Từ chỗ tối người ta nhìn ra nơi rực rỡ ánh sáng thì bao giờ cũng thấy an lòng hơn, ấm áp hơn vì những gì mình nhìn thấy được và cảm nhận được.
Tôi là người đàn bà đã vật vã, lầm lũi và đơn côi đi suốt quãng đường ống tối tăm bùn đất, một mình ôm đứa con trai suốt 17 năm trời. Con lạnh thì dùng ngực mình sưởi cho con…
Để bây giờ bước ra khỏi miệng cống, thấy trời xanh và nắng ấm, thấy không khí trong sạch và nhất là trông rõ mặt đứa con mình sinh ra.
Nó đây ư! Thằng cu Trần của mẹ đây ư? Không tin được, một chàng trai khôi ngô, cường tráng đến vậy mà suốt bấy nhiêu năm tôi chưa nhận rõ đến nhường này.
Ngày ấy…
Cách nay 16 năm, có cô bé nhà nghèo đang trên đường đi học về, trưa nắng và mệt đói khiến cô bé ngồi lả đi dưới một bụi cây lúp xúp ven đường. Chỉ lơ mơ nghe tiếng xe máy đang lại gần, ngày càng rõ hơn.
Khi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong một ngôi nhà. Trời tối lù mù qua ánh sáng bập bùng của bếp lửa. Nhìn ra ngoài chỉ thấy lờ mờ, nhấp nhô bóng núi. Mùi cháo thơm đã đánh thức sức sống của cô gái.
Một phụ nữ lầm lũi như cái bóng bê bát cháo lại cho cô rồi cũng lầm lũi đi, không nói một lời.
Đang sức ăn, chỉ một loáng, tô cháo trứng và hành đã sạch trơn. Bên cạnh vẫn là cái túi sách vở và đôi dép lê của mình.
Rồi cô ngủ thiếp đi. Buổi sáng, khi ánh nắng chói chang qua khe cửa chiếu vào mắt, cô mới dụi mắt thức dậy. Không gian thật yên tĩnh. Ghé mắt nhìn qua khe ván gỗ, trước mắt cô chỉ có màu xanh của đồi cây và của rừng ở phía xa hơn.
Suốt mấy ngày liền, người cô gặp duy nhất là cái bà mà ngày đầu cô gặp. Bà ta cứ lầm lũi, không nói một lời. Qua ánh mắt u buồn của bà, cô nhận ra sự thương hại trong đó.
Rồi vào một đêm, trong chập chờn giấc ngủ, cô nghe thấy giọng đàn ông. Sau khi ăn bát canh rau ngót nấu thịt băm cũng do người đàn bà bê lên là cô không biết gì hết.
Lúc tỉnh dậy, cô thấy đau rát nơi cửa mình. Đưa tay xoa, cô thất dơm dớp dính. Rụt tay ra nhìn thấy máu. Cô hốt hoảng.
Đang học lớp 10, cô hiểu rằng mình đã bị hiếp dâm.
Cứ như thế, hàng đêm cô bị người đàn ông mà cô chưa hề nhìn thấy mặt hành hạ thân xác trong bóng tối đặc quánh của núi rừng. Điều cô cảm nhận được duy nhất là tiếng thở hùng hục và mùi mồ hôi chua nồng phảng phất trong mùi thuốc lào hôi hám.
Rồi cô biết mình có chửa.
Chỉ 3 ngày sau, cô nghe thoang thoáng có tiếng kèn đám ma từ xa vọng lại.
Kể từ đó, quanh cô và với cô chỉ có duy nhất người đàn bà khốn khổ và một sinh linh đang lớn dần trong bụng. Cô đoán rằng bà ta chỉ bị câm thôi. Vì từ đó, bà chăm sóc cô nhiều hơn, chu đáo ân cần như một người mẹ. Ngày cô sinh, cũng chính tay bà đỡ và tắm rửa cho hai mẹ con cô.
Cô thấy nhớ bố và cô Trinh (vợ sau của bố khi mẹ đẻ cô chết vì tai nạn giao thông lúc cô mới vào lớp 1). Cô chăm chút, nuôi đứa con riêng của chồng còn cặn kẽ hơn 2 đứa em cùng cha khác mẹ với cô. Cô đã khóc nấc lên khi một lần nghe cô Trinh nói với bố: “Con Trâm (tên của cô) thiệt thòi quá. Em phải bù đắp cho nó hơn hai đứa kia”. Rồi cô cũng như bao đứa bạn cùng lứa, được đi học, được chiều chuộng và nuôi dưỡng như còn đủ cha mẹ.
Giờ bên cô chỉ còn người đàn bà lầm lũi nhưng ân cần.
Hàng ngày, cô chỉ quanh quẩn ở nhà. Cố gắng giúp bà những việc vặt trong căn nhà vách gỗ, mái lá, hoặc nấu cơm, múc nước, chăn đám gà và mấy con lợn nuôi thả không chuồng trại…
Rồi con cô lớn dần.
Với vốn kiến thức mình có, cô dạy con nói, dạy viết cho nó tại nhà. Thằng bé được cái thông minh. Nên chả mấy đã đọc thông, viết thạo. Cô thấy mình vẫn là một nữ sinh trung học nên chỉ xưng chị em hoặc xưng cô giáo với con.
Những lúc rảnh việc, thì người đàn bà câm đó cũng tò mò nhìn cô dạy nói, dạy viết cho con. Dần dần bà ta cũng biết phân biệt nét của từng chữ cái và nhìn miệng cô để viết chữ bằng củi than xuống nền đất nện trong nhà. Suốt bao năm, ngôn ngữ giao tiếp và truyền đạt từ bà ta sang cho cô chỉ là gật hoặc lắc đầu và qua ánh mắt.
Cô đặt tên con là Trần bởi cô nghĩ đến tên mình là Trầm, cứ bỏ đi một nét trong âm mờ (m) cuối chữ là thấy sự rõ nét cơ thể như khi cởi trần và cũng bởi họ của cô và cả họ của cô Trinh đều là họ trần.
Không khai sinh, không gì hết chỉ có tên là Trần Quang Trần.
Đã nhiều phen cô định ôm con bỏ trốn. Nhưng biết đi đâu giữa vùng rừng núi hoang vắng này?
Dường như đoán ra ý đồ của cô, bà già câm đã nhiều lần dùng tay chỉ ra phía xa rồi giơ ngón tay cắt ngang qua cổ mình. Cô hiểu ý bà muốn ám chỉ sự nguy hiểm chết người đang rình rập đâu đó phía ngoài kia. Rồi cả ba con người đành an phận, quây tụ và truyền sức sống sang nhau.
Con cô 15 tuổi, ấy là cô đoán ra năm tháng nhờ những ám chỉ bằng nét than và ngón tay đếm của bà già câm khi “nhìn” thấy môi cô mấp máy hỏi. Vốn kiến thức lớp 10 của cô đã cạn để có thể truyền đạt cho con. Ngược lại, thằng bé còn bày, vẽ và giảng giải cho ” chị Trầm” biết phân biệt các loại cây rừng, chim thú mà cô luôn tò mò muốn biết.
Rồi một ngày không như mọi ngày, người đàn bà câm biến mất không tăm tích và chẳng biết vì sao bởi không có ai mà hỏi. Cả hai mẹ con cô đều khóc và nhớ bà. Thằng con cứ suốt ngày hỏi mẹ: “Chị Trầm ơi! Mẹ Gió (chả là chị bảo con gọi bà là mẹ, tên của bà là bà Gió mà) sao mãi không về hả chị?”
Hai mẹ con cứ lủi thủi, cứ tự tìm nguồn vui, tự sản tự tiêu trong cuộc sống như vậy đã gần 2 năm sau khi người đàn bà câm biết mất.