Phần 12
8 năm thay đổi một con người nhiều lắm. Tôi và đám bạn học của tôi giờ cũng vậy. Không còn là đám nhóc lộc ngộc và ưa đùa giỡn, giờ mỗi đứa trong đám bạn cấp 3 hầu như đều đã có cho riêng mình một gia đình, một cảnh đời. Thành phố triệu dân coi bộ cũng chẳng lớn, thi thoảng tôi vẫn gặp một vài cái bóng dáng quen thuộc: Có khi trong cửa kiếng xe hơi nhìn ra, có khi đang bước vô một cái tiệm ăn rồi tay bắt mặt mừng, có khi lại là cái cúi đầu lặng lẽ sau gánh hàng rong… Tôi chuyển tới 3 nơi làm, hết trong Nam tới ngoài Bắc, bởi cái máu phiêu lưu của tôi làm tôi khó làm tôi ở yên một chỗ. Tiền kiếm được cũng tạm đủ sống, có điều vợ con tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi vẫn khoái chơi hơn, ngoài 30 rồi trói buộc đời mình cũng đâu có muộn.
Tôi vẫn mừng khi gặp lại tụi bạn cũ trong các hoàn cảnh bất ngờ. Có lần đưa một nhỏ 9x đi coi phim, gặp một thằng cha đầu hói mập mạp có cái tướng quen quen, tay dắt một đứa nhỏ chừng 3 tuổi đang dòm mình lom lom. Tôi còn đang nghĩ hoài không hiểu cha nội này có khúc mắc gì với mình không thì thằng hói chạy ra, tay đập vào vai tôi hồ hởi:
– Long, không nhận ra bạn sao?
Tôi phải mất tới 5 phút mới nhận ra nó là thằng bạn học. Báo hại, con nhỏ 9x mém té xỉu khi biết cha già hói đó là bạn học cấp 3 của tôi. Tôi nói chuyện một hồi, nhìn bộ dạng thằng bạn đầy thương cảm, nhất là khi một mụ tầm ngoài ba chục xồ xề hớt hải đi vào, tay cầm bịch bắp rang bơ – được nó giới thiệu là bà xã. Tôi càng củng cố thêm quyết tâm không bao giờ lấy vợ sớm – thề luôn đó.
Tất nhiên không phải lần gặp lại bạn học nào cũng nhuốm sắc màu rùng rợn như vậy. Có lúc cũng vui khi biết chủ cái nhà hàng lớn mình vừa ăn lại chính là của đứa bạn, đôi khi đang ngồi cafe một mình buồn thúi ruột lại có đứa ra vỗ vai mừng rỡ. Đôi khi lại là cái thở dài khi thấy có ánh mắt mặc cảm né tránh câu gọi của mình, một cái lưng lủi thủi đi giữa buổi trưa nắng gắt… Nhưng mọi thứ rồi cũng qua nhanh thôi, mỗi người đều có cho mình một số phận mà. Nhưng có những chuyện tôi không thể cho qua nhanh được…
Tôi gặp thằng Đạt – thằng nhóc bạn học đợt trước dính vô ba cái vụ đánh nhau – trong một hoàn cảnh hết sức khó tả. Giờ chắc không ai dám kêu nó là Đạt nhóc, trừ tôi và ba nó. Thằng nhóc ác ngày nào giờ để ria nhìn già chát, mặc bộ đồng phục công an, miệng đang chỉ huy mấy thằng lính bắt bớ gì đó trong cái quán karaoke. Nhìn nó trợn mắt, tay chỉ chỏ, miệng la, coi bộ cũng giống du đãng khoác áo nhà nước lắm à nha. Tôi gọi giật giọng:
– Ê Đạt nhóc!
Thằng Đạt giật mình, quay ra xung quanh dòm một hồi. Cái gương mặt nó giãn ra khi thấy tôi, hăm hở chạy lại:
– Trời đất ơi, bao nhiêu lâu rồi tôi mới gặp ông đó! Mấy đợt họp lớp tụi nó kiếm ông quá trời mà không thấy, bộ bận đi cua gái hả?
Cái thằng mắc dịch. Bao nhiêu năm qua rồi mà cái ưu điểm của tôi nó vẫn còn nhớ ghê ta. Tôi kêu nó:
– Rảnh không, tụi mình đi uống cái gì rồi hàn huyên chút nha! Lâu quá cũng không gặp, không ngờ ông lại thành cảnh sát, cũng hay ghê!
Thằng Đạt miệng cười toác:
– Có gì đâu, kiếm cơm thôi, kiếm cơm thôi! Đợi tôi chút xíu lát mình đi ăn luôn, tôi mời.
Đạt nhóc quay qua chỗ lộn xộn nọ, giao phó gì đó cho ba thằng lính lác rồi quày quả về phía tôi. 2 thằng dù sao cũng có thể tính là một cặp cạ cứng ở trường cấp 3, bởi vậy bữa rượu hôm đó có quá nhiều điều để nói. Từ vợ con gia đình cho tới chuyện làm ăn, cả mấy vụ kỷ niệm cũ hồi còn đi học khiến cả 2 thằng nói hăng say tới sùi bọt mép. Câu chuyện càng cao hứng hơn khi nhắc về từng đứa bạn học giờ đang sống ra sao, làm gì, nhưng bất chợt không khí trùng xuống khi tôi buột miệng hỏi một câu bâng quơ:
– Không biết con nhỏ Linh giờ ra sao?
Đôi mắt Đạt nhóc sụp xuống. Nó không nhìn tôi, như thể tránh cái nhìn dò hỏi, tiện tay vơ cái ly, không uống mà cầm trên tay xoay xoay một hồi lâu. Tôi hiểu, nó biết chuyện về con nhỏ và hẳn đó cũng không phải thứ chuyện tốt đẹp gì. Nhưng tôi cũng không ép nó. Thật lòng, tôi cũng đâu muốn nghe một tin tức chẳng hay ho gì về con nhỏ. Nhưng đâu phải khi mình nhắm mắt, thực tế sẽ chẳng xảy ra…
– Nhỏ Linh sống cực lắm!
Rốt cuộc, thằng quỷ khoác áo công an cũng mở cái miệng ra. Gương mặt nó đanh lại, nửa ngập ngừng, nửa buồn bã. Tôi thở dài, sống cực cũng được mà. Cuộc sống sung túc đầy đủ đâu phải ai cũng có, mà chắc gì cuộc sống đó đã thanh bình và hạnh phúc. Giọng thằng quỷ nhỏ lại:
– Nó hình như chưa có lấy chồng, nhưng có đứa con gái nhỏ rồi. Mấy đợt tao đi truy quét, có gặp con nhỏ một lần. Con nhỏ cũng làm giống mấy con nhỏ tao vừa bắt đó Long!
Cái ly trong tay tôi rời ra. Cổ họng tôi nghẹn lại. Dù sao, cái thực tế phũ phàng này vẫn làm tôi chưa thể dễ dàng chấp nhận. Giọng thằng Đạt vẫn đều đều:
– Tao cũng muốn giúp nhỏ lắm, nhưng mày biết đấy, đâu phải cứ muốn làm là được. Con nhỏ có một vết (ý nó là bị bắt một lần trước đó) nên tao có muốn cũng cứu nó không có nổi.
– Vậy giờ con nhỏ Linh ở đâu?
Thằng Đạt gục gặc cái đầu:
– Chắc giờ nó vẫn còn đang trong trại. Tao cũng nhờ người quen nói đỡ vài câu, hy vọng con nhỏ sống trong đó cũng được chút ưu ái.
Ngụm rượu trong miệng tôi bỗng đắng nghét. Cả hai thằng ngồi nhìn nhau, không biết nói thêm điều gì cho tới tận lúc ra về.
Tôi kêu taxi chở đi một hồi lòng vòng. Tôi không muốn về nhà, cũng chưa biết mình nên đi đâu cả. Đầu óc của tôi thật sự lúc này có chút không tỉnh táo, một phần vì men rượu, một phần vì những gì Đạt nhóc nói khiến tôi cảm thấy lòng mình như bị ai bóp nghẹt. Cha nội lái taxi thỏa sức mua đường, nó muốn chạy đâu thì chạy, tôi đã bảo nó vậy. Tôi nhắm mắt một hồi, chìm vào trong những luồng suy nghĩ đầy phức tạp hồi lâu. Thấy không khí trong xe có chút bí bách, tôi mở cửa xe ra một chút, nghe không khí đập vô mặt mình mát lạnh. Thở dài. Trời xui đất khiến sao, cái taxi đang chạy trên đúng con đường tới trường cấp 3 tôi vẫn đi hồi nào. Xe băng qua một con hẻm tối thui, tôi giật mình kêu tài xế:
– Dừng ở đây coi.
Xe thắng cái rẹt. Tôi móc ví kiếm tiền trả, loạng choạng bước xuống. Tôi đang đứng ngay hẻm nhà con nhỏ. Con hẻm vẫn tối thui, nhìn bên ngoài chẳng có gì đổi khác. Lòng tôi chùng xuống. Quán cafe ngày xưa tôi hay ngồi đợi con nhỏ vẫn còn, cái dáng quen thuộc của bà chủ vẫn vậy, chỉ là mập và già hơn một chút. Dẫu sao cũng đã 8 năm rồi.
Tôi đi như người mộng du vô trong hẻm. Tiệm cầm đồ nè, đám lưu manh tiểu yêu nè, sới bạc nè, rồi cái cánh cửa sắt đen nhà con nhỏ nè… Mọi thứ như đưa tôi trở về với 8 năm về trước, khi tôi vẫn còn là một thằng nhóc cấp 3 khờ khạo. Tôi run run đứng trước căn nhà con nhỏ. Căn nhà vẫn y chang vậy, chỉ có những nốt han gỉ trên cánh cửa sắt coi bộ nhiều hơn. Bên trong nhà, ánh đèn neon lạnh lẽo chiếu ra. Tôi gõ cửa.
Một con nhỏ chừng 4 tuổi ló mặt ra, nhìn tôi nở một nụ cười chúm chím:
– Chú kiếm ai?
Tôi sững người. Đứa nhỏ của Linh đây sao? Nó giống con nhỏ như lột vậy. Cái đôi mắt tròn xoe, đen lay láy, cái miệng cười toe đầy cái vẻ thơ ngây đang nhìn tôi với một vẻ tò mò. Tôi nghe trong lòng mình nghẹn lại, sống mũi cay cay. Tôi đưa tay xoa đầu con nhỏ:
– Má con đâu? Chú tới kiếm má con!
Con nhỏ lại cười. Nó coi bộ dạn người ghê quá. Thấy nó vươn vai, làm bộ một cách hết sức dễ thương, cái giọng con nít đang trả lời tôi:
– Má con đi làm ăn xa rồi, nhà chỉ có ngoại con thôi!
Có tiếng chân đi loẹt xoẹt từ dưới bếp lên nhà. Má của con nhỏ. Bả bận bộ đồ trong nhà cũ, dáng vẻ luộm thuộm, coi bộ mới vừa làm đồ ăn cho con nhỏ. Bả chùi chùi tay vô cái tạp dề, quay qua tôi lạ lẫm:
– Cậu kiếm nhỏ Linh à?
Tôi thở phào một cái. Bả không nhận ra tôi. Tôi nở nụ cười, lễ phép trả lời:
– Con là bạn học của Linh, mới đi xa về. Lâu rồi không gặp, tính qua thăm Linh chút.
Bả nhanh nhẹn mở rộng cánh cửa sắt, mời tôi vào nhà. Bên trong căn nhà, mọi thứ vẫn y chang như khi tôi tới nhà nhỏ ngày nào. Vẫn bộ bàn ghế cũ, vẫn cái giường cũ, vẫn cái tivi cũ. Dường như trong căn nhà nhỏ này, thời gian chưa hề biết trôi qua…
– Linh đi làm ăn xa hả cô?
Bả chép miệng. Gương mặt bả lộ ra một vẻ chán chường và cam chịu:
– Ờ thì con nhỏ đó cũng nay đây mai đó tối ngày, đứa nhỏ cũng để tôi trông dùm hoài. Tầm này tuổi rồi mà chưa có ra đâu vào đâu hết!
– Ủa vậy ba thằng nhỏ đâu cô?
Bả lại chép miệng thêm một cái, thở dài:
– Thằng ba nó cũng loại vô công rồi nghề, giờ tôi cũng hổng biết nó ở đâu. Từ ngày nhỏ Linh sanh con nhỏ này, đâu có thấy mặt ba nó lần nào.
Đứa bé con vẫn líu ríu quanh tôi. Con nhỏ quấn người kỳ lạ. Tay nó đang níu chặt lấy tay tôi, nhe răng cười, tò mò nhìn vào cái điện thoại của tôi đầy thích thú. Tôi ôm nhẹ con nhỏ, đặt nó vào lòng. Nó ngồi ung dung ở trỏng, cái chân nhịp nhịp. Đôi mắt ngây thơ nhìn thẳng vô tôi. Cái nhìn đứa trẻ làm tôi đau nhói.
Giọng bà má Linh có vẻ vui hơn một chút:
– Được cái con nhỏ này ngoan lắm. Biết nhà nghèo nên nó lớn mà không có bệnh tật gì hết trơn hết trọi, cho ăn gì cũng ăn, không có đòi hỏi gì đâu. Nó khôn lắm đó, ba má nó không có nhà nên nó chỉ quấn tôi, nhưng khi nào tôi mắc công chuyện gửi nó qua hàng xóm, nó cũng không có khóc lóc gì hết đó!
Giọng bả vẫn đều đều, nhưng tôi làm như không nghe thấy. Tôi vuốt ve mái tóc con nhỏ, thấy sống mũi mình cay thật là cay. Con nhỏ vẫn cười re, rồi thốt nhiên nó chạy xuống khỏi lòng tôi, loay hoay tìm một cái khung ảnh nhỏ xíu, đưa ra trước mặt tôi:
– Má của con nè chú!
Mắt tôi nhòa đi. Trong khung ảnh là hình nhỏ Linh, tấm ảnh cũ mèm giống như được chụp từ lâu lắm. Trong ảnh, nhỏ Linh đang mặc váy trắng, hai tay con nhỏ xòe váy, đôi mắt long lanh, cái miệng cười chúm chím. Nước ảnh đã cũ vàng, nhưng bộ đồ trên người con nhỏ vẫn trắng tinh khôi.
Tôi đứng dậy, chạy như có ai đuổi ra khỏi căn nhà, bất chấp cái nhìn lạ lẫm của má con nhỏ. Ra tới đầu hẻm, tôi thở dốc, nghe cơ thể mệt mỏi như vừa trải qua một cơn bệnh nặng. Nước mắt tôi không chảy ra nổi. Thứ chất lỏng đó nghẹn ứ ở trong lòng mắt. Một cái xe phanh két lại bên tôi, một giọng đàn ông vang lên:
– Có cần đi đâu không anh hai?
Tôi trả lời không suy nghĩ:
– Chở dùm tôi ra Vietcombank!