Phần 426: Phê duyệt tấu chương
Tấu chương đầu tiên mà Lãnh Nghệ cầm lên xem là của một vị tri phủ, Lãnh Nghệ đọc một đoạn thôi mà đã xay xẩm mặt mày mà không hiểu ông ta nói cái gì, vì toàn bộ tấu chương toàn cổ văn đọc muốn líu lưỡi. Hình như nói bách tính nơi ông ta làm quan xưng tụng đây là thời đại giàu có thái bình nhất, bách tính vô cùng cảm kích hoàng ân.
Loại tấu chương bợ đít này không cần giao Triệu Quang Nghĩa mà phải đem đốt mới đúng.
Lãnh Nghệ đặt thứ tấu chương rác rưởi ấy sang một bên, lại nhìn đống tấu chương chất cao như núi, cầm ngự bút lên, lập tức có cung nữ tới giúp mài mực.
Nghĩ một lúc Lãnh Nghệ không dám viết gì lên đó, vẽ một cái mũi tên hướng xuống, ý là tấu chương rác không cần quan tâm, sau đó đặt sang bên.
Tiếp theo là tấu chương của một võ tướng, thằng cha này cũng chả hơn, ở biên cảnh mà cũng ca ngợi bình an, mậu thịch thông quan thuận lợi, bốn bề thịnh thế, cũng là nhờ phúc trạch của thánh thượng. Lãnh Nghệ không khỏi nghĩ tới hai tên lính canh cổng suốt ngày ngủ gật ở huyện Âm Lăng, rảnh quá nên viết cái này sao?
Đương nhiên là mũi tên hướng xuống.
Vừa đọc tấu chương tiếp theo liền ngạc nhiên, đầu tiên kể chuyện tiền triều vì sao vong quốc, tổng kết lại vài điều, cuối cùng kết lửng lơ… Chẳng có được một câu phải rút kinh nghiệm phải khắc phục thế nào, vậy mà viết dài dằng dặc, thán phục.
Đọc mấy thứ này đúng là cần nghị lực lớn, Lãnh Nghệ đọc qua ba tấu chương thôi mà đã muốn đắp chăn ngủ sớm rồi, lần đầu tiên thực sự cảm nhận được hoàng đế không phải vị trí ai cũng có thể ngồi vào.
Mấy tấu chương sau đó đại đa số không khác nhau là bao, không tán dương vô tội vạ thì cũng dạy đế vương phải yêu dân, ngăn chặn tham ô, thưởng phạt rõ ràng, vv… v… Lãnh Nghệ không ngừng vẽ mũi tên đi xuống.
Mãi mới thấy được một tấu chương có chút thực tế, do võ quan phụ trách đoàn luyện địa phương báo lên, nói việc huấn luyện bách tính lúc nông nhàn không hiệu quả, vì loại huấn luyện này không có thù lao, bách tính tham gia không nhiệt tình, ứng phó cho xong, huấn luyện không hiệu quả lại khiến bách tính phản cảm với chuyện võ bị. Cứ thế này một khi triều đình hạ nhiệm vụ tác chiến, vẫn không khác gì lùa nông dân ra trận. Đặc biệt xin tiền trợ cấp huấn luyện.
Hoàng đế làm gì có tiền, cứu tế còn không đủ nói gì tới trợ cấp huấn luyện, tấu này chắc chắn không được phê, song hay dở gì còn có chút nội dung nên y rộng rãi đánh dấu tròn, tức là tương đối quan trọng.
Sau đó là tấu chương quan viên bát phẩm đàn hặc đồng liêu chểnh mảng công vụ. Có điều không có tố cáo cụ thể. Loại tấu chương này hẳn nên do hoàng đế đích thân xử trí. Nên Lãnh Nghệ vẽ mũi tên hướng lên.
Tốn hơn một canh giờ xem xong toàn bộ tấu chương, chỉnh lý lại, đại bộ phận không xem cũng được, mười cái tương đối trọng yếu, chỉ ba bốn tấu chương đáng xem. Đúng là chẳng có nội dung gì bảo mật hay của quan viên trên tam phẩm, phí thời giờ, phí cả giấy mực, y mà làm hoàng đế thì đã nọc đám quan viên viết tấu rác kia đánh đòn.
Lãnh Nghệ xem tới vừa đói vừa buồn ngủ, trên bàn còn có quyển tông các vụ án tử hình chưa xem, hiện giờ quá trưa mà mình chưa ăn, giờ y mất nhiều hứng thú với thứ này không muốn cố nữa. Nhìn cung nữ thì trong lúc y duyệt tấu chương đã đổi sang nhóm mới, bọn họ có cơm ăn, mình chẳng lẽ ôm bụng đói làm việc.
Còn may cung nữ ở đây không phải chỉ biết đứng làm cảnh, lập tức có một cung nữ đi tới: “Đại nhân đã rảnh để dùng cơm chưa ạ?”
Lãnh Nghệ vui mừng: “A, vậy là có chuẩn bị cơm nước hả?”
Cung nữ thiếu chút nữa phì cười: “Vâng ạ, quan gia đã phân phó, nếu đại nhân ở trong cung tới giờ cơm chưa đi có thể truyền ngự thiện phòng đưa cơm ạ.”
“Vậy thì mang lên nhanh.”
Cơm nước mau chóng đưa lên, vài món ăn tinh xảo, còn có một bầu rượu, Lãnh Nghệ không uống rượu để Triệu Quang Nghĩa nhận thấy thì không hay.
Tuy có sáu bảy món đấy, nhưng mà bát bé xíu bằng lòng bàn tay, chỉ đủ lót dạ chẳng đủ no, mà mùi vị thì nào nhỉ, không nhạt không mặn, ngoài hình dáng đặc sắc thì không có gì đáng kể lắm, ngon không tới mà bảo dở cũng không phải, Lãnh Nghệ đành chấp nhận.
Ăn xong y xem quyển tông án tử hình, tổng cộng có hai vụ án. Một là ăn trộm trên phố bị phát hiện, cầm đao giết người, giết liền ba người, bị thương nhiều người, có vô số nhân chứng, bản thân hắn cũng khai nhận. Xem lời khai của nhân chứng và nhận tội của hung phạm thì khớp nhau. Cầm bút viết ý kiến thẩm tra, kiến nghị phê chuẩn tử hình.
Vụ khác là án tham ô, số tiền cực lớn, Lãnh Nghệ tức thì lấy tinh thần nghiên cứu.
Phạm nhân tên Phùng Toàn, xu mật trực học sĩ, tam phẩm. Người tố cáo không ngờ là tể tướng Triệu Phổ! Vụ án rất đơn giản, Triệu Phổ nhận được tố cáo, nói trong nhà Phùng Toàn có lượng lớn hoàng kim lai lịch bất minh. Triệu Phổ lệnh ngự sử phía dưới tiếp nhận điều tra. Phùng Toàn khai nhận nhiều lần nhận hối lộ từ Lăng cẩm phó sứ Lý Mỹ. Phủ Khai Phong sơ thẩm, phán chém đầu, tịch thu gia sản.
Vụ giết người lần trước quyển tông rất nhiều, vụ án này chỉ có một cuốn, đó là lời khai của Phùng Toàn và Lý Mỹ, ngoài ra có lượng lớn vàng bạc trong nhà Phùng Toàn, không có chứng cứ nào nữa.
Có điều đại đa số án hối lộ trừ người đưa hối lộ và nhận hối lộ thì người khác không biết được. Cho nên nếu chỉ nhìn bản thân chứng cứ thì cũng xem như là đầy đủ, hơn nữa lời khai hai bên phù hợp, số tiền cũng khớp.
Nhưng mà nhất trí quá độ rồi, chuyện hối lộ trải qua mấy năm cùng diễn ra nhiều lần, sao có thể nhớ chuẩn xác như vậy, cả hai còn đều là ông già năm sáu chục tuổi đầu chứ?
Lãnh Nghệ đặt quyền tông xuống, lấy bút viết ra lo lắng của mình, kiến nghị Triệu Quang Nghĩa nên thẩm vấn hai người này rồi mới định đoạt. Sau đó gọi một thái giám tới nhờ bẩm báo, toàn bộ tấu chương đã xem xong.