Phần 33
Móc rốc
Nhiều năm về trước ở quê tôi, con cua đồng được gọi là con rốc, giờ thi thoảng có người vẫn gọi như vậy. Vì thế đi móc cua đồng được gọi là đi móc rốc.
Khi lúa bắt đầu gặt là lũ trẻ con và một số người lớn bắt đầu mang giỏ ra đồng móc rốc, móc rốc không khó như câu cáy nhưng cũng không dễ như ăn kẹo, thấy cái lỗ, thò tay vào, ngoáy ngó vài vòng nếu có rốc thì lôi ra, không có cũng cho tay ra. Không phải bờ ruộng nào cũng có lỗ, và không phải cái lỗ nào cũng có rốc, vì thế các cụ hay có câu “đếm cua trong lỗ” là vì thế.
Phải chọn những bờ nhỏ nhỏ, ở khu ruộng hơi trũng, đất mềm, nhiều rốc và cũng dễ móc hơn. Ruộng cao, bờ to, đất rắn sẽ ít rốc và nếu có cũng rất khó móc, móc được cũng trầy xước hết tay. Bọn trẻ quê tôi hầu như ai cũng biết môn này, chỉ khác nhau kỹ năng móc mà thôi. Thấy miệng lỗ nhẵn nhụi lại ở nơi thoáng đãng chả có cỏ cây, nhìn vào nước trong veo thì tốt nhất bỏ qua, đừng thò tay vào mất thời gian, thấy miệng lỗ nhẵn thín, nhưng nước bên trong hơi đục, cũng đừng thò tay vào vì bên trong có thể là rắn hoặc chú cá cô đơn nào ấy. Lỗ có rốc cái đang mang bầu thường là có màng (bụ) bên ngoài, phá lớp màng ra, thò tay vào kiểu gì cũng có rốc, chắc chắn luôn. Lỗ rốc đực và những em rốc cái còn trinh thường không có màng bên ngoài (ngược đời thế chứ), tuy nhiên miệng lỗ thường có nhiều vết chân, nước bên trong thường đục, thò tay vào gần như chắc chắn sẽ móc được rốc.
Bọn trẻ như tôi vào dịp hè như thế này thì móc rốc là thú vui không thể thiếu, cả đám nhí nhố ở các bờ ruộng, đứa trước đứa sau, một tay túm cỏ, một tay thọc vào lỗ, lỗ to còn đỡ, gặp lỗ nhỏ phải nín thở mà thọc, quyết không để cho nó thoát. Có đứa gặp rắn kêu oai oái, có đứa bị rốc cắp chửi ầm ầm, mặt mũi, người ngợm đứa nào đứa ấy lấm lem bùn đất, nhưng đôi mắt đứa nào cũng sáng ngời, cánh đồng vì thế cũng vui hơn. Ngày ấy rốc rẻ lắm, 1k ăn chán vì thế chả đứa nào có nhu cầu móc nhiều, móc đủ bữa canh là hò nhau về, mai lại đi móc tiếp, vui lắm!
Giờ hằng tuần vẫn về quê, cũng ra bờ ruộng nhòm ngó, nhưng tuyệt nhiên chả thấy lỗ rốc nào. Nếu có chắc cũng chả có đứa trẻ nào đi móc nữa, chúng bận học, không bận học thì cũng sợ bẩn, không sợ bẩn thì cũng chả có nhu cầu.
Câu cáy…
Quê tôi giáp biển, ngoài cửa sông, bên này đê là cánh đồng lúa bát ngát, bên kia đề là rừng sú vẹt ngút ngàn. Tuổi thơ tôi những ngày tháng năm này gắn liền với bờ đê ấy, câu cáy, giật còng, bắt cá, nhưng tôi thích câu cáy nhất và cũng là cần thủ xuất sắc nhất ở thế hệ của mình.
Câu cáy khó hơn câu cá, bởi chỉ một cái cựa mình đột ngột, một cái hắng giọng to to là lũ cáy chạy mất, nhát như cáy mà. Nhưng bù lại thì việc chuẩn bị rất đơn giản, không như câu cá. Chỉ cần một cần trúc dài, một đoạn giây cước (loại mềm), một con sâu khoai, miếng thịt nhỏ, con cá, con ốc… thậm chí là miếng giẻ cũng có thể làm mồi câu.
Câu cáy thường bắt đầu vào sáng sớm, khi mặt trời sắp mọc và thường kết thúc tầm 9h khi mặt trời lên cao, bởi sau đó nắng, cáy không ra ngoài nữa. Thời ấy, 4h sáng là chúng tôi ý ới gọi nhau dậy đi câu, gần nhà hết cáy có khi phải đi xa cả chục km sang tận khu Đồn biên phòng Thái Thụy, Thái Bình.
Cần thủ phải khéo léo, nhẹ nhàng di chuyển đến khu vực muốn câu rồi nhẹ nhàng buông dây. Có nhiều cách buông, nếu mặt đất bằng phẳng toàn cỏ dại thấp, có thể buông ra rồi kéo lê mồi về phía mình, còn địa hình nhiều bụi hoặc mấp mô hay câu ở các bờ ruộng thì nhấp nháy mồi câu vào cạnh các bụi cây nhỏ, khu vực có nhiều lỗ. Điều quan trọng là phải đứng im, hạn chế cử động nhất có thể, trừ cái tay đưa cần, cứ kiên trì như vậy lũ cáy quanh đó sẽ bò hết ra, lúc ấy tùy ý mà đưa mồi về hướng nào ưng nhất. Cáy cắp vào mồi rồi thì nhấc lên, cắp chắc lắm không rơi được, tóm lấy bỏ vào giỏ. Cần thủ chuyên nghiệp chỉ cần di chuyển khoảng hơn 100m là đầy giỏ (khoảng 3 – 5kg). Di chuyển nhiều hơn thì một là khu vực ấy không có cáy, hai là một tay mơ.
Có nhiều loại cáy lắm, cáy gọng đỏ, cáy hôi (thường có ở thân đê, bờ ruộng như trong ảnh), cáy gió (ở bãi ven sông), ngoài ra có còng còng (còn này không cắn mà phải giật bằng móc), cùng cụng hay khù khì, con này phàm ăn nhưng nhát hơn cáy và thường phải câu vào buổi chiều tối. Ngoài ra còn vài con loại tám cẳng, hai càng nữa nhưng tôi không còn nhớ tên.
Cáy câu về làm được rất nhiều việc, nấu canh tuy không ngọt như cua đồng nhưng lành hơn. Đặc biệt nhất là làm mắm, mắm cáy. Tôi nghiện cái món này, chấm với rau muống luộc hay cà muối thì quắt tai. Làm mắm cáy đơn giản, cáy rửa sạch, bóc yếm, để ráo nước rồi bỏ vào hũ, cân cáy, cân muối. Cho vào bịt chặt lại rồi phơi ra nắng, vài tháng là ăn được. Mắm cáy có vị thơm đặc biệt không giống như mắm cá, mắm tép.
Tôi thèm những buổi đi câu…
Niễng…
Giờ chẳng những ở thành phố, ngay vùng thôn quê cũng nhiều người không biết cây niễng! Thế nên mùa này thi thoảng ở chợ có bán, nhiều người chẳng biết đó là gì!
Cây niễng là cây thuộc họ lúa mọc ở bùn, khu ngập nước. Vào thời gian cuối mùa hạ đến đầu mùa đông phần thân gần gốc của cây niễng phình to, chính là bắp niễng (có nơi gọi là củ niễng).
Niễng có vị mát, bổ dưỡng, giàu chất đạm, nhiều tinh bột, giàu chất xơ.
Ngày xưa ở quê, bọn trẻ con hay mon men những ao đầm trồng niễng, lấy trộm và ăn sống. Vị niễng giòn bùi, ngậy hẳn khó quên trong ký ức của ai đã từng ăn.
Bắp niễng chỉ ngon trong thời gian mùa Thu, đến đầu Đông khi có gió heo may nó thường bị chấm đen.
Mấy năm nay lại thấy bán nhiều bắp niễng, vùng Nam Định, Thái Bình lại trồng nhiều. Mà cũng phải, giá bắp niễng cũng đáng kể: 30 – 40 Ngàn/ chục. Một giá trị cao về kinh tế với nhà nông!
Trời se lạnh, một mớ bắp niễng xào trứng hoặc lòng gà cũng đã thấy thú vị. Món này mà xào với kê gà thì rất tuyệt vời!
Thấy một chị bán bắp niễng dạo trên chiếc xe đạp sau chợ Nghĩa Tân, bất chợt nhớ về những cánh đồng chiêm với những khóm niễng xanh rì, nhớ một thời tuổi thơ khốn khó mà đầy ắp tiếng cười!