Phần 12
Nhộng ong non
Ngày xưa vào cái thời vừa qua thời bao cấp hầu như cả làng đều nghèo cả xã mới chỉ có vài nhà mổ thịt lợn bán. Chỉ nhà ai có khách hay cúng cấp giỗ chạp mới đi mua thịt hay giò chả còn hầu hết mọi nhà đều có gì ăn nấy rau mắm xì xằng thế nên hầu như cả bọn đứa nào cũng đói và thèm ăn thịt.
Thế nên ngay cả trong lúc chơi đùa bọn tôi cũng hay để ý tìm kiếm xem có cái gì chén được hay không ngày xưa ở quê cây cối còn um tùm đi đánh trận giả hoặc trốn tìm chui vào lùm cây nào đấy mà thấy có được tổ ong vang, tổ ong bầu hay ong vò vẽ là cả bọn bỏ cuộc chơi lên kế hoạch đánh bắt tổ ong ngay. Những tổ ong loại này thường chỉ nhỏ bằng chiếc bát đàn màu xam xám treo ngược cũng có chiếc tổ to hơn bằng chiếc bát ô – tô chán nhất là tổ ong muỗi chỉ bằng cái nắm đấm mà nhộng cũng bé tẹo. Tổ nào ong cũng bu đầy ong thợ xây tổ kiếm mật ong chúa đẻ con tổ ong phân công cả ong bảo về có người hay vật lạ đến gần tổ là chúng bu xúm lại tấn công ngay.
Trong bọn chúng tôi khi bắt tổ hầu hết đã nhiều lần bị ong đốt. Có lần còn bị cả đàn ong tấn công đốt cho tối tăm mặt mũi. Bị ong đốt thoạt đầu thì đau rát một lát sau nọc ong ngấm vào chỗ bị đốt sưng phồng nóng ran lên, có đứa bị cả khuôn mặt sưng vù trông cứ như anh hề. Mắt híp chặt lại.
Bắt tổ ong mà không để bị ong đốt là cả một nghệ thuật. Những cách đơn giản là mặc áo mưa làm áo giáp cầm cù nèo bò gần vào tổ giơ cù nèo giật tổ rồi thu mình trốn trong áo mưa cách này khá an toàn nhưng mất thời gian vì khi tổ bị giật rơi xuống đất một số ong vẫn bám theo tổ. Đám ong sẽ bu vào đồng chí mặc áo mưa đến một lúc lâu lúc đó thì thôi cứ gắng ngồi mà chịu trận thò ra lúc này bị đốt tơi bời ngay.
Còn cách khủng bố hơn quấn một bó giẻ vào đầu cây sào rồi tẩm dầu hỏa vào gí vào tổ ong bị cháy cánh rụng lộp độp nhưng cách này cũng nguy hiểm đàn ong mà phát hiện ra kẻ cầm sào sẽ bay vòng tránh bó lửa nhằm thẳng người cầm sào lao vào đốt như thiêu thân mà đốt thế này nhộng bị ám mùi dầu hỏa ăn mất ngon lại tốn dầu. Đốt bùi nhùi hay hương để đuổi ong cũng làm nhộng mất ngon. Tôi đã đi chọc tổ ong và bị ong đốt cũng nhiều lần nhưng phần lớn là bị đốt do bất ngờ chứ còn đã chủ tâm đi chọc thì khó mà bị đốt được. Như đặc công đánh đồn giặc lần lần bò bò, tay kéo cù nèo, mắt chăm chú quan sát di biến động của bầy ong. Chọn thời cơ đúng thời điểm thò cù nèo móc giật thật nhanh rồi bỏ chạy. Lát sau qua lại nhặt tổ.
Tổ ong được nhặt về cả bọn khều những con nhộng ong mũm mĩm trong tổ ra những con nhộng béo trắng ngà múp míp ngọ nguậy đầu đuôi một cái tổ ong cỡ trung bình cũng được khoảng một bát đầy nhộng. Có đứa dấm dúi cho vào miệng ăn sống chóp cha chóp chép.
Cả bọn lại chia nhau đứa rửa chảo đứa đi xin mỡ, đứa hái lá lốt. Đám nhộng thường được chia đôi một nưa cho vào chảo rán lúc gần chín cho thêm ít nước mắm thế là có món nhộng ong non chiên giòn ăn vừa ngậy vừa bùi. Còn một nửa đem băm lẫn với lá lốt cho vào chảo rán. Nhộng ong nhanh chín chỉ dăm phút là chảo ong đã tỏa mùi thơm lựng. Với lũ trẻ háu ăn cái tổ ong chả bõ bèn gì có ra mỗi đứa một tổ chúng cũng chén bay nhưng có lẽ vì phải chia nhau từng con nhộng từng miếng lá lốt như thế nên nhộng ong mới ngon mới tạo được dấu ấn cho đến khi cả lũ trưởng thành.
Lớn lên xa quê đi rồi nhưng mùi ong rán vẫn theo bọn chúng tôi trên khắp mọi nẻo đường đời. Lúc rán ong cả lũ đứa nào cũng hau háu chầu chực. Nuốt nước bọt ừng ực nhìn những con ong non đang chín vàng trên chảo mỡ. Cái tổ ong chia ra với đám trẻ lúc nào cũng đói như lũ chúng tôi thì chẳng bao giờ đủ nên chỉ vừa ăn xong là cái dạ dày lại biểu tình lại đòi có thêm cái để cho vào bụng ấy thế mà lũ trẻ chúng tôi rất khỏe mạnh chả mấy khi nhức đầu sổ mũi chứ đừng nói là ốm.
Trong các cuộc vui chơi việc tìm kiếm đồ ăn bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu vì thế chúng tôi ăn rất nhiều thứ từ quả ruối chín vàng ngòn ngọt, nhàn nhạt đến quả mây chát xịt cứ thứ gì ăn được mà không sao là chúng tôi chén hết. Ở cái vùng quê thuần nông không có nhiều sản vật không có núi cao sông rộng nên có sao dùng vậy. Tuổi thơ cứ từng ngày trôi qua đẹp như một cuốn phim giờ chạy lại trong ký ức.
…
Bắt chim
Ngày xưa muốn bắt được mấy con chim non để nuôi chơi hay bắn được con chim là việc kỳ công lắm phải đi tìm từ những cành ổi cành bưởi có cái chạc chữ V thật ngay ngắn về chọn một đoạn dây săm xe đạp còn tốt một miếng da nho nhỏ làm bầu đạn rồi hì hục gọt đẽo cả buổi mới thành hình chiếc súng cao su. Còn đạn thì chọn đám đất sét dẻo nhào nặn cho thật nhuyễn rồi vo tròn thành những viên bi bằng hạt nhãn rồi chọn chỗ thoáng phơi cho khô giòn rồi gói lại tìm xem trong làng có nhà nào đốt lò gạch thì đem đến nung nhờ.
Những viên bi chuyển màu đỏ au nằm lọt trong miếng da bầu đạn bắn thuận tay lắm. Đường đạn cũng chuẩn. Viên đạn vo phải khéo. Không tròn đều là bay không thẳng. Đạn ăn lên, tên ăn xuống. Nhưng đạn bắn chim thì ăn xuống như tên. Theo lực hút của trái đất. Nên khi ngắm bắn phải nhích lên một tẹo để đạn bay lân xuống là vừa.
Chuẩn bị xong súng ống đạn dược là bắt đầu lên đường đi săn chim.
Đi săn chim nên săn vào buổi trưa nắng chim hay tìm những tán cây rậm vừa tìm sâu vừa tránh nắng. Phải đi rón rén nhè nhẹ, xác định được chú nào phải gương súng thuận tay kéo căng dây thun ngắm chuẩn một cái là bắn ngay vì giống chim ít khi đứng im mà nhảy chuyển liên tục. Duy chỉ có giống bói cá đứng rình mồi ở bờ ao, bờ đầm thì mới đứng im lìm như tượng tha hồ mà ngắm nghía rồi mới buông chạc.
Còn giống chim sâu, chim sẻ, chim sẻ rừng thì vừa nhỏ con vừa chuyền liên tục rất khó bắn. Nhưng nhiều và dễ kiếm. Bắn chim phải luồn ép người như thợ săn không thấy động là nó bay mất ngay. Vào mùa chim di cư có những con chim to lớn, lạc đàn hay sao ấy bọn tôi hay dùng là chim lạ. Ha ha cái từ ấy bây giờ dân tình lại hay dùng ra phết. Tàu lạ, mùi lạ, hình lạ… Chứ chúng tôi gọi là chim là từ lâu lắm rồi. Những con chim ấy vỗ cánh bay là gió phần phật nghiêng ngả đám tre lá. Có những con sải cánh to lớn đến hàng mét. Loại ấy đạn bi không hạ được. Chính tôi đã bắn một Viên rất căng trúng con chim ấy. Chỉ nghe tiếng bộp một cái. Rồi con chim hốt hoảng đập cánh bay đi. Để lại sự tiếc rẻ khôn cùng. Lại ấy phải đạn ghém hoặc hoa cà, hoa cải mới hạ được.
Chích chòe, chào mào thì thi thoảng mới gặpmà cũng khó bắn. Tôi lại không phải là tay thiện xạ nên số lượng chim bắn được không nhiều kể cả là sau này có bắn bằng súng hơi cũng không được chính xác. Đi cả buổi hôm nào số đỏ thì được khoảng chục con chim các loại về nhà lại lục cục làm lông thui vàng rồi băm lẫn với lá lốt để rán chả.
Ngày xưa chả mấy khi được ăn thịt nên những bữa chả chim chừng được mỗi người dăm miếng gắp ấy thật là ngon nhớ đời. Có lần tôi bắt chim ở buồng cau họ. Quan sát thấy cả đàn chim làm tổ ở buồng cau. Đợi tối xuống tôi lấy cái bao buộc một cái vanh ngoài bao buộc dây rút cẩn thận. Rồi sang gọi cái Liễu. Nó bảo đêm muộn rồi có trò gì thế. Tôi bảo. Cứ đi với tao hay lắm. Rồi hai đứa mò đến gốc cau. Nó cứ tì sát vào người tôi hình như là ngực nó to to căng căng thì phải. Nhưng tôi chả để ý. Cái cần để ý là dặn nó.
Khi tao ụp cái bao vào buồng cau thì mày rút sợi dây này thật nhanh nhé. Giờ thì nó hiểu ra. Mắt tỉnh ngủ sáng long lanh trong bóng tối như mắt mèo. Nó nhìn tôi ngưỡng mộ lắm. Ánh mắt ấy bảo cho tôi biết như thế. Nhè nhẹ nín thở đưa cái bao lên. Lựa cho cái vanh ụp vào buồng cau. Tôi hô.
– Giật dây.
Con Liễu giật sợi dây thật mạnh. Thế là lục sục loạt soạt, lít chít. Cả đàn chim hốt hoảng lao ra chui trọn vào bao. Chỉ cần hạ bao xuống nhẫn nha tóm cổ từng con ra. Con Liễu nhảy đu lên cổ tôi.
– Ui bắt kiểu này thích thế. Thích thế.
Nó thơm chụt vào gáy tôi mấy cái. Ngu thật tôi lại lấy tay lau ngay xem có bị dính nước bọt hay không rồi làu bàu.
– Con điên. Thịt ngay hay mai.
– Ui. Đội chim này đáng yêu quá chả muốn ăn thịt.
Tôi lừ mắt.
– Cho một con để nuôi còn mai tao thịt tất.
Nó xị mặt rồi giận dỗi quay về.
Giờ mà có dịp. Thì chắc không như thế đâu Liễu ạ.
Hôm sau trẻ con cả xóm ăn chim quay nhớ đời.
Chim có nhiều loại nhưng phần đông là các loài chim nhỏ chỉ băm viên rán chả là ăn được ngày trước cứ có thịt ăn là ngon. Các chị tôi hay trêu đùa nhau bằng câu ca”mẹ ơi ăn rau chán chết sao mẹ không mua thịt cá mà ăn” có thịt có cá để ăn cơm là một mơ ước bình dị mà lại không dễ gì có được nên mọi hoạt động của người lớn cũng như trẻ con hầu như chỉ để hướng tới bữa ăn tươm tất trong gia đình. Nên những bữa cơm có tí thịt chim nó ấm chân răng, nó cứ ấm mãi đến tận bây giờ. Cuộc sống hiện đại lên, đời sống vật chất đầy đủ đến thừa mứa. Khoảng cách gần lại. Cả thế giới có thể kết nối với nhau qua vài cái nhấp và gạt tay. Nhưng khoảng cách của tình thân, tình thương, tình yêu thì lại tỉ lệ nghịch. Những lời yêu thương cứ ít đi thay vào đó là áp lực là chỉ trích là gắt gỏng là đòi hỏi. Thật là mệt mỏi. Đêm mơ mới thấy đĩa chim rán ngày nào.