc?
– Mẹ đánh em! – Tiểu Vy sụt sịt.
– Sao tự nhiên đánh mày?
– Vì em nhất định không chịu học, không chịu đọc sách… hu hu – Tiểu Vy nức nở.
Thấy nó tội quá tôi đành mủi lòng, vì chính tôi là nguyên nhân khiến Tiểu Vy sợ đọc sách. Từ đó tôi không bắt Tiểu Vy giữ dép cho mình nữa. Buồn ơi là sầu.
Vào năm tôi học lớp Hai, tôi học không giỏi, đó là bạn bè, thầy cô và ba mẹ nói như thế. Thực ra chẳng ai biết lý do vì sao tôi học không giỏi. Không phải vì ham đọc truyện mà bỏ bê học hành đâu, tôi được trời sinh ra thông minh nên học 1 loáng là biết ngay. Lý do tôi bị gọi là ‘học dở’ là vì tôi rất thích những điểm 7, hồi đó tôi đinh ninh rằng số 7 là số đẹp nhất, lý do vì sao thì tôi cũng chẳng biết, mãi đến khi lớn lên tôi mới biết người ta cũng rất thích số 7, số 7 là số hên nhất, đó là lý do vì sao người ta chọn ra 7 kỳ quan, 7 ngày trong tuần, 7 môn nghệ thuật…
Để có thể có được điểm 7 tôi phải vô cùng vất vả trong môn tập đọc, mỗi lần bị gọi lên đọc bài tôi phải cố gắng đọc sao cho không thuộc mà cũng không phải là không thuộc, nói chung làm sao gọi là sơ sơ để cô cho tôi 7 điểm. Tôi cam đoan với các bạn rằng kiếm được điểm 7 còn khó gấp trăm lần điểm 10, đôi khi tôi bị điểm 6 hay điểm 8, tôi thấy buồn ơi là buồn. Đến khi làm toán, cô cho 10 bài thì tôi chỉ là 7 bài, khổ nỗi những khi cô cho 5 bài thì tôi đành ngậm ngùi làm 4 bài.
Đó là quãng thời gian tôi cảm thấy việc học thật thú vị, khi mà lũ bạn trong lớp tranh nhau những điểm 10, điểm 9 thì chỉ có tôi trở thành kỳ quan thế giới khi một mình chiếm lấy điểm 7. Thấy tôi không theo kịp lớp, cô mời ba tôi đến họp phụ huynh. Kết quả là ngay hôm sau, tôi phải nằm sấp xuống ăn một trận đòn nhừ xương. Từ đó tôi buồn bã rời xa điểm 7, đùng một cái tôi leo lên học giỏi nhất lớp, bất ngờ đến độ bọn bạn tròn xeo mắt ra nhìn tôi lấy hết điểm 10 này đến điểm 10 khác. Tới nỗi cô giáo phải sờ trán xem tôi có bị làm sao không. Ba mẹ thì hớn hở khoe với hàng xóm. Chẳng có ai hiểu được nỗi buồn của tôi.
Nhưng tôi không buồn được lâu, đến học kỳ 2, giờ kể chuyện trở thành sân khấu của tôi. Sau khi cô giáo đọc truyện xong một lần, cô gọi một bạn lên kể lại trước lớp, vừa kể vừa diễn điệu bộ. Những truyện cô kể thực ra tôi đã thuộc vanh vách nên lần nào tôi cũng xung phong lên bảng. Từ đó tôi trở thành ngôi sao của lớp. Những khi câu chuyện có đoạn đối thoại thì cô giáo gọi thêm một bạn khác lên diễn cùng tôi và người đó thường là Tiểu Vy, tôi thích lắm. Hai đứa chúng tôi song kiếm hợp bích ăn ý vô cùng.
Cuối năm trường tổ chức hội diễn văn nghệ. Lớp tôi quyết định góp một tiết mục kể chuyện và người được chọn mặt gửi vàng chính là tôi. Cô chọn cho tôi câu chuyện “Chú thỏ thông minh”. Kể chuyện thì không nói làm gì nhưng muốn đứng trên sân khấu thì tôi phải hóa trang. Cô giáo hóa trang cho tôi thành ra thế này: Tôi mặt áo thun, quần jean, trên đầu đội một chiếc mũ có hình mặt thỏ với đôi tai rất dài, mặt tôi thì đánh phấn trắng bóc như lòng trắng trứng gà, môi son đỏ choét. Bức ra sân khấu, bọn học sinh thấy tôi liền cười lăn cười bò, bọn nó la chí chéo:
– Ha ha… con trai mà đánh phấn to son kìa bây ơi.
– Trời ơi… pe de… ha ha!
– Ôi cười đau bụng quá!
Tôi đâm ngượng chín người, chẳng biết phải biểu diễn tiết mục kể chuyện ra thế nào, ú ớ đứng trên sân khấu mà giới thiệu. Nhìn sang cô giáo, hình như mấy cô khác đang nhìn cô cười gì đó, cô hướng ánh mắt lên nhìn tôi ái ngại. Lúc đó giá như có cái hang thỏ thì tôi đã chui tọt xuống ngay rồi, thỏ thông minh gì chứ, lúc đó tôi giống một con thỏ ngu đần hơn. Tôi kể chuyện lúng ta lúng túng, quên trước quên sau, cả sân khấu cứ cười ầm ĩ cả lên, tiết mục kể chuyện của tôi trở thành tiết mục hài thành công nhất buổi văn nghệ hôm ấy. Kết quả thì tôi được an ủi bằng giải khuyến khích.
Sau buổi diễn, tôi chạy ngay ra nhà vệ sinh, rửa ngay cái mặt phấn kia, vậy mà phải mất cả buổi mới rửa xong, tôi đâm ra giận cô giáo hết sức. Mấy hôm sau, tôi bị cả trường trêu chọc, thật là bách nhục xuyên tâm, tôi trốn biệt trong lớp không thèm đi chơi với Tiểu Vy. Thấy tôi là lạ, Tiểu Vy lò dò lại hỏi.
– Sao anh không đi chơi?
– Tao mệt – tôi bực dọc quát.
– Hay anh kể chuyện em nghe đi! – Tiểu Vy lí nhí.
– Không thích – tôi hạ giọng ngó lơ Tiểu Vy.
– Em biết truyện hoàng tử ếch rồi nhé! – Tiểu Vy mỉm cười, ngồi xuống cạnh tôi. Tiểu Vy nhìn tôi với đôi mắt long lanh và nụ cười hồn nhiên, tôi nhìn vào mắt Tiểu Vy. Hai chúng tôi úp mặt xuống chiếc bàn gỗ và nhìn nhau, chẳng hiểu vì sao tôi chẳng nói gì, lòng chẳng còn buồn nữa.
Từ dạo ấy tôi không thích đọc truyện nữa, dần dần tôi bắt đầu thay đổi quan điểm của mình về con rùa và con thỏ, nhưng mấy con khác thì tôi vẫn quả quyết rằng chúng rất ngu. Tôi chỉ còn thích truyện “hoàng tử ếch” mà thôi.