Phần 396: Ngoài trường đình
Lãnh Nghệ không rõ thái độ của Triệu Quang Nghĩa, là vì xảy ra chuyện quỷ hồn làm ông ta biết sợ, hay là ông ta muốn Tiểu Chu hậu khỏe lại, sau này còn giày vò nàng?
Không rõ, y chẳng thể nào đoán được ý nghĩ của đế vương, dù sao thì nửa tháng sau đó trời yên biển lặng, không xảy ra bất kỳ chuyện gì nữa, Lãnh Nghệ tuy vẫn vào cung theo dõi chế tác tranh nhưng không bị Triệu Quang Nghĩa đặc biệt cho gọi tới lần nào.
Trong nửa tháng này vụ án Lý Dục cũng xử xong, phủ Khai Phong đưa ra phán quyết lưu đầy 3000 dặm tới Lĩnh Nam, báo lên Đại lý tự được duyệt.
Lĩnh Nam là vùng ma thiêng nước độc, là nơi lưu đày khổ ải nhất, người bị đầy tới nơi đó đồng nghĩa với đi nạp mạng. Cho nên biết tin này, đám phi tần cũ của hắn khóc chết đi sống lại.
Ngày hôm đó là ngày Lý Dục lưu đầy rời kinh.
Vì Lý Dục là quốc chủ quy hàng, hắn ở kinh thành khác gì độc trùng rắn rết, người ta sợ chuốc họa vào thân, cho nên làm gì có ai qua lại, nói gì tới đi tiễn chân.
Trừ phu thê Lãnh Nghệ dẫn theo Tiểu Chu hậu, phu thê Triệu Đình Mỹ, còn có Khánh Nô ái thiếp của Tào Bân vốn là thị nữ cũ của Lý Dục, nhớ ơn chủ, được Tào Bân đồng ý, dẫn nha hoàn tới bến tàu Thập lý trường đình tiễn biệt.
Hôm đó từ sáng sớm trời đã âm u, tới trưa thì mưa đổ.
Cách bến tàu không xa có một cái đình, dùng để khách trú chân tiễn biệt, nhưng đã sập một nửa rồi chẳng ai sửa sang, phần còn lại chỉ đủ hai ba người tránh mưa. Triệu Đình Nghĩa cho người dựng cái lán bên ngoài, bày tiệc tiễn chân.
Vì phải làm nhiều thủ tục tương quan, đội ngũ bận rộn tới tận trưa mới xuất phát.
Triệu Đình Mỹ thấy Lý Dục đeo còng, tuy sai dịch áp giải được hắn căn dặn trước, đứng sau che ô, nhưng mặt đất sình lầy, quần ướt sũng dính bùn đất, trầm giọng nói: “Tháo còng ra.”
Lý Dục vội nói: “Không cần đâu, cái còng này được đúc liền, tới nơi mới được đập ra, đập bây giờ tới bên kia không dễ ăn nói.”
“Trọng Khang đừng lo, bọn chúng chẳng lẽ chúng dám không nể mặt bản vương.” Triệu Đình Mỹ nhìn cảnh này xót xa:
“Thực sự không cần mà, hảo ý của Văn Hóa, ngu huynh nhận rồi.” Lý Dục có vẻ vì sắp được rời kinh, tuy chân tay xiềng xích, lòng lại thoáng đạt tự do hơn trước, quay sang Lãnh Nghệ cười: ” Lãnh đại nhân, đa tạ đã tới tiễn.”
Lãnh Nghệ đưa tay mời: “Công gia mời vào ngồi làm chén rượu.”
Chưa đợi Lý Dục đi vào một quý phụ quỳ xuống, khóc không thành tiếng: “Chủ nhân.”
Đó chính là thị nữ thiếp thân Khánh Nô của Lý Dục.
Lý Dục đỡ hờ Khánh Nô, cảm động nói: “Hiếm được người có lòng như ngươi, đa tạ.”
Lại có người gọi: “Lão gia.”
Giọng thê lương ai oán, Lý Dục khựng người đưa mắt nhìn ái thê đứng bên Trác Xảo Nương, gày gò tiều tụy, nhìn ái thê suốt nửa tháng nhung nhớ, muốn đi tới, trượt chân loạng choạng suýt ngã.
Tiểu Chu hậu mặt đã đầy nước mắt, chạy nhanh tới ôm cánh tay hắn, chỉ gọi được một tiếng “lão gia” đã nghẹn giọng không nói được nữa rồi. Đám phi tần phải theo Lý Dục tới Lĩnh Nam xúm lại khóc, tức thì tiếng khóc vang cả một khúc sông.
Lý Dục lại không khóc, tự hắn chọn con đường này, thà sống ở nơi gian khổ khai hoang, còn hơn ở kinh thành suốt ngày nơm nớp lo sợ. Cho nên với hắn đây là sự giải thoát, nói với Khánh Nô: “Ngươi đừng thương tâm, ta được tới Lĩnh Nam là giải thoát rồi, ngươi tới thăm ta, coi như không uổng một phen chủ phó, vui lên nào, sắp chia tay rồi, đừng khóc lóc… Mọi người đừng khóc, vương gia còn ở đây.”
Những người khác thu lại nước mắt, theo Lý Dục vào lán, binh sĩ áp giải cũng được chuẩn bị rượu thịt xuống thuyền trước ăn uống rồi.
Trong lán Triệu Đình Mỹ nâng chén mời, tất cả đều uống, chỉ là chẳng ai tâm trạng ăn gì, uống vài chén, mặt đã đỏ.
Triệu Đình Mỹ cầm chén rượu tới trước mặt Lý Dục: “Trọng Quang, ngu đệ vô năng, không giúp gì được huynh, thật hổ thẹn. Chuyến này đi Lĩnh Nam, người theo cùng đều là tâm phúc của ta, huynh không ủy khuất đâu. Quan viên ở Lĩnh Nam được ta gửi thư nhờ chiếu cố rồi, huynh cứ yên lòng.”
Lý Dục loảng xoảng nâng chén: “Đa tạ.”
Hai người uống liền ba chén.
Rồi sau đó tới phu thê Lãnh Nghệ, Khánh Nô, đợi tới Tiểu Chu hậu, nàng lại một phen nghẹn ngào, tuy hận hắn, nhưng hiểu hắn, thông cảm cho hắn, cho nên nàng vẫn thương là chính, chỉ trách ông trời muốn giày vò người ta mà thôi.
Lý Dục nâng chén một vòng: “Mọi người đừng vì ta mà bi thương, Lĩnh Nam tuy khổ, nhưng lòng ta lại thấy ngọt. Cho nên hãy vì ta chúc phúc, đừng vì ta rơi lệ. Được rồi, chúng ta hãy ca hát từ biệt.” Nói rồi người lắc lư hát lớn.
Triệu Đình Mỹ là người thứ hai hưởng ứng hát theo, rồi lần lượt từng người hát lên, khiến không khí không còn bi thương nữa.
Ngoài trời vẫn mưa, nước rơi lộp độp lên mái như gõ nhịp.
Chợt Triệu Đình Mỹ nhận ra: “Lãnh huynh đệ, vì sao không hát?”
Lãnh Nghệ đâu biết cách ca hát thời Tống, thậm chí còn chẳng hiểu họ hát cái gì mà vờ vịt phụ họa nữa kìa: “Ta ngũ âm không nhận hết, sợ hát lên mọi người giật mình, thôi không hát là hơn.”
Lý Dục hôm nay uống rất nhiều, cứ mỗi người mời một chén là hắn uống ba chén, lúc này say rồi, có lẽ vì sắp thoát khỏi nơi nguy cơ rình rập, khôi phục vài phần tính cách phóng khoáng trước kia: “Hôm nay tiễn chân ta, cứ có lòng hát là được, chứ luận tiếng ca, không ai bằng ái thê ta, chẳng lẽ để một mình nàng ấy hát à? Nào nào, hát một khúc, để ta tới Lĩnh Nam có thứ tưởng niệm chứ.”
Hắn đã nói thế, Lãnh Nghệ sao có thể từ chối: “Công gia nói vậy, thế thì ta hát một khúc sơn dã vậy, hát không hay, mọi người chớ cười.”
Triệu Đình Mỹ vô tay phụ họa: “Ta chưa từng được nghe Lãnh huynh đệ hát, tiểu khúc sơn dã, thường mới mẻ động lòng người, tươi mát đơn thuần, quét sạch ô trọc trong lòng chúng ta.”
Ai nấy phụ họa, Lãnh Nghệ lâu lắm rồi không hát, vì ca khúc hiện đại quá khác biệt, không biết hát ra ở thời đại này sẽ thế nào.
Ngoài trường đình, ven đường cũ…
Cỏ thơm xanh biếc tận chân trời.
Gió đêm lay cành liễu, tiếng sáo tàn…
Ráng chiều đã lặn xuống núi xa…
Ngày sau vô tận, đất trời mênh mông…
Người tri giao còn được là bao.
Một bình rượu đục kết thúc buồn vui…
Trong mơ lạnh lẽo vắng bóng người…
Đây là bài Tống biệt trứ danh của cao tăng Hoằng Nhất đại sư đa tài đa nghệ thời Dân Quốc, ca từ miêu tả cảnh người ra đi khi bóng hoàng hôn dần dần lặn xuống sau rặng núi, nơi chân trời góc biển kia, người kia liệu có nhớ tới mình. Một bình rượu đơn sơ của kẻ trần thế đêm nay sẽ biệt ly bao ước mộng mà không biết ngày gặp lại.