Phần 220: Huyện Âm Lăng nghèo khó!
Hai người trên đường về Lãnh Nghệ cố tình dùng mặt thật đi vào các thôn, vì nhiều người từng tới nha môn chúc Tết nên nhận ra y, thấy y lại mặc thường phục tới tận thôn xóm xa xôi nhất thăm hỏi thì cảm động vô cùng.
Cả huyện đã tiết vào xuân canh rồi, vì có lượng lớn trâu cày cho nên giải quyết được vấn đề khó khăn nhất của thôn dân, tới đâu đất đai đều đã được cầy bừa, mạ cũng đã được gieo xuống, trên những khuôn mặt gầy khô héo mòn ánh lên hy vọng của mùa xuân.
Tới mỗi thôn, Lãnh Nghệ đều triệu tập thôn dân tới nói chuyện, hơn nữa không cho đại hộ và lý trưởng tham gia, để bách tính có thể thoải mái nói ra suy nghĩ của mình. Lãnh Nghệ nhờ thế mà hiểu được vài chuyện trước kia không hiểu.
Tổng thể mà nói, vì Đại Tống mới lập quốc chưa lâu, do chiến loạn thời gian dài, đại đa số bách tính đều nghèo khổ, mỗi thôn chỉ có một hai đại hộ, những người này không phải toàn là ác bá hút máu người, nhưng mong họ hỗ trợ hương dân thì cũng khỏi nghĩ tới. Quan niệm phổ biến thời này vẫn là, tài phú thiên hạ có hạn, người này có thêm một chút là người kia mất đi một chút.
Mà một vấn đề nữa cũng nghiêm trọng không kém, đó là bách tính chẳng có tí văn hóa nào, mức độ giáo hóa của triều đình tới được nơi này là quá thấp, từ nhỏ tới lớn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, trừ ruộng đồng thì chẳng biết gì, đừng nói chữ nghĩa, đếm đến mười còn chẳng mấy người biết. Chẳng những chất lượng cuộc sống cực thấp, mà đối với chuyện làm ăn có sự kháng cự bài xích bẩm sinh, nhiều nhà không muốn mượn trâu quan phủ để làm ruộng, họ không thích mắc nợ. Trong khi huyện Âm Lăng đất đai cầy cấy ít, muốn dựa vào vào làm nông mà ăn nó mặc ấm là vô vàn khó khăn, lại còn tư duy lạc hậu như vậy.
Dân đã không biết làm giàu, quan phụ mẫu cũng dốt nốt, vậy phải làm sao?
Thế là mấy ngày sau, Lãnh Nghệ mang tâm trạng nặng nề về huyện thành Âm Lăng.
Có một điểm an ủi duy nhất, suốt chặng đường về gặp gỡ rất nhiều người mà không xảy ra thêm sự cố nào nữa, xua đi ý nghĩ không hay trong lòng Trác Xảo Nương.
Ở gần huyện thành Âm Lăng, Lãnh Nghệ phát hiện ra có một cái chợ phiên, rất lớn, y thấy phải có tới mấy chục cái lều bạt đủ kiểu dáng, còn có lán tạm, nhìn náo nhiệt lắm. Lãnh Nghệ vui mừng, vô thương bất phú, đất đai nghèo khó thì có thể dựa vào kinh doanh làm giàu, y vào xem biết đâu có gợi mở gì đó.
Đi vào chợ phiên càng hoa mắt, nghe thấy đủ các loại âm sắc, tiếng nói, y phục, trang sức khác nhau, nhìn càng thấy rối tung rối mù, hiển nhiên nơi này cả người Hán cũng không phải chiếm đa số, không có ngôn ngữ thống nhất nào, chả hiểu sao họ vẫn giao dịch thuận lợi.
Mới đầu còn chút vui mừng, càng xem Lãnh Nghệ càng thất vọng, bí quyết họ có thể giao dịch thuận lời đều nhờ vào cách giao dịch nguyên thủy nhất, lấy vật đổi vật. Mà chủng loại vật phẩm ít, giá trị thấp thảm thương, nào là dây thừng, nào sọt, nào hũ nào chậu, lặt vặt tời không thể lặt vặt hơn, giá trị thấp tới thảm thương, mua bán không được, chỉ có thể trao đổi nội bộ, đem đi xa bán thì chẳng bõ tiền công.
Mấy thứ giá trị như gia súc hay lương thực, muối ăn hay lông thú, thuốc men rất ít, chủ yếu vài nhà giàu có trong thành đem đi đổi, khi Lãnh Nghệ nhìn thấy một nữ nhân ăn mặc như tú bà dẫn theo vài tên tay chân, dùng bao lương thực đổi lấy tiểu cô nương xinh đẹp, y chẳng muốn xem nữa… Chuyện như thế muốn ngắn không được.
Đất đai cằn cỗi, các loại thổ sản cũng hiếm hoi, nông không được, thương cũng chẳng song.
Lãnh tri huyện phải làm sao vực dậy cái huyện nghèo khó này?
Lãnh Nghệ buồn phiền về tới nha môn thì tiếng reo hò truyền ra từ cổng, người các phòng chạy ra đón, ai nấy niềm nở cung kính gọi một câu “đại lão gia”, hoàn toàn khác lần đầu y tới đây, không vì cả tháng vắng mặt mà ảnh hưởng, cho thấy y làm tri huyện cũng khá thành công.
Thậm chí có ít bách tính tới nha môn làm việc thấy đại lão gia còn quỳ xuống khấu đầu.
Ứng phó qua loa một lúc rồi về tới nội trạch, Lãnh Nghệ lập tức nhận ra trong nhà có dấu vết lục lọi, y vội vàng tới hậu hoa viên, nơi chôn mấy thi thể kia, không phát hiện ra có bất kỳ dấu vết tìm kiếm nào, có lẽ kẻ gửi đám sát thủ kia đu chẳng bao giờ ngờ được chúng lại bỏ mạng nơi này.
Kiểm tra những vết tích người đột nhập kia, bị phủ lớp bụi mỏng, chứng tỏ đã khá lâu, hơn nữa sau đó không ai tìm đến nữa, trong lòng đã khá yên tâm.
Trốn việc những hơn một tháng, người trong nha môn đã sốt ruột lắm rồi, vừa biết y về là đã đứng đợi ở cổng nội trạch chờ đợi. Lãnh Nghệ gọi họ tới nhị đường báo cáo, đám Vũ bộ đầu không tìm được thân nhân của người Thổ Phồn, vì họ đã chia năm xẻ bảy, không có chính quyền thống nhất, mà người kia lại không rõ từ đâu tới. Ở huyện thành Âm Lăng cũng có một khu di dân người Thổ Phồn, nhưng không ai biết người kia.
Chuyện đó đành bỏ, Lãnh Nghệ để châu báu trong ngân khố, tương lai tính sau. Viên cửu nhãn thạch trông hết sức kỳ quái kia vì Trác Xảo Nương Thích, cứ để nàng chơi, khi nào có người tới tìm thì trả cũng được.
Khâu chủ bạ báo cáo có vài thôn hết lương thực, bách tính lại kéo lên huyện thành bán con bán cái, xuân canh thế là bỏ lỡ, sau này ăn cái gì? Trở thành vòng tròn ác tính.
Kế hoạch kho thường bình vốn nghĩ phải đợi tới mùa hè mới triển khai, giờ Lãnh Nghệ bất đắc dĩ khởi động sớm, sai hộ phòng đi khắp thôn trại toàn huyện dán cáo thị bán lương thực bình ổn giá. Nhưng chỉ bán cho bách tính cùng khổ đã nhận cứu tế dịp Tết, còn nếu đại hộ mua, sẽ xử tội đầu cơ.
Giờ mới là mùa xuân, người hết lương thực chưa nhiều, nhưng là những người khó khăn nhất, Lãnh Nghệ cho họ ghi nợ, có cái ăn để xuân canh, khi thu hoạch trả lại lấy lãi một phân, ít hơn nhiều năm phân lợi của đại hộ, được bách tính hoan nghênh nhiệt liệt.
Khâu chủ bạ vẫn đang phụ trách phân phối trâu cày, cố gắng đưa trâu tới thật nhiều nơi giúp bách tính cày ruộng, đây là công tác quan trọng nhất nên việc bán lương thực do Đổng sư gia tổ chức. Lãnh Nghệ trực tiếp tới hiện trường giám sát, y lo xảy ra chuyện giống Vương An Thạch cải cách, bị quan viên phía dưới ngầm giở trò, biến chuyện tốt thành chuyện xấu gây hại cho bách tính.
Thế là Lãnh Nghệ liền mấy ngày đầu tắt mặt tối chạy khắp nơi, y không am hiểu công tác quản lý, chỉ đành dùng cách ngu xuẩn nhất tốn sức nhất tự mình đi kiểm tra, hạn chế tiêu cực hết mức có thể. Thế là không có ít kẻ chế giễu, gặp huyện lão gia dễ hơn gặp tiểu lại nha môn, có tri huyện mất giá thế không?
Lãnh Nghệ bỏ mặc ngoài tai cả lời chế giễu lẫn khuyên can, chẳng bao lâu lương thực bán hết rồi, mà chưa vào mùa hạ đấy, chưa tới lúc đói giáp hạt khó khăn nhất, tới đó bách tính lấy gì mà sống? Y quyết định lên Ba Châu tìm Liêu tri phủ nghĩ cách.