Phần 43
Tuổi thơ của bọn trẻ nhà quê gắn liền với dòng sông, bãi cỏ, cánh đồng. Khi trưởng thành bồi hồi ngồi nhớ lại mới thấy đó là quãng đời đẹp đẽ và trong trẻo nhất. Cho dù cũng là thiếu thốn cái ăn, cái mặc nhất. Cảm giác được tung tăng giữa cánh đồng, giữa trời mây non nước. Được thỏa thích vẫy vùng, ngập lặn trong dòng phù sa cuồn cuộn. Được tự do làm điều mình muốn thả sức chơi đến mệt nhoài với đủ trò của con trẻ. Mới thấm thía cái ao ước trong câu nói. Cho tôi xin một vé về tuổi thơ. Những trò nghịch ngợm và cả những tai nạn do dại dột và thiếu hiểu biết. Lại thành những bài học đắt giá. Thành bản lĩnh khi ra với cuộc đời. Tăng cả khả năng chịu đựng trước áp lực công việc hay sự vất vả về thể xác.
Để bây giờ trên đường bắt gặp một cảnh sắc thôi là cả một trời kỷ niệm ào ạt xô về. Để nhớ đến nao lòng mùi khói đốt đồng. Nhớ đến nao lòng vị ngọt của con tôm nướng trong gốc rạ. Và nhớ đến lần khốn khổ vì con tôm.
Mò tôm là cả một kỹ năng. Phải nắm được đặc tính hay bơi giật lùi của tôm để ép tôm vào một điểm chắn phía sau lưng sẽ rất dễ bắt. Chứ cứ khua mò loạn xạ tôm sẽ nhảy tránh khó mà tóm được. Mùa hè nóng bức. Nắng chói chang chiếu xuống bỏng rát cả zời đất. Như thơ của Trần Đăng Khoa.
Những trưa tháng sáu.
Nước như ai nấu.
Chết cả cá cờ.
Cua ngoi lên bờ.
Mẹ em xuống cấy.
Thì đi mò tôm thì lại rất được. Nắng chiếu nước nóng rát lên như thế. Tôm hay chúi vào các gốc lúa các vũng nước vem đầm. Nhờ bóng mát của chính các khóm lúa xanh mỡ màng để trốn cái nắng gay gắt ấy. Và thế là bọn trẻ với một cái chậu thả lềnh bềnh nhưng có buộc dây để giữ khỏi trôi, ngụp lặn mò tôm. Cứ từ phía ngoài khum hai bàn tay như chiếc nơm, vừa vỗ nhẹ vừa vẫy dồn đuổi tôm vào các vũng và gốc lúa. Chạm cái chụp tay tóm gọn. Cho vào chậu. Tôm đầm phải có nước để sống ăn mới ngon chứ không để vào chậu không, nắng như nung như rang thế. Chỉ tí là tôm chết, rồi thành tôm ươn. Sẽ mất ngon. Không thể có đĩa tôm rang đỏ vàng, chắc nịch với đĩa rau muống luộc xanh ngắt. Bát nước ra đánh lá chua me vừa chua vừa thanh cho bữa cơm chiều được.
Ngày xưa thuốc bảo vệ thực vật còn ít dùng. Môi trường còn trong sạch tôm cá còn sẵn lắm. Chịu khó trưa nắng đi ngâm mò tôm một lúc kiểu gì cũng được niêu tôm rang. Cho dù mặt luôn phải ép sát mặt nước. Hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Nóng quá thì úp mặt sâu xuống nước cho mát rồi lại mò mẫm. Nếu nắng oi mà đột nhiên đổ mưa thì vớ bẫm. Tôm từ đâu bỗng dưng nhiều hẳn mò vào vũng nào cũng có. Nhất là những vũng sâu do chân người đi thụt sâu vào ruộng. Nhưng tôm ở bờ đầm thường chỉ là tôm bé. Muốn bắt được tôm to hơn loại tôm càng đen trũi rất khỏe và chắc thì phải mò ở cống. Thường thì đày cả trưa chắc chắn được niêu tôm rồi thì bọn tôi cũng mò tới cửa cống. Vừa để mò tôm càng vừa để tắm cho mát. Vì ngâm nước thật nhưng nước nóng quá người cứ hầm hập lên. Đến cống nước sâu nên nước chỉ nóng phần bề mặt còn phần dưới sâu nước vẫn mát lạnh.
Hít một hơi dài lặn qua tầng nước nóng là tới tầng nước mát lạnh dễ chịu hẳn. Nước phù sa đục nhưng trời nắng rất to nên mở mắt vẫn nhìn thấy mờ mờ. Cứ vừa lặn vừa vuốt tay theo khe cánh cống xuống đến đáy, chạm tôm cái là ép chặt vào thành cống. Xoay tay nắm chặt rồi ngoi lên. Mò được cả cá bống, cá chạch, cá nhệch… Cứ thì thụt ngoi lên lặn xuống như thế đến lửng chiều thế nào đến tối cũng nhiều đồ ăn. Nhưng đổi lại cũng rất dễ bị sổ mũi nhức đầu vì lặn lên lặn xuống. Nhiệt độ chênh lệch liên tục. Trẻ nhà quê chịu được chứ trai phố chắc chỉ mấy hơi là hoa mắt chóng mặt. Thật ra cái cống cũng không lớn lắm có mỗi hai cánh cống với chiều ngang tầm bốn mét. Xây bằng bê tông nước sâu tầm ba mét. Nhưng bên dưới có khối tôm cá. Chắc do trời nắng nóng chỗ cống nước sâu này mát mẻ và nhiều thức ăn hơn.
Một lần lặn xuống tôi sờ thấy mấy con tôm to liền. Túm được hai con sợ ngoi lên thì mất dấu. Tôi nhét vội vào miệng cắn hờ hờ. Rồi lặn sâu bắt tiếp. Thì một con tôm búng mạnh thọt thẳng vào cổ họng tôi mắc lại. Nhao vội lên mặt nước. Tôi thấy tức vướng trong họng khạc không ra nuốt không được. Con tôm mắc lại gai đầu của nó đâm vào họng tôi. Đau lắm. Càng cố khạc càng đau cảm giác vướng tức. Làm tôi khá hoảng sợ. Mà không nói được. Bọn bạn hốt hoảng tưởng tôi bị rắn cắn. Xúm vào hỏi. Càng hỏi tôi càng lắc. Cảm giác vướng tức đau phát sợ. Tôi kéo thằng Chiến ngồi xuống đất lấy cành rào tre viết xuống đất. Tay ôm cổ, tay viết. Hóc tôm…
Xuống nền cát. Thằng Chiến là thằng chuyên gia xử lý sự cố, là thằng rất nhanh nhạy những vụ tai nạn của chúng tôi. Mà đọc xong cũng tái mặt. Chưa biết làm sao. Con tôm chưa chết nó giãy làm tôi đau trào nước mắt. Càng cố nuốt càng chối. Càng khạc càng vướng tức. Thằng Chiến bắt tôi há to mồm định lấy que rào moi ra nhưng không được. Tôi buồn nôn nhưng cứ gồng căng người lên lại đau không nôn ra được. Nó lấy đám đòng đòng lúa cho tôi nhai để nuốt trôi đi. Cũng không được Loay hoay mãi chưa có cách nào lôi con tôm ra. Cả lũ dìu tôi về nhà. Mấy đứa con gái đã khóc mếu ầm ĩ. Tôi nghĩ bụng không khéo mình chết vì con tôm này mất. Đưa tôi về đến nhà. May sao bố tôi lại ở nhà. Ông vừa ở trường duyệt kế hoạch hoạt động hè xong nóng quá nên chắc về sớm. Cu Chiến báo cáo chứ tôi cứ đứng co ro ôm cổ không nói được.
– Anh ấy ngậm tôm để mò bắt con khác bị hóc bác ạ.
Bố tôi. Đúng là người mà tôi luôn kính phục và yêu quý. Rất bình tĩnh bảo bọn trẻ ra về. Rồi cho tôi vào nhà lấy đèn pin ra soi vào họng. Không mắng mỏ hay trách một câu. Ông chỉ bảo.
– Hợp tác nhé. Bố chữa. Nếu không được thì phải lên bệnh viện. Cứ bình tĩnh.
Tôi chảy nước mắt ròng ròng. Chơi nghịch đủ loại không sợ nhưng bảo đi bệnh viện và bị tiêm và rất hãi. Bố tôi bảo.
– Đừng gồng người thả lỏng ra.
Rồi bố tôi lấy phích pha nước muối với mỡ lợn pha vào bát bảo tôi uống một nửa. Một nửa ngậm nuốt từ từ. Tôi uống chỉ thấy muối làm xót vết thương nhưng quả có dịu cơn tức. Con tôm chắc đã chết nhưng vẫn làm vướng và đau lắm. Bố bảo tôi nằm ngửa ngậm nước muối còn ông đi ra vườn. Lát sau ông bắt tôi ngậm một ngụm nước chanh cốt chua khủng khiếp. Bố bảo.
– Con trai. Muốn không đi viện thì cố ngậm.
Cảm giác ngậm nước chanh nó khủng khiếp lắm chua vãi đái theo đúng nghĩa đen. Rồi nó gây sậm sựt buồn nôn, nó gây xót. Nghiến răng vào chịu đựng được một lát. Tôi lại nhổ phì ra. Bố lại bắt ngậm tiếp rồi bất ngờ bố bóp vào hầu tôi hai cái. Rồi vỗ một cái miệng tôi một cái. Theo phản xạ tôi nuốt ực cả ngụm nước chanh thì thấy hẫng nhẹ đi. Con tôm đã theo ngụm nước chanh trôi tuột vào bụng. Cảm giác ở họng chỉ còn ran rát xon xót. Nhìn mặt tôi là bố biết hết. Bố tôi chỉ hỏi.
– Hết rồi hả. Đừng kể gì với mẹ để bị mắng đấy.
Sau lần ấy không bao giờ tôi dám ngậm tôm một lần nào nữa.