Phần 40
Lối đá mới phát huy ngay tác dụng, chúng tôi bắt đầu thoát khỏi sự truy cản của đội bạn, những tình huống diễn ra nhanh đến chóng mặt. Tôi và Nam rất hiểu ý nhau, nó chuyền là tôi chạy, tôi vừa chạm bóng là nó đã di chuyển. Trong một đợt lên bóng, Nam thoát xuống, tung một cú sút xéo góc, thủ môn đội bạn giơ chân đỡ nhưng trái bóng đã vào lưới. 1 – 1.
Phát huy lối chơi đó, những phút còn lại của hiệp Một, chúng tôi ghi liền ba trái. Nghỉ giữa giờ, Quỳnh Chi chăm sóc tôi hết sức tận tình, hết tiếp nước thì đến lau mồ hôi, mấy thằng bên kia và cả những thằng đang chơi ở sân bên cạnh cứ nhìn sang thèm thuồng. Cũng phải thôi, hôm nay Quỳnh Chi mặc chiếc quần short khoe đôi chân dài miên man, thằng nào nhìn mà không động lòng thì chắc phải coi lại giới tính của nó.
Ngoài Quỳnh Chi ra, cánh phụ nữ còn lại ai nấy cũng được vài cặp mắt để ý. Cũng may có chị em, nên chúng tôi mới hứng khởi mà đá sung như vậy. Chỉ có một điều khiến tôi bận tâm đó là Phương Vy, hôm nay em ấy đã biết tôi và Quỳnh Chi đang là một cặp, không biết rồi sau này ba người chúng tôi phải đối diện nhau thế nào đây.
Hiệp 2, bắt đầu… theo sự chỉ đạo của Nam, chúng tôi sẽ lùi hơi thấp để bảo vệ chiến thắng, nếu có cơ hội thì phản công nhanh.
Có lần thằng số 8 dẫn bóng chạy lên từ tuyến dưới, vừa thấy nó tôi đã sáp lại án ngữ ngay trước mặt thằng này, nó không vượt qua được liền chuyền cho đồng đội, tôi nhanh chân cắt được đường chuyền, cả hai thằng nhào tới, không chần chừ tôi tung chân phá bóng, cú sút khá mạnh bay thẳng vô mặt thằng số 8 – ‘bộp’, nó ôm mặt khụy xuống.
Sau tình huống đó, nó có vẻ cay cú tôi. Càng về cuối, bên kia tấn càng công dữ dội hơn, chắc là muốn kiếm bàn danh dự, cả thủ môn đội bạn cũng tham gia tấn công, chúng tôi vì thế kiếm thêm một bàn khá dễ dàng khi thằng Nam tung chân đá bóng cầu vòng từ phần sân chúng tôi vào thẳng lưới bên kia. 5 – 1.
Trong một tình huống lúc hết trận, thằng số 8 tung cú sút cực mạnh từ cánh phải, nhưng trái bóng không bay về khung thành mà bay thằng đến tôi, giật mình tôi quay lưng đỡ – ‘bụp’. Trái bóng đập vào lưng tôi rồi bật ra, bay vào Phương Vy – ‘Á’. Tôi quay lại thấy Phương Vy đang lấy tay xoa một bên má, má em tím hẳn, mọi người xúm lại.
– Em có sao không? – Tôi lo lắng.
– Có sao không? – Thằng số 8 cũng chạy lại hỏi thăm.
– Hic… hic – Phương Vy không nói gì mà bắt đầu khóc.
– Mày cố ý phải không – tôi nói lớn và đẩy thằng kia ra.
– Sao hả – nó cự lại, đứng ngay trước mặt tôi.
Không khí bắt đầu căng thẳng, hai bên lời qua tiếng lại, cũng may có trọng tài và mấy chị em can ra, chứ không thì đánh nhau rồi. Vậy là trận bóng cũng kết thúc, đội tôi vào tứ kết. Sau đó, ai cũng hỏi han Phương Vy kể cả Quỳnh Chi, có vẻ em ấy vẫn còn đau.
Lúc ra về, trời mưa nhỏ, Quỳnh Chi lên xe của tôi, nàng vòng tay ôm từ phía sau. Tôi quay sang nhìn Phương Vy, em ấy ngồi sau lưng Minh Huệ, mắt ngân ngấn nước.
…
Hôm sau, tôi gọi cho Phương Vy nhưng chỉ nghe được mỗi cụm từ “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”, hỏi Minh Huệ thì nàng nói Phương Vy đang ốm, muốn sang thăm con bé nhưng Minh Huệ bảo:
– Không nên.
– Vì sao lại không nên?
– Phương Vy chỉ bị cảm thôi, không sao đâu… Minh qua thăm có khi bị lây cũng nên.
– Lây thì uống thuốc chứ có gì đâu.
– Đồ ngốc vậy mà cũng không hiểu… thôi nhé, khi nào Phương Vy khỏe đã rồi có thể gặp.
Tôi hiểu chứ… Phương Vy ốm liên tù tì đến hai tuần.
Những buổi hẹn với Quỳnh Chi trở nên thật vô vị. Tính hài hước và sự hóm hỉnh vốn có của tôi biến đâu mất, tôi thường trôi ở trên mây và chỉ trở lại mặt đất mỗi khi nàng thở dài.
– Dạo này anh sao vậy?
– Có sao đâu – tôi mỉm cười.
– Em thấy anh lạ lắm, có chuyện gì à?
– Không… em đa nghi rồi.
Có một hôm nàng hẹn tôi đi xem phim, tên phim là gì thì bây giờ tôi quên mất rồi, bởi lẽ cả bộ phim tôi luôn ở trạng thái lim dim ngủ và chỉ tỉnh táo mỗi khi đến cảnh 18+ hay lúc nàng thút thít.
– Cảm động quá.
– Gì vậy em… em khóc đó à? – Tôi vươn vai.
– Cô gái kia đã hy sinh để cứu chàng trai.
– Ừ… cảm động thật – tôi hướng mắt lên màn hình, nam diễn viên ôm một cô gái trẻ trong vòng tay mình, nàng bê bết máu và đang nói lời vĩnh biệt. Cũng may là cả rạp chỉ có khoảng 30 người, vài người cũng xúc động như Quỳnh Chi nên tôi cứ để nàng khóc.
– Anh…
– Sao?
– Nếu em gặp nguy hiểm anh có cứu em không?
– Có tất nhiên rồi… nhưng… với một điều kiện – tôi ngập ngừng, suy nghĩ.
– Có điều kiện hả? Điều kiện gì? – Quỳnh Chi ngạc nhiên.
– Đó là… em không được chết vì anh, tuyệt đối không được. – Tôi nhìn nàng.
– Sao anh có thể mà em lại không?
– Vì anh không muốn em gặp nguy hiểm… và vì… anh không đáng để em làm thế.
– Anh nói gì kỳ cục vậy… sao mà không đáng?
– Thôi… đừng hỏi nữa, xem tiếp đi… đang hay kìa – tôi cười giả lả, hướng mắt lên màn hình.
Từng ngày trôi qua, tâm trạng dần trở nên nặng nề, đôi lúc tôi không thể tập trung vào việc gì – “Làm sao để nói lời chia tay đây?”. Bạn đừng cho rằng việc chia tay là dễ dàng, đôi khi nó khó gấp bội lần ngỏ lời. Sự mở đầu luôn mang đến hạnh phúc còn kết thúc chỉ có nỗi đau và tôi không dám là Quỳnh Chi đau. Mỗi khi thấy nàng cười, ý định trong tôi lại bị ghìm chặt, khi nàng giận, tôi lại không muốn nàng giận thêm hay điên lên và tặng tôi một cái tát.
Thứ 7, tôi lên thư viện trường làm bài đến chiều, sau đó sang nhà thằng bạn chơi đến tận 9h tối. Trở về nhà, mở cánh cửa phòng, trước mặt chỉ là một khoảng tối tĩnh lặng, lòng tôi trống rỗng và sầu muộn, không dám bước vào căn phòng của mình, tôi quay bước, quyết định đi dạo.
Tôi lững thững bước trong công viên H. V. T, rồi ngồi xuống một chiếc ghế đá cạnh bờ hồ. Không gian yên tĩnh, gió mát rượi, tôi nhắm nghiền mắt, trong thoáng chốc kỷ niệm lần đầu gặp Tiểu Quỳnh lại hiện về.
– Ahhhhh.
– Đồ dê xòm.
– Trời ơi, làm gì vậy hả, thả tui ra.
– Dám giở trò à.
– Không có.
…
– Cô bị điên à, tui chưa đụng đến cô mà cô bảo tui sàm sỡ là sao?
– Hứ… tui thấy vậy đó, ông chạy qua tui mấy lần, lần nào cũng nhìn tui, rồi còn cười, lại còn nhảy về phía tui nữa.
– Uh, tui nhìn cô đó, vậy là sai à? Tui bảo là nhảy lên đập chiếc lá chứ có sàm sỡ gì đâu. Mà đã chạm đến cô đâu, toàn do cô nói ra thôi.
– Hứ… chẳng lẽ để ông đụng tui à?
– Trời ơi…
Tôi ngồi tự cười một mình, Tiểu Quỳnh đã đến cuộc đời tôi như thế. Đã 10h30 tối, tự hỏi mình sẽ đi đâu bây giờ?
– “Về nhà?”
– “Không… tuyệt đối không”
– “Sang nhà thẳng Nhân?”
– “Có thể được”
– “Qua nhà Tiểu Quỳnh?”
– “Ý tưởng hay đó”
Tôi đứng dậy, lấy xe chạy đến nhà Tiểu Quỳnh. Nhưng khi đã đến nhà nàng rồi thì tôi lại không biết phải làm gì tiếp theo. “Hay là gọi cho nàng?” – Tôi dập tắt ngay ý nghĩ ấy. Nàng sẽ nghĩ thế nào về tôi khi hai lần bén mảng đến nhà mình mà không thể giải thích một lý do chính đáng. 20 phút trôi qua, tôi đợi một bản piano tình cờ.
Lúc định lên xe thì có ba chiếc mô tô vẹo vào con đường nhỏ, tiếng xe ầm ĩ cả con đường, chúng dừng lại ngay trước cổng nhà Tiểu Quỳnh. Họ vỗ tay nhau tạm biệt rồi hai chiếc phóng đi. Chiếc còn lại tắt máy, một cô gái (tôi đoán vậy) trong chiếc áo khoác da, đưa hai bàn tay mình đẩy chiếc mũ bảo hiểm ra, là Trúc Quỳnh. Nàng bước loạng choạng về phía cánh cổng, hình như nàng say, điều đó giải thích vì sao Trúc Quỳnh không nhìn thấy tôi. Loay hoay mãi cuối cùng cánh cổng cũng mở, bất ngờ nàng ôm bụng chạy lại bụi cây và nôn. Tôi định bước lại giúp nàng, nhưng nghĩ đến việc phải giải thích với Tiểu Quỳnh: “Vì sao mà lại xuất hiện trước nhà nàng lúc 11h đêm cùng cô em gái say xỉn khiến tôi dừng bước”. Trúc Quỳnh đứng dậy hơi lảo đảo, nàng nổ máy và chạy xe vào trong. Khi cánh cổng khép lại, tôi lên xe sang nhà thằng Nhân.
Vừa mở cổng Nhân đã gãi đầu, nói như ngáp.
– Giờ này qua nhà tao chi mày?
– Cho tao ngủ nhờ 1 đêm.
– Nhà mày đâu sao không về.
– Không thích.
– Ơ… cái thằng khùng này.
Đêm dần khuya, thằng Nhân vào phòng tắm đánh răng còn tôi ôm laptop lướt web. Lúc nó quay lại giường thì tôi đang đọc một mẩu truyện nhỏ.
‘Có một chàng trai đau khổ vì người yêu bỏ đi lấy chồng. Anh ta đau khổ nên tìm lên chùa và hỏi một vị sư thầy.
– Tại sao Con yêu cô ấy nhiều như thế mà cô ấy vẫn đi lấy người khác?
Sư thầy mỉm cười và cho anh chàng xem một chiếc gương. Trong đó có hình ảnh một cô gái đẹp khỏa thân nằm chết bên đường.
Mọi người đi qua đều bỏ đi…
Chỉ có một anh chàng dừng lại nhưng cũng chỉ đắp cho cô gái ấy một cái áo rồi cũng bỏ đi.
Mãi sau có một chàng trai khác đến và đem xác cô gái đi chôn.
Sư thầy nhìn anh chàng và nói:
– Kiếp trước anh mới chỉ là người đắp áo cho cô ấy thôi. Còn người chồng cô ấy lấy bây giờ chính là người kiếp trước đã chôn cô ấy, đó chính là chữ NỢ, anh chỉ có DUYÊN với người con gái ấy thôi.’
“Phật nói rằng, kiếp sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Kiếp này nối tiếp kiếp khác, thừa hưởng và kế thừa lẫn nhau. Con người gặp nhau là bởi chữ DUYÊN, sống và yêu nhau là bởi chữ NỢ. Nhiều cặp Vợ chồng, đôi lứa đang sống với nhau mà một trong hai người bỗng có tình cảm với người khác, dẫn đến chuyện chia tay. Những người dung tục sẽ nói người kia là trăng hoa, đểu cáng… nhưng thật ra đó chỉ là người ta đã trả xong nợ và đã đến lúc phải rời đi.”
Tôi gấp chiếc laptop lại, nằm xuống giường và vắt tay lên trán, lòng tôi chợt nao nao sau khi đọc xong mẩu truyện trên.