Phần 25
Sau 20/10, trường tôi bắt đầu ra cuộc thi làm tập san cho các khối lớp để chuẩn bị chào đón ngày Nhà Giáo Việt Nam. Chúng ta có thể hiểu tập san là một quyển tổng hợp các thể loại văn, thơ, truyện ngắn, âm nhạc, các câu châm ngôn hay… do chính các thành viên của lớp đó sáng tác cộng thêm chút ít sưu tầm ở bên ngoài, sau đó, được hệ thống lại, trang trí thêm, và đặc biệt, tất cả những nội dung bên trong, từ chữ viết, đề mục, mục lục, cho đến các hình ảnh trang trí đều phải được làm, viết, vẽ… hoàn toàn bằng tay, nghĩa là thủ công một trăm phần trăm. Cuối cùng là nộp lên trường, thi đua với các tiêu chí như: Tập san đẹp nhất, có nội dung phong phú, sâu sắc, phù hợp chủ đề nhất, rồi đề ra giải thưởng.
Năm lớp 10, lớp tôi hoàn toàn không có chút thành tích gì về cuộc thi này. Thậm chí đến việc có cuộc thi này hay không tôi còn không biết. Vậy nên năm nay nhận được thông tin sau khi họp bí thư, tôi hơi bỡ ngỡ. Việc đưa lớp đến các vị trí đỉnh cao là việc tôi và bé Phương lớp trưởng bắt tay nhau hoàn thành cực kỳ xuất sắc trong hơn một tháng qua. Về điểm thi đua chăm ngoan học tốt, bé Phương đưa lớp tôi đến vị trí số 1 trong 3 tuần liền. Nếu lúc nào đó “không may” bị tụt thì cũng phải trong top 3. Còn tôi, đầu năm có cuộc thi làm pa – nô áp phích tuyên truyền, tôi đã giật về 2 giải. Điều đó khiến cho khi cuộc thi đua này được trường đề ra, tôi mặc nhiên đưa ra mục tiêu top 3.
Vậy là một bản kế hoạch được đưa lên. Bé Linh dù sao cũng làm bí thư trước tôi một năm, kinh nghiệm đầy mình, sau khi qua thỉnh giáo nó rồi trở về tự thêm thắt với tư duy của mình, tôi viết ra được “bộ quy tắc chung” của việc làm một tập san:
– Ra thông báo: Trong 2 tuần, các thành viên trong lớp phải sáng tác ra các bài văn, thơ, nhạc, họa… kính thưa các thể loại để nộp lên. Ai không nộp mà không có lý do đặc biệt, hợp lý sẽ bị trừ điểm cá nhân trong tờ tự đánh giá của cô Yến. Giờ ra chơi nào cũng thông báo, thông báo và hối thúc.
– Thu nhận các bài viết hay, phân loại, tổng hợp, sau đó chọn ra 3 bạn viết chữ đẹp nhất lớp để viết lại, giúp đều chữ, chữ đẹp, bắt mắt.
– Chọn ra những đứa vẽ đẹp trong lớp để chuẩn bị cho công việc trang trí.
– Họp BCH đoàn của lớp và phân công thực hiện các nhiệm vụ như kẻ đề mục, kẻ mục lục, tẩy xóa, đọc chỉnh sửa lần cuối, viết lời ngỏ…
– Sắp xếp, duyệt, đóng tập.
Tất nhiên là “bộ quy tắc” cực kỳ chuẩn mực đó cũng được kẹp trong một cuốn truyện tôi cho Thương mượn. Nhưng quy tắc là quy tắc. Như hàng ngàn cuốn sách được viết ra nhằm hướng dẫn cho mọi người nào là “từ trắng tay đến tỷ phú” hay “thành lập doanh nghiệp từ 1$”, “nghĩ giàu làm giàu”… cả triệu người đọc, còn 1 triệu người đó có giàu không thì các bạn chắc cũng biết kết quả rồi.
Với sự quyết tâm, nỗ lực cùng với khả năng lên kế hoạch và điều hành tập thể tuyệt vời của mình, lớp tôi xuất sắc giật lấy giải 3 toàn trường trong cuộc thi. Chỉ thua đúng 2 lớp, đó là lớp 11/12 và 12/12 – 2 lớp chuyên văn. Còn lớp Thương đứng ở vị trí nào, tôi không rõ. Chỉ biết không có tên trên bảng vàng các lớp được chọn trao giải. Đó là một ví dụ về áp dụng quy tắc.
Với thành tích này, tôi bắt đầu chiếm được lòng tin của cô Yến một cách trọn vẹn. Mấy đứa bất phục trong lớp cũng bắt đầu nhìn tôi với ánh mắt khác. Điển hình là việc bé Dịu Hiền lớp tôi định tổ chức cho mấy đứa trong lớp bán hoa nhân dịp 20/11, nó lân la qua nhờ tôi:
– Bí thư nè, hay lớp mình tổ chức bán hoa nhân 20/11 đi.
– Cái này hơi khó nha Hiền. Nếu bạn bè gom góp lại bán với nhau cho vui thì được, chứ đứng ra tổ chức cho lớp bán, không theo hoạt động của trường, lớp sẽ ít nhiều có phản ứng. Mỗi đứa mỗi tính, V e hơi khó đó.
– Không cần thiết cả lớp đâu V. Hiền chỉ nhờ V tham gia bán hoa cùng nhóm Hiền thôi. Cơ bản Hiền rủ được 4, 5 đứa rồi, nhưng chưa đủ, nếu V cũng tham gia, mấy đứa sẽ hưởng ứng nhiều hơn.
– À, vậy thì chuyện nhỏ. Hiền sợ thiếu vốn thì cứ nói. Mỗi đứa chung bao nhiêu, V cũng chung vô cho xôm.
– Mỗi người 20k thôi à. Hihi…
– Vậy hả, V gửi luôn Hiền 100k nè. Cứ bán đi, bán xong đừng lỗ quá là được. Hehe…
Ai dè, chỉ lời nói “đừng lỗ quá là được” đó của tôi lại mang đến một hệ lụy.
… Bạn đang đọc truyện sex tại web: https://tuoinung.com/
Vậy là tôi thành “trai bán hoa”.
Kể ra chuyện này cũng thật là ngẫu hứng và cũng chẳng nằm trong kế hoạch nào của tôi, nhưng ngẫm lại, thấy đôi khi, những sự việc đến bất chợt như vậy lại mang nhiều niềm vui hơn cả. Tất nhiên, chỉ là đôi khi mà thôi.
Trong công cuộc bán hoa này, tôi đã tham gia thì hiển nhiên, Diệp cũng tham gia. Sáng hôm đó Diệp ra nhà tôi thật sớm. Nghe bé Dịu Hiền nói “không ra sớm dành chỗ là không có mặt tiền “ngon lành” để bán đâu V”, vậy nên 5h sáng Diệp đã đợi tôi trước cửa nhà. Diệp có xe điện, đi xa vừa nhanh lại vừa đỡ tốn sức. Diệp chở tôi xuống sắp xếp bàn ghế.
Tới nơi, bé Dịu Hiền đã đợi bọn tôi từ lúc nào. Bỏ tôi lại một mình bơ vơ với chỉ trơ trọi 3 cái ghế và 2 cái bàn nhựa nhỏ nhỏ cùng vài lẵng hoa, Diệp chở Hiền xuống chợ đầu mối để lấy hoa đã đặt từ vài ngày trước về. Và lại “nghe bé Dịu Hiền nói”, “Hiền có người quen mua giùm hoa trên Đà Lạt, giá rẻ vô cùng, xe tải vận chuyển về lúc 5h30 nên phải chạy xuống sớm để lựa hoa đẹp lấy trước.” Tôi ậm ừ thầm nghĩ: “Lớn lên chắc nó phải là tay buôn số một. Mới 17t đầu đã sành sỏi lanh lẹ thế cơ mà.” Có điều, cuộc sống đưa đẩy thế nào đó, bây giờ nó lại là chuyên gia trang điểm… Đúng là đời.
Sau giờ học, tôi tranh thủ ra chỗ sạp hoa của mấy đứa. Cũng chả có gì để làm. Cứ thuận miệng thấy khách thì mời gọi vài câu cho vui, chủ yếu tạo động lực cho chị em trong lớp nhiệt tình “bán hoa” hơn. Trưa hôm đó về nhà, tôi bỏ cả giờ ngủ trưa tranh thủ làm bài tập rồi lại chạy xuống sạp hoa. Buôn bán vốn không phải sở thích của tôi. Còn sở thích của tôi là gì thì các bác biết rồi đó – ngắm gái. Mấy đứa bên lớp khác cũng bán hoa đầy cả một quãng đường vào trường. Xe tới xe lui tấp nập, chạy qua chạy lại, lời chào mời, lời trả giá, tiếng gọi nhau í ới, tiếng cãi vã…
Ồ, tôi nghe không nhầm! Đúng là tiếng cãi vã. Vừa dựng xe ra sau sạp hoa của lớp tôi đã nghe tiếng cãi vã inh ỏi bên kia đường vọng lại. Thì ra bé Dịu Hiền nhận ra mặt bằng lúc sáng mình chọn có hơi sai lầm, vì nó muốn tận dụng cây trụ điện có sẵn để kê bàn, xếp ghế, nhân tiện trưng bày lẵng hoa. Nhưng đúng là “nghĩ kỹ nghĩ lâu rồi cày sâu chết lúa”, cây trụ điện hóa ra vô cùng có lợi kia lại chìa ra cái bất lợi không tưởng. Nó che mất một phần mặt tiền làm sạp hoa khó thấy hẳn đi, hơn nữa, dừng lại mua hoa ở bên dưới một trụ điện lớn toàn sắt là sắt với hình đầu lâu kèm hai cái xương chéo thì đúng là không lấy gì làm hấp dẫn.
Vậy là nó tranh thủ buổi trưa mấy đứa nghỉ ngơi, không gian bớt đông đúc liền chạy qua bên kia đường kê thêm 1 cái bàn nữa và bày hoa. Lúc sau, dòng người mua hoa đông trở lại, mấy đứa tới chơi với lớp mình cũng đông hơn, vậy là đá thúng đụng nia với nhau thế nào đó rồi sinh ra cãi vã.
Nhưng cãi vã với ai nó không cãi lại đi cãi nhau chí chóe với tụi 11/3 khối chiều. Tụi này thuộc lớp chuyên Lý. Phần lớn trong lớp thì cũng hiền thôi, đặc biệt cũng có vài em xinh như hoa. Nhưng trong lúc này điều đó kém phần quan trọng hẳn. Vì sau những lời qua tiếng lại, giọng nói bắt đầu to dần, to dần và gần như hét vào mặt nhau. Tiếp theo là 2 đứa bay vào…
Thấy mọi chuyện bắt đầu căng, tôi lân la đi qua hòa giải, may mà tôi tới vừa kịp lúc 2 đứa nhảy vào nhau nên xen luôn vào giữa giãn 2 bên ra. Thấy tôi, bé Hiền tranh thủ trình bày loạn xạ sự việc, con bé A3 thì mập hơn nên hùng hổ muốn ăn thua đủ nhưng thấy cái quắc mắt của tôi nó cũng chùn tay lại. Tôi cúi nhẹ đầu xin lỗi rồi quay qua nói bé Hiền:
– Dọn qua kia đi Hiền!
Thấy ánh mắt tôi như có lửa, bé Hiền tắt ngay nhuệ khí muốn ăn thua quay lại bê bàn về. Trở lại sạp, kéo bé Hiền ra một góc nhỏ, tôi ghé tai nói thầm với nó “một điều nhịn là chín điều lành Hiền ơi. Mình bán hoa cho vui chứ không phải vì lời lãi. Nếu lúc nãy Hiền đánh nhau, cô Yến có bỏ qua việc này không? Ban giám hiệu có bỏ qua việc này không? Đúng sai không cần phân biệt nữa. Bán được hay không cũng không cần nữa. Vui là chính!”
Nhưng cây muốn lặng mà gió chưa ngừng. Mấy đứa trong lớp tôi tự nhiên đi dạt hết về một phía. Thậm chí bé Hiền cũng trợn mắt lên tỏ vẻ sửng sốt, mặt cắt không còn giọt máu. Tôi quay lưng lại, một cảnh tượng đập vào mắt…
…
Tôi có dự cảm về việc này ngay lúc bé Hiền cãi nhau với con bé A3 kia. Tụi A3 chuyên Lý học hành vốn chăm chỉ hiền lành, nhưng lớp nó có vài đứa thuộc dạng đầu gấu của trường nên không phải việc gì cần thiết, thật tôi chả muốn dây vào. Ông bà nói rồi “tránh voi chẳng hổ mặt nào.”
Nhưng đó là dự cảm của tôi. Nói cách khác là sự lo lắng của tôi khi thấy bé Hiền “chợ búa” với tụi A3. Còn hiện tại thì mọi việc đã diễn ra rồi. Và sau lưng tôi, ngay sạp hoa của lớp, chiếc bàn nhựa bị một cây mã tấu chém xuống với lực vừa đủ làm nó dính chặt trên bàn. Nhìn cây mã tấu, bọn con gái lớp tôi dạt hết về một phía. Vài đứa con trai thì đứng nhìn bất động chưa biết xử lý thế nào. Có 3 thằng qua cố tình gây sự. Nhìn rõ mặt từng đứa, 2 thằng đi sau hơi lạ, có biết mặt nhưng tôi không biết tên. Còn thằng đi đầu là Dũng “đen”.
Nó tên Dũng. Ở nhà ba mẹ nó gọi nó là cu Đen nên trong giới “giang hồ” học sinh, tụi bạn gọi nó với biệt danh là “Dũng đen”. Thằng này trước học cấp 2 với tôi. Sau vì quậy quá, năm lớp 8, ba mẹ nó chuyển qua lớp cô Thoa chủ nhiệm để tiện bề uốn nắn. Tuổi trẻ nông nổi, mặc dù thông minh và học tốt nhưng lên cấp 3, nó vẫn thích lông bông chỗ này chỗ nọ. Thêm gia đình có điều kiện, nó ăn chơi rồi bỏ bê hẳn chuyện học hành. Từ đó, thành ra làm đầu gấu trong trường, dưới ngông trên ngược, chẳng sợ ai trên đời.
Thoáng nghĩ trong đầu và tìm cách giải quyết, tôi sực nhớ lại hồi còn nhỏ, có một thời gian nó gần nhà tôi. Sau này bị giải tỏa mới chuyển đi. Hai đứa dù sao cũng từng có chút qua lại. Tôi cố gắng tìm cách tận dụng mối quan hệ đó. Với ánh mắt bình thản, đầu óc tập trung cao độ, giọng nói nhẹ nhàng nhưng quyết đoán, tôi tiến lại trước mặt nó mở lời:
– Có chuyện gì vậy Dũng? Tôi cố tình gọi tên để nó nhận ra tôi.
– Quay lại nhìn tôi, nó suy nghĩ gì đó một chút rồi trả lời: Mi hả V? Bé Hiền gì đó lớp mi đâu?
– Có chuyện gì cứ nói với ta!
– Mi nói hắn ra đây. Chỗ ai nấy ở. Muốn ngang ngược thì gặp ta nè.
– Chuyện của bọn con gái thôi. Cũng nhỏ đừng làm to ra làm gì. Bàn ta cũng nói nó dọn về rồi. Ta cũng thay mặt nó xin lỗi rồi. Mi bỏ qua được không?
Nghe tôi nói xong, nó nhìn quanh quất một lúc rồi bước vài bước về phía tôi. Giữ ánh mắt kiên định, thầm nắm tay thủ thế, thấy cây mã tấu còn găm nguyên trên bàn nên tôi khá yên tâm. Về khoảng tay đôi, hơn kém cũng chả là bao, tôi không lo lắng chuyện này. Nhưng tôi không nghĩ nó làm gì tôi. Đằng nào hai đứa cũng là bạn hoặc đã từng như vậy. Lúc còn cách tôi tầm nửa mét, nó cười nhẹ rồi nói “xử lý tốt đó bạn. ‘Chuyện bọn con gái’ dính vào làm gì nhỉ. Tưởng bọn nào chứ lớp mi thì thôi.” Quay lưng lại, giật cây mã tấu lên, nó hất mặt hai đứa phía sau rồi đi qua bên kia đường.
Tôi thầm thở phào nhẹ nhõm. Nhìn mặt bé Hiền vẫn còn ánh lên nét sợ hãi, tôi cười nói “cứ bán đi, không sao đâu. V đi học thêm đã. Nhớ vui là chính nhé!”
Sau chuyện này, bọn cá biệt trong lớp cũng bắt đầu nhìn tôi với ánh mắt khác. Kẻ “chém đinh chặt sắt” ngày xưa đòi choảng nhau với thằng Thao, thằng Vỹ đã không còn nữa. Kẻ ngông nghênh kênh kiệu coi trời bằng vung năm lớp 10 đã không còn nữa. Kẻ “ăn sóng nói gió”, hay chỉ thẳng tim đen để chọc quê người khác đã không còn nữa. Nó, thằng V, đứa tự đứng ra ứng cử làm bí thư không phải chỉ để khoe khoang, không phải chỉ để mong muốn lấy cái hào nhoáng, cái bóng bẩy rồi chăm chăm thể hiện với đời. Nó đủ khả năng, đủ trình độ, và hơn hết, nó đủ tư cách để đảm nhận vị trí đó.
“Nó là bí thư lớp ta!” – Quay xe đi, tôi thoáng nghe bé Hiền nói với mấy đứa lớp bên cạnh khi bọn nó hỏi tôi là ai”