Phần 2: Cuộc sống trên hoang đảo
Vậy là từ giờ tất cả đoàn người gồm 3 người lớn và hai trẻ em sẽ phải quen với cuộc sống mới. Họ làm theo lời của ông Xuân, lên tàu lấy toàn bộ các thứ cần như rìu, dao, bật lửa, diêm… Nói chung là tất cả các đồ kim loại và đồ có thể tạo ra lửa được. Sau khi ra khỏi tàu, Vân nói với ông Xuân:
– Ông ơi! Lúc vào tàu để lấy đồ đạc, cháu thấy có 5 hay 6 người chết ở trong đó đấy. Khả năng là khi tàu bị va chạm thì họ bị chấn thương não mà chết. Giờ phải làm thế nào đây ông?
Ông Xuân hỏi lại:
– Thế lúc cháu lên tàu, cháu có thấy còn cái xuồng cứu sinh nào không?
Vân đáp lại:
– Cháu thấy hình như chỉ có 2 cái thuyền nho nhỏ, khéo chỉ chở được cả đoàn 5 người chúng ta thôi ông ạ. Cháu cũng mới nhìn thoáng qua, cũng không nhớ rõ lắm là có mấy cái nữa.
Ông Xuân đáp lại:
– Hẳn đó là mấy cái thuyền bé chuyên dùng để chèo tay ở gần bờ thôi, không có tác dụng cứu sinh đâu. Nhưng thôi có nó cũng tốt rồi. Bây giờ mọi người để đồ đạc ở đây đi rồi ta cùng lên tàu trở lại. Đầu tiên chúng ta sẽ hạ thuyền xuống, sau đó khiêng xác người lên mạn tàu rồi chất xuống dưới thuyền. Số lượng người chết cũng không nhiều, khả năng một thuyền chở là đủ rồi. Ta và Vân là hai người khỏe mạnh nhất ở đây sẽ phụ trách chèo thuyền ra xa bờ rồi bỏ xác người xuống biển coi như chôn cất họ.
Bé Hải nghe thấy vậy liền hỏi lại:
– Ông ơi, thế tại sao cháu tưởng chỉ có chôn cất ở mặt đất thì mới là chôn cất chứ, sao giờ chúng ta lại thả họ xuống biển cũng là chôn cất ạ?
Ông Xuân đáp lại:
– Đấy người ta gọi là thủy táng cháu ạ! Cháu hình dung là trên một chuyến tàu xa xôi nếu không may có người chết trên tàu thì họ chả còn cách nào khác ngoài cho xác xuống biển cả. Đại khái là vậy đấy.
Vân nghe thế cũng hỏi:
– Nhưng mà nếu vứt xuống biển thế thì có ô nhiễm môi trường không ông?
Ông Xuân cười rồi đáp:
– Cháu này, biển rộng mênh mông, ô nhiễm sao được. Với cả là ở biển hầu hết là cá ăn thịt, chúng sẽ ăn hết xác người chết đi. Chứ cháu nghĩ xem, sinh vật biển sống mãi cũng tới lúc chết đi, thế thì hàng tỉ năm nay biển ô nhiễm hết à.
Bà Nụ vợ ông cũng hỏi tiếp:
– Thế sao chúng ta không lo dựng trại và tìm cái ăn, nước uống trước rồi hẵng đi chôn người có phải hơn không ông?
Ông Xuân lại đáp:
– Lại được bà nữa, làm nghề y mà chả hiểu gì hết. Giờ họ mới chết, thân xác còn ấm, khênh đi còn dễ. Thêm nữa là xác người để lâu trên tàu sẽ bốc mùi hôi thối. Chúng ta sẽ còn phải lên tàu vài lượt nữa để lấy đồ chứ đã xong ngay được đâu. Hơn nữa nghĩa tử là nghĩa tận, thôi lo cho họ trước đi vậy.
Nói rồi, cả đoàn lại để bé Trang lại cho bà Nụ trông nom rồi lên trên mạn tàu. Thật là may mắn khi trên tàu có tận 2 cái thuyền nhỏ chở được cỡ 4 – 5 người gì đó. Ngoài ra còn có cả loại thuyền kayak đi được 2 người một lúc nữa. Họ thả thuyền xuống biển rồi đẩy vào bờ, sau đó lên tàu và bắt đầu khiêng xác người chết lên mạn tàu. Tổng cộng có 6 người đã chết ở trên tàu và qua quan sát đều dễ dàng nhận ra là do va đập quá mạnh. Những người còn lại thì chắc chắn là đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy Thái Bình Dương rồi, mà cũng có thể là có một nhóm nào đó may mắn trụ được rồi được tàu cứu cũng nên. Việc khiêng xác này cỡ một phụ nữ xinh đẹp, lại là mệnh phụ phu nhân như Vân chưa từng làm bao giờ. Nhưng trong hoàn cảnh này thì cũng đành làm thôi. Bé Hải còn nhỏ nhưng cũng trợ giúp ông Xuân khiêng xác người cùng mẹ lên boong tàu. Sau đó, ông Xuân xuống tàu và kéo thuyền ra rồi họ lại cẩn thận xếp những cái xác lên thuyền rồi kế đó, ông Xuân và Vân cùng chèo thuyền ra rất xa ngoài khơi. Biển đang lặng gió, sóng vỗ nhẹ nhàng nên họ mất khoảng gần một tiếng đồng hồ cả đi lẫn về để hoàn thành việc thủy táng cho những người xấu số.
Trở về đảo, việc đầu tiên ông Xuân làm là cùng cả đoàn đi sâu vào trong trung tâm đảo để tìm điểm cao nhất và thám thính tình hình. Địa hình của đảo nhìn chung khá bằng phẳng, có một ngọn núi cao nhất ước chừng khoảng gần 100 mét thôi và ở đó có một con suối và một cái hồ rộng chừng khoảng nửa hecta gì đó. Theo tính toán của ông Xuân thì với lượng nước thế này thì một đoàn 5 người thoải mái tha hồ mà dùng nước ngọt. Ở trên biển thì cũng hay có mưa bão, nó sẽ làm đầy nước hồ ngay thôi. Trên đảo cũng có một khu rừng diện tích cũng khá. Ông Xuân nói:
– Ở đây đã có rìu, có dao làm bếp các loại, như thế là chúng ta cũng tạm đủ công cụ để làm rồi. Nước ngọt thì cũng đã có. Nhưng giờ chúng ta phải kiếm cái ăn đã.
Nói rồi, ông quay sang hỏi Vân:
– Ở đây mọi người đều dễ, chỉ có cháu bé là sẽ khó vì nó mới hơn 2 tuổi thôi. Cháu bình thường ăn gì rồi?
Vân đáp lại:
– Dạ bình thường cháu cũng ăn cơm rồi nhưng số lượng ít lắm ông ạ. Rau thì cháu hay băm nhỏ rồi nấu với cháo hoặc luộc lên rồi cắt mịn ra cho nó ăn.
Ông Xuân đáp:
– Vậy thì cũng không quá khó đâu. Trên tàu chắc chắn có thực phẩm, trong nhà bếp chắc chắn có gạo, rau. Thịt thì chắc chắn được cất trong tủ lạnh của tàu. Tạm thời chúng ta sẽ không thiếu cái ăn nữa. Quan trọng là phải có lửa để đốt và nấu thức ăn. Trước mắt chúng ta hãy gom đồ khô như bánh mì với snack để ăn trước. Cháu nhỏ thì tạm cho ăn bánh mì đã. Ta sẽ cùng với cháu Hải vào rừng đốn củi, còn bà Nụ với Vân bế cháu bé vào tàu gom bánh mì với đồ khô ra trước để ăn uống nhé.
Nói rồi, Vân và bà Nụ bế bé Trang lên tàu tìm đồ khô để đưa lên khoang nhà ăn ở boong tàu. Ông Xuân và Hải thì cùng vào rừng và chặt được khá nhiều củi nhỏ để mang ra ngoài chuẩn bị nấu ăn. Mấy cành cây nhỏ chặt cũng dễ nên chỉ một chốc là hai ông cháu đã mang ra được vài bó củi và chúng nhanh chóng khô dưới tác động của ánh nắng Mặt Trời.
Bà Nụ và Vân khi đó gom hết đồ khô lên cũng tranh thủ xuống nhà bếp để kiểm đếm số đồ ăn ở dưới bếp. Ở dưới bếp có khá nhiều thịt tươi đang được cất trữ trong tủ lạnh cùng với khoai tây, cà chua cùng một số rau khác nữa. Ngoài ra, họ cũng đếm được có khoảng vài tấn gạo còn tồn trong kho nữa. Cũng phải thôi bởi ở tàu có tận gần 1000 người kể cả thủy thủ đoàn. Nếu mỗi người mà ăn 10 cân gạo/tháng thôi thì 1000 người này đi suốt 45 ngày sẽ tiêu thụ hết khoảng 15 tấn gạo. Tính ra trữ lượng cả tấn này thì cũng là bình thường chứ không có nhiều. Nồi, bát đũa và các dụng cụ ăn uống cũng được họ thu gom lại từ nhà bếp của con tàu về.
Bữa tối hôm đó thật ấm cúng với 5 người cùng một bếp lửa hồng thật nên thơ. Lần đầu tiên họ ăn uống giữa một không khí thinh vắng, trong một không gian không có ánh điện cũng như internet và cả tiếng nói của xã hội loài người như thế. Họ nấu đồ ăn bằng cái kiềng và nồi thu được ở trên tàu cùng với củi mà hai ông cháu mới đẵn về. Vân cho bé Trang ăn xong thì cũng tự mình ăn uống. Bất chợt, cô khóc. Cậu bé Hải thấy vậy liền hỏi mẹ:
– Mẹ khóc à?
Vân dụi mắt rồi đáp:
– Không sao đâu con.
Ông Xuân thấy vậy liền nói:
– Thôi! Ở đây có mấy người chúng ta thôi. Có gì cháu cứ nói ra, tất cả chúng ta cùng chia sẻ với nhau.
Vân đáp:
– Cháu nhớ nhà ông ạ! Giờ ba mẹ con cháu ở đây, cháu nhớ bố nó ở nhà cùng với cả nhà cháu nữa. Hôm nay cũng là lần đầu cháu nấu ăn bằng bếp củi, khói xộc lên mắt cũng làm cháu nhớ lại cuộc sống tiện nghi ở nhà.
Ông Xuân nói:
– Thôi đừng buồn nữa cháu! Chúng ta sẽ phải sinh tồn và sống tới giờ phút cuối cùng, dù đó là lúc chúng ta phải ở lại mãi trên đây hay là có một con tàu đến và đón chúng ta về. Bọn ta già rồi nhưng vẫn còn con cháu ở nhà nhưng bọn ta vẫn mạnh mẽ sống đây. Cháu còn 2 đứa nhỏ, còn động lực phấn đấu, cố lên chứ.
Vân đáp:
– Vâng cháu sẽ cố gắng ạ! Thật may là có ông!
Ông Xuân đáp:
– Ta cũng sẽ cố gắng hết khả năng! Dù gì thì ta cũng là người đàn ông duy nhất trưởng thành ở đây mà. Chúng ta hãy coi như lần tai nạn này như là một dịp để rèn luyện kỹ năng sống đi. Còn giờ mọi người nghe ta nói đây, một việc rất quan trọng đấy.
Mọi người nghe vậy rồi ngồi yên lặng. Dưới ánh lửa yếu ớt giữa đêm khuya vắng ở giữa Thái Bình Dương mênh mông, ông lão nói:
– Nếu theo như mọi người nói thì lương thực dư đủ cho chúng ta ăn khoảng gần 2 năm mới hết. Rau cỏ thực phẩm thì còn nhưng mà sẽ hết rất nhanh. Nước uống thì ta không ngại nữa vì đã có hồ nước ngọt và thác nước ở đây rồi. Về thịt thì không lo, ăn hết thịt trên tàu thì ta sẽ ra biển bắt cá về mà ăn nên cũng không đáng ngại. Điều ta lo là nếu chúng ta kẹt ở đây lâu thì sao đây. Cái gì thì cũng có giới hạn cả, trừ có thịt là không hết được vì có biển cả cung cấp rồi.
Vân đáp lại:
– Đợt rồi cháu đi du lịch có mang theo một bao hạt giống gạo cả lúa mì và cả gạo tẻ. Đây là chỗ đối tác của công ty cũ cháu làm họ tặng. Cháu vẫn để trong phòng ngủ của cháu đấy. Ngoài ra thì cũng có một bao hạt giống rau các loại nữa. Có điều đây đều là các giống lúa bản địa, không giống gạo tẻ ở nước mình. Đầu tiên cháu chả định nhận đâu, nhưng mà thấy đi tàu nên mang được thoải mái nên cứ nhận về cho họ vui.
Ông Xuân đáp:
– Nếu thế thì tốt rồi, mai ta sẽ mang nó xuống đây. Ra sẽ đào một mảnh đất ở gần hồ nước để trồng lúa và một mảnh để trồng rau. Từng này người chúng ta một năm tiêu thụ 1 năm khoảng 7 tạ gạo, năng suất gạo thường là khoảng 2 tấn/ha. Một năm chúng ta trồng khoảng 2 vụ, như vậy mỗi vụ cần thu hoạch 4 tạ, vậy là cần khoảng 2000 mét vuông. Vậy coi như là khoảng hơn nửa mẫu một chút. Bây giờ chưa đủ thóc để gieo cả diện tích nhưng ta cứ đào, 2 năm tới chúng ta ăn gạo dự trữ trên tàu đã, lúa của vụ tới ta để dành trồng vụ tiếp theo. Trường hợp thiếu quá chúng ta có thể ăn thêm cá để bù vào cũng được.
Vân đáp lại:
– Nếu thế thì cháu bổ sung thêm thế này, trên tàu vẫn có khoai đấy, cả khoai lang với khoai tây, rồi cà chua cùng một số loại quả nữa. Chúng ta sẽ trồng cả những loại đấy. Sau khi ăn xong không vứt hạt đi mà giữ lại hạt để trồng luôn.
Ông Xuân đáp lại:
– Đúng rồi! Vậy chủ trương là thế. Cái ăn thì coi như đã xong. Cái mặc thì chắc là không lo vì tàu về cơ bản là không bị vào nước. Chúng ta sẽ dùng áo quần dự trữ trên tàu để mặc là được. Tuy nhiên quần áo dùng lâu thì cũng có thể hỏng nên chúng ta phải rất cẩn thận đấy nhé. Còn cái khó nhất giờ là chỗ ở cho mấy người chúng ta đây. Ban đầu ta tính là sẽ chặt gỗ làm nhà nhưng mà như thế không được bền vững bởi nó vừa không kín nước lại còn dễ bị bão gió tốc đi nữa, mà làm bằng gạch thì không được vì ở đây lấy đâu ra gạch, mà có gạch thì lấy đâu ra vữa để dán cơ chứ. Còn trên tàu thì vừa tối vừa kín, lại không hề bằng phẳng, Trường hợp mà có triều cường hay bão cũng dễ bị cuốn ra biển lắm.
Cả đoàn nghe vậy ai ai cũng lặng thinh một lúc. Bất chợt, bà Nụ hỏi:
– Thế theo ông nên làm thế nào?
Ông Xuân đáp lại:
– Hôm nay lúc đi kiếm củi, tôi có phát hiện ra ở trong rừng có rất nhiều đất sét đó. Chúng ta sẽ chặt gỗ làm khuôn, đắp đất sét ở ngoài, rồi lại dùng gỗ ép bên ngoài lớp đất sét. Sau đó ta chất củi vào bên trong và ngoài rồi đốt lên. Thường thì sau khoảng 4 – 5 tiếng đồng hồ thì đất sẽ khô cứng lại và tạo thành đất nung. Nếu ta chịu khó nung tới 2 ngày thì sẽ tạo thành gạch. Tất nhiên trước đó chúng ta phải đào hố làm móng. Móng nhà đào to hơn và sâu hơn diện tích xây, đóng một cọc nhỏ để nâng nhà lên và vứt củi xuống đó để đốt và nung đất làm thành nhà. Cuối cùng thì ta đổ đất chặt xung quanh nhà và đầy tới nền nhà. Nền nhà thì chúng ta lót gỗ lên rồi lại đắp đất, sau đó chất củi vào trong để nung tiếp thành nền nhà. Kế đó là lắp cửa, đầu tiên lắp khung cửa bằng gỗ đóng chắc vào nhà, rồi sau đó ta tháo bản lề của các cửa trên tàu ra rồi lắp cửa của mình vào thôi.
Nói xong, ông Xuân dùng giấy và bút thu từ tàu vẽ ra để mọi người dễ hình dung. Dù sao thì nghe ông phân tích cũng có lý nên mọi người đành theo. Còn trước mắt, họ sẽ lên ngủ ở trên tàu đã dù rằng giờ tàu đã nghiêng và không được thoải mái lắm. Vân kê lại giường ngủ và cùng hai con ngủ ở căn phòng mà cô đã từng ngủ trong chuyến du lịch vừa rồi. Trong phòng tuy hơi bí nhưng khi mở cửa sổ ra, gió biển mát dịu thổi vào đã khiến cho không khí trở nên mát hơn rất nhiều. Sau một ngày mệt nhọc, cuối cùng thì ai cũng thiu thiu và chìm vào giấc ngủ.
Sáng tinh mơ hôm sau, khi mặt trời chỉ vừa ló rạng như một hòn lửa trên biển thì cả đoàn đã thức dậy. Việc đi vệ sinh tạm thời đành tiến hành lộ thiên chứ không thể đi trên tàu để tránh mùi xú uế. Công việc bắt đầu ngay lập tức và theo chỉ đạo của ông Xuân, ông Xuân và Hải sẽ tiến hành đào đất và sẽ làm hai căn nhà tắm trước. Hai căn nhà tắm chỉ có diện tích khoảng 2 mét vuông mỗi căn, tổng diện tích độ 5 mét vuông cả tường bao và móng nên mọi việc tiến hành khá nhanh.
Chỉ trong một ngày, hai ông cháu đã đào xong phần hố để xây móng và bắt đầu tiến hành chặt cây để làm khuôn nhà. Trên tàu có đủ cưa, búa, đục và bào – những dụng cụ của nghề mộc và ông Xuân đã thu và mang vào đảo trong buổi sáng hôm đó. Trong lúc đấy, Vân và bà Nụ vừa trông bé Trang và cũng vừa đào đất để chuẩn bị khoanh vùng trồng lúa và rau. Vườn trồng được thiết kế cạnh hồ nước ngọt để tiện tưới tiêu. Trái với vườn trồng trọt thì nhà tắm được thiết kế ở bãi cát bởi theo ông Xuân, cát biển chịu nén dọc cực tốt nên không lo bị sụt nền. Đất sét được hai ông cháu chuyển vào trong ngày hôm sau để chuẩn bị nhào đất và đắp nhà.
Công việc cứ thế tiến hành và ngôi nhà đã lên xong khuôn trong khoảng 3 ngày sau đó. Do đây chỉ là gỗ làm khuôn nên ông Xuân đã không dùng đinh đóng mà chặt cây mây rừng để buộc cố định lại. Rồi cuối cùng, củi đã chất đầy và lửa bắt đầu nổi lên. Cả đoàn thay phiên nhau trông và vứt củi vào để duy trì. Ông Xuân, bà Nụ, Vân và cả Hải thay phiên mỗi người thức một đêm để canh lò nung.
Kết quả đã không làm họ thất vọng khi lửa tắt hoàn toàn, ngôi nhà sụp nhẹ xuống hố và thành hình. Nó chỉ đơn giản là một khối hộp màu nâu đỏ, đã có khoét sẵn cửa và lỗ thoát nước, xấu xí, thô kệch và hiện tại thậm chí còn đang ám khói nữa, nhưng ít nhất thì nó sẽ chắc chắn hơn nhiều so với một chiếc nhà gỗ. Tiếp đến ba ngày sau đó, cả đoàn hăng say làm việc để lấp đất cho móng nhà rồi làm nền nhà.
Lửa lại nổi lên và lần này yêu cầu đơn giản hơn, chỉ cần nung 10 tiếng đã xong, không ai phải thức đêm nữa. Ngôi nhà đã chính thức hoàn thiện thô và ông Xuân trong thời gian không phải trông lò đêm đã tranh thủ hoàn thành khung cửa cùng với một cái cửa tuy trông đơn giản và mỏng manh nhưng chắc chắn là che mưa che nắng được và quan trọng là vững chãi nếu không may có gió bão.
Việc tắm rửa thì cả nhà thống nhất sẽ lấy ở trên tàu hai cái thùng phi rồi để sẵn ở trong nhà tắm. Sau đó hàng ngày mọi người sẽ lấy nước bỏ vào đó rồi dùng gáo mà dội thôi. Dù sao thì tại thế giới này, nơi cách biệt với cuộc sống loài người, thiếu máy móc và chỉ có công cụ tay thì làm được thế đã là quá tốt rồi. Đây chính là cơ sở để họ làm tiếp những căn nhà tiếp theo.
Sau khi hoàn thành 2 căn nhà tắm vừa rồi, ông Xuân và bé Hải lại tiếp tục đào hố để làm tiếp phòng ngủ và phòng ăn nữa. Ông làm 1 phòng ngủ cho ông và bà Nụ, phòng này thì rộng tầm 10 mét vuông và 1 phòng cho ba mẹ con Vân rộng tầm 18 mét vuông. Tất cả các ngôi nhà được làm theo cùng một phương pháp và hoàn thành sau khoảng 3 tháng làm việc.
Trong lúc đó, Vân và bà Nụ cũng đã hoàn thành việc đào đất và gieo trồng các loại cây. Để cho không khí trên đảo bớt phần tối tăm, ông Xuân tháo ở trên tàu các đèn năng lượng Mặt Trời xuống, lắp cho mỗi căn phòng một cái để chiếu sáng (trừ nhà tắm do khó nối dây điện) cùng với một cái để phục vụ chiếu sáng ở ngoài bờ biển. Trên tàu lúc này cũng có mấy cái quạt năng lượng Mặt Trời nên ông cũng dỡ xuống để đưa vào phòng ngủ dùng cho mát.
Lưu ý với các bạn rằng tàu biển nào cũng có rất nhiều thiết bị chạy bằng năng lượng Mặt Trời để dùng cho trường hợp khẩn cấp. Ông Xuân là một thuyền trưởng về hưu nên biết rất rõ điều này và đã lấy nó từ tàu xuống để phục vụ cho cuộc sống. Ông cũng rất trân trọng một cái kính lúp cỡ lớn lấy từ một vali của một vị khách để lại và cẩn thận lắp cho nó một cái giá kê bằng gỗ.
Tại sao ông lại trân trọng thế thì đó là bởi, chính nó có thể tạo ra lửa và giúp nấu chín đồ ăn. Mấy cái bật lửa trên tàu không sớm thì muộn cũng sẽ cạn ga mà thôi. À, thêm một điều thú vị nữa là trong một lần lên tàu lấy đồ ăn, Vân có phát hiện ra 2 cặp gà trống mái và 2 cặp vịt cũng trống mái ở trên đó. Vân bắt chúng xuống, đưa cho ông Xuân rồi hỏi:
– Tàu mà cũng mang gà vịt đi à ông?
Ông Xuân đáp:
– Đi biển dài ngày mà cháu, họ mang đi đề phòng thôi mà. Với cũng có thể là mấy tay thủy thủ đoàn đôi lúc chán hải sản lại thèm tí thịt tươi nên mang đi để nuôi đấy.
Bà Nụ nói thêm:
– Ông làm cho bọn này ngay một cái chuồng đi. Mình nuôi nó, trước mắt lấy trứng đã, sau thì phát triển đàn gà để thay đổi khẩu vị nữa.
Cuộc sống trên đảo như vậy về cơ bản là ổn định, Vân và bà Nụ lo trồng trọt, ông Xuân thì ngoài chăm lo kiếm củi chặt gỗ, tìm kiếm sự trợ giúp ở trên biển thì ông cũng tranh thủ dạy bé Hải học hành luôn. Nhờ tủ sách ở trên thư viện của tàu, cộng với vốn kiến thức của mình, ông hàng ngày đều dạy Hải những điều trong sách vở cũng như thực tế trong cuộc sống nữa.
Ông cũng không quên dạy ngoại ngữ là tiếng Anh cho Hải để Hải có thể giao tiếp trường hợp nhỡ có người lên đây mà còn biết nhờ cứu giúp. Những lúc tối rảnh rỗi, đôi lúc họ lại cùng hát hò để đỡ nhớ nhà hơn. À mà nói thêm nữa là bà Nụ – vợ ông Xuân là một bác sĩ về hưu nên bà cũng rất có ích nếu như trong đoàn không may ai có bệnh. Cuộc sống trên hoang đảo tưởng chừng như là địa ngục với họ thì nay lại là một cuộc sống mà họ thấy thật là thú vị.