Phần 108: Luật lệ hỗn loạn
Lãnh Nghệ đợi nàng khóc một hồi phát tiết cảm xúc trong lòng mới hỏi: “Trong nhà có dấu vết người khác đột nhập không?”
Lý thị lắc đầu ngay: “Không ạ, vì trong nhà không còn ai khác, dân nữ không yên tâm nên phải khóa cửa rồi mới đi.”
Lãnh Nghệ hỏi lại: “Trong nhà chỉ có phu thê ngươi thôi sao? Không có ai khác sống cùng?”
“Vâng, dân nữ và phu quân ở ngoài thành vào thành làm ăn, dân nữ bán rau, phu quân làm công cho người ta.”
“Ừ, kể tiếp, lang trung đến rồi sao nữa?”
Lý thị khô cổ, nuốt nước bọt mấy lần mới tiếp tục: “Thấy lang trung nói, phu quân chết rồi, dân nữ chỉ biết khóc, nhờ người viết thư cho công bà báo tang. Được láng giềng giúp đỡ, tổ chức tang sự.”
“Khoan, sao lại là láng giềng, người thân đâu?”
“Không tới ạ, về sau dân nữ mới biết, cả nhà công bà đi thăm thân thích rồi, không ai ở nhà. Khi họ về đã là hai tháng sau. Nhận được thư, công công và bà bà, còn có tiểu thúc, cô tử đều tới, họ vây quanh dân nữ chất vấn. Sau đó chạy đi tìm ngỗ tác nha môn, lúc trở về chẳng hỏi trắng đen gì đã lao vào đánh đập dân nữ, kéo dân nữ tới nha môn, nói phu quân dân nữ chết có vấn đề, đòi mở quan tài kiểm tra xác. Sau đó nói dân nữ dùng gậy đánh chết thân phu, dân nữ không làm mà… Oan quá đại lão gia.”
Đổng sư gia ở bên quát: “Ngươi đừng giảo biện, khi mở quan tài tra xét lại, ngỗ tác nói xương đầu của phu quân ngươi bị nứt, đó là bằng chứng. Trong nhà ngươi chỉ có hai người, không phải ngươi giết thì ai giết?”
“Ta không làm, ta không làm, nếu các ngươi phán ta tội chết, ta tới chỗ Diêm vương gia cũng không phục.” Lý thị oán hận nhìn Đổng sư gia, tiếng gào thét yếu ớt nghe càng đáng thương:
Lãnh Nghệ nhíu mày, trong quyển tông không có điều này, chỉ viết là Lý thị dùng gậy đánh vào đầu trượng phu gây ra cái chết, chứ không viết lại quá trình, cho nên y không biết lời Lý thị vừa kể.
Xem ra làm rõ vết thương trên đầu người chết là do đâu sẽ là điểm mấu chốt của vụ án này, Lãnh Nghệ hỏi: “Người chết chôn ở đâu?”
Lý thị đáp: “Chôn ở trên núi ngoại thành, vì nhà họ nói, phu quân dân nữ bị giết, chết còn phẫn uất, không thể chôn vào mộ tổ. Cho nên an táng ở ngoài.”
Cách nói này thật lạ, Lãnh Nghệ không biết tập của người xưa, nghe cũng chỉ biết là thế thôi, gật đầu: “Được, mai mở quan tài kiểm tra.”
Đông sư gia vội nói: “Đông ông, có cần làm thế không ạ, lần trước đã làm rồi.”
“Lần trước là do ngỗ tác làm, bản huyện nói rồi, lần này đích thân bản huyện kiểm tra, không cần ngỗ tác.” Lãnh Nghệ không giải thích lý do, y là đại lão gia, trong huyện này, y làm việc không phải giải thích với ai hết:
Đổng sư gia khom người, khó xử nói: “Đông ông, nhưng mà gia quyến khổ chủ đã về quê, chuyện này phải được họ đồng ý, mai chưa thể làm được ạ.”
Thời xưa ở nha môn có ngỗ tác, chính là người khám nghiệm tử thi khá tương tự như pháp y ở đời sau, nhưng do thời đó còn lạc hậu người làm nghề này địa vị thấp kém, bị xa lánh. Mà ngay chuyện khám nghiệm tử thi cũng là điều người xưa không muốn, kị húy rất nhiều, nếu không phải trường hợp bất đắc dĩ, không ai muốn làm việc này, nên làm cũng qua quýt.
Ngay ở đời sau, người làm việc ở nhà xác cũng tránh để người ngoài biết.
Lãnh Nghệ hỏi Lý thị: “Bản huyện muốn mở quan tài phu quân ngươi kiểm tra, ngươi có đồng ý không?”
Lý thị gật đầu vội, mặt ánh lên một tia hy vọng: “Dân nữ đồng ý, xin thanh thiên đại lão gia nhất định phải tra rõ, trả dân nữ sự thanh bạch, dân nữ làm trâu làm ngựa báo đáp ân điển cho ngài.”
Nỏi rổi quỳ xuống định khấu đầu, nhưng gông trên cổ quá lớn, nàng chỉ có thể làm động tác gục gặc cái đầu mà thôi.
Lãnh Nghệ tuyên bố: “Nếu ngươi đồng ý, vậy là khổ chủ đã đồng ý rồi, được, mai bản huyện mở quan tài kiểm tra.”
Đổng sư gia sửng sốt, đã được người nhà đồng ý rồi, đại lão gia nói thế thì về lý cũng là đủ, hai nữa đại lão gia muốn đích thân minh sát một vụ án, đây là chuyện tốt, tạo danh tiếng thể sát bách tính. Ông ta là sư gia, ông ta nên tán dương tương trợ. Chỉ là làm sao Đổng sư gia có chút cảm giác khó tả, một đại lão gia không nên làm thế, trước giờ chưa ai làm thế.
Lãnh Nghệ không nghĩ nhiều, y muốn làm thì làm thôi, đằng nào rắc rối của y đủ lớn, dù là làm vài việc không phủ hợp quy củ quan trường hay cái quy củ quái quỷ gì đó cũng mặc. Thậm chí mơ hồ còn có chút khoái cảm vì phá luật.
Hỏi chuyện xong Lãnh Nghệ đi thẳng khỏi địa lao, thậm chí còn chẳng thèm nhìn Lâm Linh một cái, chỉ bảo lao đầu cho Lý thị uống một cốc nước nóng.
Lãnh Nghệ về tới nhị đường, bảo Đổng sư gia mang hết quyển tông các vụ án gần đây ở trong huyện cho y xem, mục đích của Lãnh Nghệ không phải tra án oan, còn là tìm hiểu cách thức xét xử vụ án ở nơi này.
Kỳ thực công việc của tri huyện không phải là phá án, việc này có hình danh sư gia, có bộ khoái nha môn lo liệu, y chỉ cần phán quyết là đủ rồi. Chỉ có vụ án liên quan tới luân lý, án mạng là tri huyện mới thăng đường xử án, còn lại do người dưới lo, tri huyện làm con dấu hình người thôi. Tất nhiên nếu đại lão gia muốn trực tiếp xử lý thì cũng không ai nói được gì.
Có vài vụ án phán xử làm Lãnh Nghệ phải nhíu mày, xem trên giá có Tống luật thì càng nhíu mày chặt hơn, có thể nói đây là đống hỗn độn, điều luật sơ sài, chẳng có quy trình thi hành luật gì cả. Xem ra thời cổ đại này chẳng có trình tự chính xác đảm bảo nào, mấy vụ án dân sự y đọc, kết cục toàn là đánh đít, mà đánh luôn cả người bị hại lẫn người có tội nữa chứ.
Đúng là dở khóc dở cười.
Phá án thì đương nhiên là sở trường của Lãnh Nghệ rồi, xử án là vấn đề khác, cần dựa trên đống luật hổ lốn kia, nếu y phán xử theo nhận thức pháp luật của mình, nhưng trái pháp quy thời đại này, hay quy củ gì đó, khả năng có phiền toái không dự liệu được.