Phần 3
Sáng hôm sau, chúng tôi và rất đông dân làng tập trung ở sân đình chờ xe đơn vị bộ đội đến đón. Tôi cứ nháo nhác tìm mà không thấy bóng chị đâu. Tôi đoán chị không muốn chứng kiến cảnh kẻ ở, người đi. Giờ này chắc lại đang khóc ở nhà. Tôi thấy buồn thắt dạ.
9h30 có một chiếc xe cam – nhông biển quân đội lăn bánh vào. Có 3 anh sĩ quan nhảy xuống và khiêng 3 chiếc bao tải đặt xuống sân. Anh Đại uý gặp anh xã đội trao đổi gì đó. Anh xã đội trưởng cầm loa gọi tên 6 người chúng tôi xếp thành hàng ngang. Vì đã tập quân sự nhiều ở địa phương nên chúng tôi răm rắp đứng nghiêm chờ. Các anh bộ đội mang ra xếp thành 6 mô trên 6 chiếc chiếu cá nhân. Mỗi phần có đều nhau: 1 chiếc chiếu cá nhân, 1 Balô, 1 chăn chiên, 1 mũ cối đã gắn sao, 1 mũ mềm cũng đã được gắn sao, 1 bát sắt, 2 bộ quần áo dài, 2 bộ quần áo cộc, 1 dây thắt lưng, hai miếng quân hàm màu đỏ có 1 ngôi sao trắng và hình chiếc xe tăng gắn trên nền đỏ, 1 màn xô nhuộm xanh, 1 đôi giày vải và 1 đôi dép cao su. Các anh yêu cầu chúng tôi mặc quân phục.
Tất cả đều lúng túng, các anh sĩ quan phải hướng dẫn tỷ mỉ. Nhìn thấy oai ra phết. Tôi người đẫy đà, cao 1,69m khi mặc quân phục vào ngắm thấy cân xứng. Chỉ khổ có 3 thằng nhỏ hơn vẫn phải mặc vào nên nhìn cứ thùng thình, xúng xính. Tôi cuộn bộ quần áo sơ mi và đôi dép cũ lại. Đang nhìn xem cái Bình đứng ở đâu, thì thấy nó bế cu T chạy nhanh lại chỗ tôi đưa cho tôi một gói giấy báo. Nó nói trong hơi thở dồn:
“Chị Liên bảo đưa cái này cho anh”
Tôi hỏi chị đâu? Nó đáp: Chị ấy không ra đâu! Thoáng buồn. Tôi giơ tay xoa đầu cu T và hôn nó. Nó thấy lạ, phụng phịu giấu mặt vào vai dì không cho cậu hôn. Tôi tách cái áo lót đông xuân đã giãn sờn đưa cho cái Bình và dặn:
– Cái này đưa cho chị Liên may áo cho cu T. Còn những cái này đưa về nhà mình. Bố mặc cũng được.
Nó nhận rồi lại bế cháu đi ngay. Con bé ngoan, nhanh nhẹn và học giỏi lắm. Tôi rất quý và chiều em gái út ít của cả nhà.
Rồi có tiếng hô:
– Các đồng chí chú ý! Đeo Balô! Lên xe!
Chúng tôi leo lên thùng xe. Xe lăn bánh, cả 6 chàng lính mới nhao cả ra phía sau xe nhìn lại quê hương, bà con, dân làng và vẫy tay tạm biệt. Những cánh tay quê nhà cũng vẫy lại và thấy có nhiều người cười mà đưa tay quệt nước mắt.
Thế là chúng tôi thành người lính!
Thế là tôi xa tất cả, xa bố mẹ, anh chị em, họ hàng, làng xóm, bạn bè, xa bờ tre, gốc đa, giếng nước, sân đình… Trong tâm trí tôi, giữa hình bóng những người thân luôn có gương mặt chị, thân hình, ánh mắt, nụ cười và làn môi hôn của chị – Người tôi yêu và cũng yêu tôi!