Phần 32: BA NHÀ HỌ QUAN
Đốt xương ngón tay trong túi rơi xuống bàn, bữa cơm cũng khỏi ăn tiếp. Cả nhà sợ đến hồn siêu phách tán, chờ mãi họ mới khôi phục tinh thần, tôi và Lưu Khánh Chúc bị đuổi ra khỏi cửa.
Cơm mới ăn lửng dạ, đi trên đường thôn, càng nghĩ càng tức anh ách. Ngoài là chị ta, đồ do chị ta đánh rơi, giờ lại trở mặt không nhận? Lão Lưu bên cạnh thở dài: “Ta thấy ngươi đúng là cái đồ óc bã đậu. Cô nương này đêm hôm từ thành phố trở về, mà lại nhất định không thừa nhận, ngươi không hiểu ý người ta à?”
Lão Lưu nói vậy, tôi chợt tỉnh ngộ, vỗ mạnh vào đầu la lên: “Ai da, tôi đúng là thiểu năng, thảo nào chị ấy không thừa nhận.”
Tôi ngẫm nghĩ, hỏi: “Nhưng sao chị ta lại có cái túi đỏ đựng xương ngón tay?”
Lão Lưu lắc đầu: “Theo ta thấy cô nương này không vấn đề gì, cái túi hình như không phải của cô ta!”
Nghĩ lại thì lúc đó rất nhiều thôn dân lên xuống xe, có thể chiếc túi bị rơi đúng vị trí chi ta ngồi cũng nên. Cơm ăn chưa xong, chỗ nghỉ ngơi cũng chẳng có, tôi với lão Lưu hỏi thăm mấy thôn dân trên đường thì được biết, Đường Oa Tử tổng cộng có ba nhà họ Quan.
Đi qua ngã tư thôn, có một cây liễu đại thụ, cái cây rất xanh tốt, trông phải đến gần trăm tuổi. Từ đó rẽ trái, chính là nhà họ Quan đầu tiên. Nhà trệt, mái ngói cũ kỹ, trên tường nhiều vết nứt, rõ ràng là một gia đình không khá giả.
Tôi với lão Lưu đi vào, trong nhà càng rách nát hơn bên ngoài, một bà lão già đang ngồi thêm củi vào bếp lửa. Trông thấy chúng tôi, bà lão cất giọng khàn khàn: “Hai người ở nơi khác đến? Có việc gì không?”
Thấy bà lão đã quá già, sợ bà ta lãng tai, tôi bước tới mấy bước, lớn tiếng nói: “Đại nương, chúng tôi là người từ thành phố tới, người nhà cụ đâu hết rồi?”
Bà lão xua tay: “Tôi ở một mình!”
Tuy căn nhà rách nát, nhưng dù sao cũng là chỗ trú chân, tôi móc 100 tệ ra đưa cho bà lão, nói: “Hai chúng tôi muốn xin ngủ lại một đêm, ăn bữa cơm, cụ xem có được không?”
Bà cụ không nhận tiền, đẩy tôi, nói: “Cứ ở, nhà trống, không cần tiền.”
Từ lúc vào thôn đến giờ, thôn dân tôi gặp đều là những người hiền lành chất phác, không hề giống những gì lão Lưu và Bạch Phàm nói. Tuy bà cụ không nhận tiền, nhưng tôi vẫn thầm quyết định, khi nào đi sẽ để tiền ở giường.
Bà cụ di chuyển chậm chạp, thấy nhà có thêm hai người, bèn bỏ thêm miếng thịt vào trong nồi. Nhà ngang vốn là một kho chứa đồ, tôi với lão Lưu dọn dẹp qua loa, sau đó xuống bếp giúp bà cụ. Bữa cơm rất ấm cúng, bà cụ cũng nhiệt tình tiếp đón, ăn xong còn rót cho chúng tôi hai ly nước sôi.
Cầm ly nước nóng, tôi tản bộ ra bên ngoài. Ở nông thôn, cứ 7h là bữa ăn của người lao động sau một ngày làm việc vất vả, nhìn xa xa, nhà nào cũng miên man khói bếp. Cảnh tượng đặc biệt gây xúc động.
Đi một đoạn thì đến ngã tư chỗ cây liễu, có một ông cụ tóc bạc như tuyết đang ngồi hóng gió. Thấy ông cụ lớn tuổi, chắc cũng là thế hệ trước trong thôn, có lẽ sẽ biết chút ít gì đó về Quan Quân, tôi bèn đi qua ngồi xuống cạnh: “Chào cụ, cơm nước gì chưa?”
Ông cụ quay lại nhìn tôi một cái, cười cười gật đầu.
“Cụ ông, chắc cụ sống ở thôn này đã nhiều năm lắm rồi nhỉ.”
Ông cụ ai da một tiếng, nói: “Ta sống ở đây đã lâu lắm rồi, lâu đến mức chẳng còn nhớ nổi nữa.”
Quả nhiên là người dân bản xứ, trong lòng tôi cao hứng, hỏi tiếp: “Cụ có biết ai tên là Quan Quân ở trong thôn không?”
Nghe thấy cái tên này, ông cụ không tỏ ra bất ngờ, bình thản gật đầu: “Biết, nhưng trước giờ chẳng ai hỏi về nó cả, chuyện cậu đến tìm thật không bình thường.”
Nghe ông cụ nói có biết Quan Quân, tôi mừng lắm, nhưng chưa kịp há mồm hỏi tiếp thì cụ ông đã ngắt lời: “Thanh niên trẻ, lão hỏi cậu một chút, sao cậu lại đi cùng một hồn ma chết cháy khắp nơi vậy?”
Cụ ông nói câu này làm tôi sửng sốt, ma chết cháy? Ly nước ấm trong tay còn chưa uống, trán đã đầm đìa mồ hôi, kẻ mà ông cụ nói, nhất định là lão Lưu!
Cố gắng trấn định tinh thần, tôi nói: “Cụ thật biết đùa, cụ nói có ma chết cháy đi theo con sao?”
Ông cụ khẽ lắc đầu nói: “Là cậu đi theo nó!”
Tôi không khỏi rùng mình, ý ông cụ rất rõ ràng, đó chính là ám chỉ Lưu Khánh Chúc!
Ngờ vực, đang định hỏi thêm thì chợt phía xa có tiếng gọi ầm ĩ: “Lý Diệu, ngươi đâu rồi?”
Tôi ngẩng đầu đáp một tiếng, chợt nhớ đến cụ ông vừa rồi, xoay người nhìn một cái thì lại chẳng thấy đâu nữa. Thở dài một tiếng, đứng dậy đi đón lão Lưu, thấy sắc mặt tôi không tốt, lão thấp giọng nói: “Mặt trời đã xuống núi, ngươi còn chạy loạn làm gì?”
Tôi nhàn nhạt đáp: “Lão Lưu, vừa rồi tôi gặp một cụ ông tóc bạc, hỏi thăm một chút thì ông ấy nói có biết người tên Quan Quân!”
Lão Lưu ngẩng đầu quan sát bốn phía, nói: “Trời tối thế này, lấy đâu ra ông già nào?”
Tôi chẳng biết giải thích kiểu gì, bèn nói là gặp ông cụ ở ngoài cửa. Tối đó nằm cạnh lão Lưu, trong đầu tôi cứ nhớ đến cụ ông tóc trắng kia.
Ban đầu, tôi tin lời bác Lục, một thời gian dài đã coi lão Lưu là ma chết cháy, nhưng từ lúc ở Hổ Yêu Sơn, cùng vào sinh ra tử với lão, trải qua nhiều chuyện như vậy, đã sớm hiểu về con người lão. Giờ chỉ với lời nói của một cụ ông xa lạ, tôi không tin tưởng cho lắm.
Trời sáng, bà lão ra vườn làm cỏ, tối qua tìm mãi mới được chỗ trú chân, sợ bị đuổi nên tôi chưa định hỏi về Quan Quân. Giờ mới có dịp, tôi đi qua, nhỏ giọng hỏi: “Đại nương, cháu hỏi thăm một chút được không?”
Bà lão dừng tay, ngẩng đầu nói: “Hỏi gì?”
“Quan Quân, cụ biết người này không?”
Bà lão chẳng thay đổi nét mặt, chỉ lắc đầu rồi tiếp tục công việc.
Trong thôn chỉ có ba nhà họ Quan, bà lão tính là một nhà, Quan Quân không ở đây, vậy nhất định là ở hai nhà còn lại. Tôi với lão Lưu ra khỏi cửa, thẳng tiến đến nhà họ Quan thứ hai phía tây thôn.
Hộ gia đình này có vẻ khá hơn, nhà ngói được lợp mới, trong sân còn xích một con chó to. Chúng tôi vừa đi đến cổng thì gặp người nhà cầm nông cụ ra đồng. Tôi chạy nhanh đuổi theo, hỏi: “Chào anh, anh ra đồng làm việc à?”
Người đàn ông trung niên dò xét tôi từ đầu tới chân, hỏi: “Có việc gì?”
“Tôi là người trên thành phố xuống, muốn hỏi thăm anh một chút, Quan Quân có phải người nhà mình không?”
Người đàn ông vừa nghe thấy cái tên Quan Quân, không khỏi sửng sốt lùi về sau một bước, mắng: “Nói bậy bạ cái gì thế? Hắn không phải người nhà tôi, tránh ra đi!”
Dứt lời bèn vùng vằng đi theo mấy người đằng trước ra ngoài đồng. Không hiểu sao mà khi nghe thấy cái tên này, anh ta lại phản ứng mạnh như vậy? Nếu Quan Quân không phải người nhà họ, thế thì nhất định là ở nhà cuối cùng rồi.
Nhà họ Quan cuối cùng nằm ở giữa thôn, nhà rất khang trang, mái được lợp bằng ngói lưu ly đắt tiền. Trong sân còn được lát xi măng, nhìn một cái là biết nhà giàu có. Chúng tôi đứng ngoài gõ cửa hồi lâu mới có một người phụ nữ phốp pháp còn ngái ngủ đi ra, nhìn thấy chúng tôi, cau mày nói: “Làm gì vậy?”
Tôi vội lễ phép: “Cho hỏi có phải Quan Quân sống ở đây? Chúng tôi tìm anh ấy có chút việc.”
Chị béo đang há mồm định ngáp, nghe đến cái tên Quan Quân thì đột nhiên nghẹn lại, nét mặt hốt hoảng nói: “Quan Quân? Hai người tìm hắn làm gì?”
Khó hiểu, tôi đáp: “Có một số việc cần hỏi anh ấy, anh ấy có nhà không?”
Đột nhiên chị gái thay đổi sắc mặt, lớn tiếng nạt nộ: “Cái gì mà có nhà không? Nhà ta không có loại quái vật như hắn, hai người cút nhanh đi!”
Dứt lời chị béo đóng sầm cổng lại, xoay người đi vào trong nhà.
Chuyện này thật kỳ quặc, Vương Đại Trung chắc chắn không nói dối mình, hơn nữa tối qua cụ ông tóc bạc cũng nói, Quan Quân sống ở trong thôn. Vậy mà giờ cả ba nhà họ Quan đều không thừa nhận có người này, rốt cuộc thì Quan Quân là người nhà nào?
Tôi với lão Lưu bàn bạc với nhau, cuối cùng hết cách, đành đi tìm trưởng thôn.
Vừa trông thấy trưởng thôn, lòng lại nhớ đến Hổ Yêu Sơn, trong lòng tôi không khỏi cảm thấy khó chịu. Trưởng thôn Đường Oa Tử này chân rất ngắn, vóc dáng thấp bé, nhưng gương mặt cương nghị, thoạt nhìn đã biết là người không dễ bắt nạt.
Nghe được ý định của chúng tôi, trưởng thôn cũng có biểu hiện giống mấy người trước, tỏ ra khó tin.
“Tìm Quan Quân? Hai người tìm hắn làm gì?”
Vấn đề này đã lặp đi lặp lại mấy lần, giờ lại phải lặp lại lần nữa. Trưởng thôn hỏi tiếp: “Hai người đến từ hôm qua, ngủ ở đâu?”
Tôi cười: “Ngủ nhờ nhà bà lão họ Quan phía tây thôn.”
Lập tức trưởng thôn hoảng sợ, lui lại một bước, nhìn chúng tôi bằng ánh mắt ghê tởm: “Ngủ lại đó? Bà lão tinh thần không minh mẫn, ngày nào cũng lên núi bới mộ, tối qua hai người không ăn thịt bà ta nấu đấy chứ?”