Phần 69
Chán sự đời, chả thiết cái gì nữa, mấy anh em lên nhà Anh cả rủ anh nhậu và nghe anh kể chuyện ma cho đỡ buồn…
Anh em tôi gắn bó với nhau từ những ngày khổ sở nhất ở đất khách quê người, có quá nhiều kỷ niệm với nhau, vui buồn đủ cả, từng ngồi với nhau gần một tuần ôn lại mà vẫn chưa hết.
Nhớ khi ở Pailin, ở đó cho tới qua biên giới sang tỉnh Trat của Thái có rất nhiều mỏ đá quý, đá nhiều tới nỗi có thể vô tình cũng nhặt được những viên đá quý trên mặt đất…
Nơi có đá thì trải dài lắm, khắp cái thung lũng Tasanh của dãy Bạch đậu khấu (caravanh) qua tận Thái, từ xưa nơi đó đã loạn rồi, khi quân tình nguyện qua thì đỡ chút, nhưng khi quân rút đi thì đâu lại vào đó và còn tệ hơn nữa…
Đủ mọi thành phần từ đám du thủ du thực bên Thái, tới dân Cam, lính Pot, lính Xerayka chui rúc, rồi lính Cam thậm chí cả vài ông lính ta nữa.
Anh em tôi cũng tò mò vài lần thấy những thứ đá ở đó, màu xanh màu lam màu trắng, hồng, đỏ… đủ cả, không như ở vài nơi bên ta chỉ có đá đỏ là giá trị… nhặt được thì ngắm nghía với nhau rồi bỏ cóc ba lô xong nó cũng rớt mất lúc nào.
Nơi đó tôi chỉ thấy ấn tượng là nhiều thú, đủ loại… nhưng có ba loại thú mà lần đầu tôi được thấy tận mắt, đó là con công, kền kền và con sóc bay.
Giờ thì biết tên gọi nó là sóc bay chứ lúc đó có biết đâu, lần đầu gặp ban đêm trăng còn tưởng bị ma trêu, nó nhìn mặt na ná giống con chó, hiền lành và có vẻ không sợ người, nó bay từ cây cao xuống cây thấp là là như người ta bay dù lượn, chúng tôi cũng chả bắt nó làm gì, chỉ đứng xem nó thôi.
Lúc đó bị o vê mù (OV10) và bà già đi kiết (L19) là hai loại máy bay trinh sát của Thái nó lùa suốt, ghét nhất thằng o vê mù – cầu tiêu, hai cái đuôi có cái cầu bắc sang nhau như cái cầu tiêu, nó tăm tia thấy. Loại này cứ bay vè vè suốt dòm ngó như cú vọ rồi chụp không ảnh gửi về đài chỉ huy phân tích, thấy dấu hiệu lạ như cây héo lá hay đất mới đào hay có bóng người, hoặc khói… là nó bắn, dai như trâu đái…
Nhiều lần tôi nấp trên cây soi súng bắn tỉa nhòm nó rồi, thấy rõ cả hai thằng phi công, nó bay rất thấp và thư thả như đi dạo ở eo núi… chỉ cần bóp cò một phát thôi là mày chết cha mày rồi, nhưng không được phép bắn. Bà già đi kiết thì nguy hiểm hơn, nó không bắn chỉ lượn lờ rất cao nhưng khi phát hiện mục tiêu hay mối nghi ngờ là nó gọi pháo bắn, và chỉnh pháo rất chính xác, thỉnh thoảng lũ trực thăng bay thấp phát loa chửi đuổi nữa…
Ở gần dân thì chỉ chờ có lễ hội gì đó là mò ra coi hội, ngắm các cô gái, từ lễ hội đón năm mới tới lễ cầu siêu, rước nước, gọi thần… túm lại đám ma đám cưới, đám giỗ đám hỏi tới thôi nôi là xem tuốt, cứ nghe thấy trống kèn là mò ra coi… năm mới thì người ta mặc đồ đẹp, tắm rửa sạch rồi nấu nướng thơm lừng xong… mang tuốt ra chùa, cúng rồi ngồi tại chùa ăn luôn, các nhà sư ngồi xếp bằng đọc kinh xoa đầu con nít, đồ ăn bày trước mặt, mọi người quỳ phía dưới, đọc một hồi thì có người đứng dậy xúc cho mỗi nhà sư một thìa cơm và đồ ăn, xúc gì ăn nấy thịt cơm, ớt hay mướp đắng cũng phải ăn – ở Tasanh có loại mướp đắng gọi là kinh khủng khiếp bà con ạ, nó không phải đắng như trái khổ qua của mình, và trái cũng không giống vậy, chả thấy ai ăn, bọn tôi không biết hái về nấu, cuối cùng phải bỏ vì của nợ đó đắng không ăn nổi – các nhà sư cúng xong thì bà con bắt đầu dọn ra ngồi ăn luôn ở chùa, họ ăn bốc bằng tay, và không thể thiếu món mắm bò hóc quốc hồn quốc tuý. Còn lễ cầu siêu thì kinh khủng hơn ở ta.
Người ta nhặt nhạnh xương xẩu ở khắp nơi gom thành đống y như đống củi, đủ loại đầu lâu chân tay xương sườn xương sống… rồi họ xếp củi từng lớp như mặt sàn, sau đó chất xương người lên đó, từng lớp từng lớp như cái tháp rồi đốt, các nhà sư thì đọc kinh, người Cam không thờ cúng cũng không làm mồ mả chôn cất, nhà nào giàu thì xây ang, dạng như miếu thờ, để hũ tro bên trong, họ chỉ để vậy và cũng không thắp hương chả đốt vàng mã như vài nơi khác…
Cúng xong họ nổi lửa đốt cái giàn thiêu, chỉ còn xương khô nên cháy rất nhanh không còn thịt nhưng vẫn có mùi khét khét nồng nồng và khói đen xì, sau đó thì họ nhặt tro cốt bỏ vào hũ đem lên chùa hay đền là xong, tro còn thừa thì bỏ đó hoặc xúc đổ ra ruộng, ra sông…
Ở huyện đội Sochan có những dãy nhà xây, trong đó có một căn phòng như phòng họp gần phía cuối hành lang bên trái, nơi mà họ hay dùng để nhốt lính pot tù binh hay thẩm vấn hỏi cung vv, lạ là dãy nhà này xây từ thời Pháp và trải qua vài chế độ nó vẫn là nhà huyện, và cái phòng đó vẫn là phòng thẩm vấn.
Thời Polpot có biết bao người chết ở cái phòng đó thì tôi không biết, nhưng lúc ở đó thì tôi chứng kiến hai vụ, một vụ một cán bộ Cam nhận ra tên tù binh từng giết cha mẹ mình giờ bị bắt trong rừng đem ra đang ngồi trước mặt mình chờ mình hỏi cung, không ghìm được sự căm thù, anh cán bộ này đã vung rìu chém nát bét tên lính pot kia ngay tại dãy bàn đó, còn vụ thứ hai thì du kích xã lơ ngơ sao để ba lính pot tháo được trói cướp được súng bắn lại, hai lính cam và một nhân viên nữ bị chúng bắn chết, chúng cố thủ trong căn phòng đó vì vừa bị thương vừa phía ngoài lính khá đông nên không thể thoát ra được, nhưng bên huyện đội cũng lúng túng không biết cách xử lý sao, gọi là chính quyền mới thôi nhưng họ vẫn sợ lũ pot cũ như sợ cọp vậy, họ cầu cứu chúng tôi, mấy anh em điên tiết qua nện cho một quả MK vào rồi lôi ba thằng đó như ba con chuột bị hun khói ra, quăng ra sân, chả thèm giết, thế là du kích trói lại đem ra cánh đồng trước mặt đóng cọc trói đứng xử nóng luôn, cũng ban bệ kiểu toà án như thật nhưng từ lúc bắt tới lúc… bắn có một ngày, tốc độ nhanh mà không một nền tư pháp trên thế giới nào làm được vậy 🤣🤣.
Bắn luôn giữa cánh đồng, chất củi đốt xác rồi xúc tro đổ ra sông, xong… rất nhanh gọn lẹ, vãi cả lúa.
Tôi nghe nhiều bên bạn nói về căn phòng đó, và một vài anh em cũng nói nhưng chưa nhìn thấy gì, ngoại trừ một lần ban đêm, nóng quá không ngủ được tôi mò sang đó xin thuốc lá lính gác, thấy có bóng người đi vào phòng đó, tưởng sĩ quan trực ban nên tôi đi theo vào thì chẳng thấy ai cả, có một cửa thông ra cái sân phía sau thì ngoài đó cũng không có ai…
Chỉ mỗi lần đó thấy vậy, còn vài lần nóng quá mấy anh em kéo sang ngủ nhờ vì nằm trên mấy cái mặt bàn đá đó rất mát, và phòng rộng lại hút gió nên gió lùa mát, mấy thằng ngủ ngon không thấy gì cả.
Nhưng anh tôi thì khác.
Anh kể lại.
Hôm đó mưa, anh từ Sisophon qua muộn, lái xe chạy thẳng vào huyện đội, xuống bếp ăn xong thì mấy cậu lính ngồi uống rượu còn anh lên phòng chỉ huy định ngủ, khi đi ngang cửa phòng đó anh thấy một cô gái ngồi quay mặt ra phía khoảng sân bên kia, thấy mặc đồ đen anh tưởng tù binh mới bị bắt nên sàng vào hỏi han mấy câu, cô gái đó còn trẻ và khá đẹp, cô nói là cô giáo và chỉ gục đầu khóc thôi… thấy tội vì cô ta kêu đói, anh quay lại bếp xúc một tô cơm mang lên thì không thấy cô gái đó đâu nữa, thấy lạ anh vội xách đèn rọi quanh quẩn tìm… rồi gọi cả trực ban để hỏi xem có tù không thì anh trực ban ngơ ngác nói không, thế là anh như chợt hiểu ra, để tô cơm giữa cái cửa đó gõ vài cái vào tô rồi chắp tay khấn mời “họ” rồi về phòng đi ngủ.
Lính cam thì nhát và sợ “ma” lắm nên đêm mà đi qua phòng đó là không dám, có đi cũng phải hai người trở lên mới dám đi.
Có một điều lạ nữa là vài anh em nói mấy lần buổi trưa qua đó nằm nhờ ngủ cho mát thì đều nghe tiếng ngáy và thở phì phì rất to, ban đầu anh em người nọ tưởng người kia mới ngủ đã ngáy… nhưng có ai ngủ ngáy đâu. Lắng tai nghe thì lại không thấy gì.
Ban ngày ở căn phòng đó thì chỉ có cảm giác lạnh lẽo và hôi hôi thôi, tôi ngủ đó khá nhiều lần nhưng gặp thì chưa gặp.