Phần 26
Đồng bạc giả
Quái. Sao lại như thế được nhỉ? Không biết là vào khoảng nào? Lúc nào nhỉ? Sao lại thế nhỉ? Rõ ràng là… Thôi. Kệ. Ngủ. Mai còn cày.
Nó nghĩ thế, nó vật sang bên phải, lăn sang góc trái. Quặp chặt cái gối vào lòng. Lộn đi lộn lại. Sờ lên mắt nó thấy rõ ràng là mi nhắm chặt. Vậy mà đầu óc nó thì lại sáng Và tỉnh như nắng giữa trưa thu. Trời cao xanh vòi vọi và nắng vàng chói lọi. Dỗ mãi giấc ngủ không đến. Chứ bình thường mùa mát giời này. Đặt lưng chưa kịp chạm giường là nó đã ngủ rồi. Quái thật. Không hiểu cái đồng bạc giả ấy từ đâu ra mà nó lại chui vào ví của nó. Thứ sáu tuần trước nó lĩnh lương. Cả tập tiền nó kiểm đếm kỹ rồi. Nó cũng dò hỏi nhưng trong đám làm thuê của nó. Không thằng nào dính. Thế mới đểu.
Nó cũng định cầm lên hỏi lão chủ. Nhưng lại thôi. Lão chủ tính nóng như hổ lửa. Chả có cơ sở gì chắc chắn. Lão chả chửi bố cho rồi đuổi thẳng cổ. Lão lúc nào cũng mồm nồng nồng hơi hồng xiêm, mặt đỏ như gà chọi. Nhưng cũng là người biết điều. Lão không lèm nhèm đến mức cho đồng bạc giả ấy vào để trả lương cho nó. Chính lão là người đã rủ nó bỏ công việc chạy bàn bia để về đi phụ lắp điện nước công trình với lão. Nếu có chỉ là sự không may. Mà nếu là sự không may giờ mình lèm nhèm lại thì hóa ra mình lèm nhèm quá. Kiểu chó gặm xương chó quá. Thôi.
Đầu nó như cuốn băng quay chậm thống kê sắp xếp lại từ lúc hắn nhận tiền hắn đã tiêu những gì? Khả năng đồng bạc chết tiệt ấy lọt vào tay hắn lúc nào? Trả tiền nhà trọ này. Hai tờ 500k và nhận trả lại. Nhưng ông bà chủ nhà là người tốt tính, thương người lại nghiêm cẩn, chắc không trả lại hắn kiểu lừa đảo này là cái chắc. Vậy ai? Lúc nào nhỉ? Nó muốn vứt quách cái tờ bạc ấy đi cho nhẹ nợ đỡ phải nghĩ. Nhưng nó là gần một ngày lương của nó. Là tầm bảy bữa cơm trưa. Là mồ hôi nó đổ từ bảy giờ sáng đến sáu giờ tối. Là hít bụi khoan tường, là hít mùi keo nhựa đến hoa mắt.
Nó oán hận đồng bạc và oán hận kẻ đã chuyển cái đồng bạc giả ấy đến tay nó. Mẹ sư nó. Pô li me mà nó làm y như thật. Bố thằng nào để ý mà nhận ra được. Được ngày nghỉ nó đã mấy lần định đẩy nó đi mà chẳng được. Đầu tiên nó đọc số sê ri làm con đề 10k nó nghĩ bụng. Bố mày có lộc thì hóa vàng mày luôn và ngay không phải nghĩ. Nếu là tái ông mất ngựa mày lại mang may đến cho ông. Nhưng hỏng. Đề về xa số nó đánh cả vòng vũ trụ.
Nó phát hiện ra tờ tiền giả là khi đi đổ xăng thằng bán xăng cầm cái nói ngay.
– Anh đừng lừa đảo. Tờ này tiền giả. Tôi tiếp xúc với tiền cả ngày. Đừng làm ăn như thế.
Nó choáng váng. Lần đầu nó bị tiền giả. Vì có mấy khi nó có tiền đâu mà phân biệt. Quê từ vùng miền núi toàn đá với trồng ngô lóp ngóp xuống cái thành phố này học cái trường phọt phẹt, mà tuyển sinh như bắt lính. Cả gạ cả mồi chài mới lèo tèo vài mống học sinh. Mà toàn đứa. Cười dè, ăn khoán, chưa tán đã run. Chả lên cơm cháo gì.
Học được nửa kỳ. Nó bỏ. Nó không thể lấy tiền bán ngô của bố mẹ để học giữa cái chốn đắt đỏ này. Mà khi ra trường chẳng có gì đảm bảo là nó có thể có việc làm với trình độ, khả năng của nó. Nó không bắt bố mẹ nó còng lưng trên nương ngô gửi những đồng tiền đẫm mồ hôi cho mình để nó ngồi học nữa. Mà nó sẽ làm sẽ đi làm để gửi về giúp bố mẹ và em nó. Nên nó đi chạy bàn, trông xe, giao hàng… nó làm mọi thứ, mọi nghề để nhận lại cái hạnh phúc là bố mẹ nó báo đã sửa xong cái mái nhà bị dột. Là em nó có quần Áo ấm. Nên nó quý tiền lắm. Từ lúc cầm đồng tiền giả nó như nắm con sâu róm trong tay. Nó ngứa ngáy nóng rát. Nó phân vân, nó trăn trở. Nó muốn tìm ra người mà đã ẩy cái của nợ ấy vào tay nó. Mà không được, nó phải tìm cách đẩy nó đi.
Nó ra quán nước mía góc đường gần nhà trọ dưới bóng cây khá tối. Nó gọi cốc nước mía nhâm nhi rồi đưa tờ bạc giả. Ông lão bán nước mía vui vẻ trả lại. Rồi lại dúi cho nó cái bánh đa.
– Nghe nói quê cháu Sơn La à. Bà nhà tớ quê Sơn La ấy. Nhưng mất lâu rồi. Nên tớ mới vất vả lọ mọ với xe nước mía này. Thằng cu lớn thì bị ngơ ngẩn. Nay gần bốn chục rồi. Giá nó nhanh nhẹn như cháu.
Nó thấy cái gì ấy sực lên trong mũi nó thấy cay xè. Nó vội vàng.
– Bố đưa lại con tờ vừa rồi. Con có tiền lẻ. Lại quên mất.
Nó vội vàng như giật lại tờ bạc rồi đi vội. Mặc ông già gọi với.
– Ơ không uống hết cốc nước à?
Nó nghĩ rồi. Không thể đẩy cái khốn khổ cái khó khăn của nó vào tay những người khốn khổ. Phải tìm đội giàu có mà đẩy vào. Chả đáng với họ là bao. Như cái khu mà nó đang làm điện nước. Cái khu toàn cho nhà giàu. Mà sao truyện cổ ngày xưa hay kể là bọn địa chủ và nhà giàu là tham lam và dốt nát. Nó thấy những người trong khu ấy họ khác. Toàn khôn ngoan thành tinh cả. Có người thì chửi thợ như hát hay. Làm không vừa ý là đuổi thẳng, cúp tiền luôn. Lão chủ nóng tính thế mà gặp đội chủ ấy cứ nhũn như bún mềm như bông. Nhưng có nhà rất tử tế lịch sự. Bà chủ đến kiểm tra công trình tầm bốn chục chắc tập yoga người gọn như thiếu nữ. Bà làm rơi cái hóa đơn trên nền nhà ngổn ngang vật liệu.
Nó nhặt lên lễ phép đưa lại. Bà đang mải điện thoại nhưng nghiêng người và cười với nó cái thật duyên dáng thay lời cảm ơn. Ôi sao mà bà ấy đẹp thế. Lúc nghiêng người tóc nó xõa chảy xuống mặt. Miệng cười với môi đỏ cong cong và hàm răng trắng đều như ngô nếp ở nương sau hè nhà nó. Được cái cười ấy thôi mà nó thấy sung sướng hạnh phúc lắm. Quên cả mệt nhọc. Quên ném cả cái nhìn vào khe ngực trắng mịn và căng đầy. Sao lại có người da đẹp và nhẵn thế cơ chứ. Nhẵn như mông đít con ếch hương nó hay bắt ở cái mó nước đầu bản. Đứa con gái mới tầm lớp chín to lớn hơn cả mẹ xinh gái da ngăm ngăm tí thôi nhưng mặc thì như mẹ nó chùm cái chăn bông mùa rét. Đi lại huỳnh huỵch như đàn ông. Cứ níu lấy tay bố.
– Bố đổi gương cho phòng con. Con thích loại xích treo không thích loại của Toto này.
Ông bố thì cốc vào đầu.
– Đồ vệ sinh phòng mày đủ cho ở quê xây cái nhà rồi đấy. Xem thiết kế không ý kiến gì. Giờ không đổi gì hết.
Cô con phụng phịu.
– Con không thích cái gương này.
Ông bố mặt vẫn lạnh tanh nhưng ra bảo ngay lão chủ.
– Anh đổi gương cho cháu. Còn cái này đổi sang phòng tôi. Đang tuổi ẩm ương.
Rồi nhà họ ríu rít lên cái ô tô bóng loáng lao đi. Người thế chắc họ chả tiêu tiền giả. Chắc tờ tiền giả nó đang cầm không phải từ họ. Mà nó cũng chả có cơ hội nào để đẩy đổi vào tay họ.
Nó nhẩm tính. Từ lúc cái của nợ này vào tay nó. Lỗ thêm mẹ nó 25k rồi. 10k đánh đề. 15k nước mía. Nó quyết định mua cái gì đó to to hơn số tiền trả lại sẽ ít hơn. Và nó sẽ không áy náy lắm. Nó vào cửa hàng quần Áo. Mua cái quần đùi. Phải rồi quần đùi nó cũng bị rách mấy nốt rồi. Lúc thay cứ phải che che hơn cả bọn gái bản tắm suối. Chọn xong lúc trả tiền nó hồi hộp lắm. Nó vốn thật thà không quen nói dối. Nói dối ai cái gì là mặt nó đỏ bừng lên. Chân tay cứ thừa thãi không biết cất đi đâu được. Mồm miệng cứ lóng ngóng như nhai phải hạt ngô mốc. Nó run run đưa tờ bạc.
Phù u u May quá…
Cô bé bán hàng xinh xắn và ngây thơ vẫn cho quần vào túi. Lại còn cảm ơn nó. Nó ngại lắm. Nó cũng từng đi bán hàng thuê nó biết giờ lương của đội bán hàng. Em nó lại còn cười với nó. Nó thấy mình khốn nạn quá. Nó muốn nó giàu để hóa vàng cái tờ bạc giả ấy. Để vào cửa hàng nhặt đồ như nhặt cỏ ngô. Để em nó vui. Nó umốn hóa vàng tờ tiền giả như hóa những thứ giả dối trên cuộc đời này. Cả cái lương tâm giả dối của nó khi lừa cô bé bán hàng nữa. Thế nên đi một đoạn nó lại ngập ngừng, rồi quay lại. Cô bé lại đon đả.
– Anh lấy thêm gì ạ.
Nó ừ đại một tiếng rồi lại nhặt thêm cái Áo lót. Rồi lại lượn trong cửa hàng. Cứ tần ngần nửa ở nửa đi. Rồi lão chủ từ trên gác xuống. Nó liếc thấy lão qua chỗ cô bé bán hàng, rất nhanh tay lão bóp vào mông cô bé. Làm cô bé sượng sượng mặt nhưng lại không dám nói năng gì. Lão chủ nhăn nhở.
– Tháng này doanh thu thấp nhỉ. Nợ lương nhé.
Nợ lương. Nó nghe từ ấy là giật mình. Nó sợ lắm. Kiểu lao động ráo mồ hôi là hết tiền sợ cái từ ấy lắm. Vì có từ ấy là khổ là nợ nần là phải xin khất lần. Mệt mỏi lắm. Nó nghĩ đến cảnh cô bé kiểm tiền bị tờ tiền giả lại bị lão chủ mắng rồi bắt đền. Tiên sư bọn làm tiền giả. Lừa đảo làm giả hại người là khốn nạn nhưng làm tiền giả là khốn nạn của khốn nạn. Nó làm cho nó phải khốn nạn thế này. Để giữa lương tâm và khốn nạn nó đánh nhau nó hành hạ nó như thế này.
Rồi nó quả quyết.
– Em. Anh xin lỗi. Anh không mua nữa. Em gửi anh lại tiền nhé.
Cô bé mặt lại buồn nhưng cũng ngoan ngoãn.
– Vâng ạ.
Nó lại bảo.
– Trả đúng tờ anh đưa nhé.
Chợt nó thấy vai mình bị ghì cứng. Lão chủ đang túm chặt vai nó.
– Thằng chọi con. Đưa tao xem tờ tiền.
Nó lúng túng. Lão chủ cầm rồi soi gằn giọng.
– Mày đưa hết ngay chỗ tiền mày có tao kiểm tra.
Nó tái mét mặt lập cập đưa cả ví ra. Lão chủ soi kỹ từng tờ rồi hạ giọng.
– Có một tờ. Mày không phải lừa đảo chuyên nghiệp. Không thì ăn no đòn rồi cậu đưa mày lên công an ngay. Biến đi…
Nó sợ hãi lủi mất. Chả kịp nhìn lão chủ lại bóp mông cô bé.
– Cẩn thận em nhé. Bọn dùng tiền giả lừa đấy. Lại bị trừ lương. Nhể…
Tay lão lại bóp cái nữa.
Đấy. Tờ tiền giả này còn báo hại nó. Giá mà tiêu nó đi được. Vứt nó đi được.
Khó ngủ quá nó vùng dậy lấy con way cà tàng phi lên cái cầu to nhất thành phố, ngay cạnh khu đô thị mới. Gió khuya lồng lộng tát vào mặt nó mát se lạnh. Cuối thu rồi còn gì. Mùa này nương ngô cũng rạc đi. Mấy đứa con gái bản nó lại hay tụ tập thêu đồ. Rồi bắt nó thổi sáo. Nó nhớ ánh mắt cái Nền hay nhìn nó đăm đắm. Nó dừng xe giữa đỉnh cầu ra sát thành cầu. Lấy tờ bạc giả giơ về phía ánh sáng, ngắm nghía cố tìm điểm để phân biệt thật giả. Thì nó lại bị ôm bỗng một cái. Giật mình. Tờ bạc vụt tuột khỏi tay nó. Chấp chới bay xuống lòng sông.
– Thôi đừng nghĩ dại cháu. Về đi. Về ngay nhé.
Nó ớ người. Hai bác tuần đêm tưởng nó ra nhảy cầu tự tử. Cái cầu này nhiều người nhảy lắm rồi. Cầu có tên như nhân vật nữ trong tuyển thuyết của Nguyên Hồng. Nên lừa lừa ôm bế nó xuống. Nó ngượng nghịu, lúng túng.
– Cháu… Cháu chỉ ra cho mát thôi ạ. Cháu không sao.
Nhìn mặt nó hai bác bảo vệ tuần tra cũng đoán là mình nhầm nên chỉ bảo.
– Ờ. Thế khuya rồi. Cháu về đi.
Nó lại cúi xuống lòng sông. Tờ bạc rơi vào trong mênh mang bay mất. Như bay những lăn tăn trắc trở trong lòng nó. Nó hít sâu. Nó nhìn quanh. Rồi nhanh chóng kéo khóa bắt chim xả xuống sông.
Úi zời ơi. Khoan khoái và nhẹ nhõm. Bao nhiêu toan tính nặng nề theo cái sự giải phóng căng tức của bàng quang phun thành vòi xuống dưới sông. Xả vào những điều giả dối, tệ bạc. Nó ngẩng mặt kéo khóa và lên xe. Đi về.