Phần 121: Thường phục vi hành. (3)
Lãnh Nghệ và Thành Lạc Tiệp mang theo hũ ngói và cốc vào trong căn nhà chẳng khác gì cái lán dựng tạm, Doán Thứu và Lý Phân ở lại bên ngoài cảnh giới, dù gì ngôi nhà này chẳng thể chứa nổi nhiều người như thế…
Ở trong nhà, vào một cái thấy ngay bếp đắp bằng đất, bếp đang đun nước sôi, ngồi bên bếp là một phụ nhân, đang ngắt cỏ dại. Thực ra là nhờ kiểu tóc và cách ăn mặc mới nhìn ra đó là một phụ nhân chứ nhìn gương mặt gầy hốc hác chỉ chẳng nhận ra nổi đặc trưng giới tính nào cả, tóc đã bạc, thấy bọn họ vào liền ngẩng đầu nhìn một cái, sau đó tiếp tục làm việc của mình.
Thu lu trong góc nhà là hai đứa bé trai, đại khái chừng năm sáu tuổi, tay bê cái bát đất, bên trong quá nửa là cỏ dại, gầy tới mức chỉ còn thấy đôi mắt to đen láy nhìn họ. Đứng sát tường là cô bé cũng gầy ơi là gầy, chừng bảy tuổi, áo mong manh có vẻ là trang phục mùa hè, đang run lên cầm cập.
Trong cái nhà chẳng thể gọi là nhà ấy chỉ có cái giường lớn, nằm trên giường là đôi phu phụ già tóc bạc hết, co quắp trong thứ khó có thể gọi là chăn được, mắt vô thần chẳng có phản ứng, ai không biết còn tưởng người chết.
Thành Lạc Tiệp đánh mắt với Lãnh Nghệ về phía hai đứa bé nam và đứa bé nữ, Lãnh Nghệ hiểu ý nàng, ba đứa bé đó được đưa tới huyện Âm Lăng bán, nhưng không bán được.
Lãnh Nghệ lại nhớ lời Đổng sư giá đánh giá về huyện Âm Lăng, dân tính thuần phác, sơn thanh thủy tú nhưng bách tính nghèo. Bao nhiêu người bán con bán cái như vậy, người bán nhiều người mua ít, không bán được là thường. Người ta có mua thì cũng mua đứa lớn mười mấy tuổi, về làm được việc nặng chứ, mua đám nhỏ này làm gì.
Vẫn biết cuộc sống người xưa gian nan, nhưng mà tới mức này thì đây mới là lần đầu Lãnh Nghệ thấy được, con người sống tới mức này thì thực sự chẳng còn chú ý được tới nhiều thứ nữa.
Trung niên nam tử lấy cái cọc gỗ thấp mang tới, đặt bên bếp thay gỗ: “Ngồi đi.”
Thành Lạc Tiệp nguồi xuống cái cọc gỗ, đưa tay về phía bếp sưởi ấm, nàng còn dựa nửa người vào thân y, làm như yếu ớt lắm. Lãnh Nghệ chỉ cười thầm, hết lòng vì nhiệm vụ thật đấy, cơ hội thế này cũng lợi dụng để dùng mỹ nhân kế với mình.
Lãnh Nghệ ngẩng đầu nhìn trên cái bếp đất, có một tấm ván gỗ, đặt tượng Táo Quân đã phai màu, bắt chuyện với phụ nhân nhặt rau dại: “Hôm nay là 23 tháng Chạp rồi, là ngày tiễn Táo Quân, đại tẩu sao chưa chuẩn bị tiễn Táo?”
Phụ nhân ngẩng đầu nhìn y một cái, mặt đờ đẫn, lại tiếp tục làm việc, nam tử ngồi trên mặt đất chẳng nói chẳng rằng, làm không khí trong phòng gượng gạo.
Lãnh Nghệ cũng biết mình nói mấy câu ngớ ngẩn, nhưng y cố tình như thế để bắt chuyện với bọn họ, không ai hưởng ứng, chỉ đành độc thoại: “Nhà mọi người cũng khổ thật, cuối năm rồi mà phải ăn rau dại. À phải, tại hạ có bằng hữu ở huyện nha Âm Lăng nói, danh sách cứu tế đã báo lên, nhà mọi người thế này chắc là được cứu tế. Đợi có cứu tế rồi là có cái Tết tươm tất thôi.”
Nam tử rốt cuộc hừ mũi thật mạnh: “Cứu cái chó, có năm nào có đâu, toàn cứu đi cứu đám Chu đại hộ thân thích của lý trưởng, làm gì mà tới lượt chúng tôi.”
Từ danh sách báo lên, Lãnh Nghệ biết không có nhà La Khổ Oa rồi, làm ra vẻ giật mình: “Nói thế thân thích của lý trưởng lại còn nghèo hơn cả nhà đại ca kia à? Ài, thế gian sao mà nhiều người khổ thế?”
Nam tử nhìn Lãnh Nghệ như nhìn thằng ngốc: “Ngươi bị ngu à? Ngươi nghe cái tên Chu đại hộ là biết hắn nghèo thế nào rồi.”
“Nghèo ra sao?” Lãnh Nghệ gãi đầu gãi tai, đôi khi ngươi ngốc nghếch, người ta sẽ chủ động nói hơn:
“Rượu thịt nữ nhân suốt cả ngày.” Nam tử hướng về phía nhà Chu đại hộ nhỏ một bãi nước bọt: ” Chu đại hộ mà nghèo thì trên đời không còn ai nghèo nữa.”
“À, ra thế.” Lãnh Nghệ tỏ vẻ đã hiểu: ” Mà nhà đại ca làm sao lại ra thế này, năm nay làm ruộng thu hoạch không tốt à?”
“Làm ruộng cái gì, làm cũng không nộp nổi tô.” Nam tử tức giận, rốt cuộc xả ra một tràng:
Trò chuyện hồi lâu Lãnh Nghệ mới hiểu ra, nhà La Khổ Oa thuê ruộng của Chu đại hộ Chu Bằng. Một nửa người trong thôn giống bọn họ, đều là điền hộ của nhà Chu Bằng. Điền tô rất nặng, thêm vào nhà La Khổ Oa chỉ có một lao lực là hắn. Cha mẹ tuổi già, lại còn lẩn thẩn, ngay cả sinh hoạt cũng không tự lo được. Thê tử lên núi lấy củi, bị ngã gãy chân, không làm ruộng được nữa.
Vốn La Khổ Oa có năm đứa con cơ, khi thê tử ngã bị thương vì lo tiền thuốc men đã phải bán đại khuê nữ đi làm đồng dưỡng tức (*). Đến khi mẹ già bị bệnh, lại phải bán một nhi tử. Giờ nhà chỉ còn ba đứa nhỏ, ngoài há miệng chờ ăn thì chẳng giúp được gì, khó càng thêm khó.
Nhà bọn họ cùng khổ tới mức đó rồi nhưng chưa bao giờ được nhận một xu cứu tế của triều đình, cũng không dám tới nha môn tố cáo. Vì trước đó trong thôn có người tố cáo rồi, kết quả bị Chu Bằng thu lại ruộng đất không cho thuê, còn vu cho tội ăn trộm, đánh gãy hai chân. Thế là không ai dám đi tố cáo nữa.
Vì nghĩ đám Lãnh Nghệ chỉ là người qua đường, cho nên La Khổ Oa mới dám nói ra.
Lãnh Nghệ và Thành Lạc Tiệp nghe hết chuyện liền rời đi, dùng cách đó tới nhà người khác xin nước uống, tình huống không khác là bao, nhắc tới Chu đại hộ là ai nấy nghiến răng căm hận.
Bốn người đứng trên một mô đất cao nhìn xuống một đại trạch viện có tường bao quanh cao tới bảy tám thước, bên ngoài cửa có gia đinh cầm gậy đi qua đi lại, rất uy nghi bề thề. Ngay cả trong huyện thành Ba Châu cũng chưa chắc có đại trạch nào lớn cỡ này, nhà Lại viên ngoại lần trước cầm đầu trốn thuế cũng kém xa, ai tưởng tượng được ở vùng quê nghèo khó có biệt phủ hào hoa cỡ này.
Đó chính là nhà Chu đại hộ, đem so với bốn xung quanh toàn những căn nhà lụp xụp nhà tranh vách đất, làm người ta càng nhìn càng chướng mắt.
Ít nhất thì có Thành Lạc Tiệp hết sức tức giận: “Đều do tên Chu đại hộ đó giở trò, cứ bắt hắn lại là thiên hạ thái bình.”
Lãnh Nghệ lắc đầu, đây là một loại văn hóa của Trung Quốc, đến cả nghìn năm sau vẫn còn nhức nhối: “Không đơn giản như vậy đâu, loại hương thân ác bá này thường có quan hệ dây mơ rễ má rất sâu, đa phần câu kết với quan viên triều đình. Đây gọi là bứt một sợi tóc rúng động toàn thân, muốn bắt chúng thì phải có chứng cứ lẫn tội danh đủ nặng không ai dám bao che. Cho nên phải tra cho rõ trước, mới có thể tính toán lâu dài.”