Phần 167: CÁI ÁO TRONG HÒM
Cứ cho là đêm qua mình hoa mắt, nhìn lầm, nhưng đêm nay, cô ta lại mò đến! Toát mồ hôi lạnh, tôi ngồi dậy, thấy vậy ma nữ ghé vào cửa sổ nhìn một lát rồi xoay người bỏ đi.
Đang bị cảm, đau đầu chóng mặt, nhưng bị dọa, toàn thân tôi đều lên dây cót tinh thần. Cô ta là Thái Tuế thật ư? Đêm nay cũng khỏi ngủ, tôi quấn chăn ngồi trên phản.
Bữa sáng hôm sau, tôi tò mò hỏi thằng bé, tôi qua có nhìn thấy chị gái áo đỏ không? Nó nói không, tối qua ma nữ không ghé vào cửa sổ phòng hai mẹ con. Vợ Chu gia hỏi tôi có thấy không, tôi thở dài, bĩnh tĩnh giả vờ như không thấy.
Tuy ngoài miệng nói dối, nhưng lòng tôi khá thắc mắc, việc để dao và kéo dưới gối có tác dụng thật sao? Ăn sáng xong, tôi đến hiệu thuốc trong thôn mua mấy liều thuốc cảm, tiện ghé tạp hóa mua con dao và cái kéo, quay về nhét nó dưới gối nằm.
Bị cảm, cơ thể chẳng có chút sức lực nào, tôi ngủ một giấc đến tận hoàng hôn. Gần tối thì vợ Chu gia vào đành thức tôi, bảo tôi đưa chị ấy về nhà lấy ít đồ.
Chị ta sợ Thái Tuế như thế mà tự nhiên lại đòi về nhà, tôi ngáp dài, hỏi: “Đại tỷ, chị về lấy cái gì? Chẳng phải bác Quách đã dặn không được về nhà sao?”
Chị ta có vẻ khó xử: “Không nên về, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Ngày mai là giỗ bố tôi, tiền giấy, vàng mã còn để trong nhà kho.”
Hóa ra là về lấy tiền vàng, chuyện nhỏ nhặt, tôi thở dài xua tay: “Đại tỷ, mấy xấp tiền giấy, ra tiệm tạp hóa đầu thôn mua mà đốt, đừng về làm gì.”
Chị gái sốt ruột, nói: “Không được, không phải là tôi tiếc tiền mua mới, mà tiền vàng chuẩn bị cho người chết thì phải hóa đúng ngày, giữ lại một chút nào cũng không may mắn!”
Chị ta thật đúng là quá mê tín!
“Thế chị không sợ Thái Tuế à?”
Vợ Chu gia khó xử suy nghĩ một lúc, đáp: “Chỉ về lấy ít tiền giấy chắc không sao. Cậu dẫn tôi về một chuyến đi!”
Thấy chị ta kiên trì, tôi đành gật đầu đồng ý. Nhân lúc trời còn chưa tối hẳn, tôi xuống giường khoác cái áo vào tồi đưa chị ta về.
Chuyện nhà Chu gia đào phải Thái Tuế đã đồn khắp trong thôn, hai chúng tôi vừa mở cổng nhà thì mấy thôn dân đi ngang qua vội chạy lại, một trung niên dáng người cao lớn căng thẳng nói: “Đại muội tử, hai hôm trước nhà cô đào phải Thái Tuế, còn quay về làm gì?”
Vốn dĩ nhát gan, thấy người cùng thôn nói vậy, chị ta sợ đến phát run, nhỏ giọng đáp: “Trương đại ca à, ngày mai là giỗ bố tôi, tiền giấy chuẩn bị đều cất trong nhà, phải về lấy.”
Họ Trương nghe vậy cả kinh: “Ai da, cô cũng đoảng thế, lúc dọn ra ngoài ở sao không mang tiền giấy theo luôn?”
“Vội quá nên quên, tôi vào ấy cái rồi ra ngay, chắc không sao đâu chứ”
Họ Trương thở dài: “Tiền vàng không hóa đúng ngày thì không hay, nhưng nhà cô có Thái Tuế, tốt nhất là không nên vào.”
Vợ Chu gia nghe anh ta nói thì lại lưỡng lự, một lúc lâu sau, họ Trương đánh giá tôi rồi nói tiếp: “Anh bạn này có phải là người trước đây đã bỏ tiền làm đám tang cho trưởng thôn không? Cậu là họ hàng nhà ông ấy à?”
Thấy anh ta nhận ra mình, tôi liền gật đầu: “Đúng vậy, tôi là họ hàng xa của trưởng thôn, đến tảo mộ ông ấy mấy ngày!”
Họ Trương nghe thế thì ánh mắt có vẻ lảng tránh tôi, kéo vợ Chu gia sang một bên, nói nhỏ: “Đại muội tử, anh bạn này tuổi trẻ khi thịnh, lại không phải người trong thôn. Theo tôi thì hay là bảo cậu ta vào lấy, cô là phụ nữ, đừng vào.”
Tuy hai người đứng xa chỗ tôi, nhưng họ Trương giọng oang oang, không nói nhỏ được, nên tôi đều nghe thấy hết. Vợ Chu gia trả lời: “Sao làm như vậy được, cậu ấy không thân không quen với tôi, đây lại không phải chuyện của cậu ấy.”
Họ Trương sốt ruột: “Ai da, nam dương khí thịnh, không sao đâu. Cô cứ mở mồm nhờ, cậu ta chắc sẽ ngại từ chối. Đây chẳng phải là vì tôi lo cho cô sao?”
Tôi đã không nghe lọt tai nữa, hóa ra họ Trương này tự dát vàng lên mặt, coi mình đây là thằng ngốc à? Có điều tôi khá vui khi thấy vợ Chu gia nhất quyết không đồng ý, lắc đầu nói không thể làm vậy được.
Lần này đến Hổ Yêu Sơn là muốn điều tra về việc người nhà nạn nhân vụ tai nạn làm đơn kiện, năm xưa vợ Chu gia là người đầu tiên làm đơn, cũng là người gây náo loạn nhất, chắc hẳn chị ta phải biết nội tình, nói không chừng cũng có thông tin về nhân chứng.
Nhưng tôi chưa hề hé mồm hỏi, bởi mình chưa có đủ sự tin tưởng, giờ là cơ hội để lấy lòng tin tốt nhất. Căn nhắc kỹ, tôi bèn hô: “Đại tỷ, chị ở đây đi, tôi vào trong lấy tiền giấy ra cho!”
Vợ Chu gia còn đang nói chuyện với họ Trương, nghe tôi nói vậy thì cả hai nhìn nhau rồi đi tới.
“Không được, đây là chuyện nhà tôi, sao có thể để người ngoài phải mạo hiểm, tôi tự vào được.”
Dứt lời chị ta liền rảo bước đến cổng, tôi vội túm chặt lại, nói: “Đại tỷ, chị khỏi khách khí, chỉ là giúp nhau một chút thôi mà. Tiền giấy để trong kho đúng không, tôi vào lấy cho chị!”
Thấy tôi kiên trì, vợ Chu gia rất cảm kích.
Họ Trường cười mỉm: “Ai da, anh bạn này không tồi, rất có trách nhiệm!” Nói đoạn, giơ ngón tay cái lên.
Tôi nhìn anh ta, khẽ cười khẩy: “Đại ca, nếu tôi đoán không nhầm thì anh vẫn còn độc thân đúng không?”
Họ Trương sửng sốt: “Sao cậu biết?”
Tôi không đáp lời, xoay người đi vào trong sân, trước đó còn nói với vợ Chu gia một câu: “Đại tỷ, nếu chị theo anh ta, sẽ là mù quáng!”
Dứt lời, tôi cầm lấy chìa khóa trong tay chị ta, ngước mặt đi vào sân. Thật ra thì ban đầu tôi cũng không sợ Thái Tuế lắm, nhưng sau khi chôn nó thì hai đêm liền đều có ma nữ đến ngó cửa sổ phòng mình, tôi cũng nghĩ ngợi, không biết ma nữ và Thái Tuế có liên quan gì với nhau không.
Vừa gặp họ Trương mômg mép nhưng nhát gan, không dám làm anh hùng cứu mỹ nhân, làm mất thời gian kha khá, trời đã tối hẳn. Tiền giấy cất trong nhà kho, tôi cầm chắc chùm chìa khóa, cẩn thận từng bước tiến về phía đó. Vợ Chu gia ở ngoài cổng gọi: “Cái chìa khóa to nhất ấy! Đèn nhà kho cháy rồi, cậy cẩn thận không vấp!”
Tôi cúi tìm chìa khóa, mở cửa nhà kho. Gian nhà kho được xây bằng gạch vụn, khá hẹp, cũng chẳng có cửa sổ, bên trong tối đen như mực, chẳng nhìn thấy cái gì.
Lấy điện thoại ra soi đèn, soi một lượt cũng chẳng thấy tiền giấy mà chị ta bảo để đâu, bước thêm vài bước thì bốp một tiếng, tôi bị thứ gì đó đập vào đầu.
Xoa xoa đầu, tôi quan sát xung quanh một chút, căn nhà kho này toàn để đồ phế liệu, sát góc tường còn kê một cái hòm gỗ vuông vắn. Lách qua đám đồ bỏ đi, đến chỗ cái hòm, nhấc nắp lên, bụi xộc cả vào mũi.
Trong hòm có một bó tiền giấy đã được buộc sẵn, nhấc nó ra vừa định đóng nắp lại thì tôi phát hiện, phía dưới còn rất nhiều quần áo cũ. Những bộ quần áo của đàn ông, chắc đều là chồng chị ta mặc lúc còn sống, không vứt đi. Nhưng thứ làm tôi kinh ngạc, chính là một bộ quần áo màu đỏ của nữ. Bộ quần áo khá nhỏ, không thể là của vợ Chu gia được, màu đỏ lóa mắt, trong căn phòng tăm tối nhìn rất quỷ dị.
Đột nhiên sực nhớ đến ma nữ áo đỏ, tôi sợ hãi buông tay, vội vã xách xấp tiền giấy chạy ra khỏi nhà kho. Thấy tôi bình an vô sự đi ra, vợ Chu gia rốt cuộc đã bớt lo lắng, nhận xấp tiền giấy, luôn miệng cảm ơn.
Trời đã tối, tôi khẽ lườm họ Trương đang đứng đó, rồi thu xếp về nhà trưởng thôn. Trên đường đi, tôi hỏi: “Đại tỷ, tôi thấy trong hòm còn rất nhiều quần áo, là của anh nhà mặc lúc sinh thời à?”
Vợ Chu gia đáp: “Đúng thế, là quần áo của anh ấy, tôi không nỡ vứt đi, để làm kỷ niệm.”
“Tôi nghe nói anh nhà gặp tai nạn ở hồ chứa nước 10 năm trước, nhưng sao chuyện này không thấy thông tin gì?”
Chị ta nghe vậy, thở dài: “Chuyện đã qua lâu rồi, đừng nhắc đến nữa.”
Chị ấy không muốn nói, thấy sắc mặt chị không tốt, tôi cũng không làm khó, hỏi sang chuyện khác: “Đại tỷ, trong hòm còn có một bộ quần áo màu đỏ, nhìn kích cỡ thì chắc không phải của chị?”
Vợ Chu gia gật đầu: “Không phải của tôi, đó là bộ quần áo chồng tôi vào thành phố mua về để tặng ân nhân. Đáng tiếc chưa về đến nhà thì xảy ra chuyện!”
Ân nhân?
Chắc đã lâu không ai nhắc về vụ tai nạn xe, mấy câu hỏi của tôi đã gợi lên chuyện cũ, chị ta xúc động run run. Tôi vội xin lỗi, an ủi mấy câu rồi không dám nhắc lại nữa.
Ăn xong bữa tối, ai về phòng nấy nghỉ ngơi, tôi nhét con dao và cái kéo ban sáng mua xuống dưới gối, cũng phết chút máu gà lên mặt, rồi yên tâm đi ngủ.
Trong lòng lo sợ ma nữ áo đỏ lại tìm đến, tôi ngủ không yên, cứ một lát lại ngóc đầu nhìn xem nó có xuất hiện không. Cứ như vậy, chợp mắt rồi ngóc đầu, lại chợp mắt, rồi lại ngóc đầu nhìn, mãi đến quá nửa đêm, mệt mỏi, tôi mới ngủ thiếp đi.
Đang ngủ say, chợt tôi giật mình tỉnh dậy bởi tiếng gõ vào kính. Ngóc đầu dậy nhìn, ma nữ áo đỏ đang dùng ngón tay gõ cửa sổ. Máu gà bôi rồi, dao kéo cũng nhét dưới gối rồi, sao nó vẫn xuất hiện?
Mồ hôi lạnh túa ra, hai chúng tôi đối diện bốn mắt nhìn nhau. Ma nữ ngoài cửa sổ nhìn tôi, gõ mãi một lúc, sau đó xoay người định đi thì chợt như vấp phải thứ gì đó, kêu lên ai da một tiếng.
Ma mà cũng bị vấp chân?
Tôi sửng sốt, cái này không đúng, chẳng phải ma thì biết bay sao? Suy nghĩ một hồi tôi chợt ngộ ra, vỗ trán một cái, vội tung chăn, xỏ giày lao ra ngoài. Ra đến sân, cuối cùng thì cũng nhìn rõ mặt ma nữ áo đỏ, tôi ngây ra một lúc lâu mới thốt nên lời: “Thang Nghiêu? Sao lại là cô?”